Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Báo Trung Quốc: Chiến lược biển và khu vực ưu tiên triển khai hàng không mẫu hạm

Bài đăng trên Vitinfo.vn - Thứ sáu, 18 Tháng 2 2011 15:43.

Bài viết đăng trên mạng “Thiết huyết Trung Quốc” cho rằng nhìn từ góc độ quân sự, mọi khó khăn của Trung Quốc ngày nay đều bắt nguồn từ chiến lược châu Á của Mỹ. Trong chiến lược phá thế bao vây của Mỹ, Trung Quốc cần theo nguyên tắc “yếu trước mạnh sau, dễ trước khó sau”. Trước tiên giải quyết vấn đề Biển Đông, sau đó giải quyết vấn đề Đông Hải. Để xoay chuyển thế yếu quân sự trước Mỹ, ý nghĩa về chính trị cao hơn ý nghĩa về quân sự. Do đó có thể phải ưu tiên triển khai hàng không mẫu hạm cũ nhập từ Ucraina là “Varyag” tại Hạm đội Bắc Hải, và bố trí hàng không mẫu hạm cỡ lớn do chính Trung Quốc tự sản xuất tại hạm đội Nam Hải và Đông Hải.




Sau những năm 50 của thế kỷ 20, Mỹ đã phong tỏa, bao vây toàn bộ vùng biển của Trung Quốc, tiến hành hai cuộc chiến tranh trên đất liền (Chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam), kết cục là đều chịu thất bại và buộc phải có những điều chỉnh chiến lược. Mỹ đã chuyển từ tấn công quân sự sang bao vây quân sự: tại Đông Hải và Hoàng Hải xây dựng chuỗi đảo bao vây thứ nhất, tại Biển Đông kích động các nước Đông Nam Á giành giật các đảo với Trung Quốc, gây ra tình trạng tranh chấp phức tạp và mưu toan quốc tế hóa vấn đề này. Mỹ muốn dùng Biển Đông và Đông Hải để liên kết các chuỗi đảo, tạo ra hai "gọng kìm" nhằm bao vây toàn diện Trung Quốc.


Nếu Trung Quốc sử dụng ưu thế địa chính trị để hình thành sự đối kháng với Mỹ, rõ ràng trong cuộc đối kháng này, Trung Quốc ở vào thế yếu. Sự yếu thế này của Trung Quốc có thể nhận thấy khi Mỹ phái hàng không mẫu hạm đến Hoàng Hải diễn tập quân sự. Vì vậy, để xoay chuyển tình thế này, ý nghĩa về chính trị cao hơn ý nghĩa về quân sự, có thể phải ưu tiên triển khai hàng không mẫu hạm “Varyag” tại Hạm đội Bắc Hải (hàng không mẫu hạm cũ nhập từ Ucraina). Trong khi đó, Hạm đội Nam Hải và Đông Hải có thể phải bố trí hàng không mẫu hạm cỡ lớn do chính Trung Quốc tự sản xuất. Trong chiến lược phá thế bao vây của Mỹ, Trung Quốc cần theo nguyên tắc “yếu trước mạnh sau, dễ trước khó sau”. Trước tiên giải quyết vấn đề Biển Đông, sau đó giải quyết vấn đề Đông Hải. Đông Hải được Mỹ đầu tư công sức để xây dựng chuỗi đảo bao vây thứ nhất, có thể được coi là chuỗi đảo bất khả công phá. Nhưng thật sự chỉ cần thống nhất với Đài Loan, chuỗi đảo thứ nhất sẽ không cần công mà tự vỡ. Tuy nhiên, với thực lực của Trung Quốc hiện nay, việc thống nhất với Đài Loan là chưa thể làm được, vì vậy cần ưu tiên giải quyết vấn đề Biển Đông trước.


Biển Đông là tuyến biển đặc biệt quan trọng của Trung Quốc. Dầu mỏ từ Trung Đông, khoáng sản từ châu Phi đều phải đi qua Eo biển Malắcca và Biển Đông để vào Trung Quốc. Triển khai hàng không mẫu hạm tại Biển Đông mới có thể làm khiếp sợ một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn không thể đảm bảo an ninh cho tuyến đường đại chiến lược trên biển của Trung Quốc, vì mấu chốt vẫn là Eo biển Malắcca và Ấn Độ Dương. Chỉ có hàng không mẫu hạm tiến ra Ấn Độ Dương, kiểm soát Eo biển Malắcca, triển khai căn cứ hải quân dọc Ấn Độ Dương, biến Biển Đông thành “nội hải” của Trung Quốc mới có thể giải quyết vấn đề Biển Đông một lần và vĩnh viễn.

Sau khi tuyến đường biển chiến lược của Trung Quốc được đảm bảo, Trung Quốc mới có thể yên tâm phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc gia. Đợi đến khi cơ hội chín muồi, Trung Quốc sẽ tiến hành thống nhất với Đài Loan, phá vỡ thế bao vây của Mỹ. Như vậy, thứ tự ưu tiên bố trí hàng không mẫu hạm của Trung Quốc có thể là: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Nam Hải và cuối cùng là Hạm đội Đông Hải; hoặc có thể đồng thời triển khai tại Hạm đội Nam Hải và Đông Hải.


Theo Thiết huyết Trung Quốc

Khổng Tử đã được rước về Thiên An Môn

Bài đăng trên Vitinfo.vn - Tin thế giới Thứ ba, 22/02/2011, 19:42(GMT+7)


VIT - Viện Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc làm lễ khánh thành tượng đài Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn. Một tượng đài đồ sộ có lẽ được du khách chú ý hơn một bức ảnh. Phải chăng họ Khổng đang lấn lướt họ Mao, học thuyết của hai vĩ nhân đang đổi vị trí cho nhau?


Hôm 11 tháng 1 vừa rồi, Viện Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc làm lễ khánh thành tượng đài Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn. Sự việc này đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc, hàng triệu dân mạng nhao nhao phát biếu ý kiến, tranh cãi rất gay gắt.

Tượng đài đặt trước Viện Bảo tàng Quốc gia, đối mặt với bức ảnh Mao Trạch Đông trên thành lầu Thiên An Môn, xa xa bên kia đại lộ Trường An.

Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng Ngô Vi Sơn, Viện trưởng Viện Điêu khắc thuộc Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Trung Quốc, Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc [1]. Ông giới thiệu: Trong thời gian họp Quốc hội và họp Đại hội Chính Hiệp toàn quốc hồi tháng 3 năm ngoái, Giám đốc Viện Bảo tàng quốc gia đề nghị ông làm bức tượng này.

Tượng đài là một phần của công trình cải tạo mở rộng Bảo tàng Quốc gia chi phí hết 2,5 tỷ Nhân Dân tệ (380 triệu USD) tiến hành trong mấy năm nay. Tượng đúc bằng đồng đen, cao 7,9 m, nặng 17 tấn, bệ cao 1,6m, tổng chiều cao 9,5 m, theo đúng quy cách kiến trúc Cửu Ngũ chi tôn dành cho bậc đế vương. Dòng chữ tên Khổng Tử và năm sinh, năm mất, đúc bằng vàng gắn trên bệ do một đại gia Quốc học viết. Tượng đài hoàn thành trong 8 tháng, hơi vội cho nên khá thô, thoạt trông như một tảng đá, một hòn núi. Có thể đấy là dụng ý của tác giả.

“Vị thánh nhân vĩ đại ấy tiên tri tiên giác, tựa hồ dự kiến được 2500 năm sau mảnh đất Trung Hoa này sẽ trời yên biển lặng, quốc thái dân an” – Ngô Vi Sơn phát biểu trong lễ khánh thành tượng đài.
Chắc là ông Ngô muốn nhắc tới thời Chiến quốc đại loạn quần hùng tranh bá xa xưa và cái thời hết “Chỉnh phong”, “Tam phản ngũ phản” lại đến “Cách mạng văn hoá” không lúc nào yên ổn hồi thập niên 40-70 thế kỷ XX.

Lịch sử Trung Quốc cho thấy, đạo Khổng chỉ được tôn vinh khi đất nước này thái bình. Sau ngày Chủ tịch Mao qua đời, Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế, không say mê đấu tranh nội bộ như trước. Hơn ba chục năm trôi qua, trời đã yên biển đã lặng, thánh nhân được rước về nơi linh thiêng nhất trong lòng người Trung Quốc – quảng trường Thiên An Môn.

Cụ Khổng trong tượng y phục giản dị, hông bên trái đeo bảo kiếm, hai tay chắp vào nhau, mắt đau đáu nhìn về phương xa, nét mặt đôn hậu hiền từ, vẻ cam chịu – chứ không mỉm cười như quy định về tượng Khổng Tử do Hội Khổng Tử đặt ra trước đây dăm năm.

Cụ cam chịu là phải. Số phận cay đắng đến với Khổng Tử ngay từ hồi sinh thời, cụ bỏ ra 16 năm đi khắp thiên hạ du thuyết kêu gọi vua chúa các nước chấp nhận đường lối “Nhân trị” (Nhân: thương người), nhưng chẳng ai nghe. Hơn 300 năm sau khi cụ chết, từ ngày Hán Vũ Đế “Bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật” tên tuổi cụ mới được vinh danh suốt hai nghìn năm. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX khi nhà Thanh khuất phục trước các đế quốc phương Tây, giới tân trí thức Trung Quốc tố cáo học thuyết của cụ là nguồn gốc làm dân tộc này hèn yếu, từ đó cụ bị phê phán suốt một thế kỷ. Cách mạng Văn hoá 1966-1976 vùi cụ xuống đất đen. Cụ chỉ còn được tôn vinh trong quần thể người Hoa ở ngoài đại lục. Từ ngày Trung Quốc cải cách mở cửa, Khổng Tử được dần dần ngẩng mặt, nay được rước về Thiên An Môn thực quá vinh hiển; nhưng nghĩ lại chuyện cũ, cụ chẳng tin lần này mình sẽ được tôn vinh mãi mãi, cho nên cụ chưa thể vui cười. Xem ra Ngô Vi Sơn rất hiểu tâm trạng Khổng Tử.

Quả vậy, tượng vừa dựng lên đã có vô số dân mạng đòi dỡ bỏ hoặc dọa dỡ bỏ. Lý do: Khổng Tử là đại diện cho tư tưởng phong kiến lạc hậu, trái với chủ nghĩa xã hội. Người ta chưa quên lời Chủ tịch Mao: Học thuyết Khổng Tử danh cao, thực ra là rác rưởi.

Tượng Đức Khổng nhìn sang thành lầu Thiên An Môn, nơi treo ảnh ông Mao; bức ảnh lớn nhất nước này cao 6 m, rộng 4,6 m, kể cả khung ảnh nặng tất cả 1,5 tấn, từng được 4 đời họa sĩ nổi tiếng tạo tác.

Hai thần tượng Mao-Khổng nhìn nhau qua khoảng cách chiều rộng một đại lộ, khiến du khách có cảm giác họ đang đối thoại với nhau vượt qua thời gian và không gian.

Một nhà báo bình luận: họ Khổng điềm đạm khuyên họ Mao nên thương người, dĩ đức trị quốc; họ Mao thì luôn tràn ngập trong niềm vui đấu tranh với trời với đất với người.

Việc dựng tượng do Bộ Văn hóa chủ trì, người ta đã trù tính chu đáo mọi chuyện để vong hồn ông Mao nếu có thức dậy cũng chỉ thấy đây là một việc không có mưu mô chính trị gì: địa điểm Nhà Bảo tàng Quốc gia vốn là nơi đặt trụ sở Bộ Lễ triều nhà Thanh, thuần túy thuộc về văn hoá. Việc xuất hiện tượng kẻ từng bị mình ra sức hạ bệ cũng không làm ông Mao lo ngại, bởi lẽ trên quảng trường này còn có Nhà Tưởng niệm Mao Trạch Đông đồ sộ, suốt ngày dân chúng xếp hàng vào xem, bên trong có bức tượng rất lớn của ông – nhà báo nói.

Lễ khánh thành tượng đài do Viện Bảo tàng Quốc gia tổ chức, khách mời cao nhất có Phó Chủ tịch Quốc Hội Tưởng Thụ Thanh và Phó Chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc Tôn Gia Chính, hai nhân vật không có thực quyền, và một Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Điều đó cho thấy người ta không muốn làm to chuyện này. Thực ra ai cũng biết dựng tượng Khổng Tử tại Thiên An Môn là chuyện rất nhạy cảm, không chỉ có ý nghĩa văn hoá, và phải được cấp rất cao duyệt y. Dư luận đang hỏi ai là người đưa ra chủ trương ấy, ý đồ sâu xa của nó là gì – chủ nghĩa dân tộc hay CNXH đặc sắc Trung Quốc? CNXH liệu có bị thay bằng Nho giáo hay không?

Sự kiện nói trên làm bùng lên một cuộc tranh cãi ầm ĩ, kẻ tán thành người phản đối. Dù ai nói gì, dù ai yêu hay ghét thì Khổng Tử vẫn là một nhân vật lịch sử không ai có thể bỏ qua.

Nhiều người cho sự kiện đó là một tín hiệu rất quan trọng chứng tỏ quốc gia vĩ đại này đang tìm về cội nguồn văn hoá của mình, Nhà nước muốn dùng văn hoá truyền thống để hội tụ niềm tin của toàn dân tộc. Người khổng lồ Trung Quốc đã trỗi dậy, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rồi, nay cần tìm chỗ dựa văn hoá, tư tưởng. Lâu nay văn hoá phương Tây lấn át phương Đông, Trung Quốc chưa tận dụng được nền văn hoá lâu đời 5000 năm của mình để rèn được một tính thần dân tộc riêng, như thế sao có thể ngẩng cao đầu.

Có người nói sự kiện trên đánh dấu thời đại hệ tư tưởng phương Tây thống trị Trung Quốc đã trở thành quá khứ. Bao năm nay người Trung Quốc chỉ biết tiếp thu các tư tưởng đến từ phương Tây (Lenin đã bị quên từ lâu, còn Marx cũng bị coi là người phương Tây?). Đất nước chiếm 1/4 nhân loại này đã đến lúc cần xây dựng hệ tư tưởng riêng của mình cho xứng với tầm vóc một quốc gia đang sắp sửa dẫn đầu thế giới về quốc lực tổng hợp. Phục hồi học thuyết của Khổng Tử là hướng đi được lựa chọn.

Từ thập niên 90 thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu dần dần phục hồi Quốc học, tức học thuật Trung Hoa. Đa số học giả Quốc học muốn phục hồi Nho giáo mà họ cho là quan trọng nhất. Chính quyền ngầm ủng hộ quan điểm đó. Học thuyết Khổng Tử từng trụ vững mấy nghìn năm trong xã hội nước này, rễ bén rất sâu, lấn át tất cả các học thuyết Đạo gia, Pháp gia v.v... Có điều, vua chúa phong kiến đề cao Khổng Tử nhưng lại không thực thi phần tốt đẹp nhất trong Khổng học là “Nhân trị”, vì thế làm mất thanh danh của cụ. Các học giả nói: xưa nay xã hội Trung Quốc có hai cụ Khổng. Một Khổng Tử đích thực, nhà hiền triết mà tư tưởng của cụ thể hiện trong sách Luận Ngữ có thể tóm gọn trong một từ Lương tâm xã hội – Khổng Tử ấy bị chế độ phong kiến lờ đi. Chúng lợi dụng một Khổng Tử “nhân tạo” được tô vẽ tâng bốc tới mức có người nói “Trời không sinh Trọng Ni, muôn đời như đêm tối”.

Nhưng việc phục hồi Nho giáo tiến hành rất trầy trật, dù có sự hậu thuẫn không ra mặt của chính quyền. Giới học giả phái Mác-xít cũng như phái tự do đều ra sức phản đối.

Học giả Lý Linh viết “Chó không nhà – Tôi đọc Luận Ngữ”, được bình chọn là sách hay nhất Trung Quốc năm 2007. Sách phê phán Nho giáo một cách hệ thống, lý lẽ sâu sắc khó có thể phản bác. Nhưng tên sách bị nhiều người phản đối. Tác giả thanh minh: Đây chính là lời Khổng Tử tự nói về cụ; bất cứ nhà trí thức nào hoài bão lý tưởng mà bất mãn với thế giới hiện thực thì đều là Chó không nhà...

Cùng thời gian ấy bà giáo sư Vu Đan lên Đài Truyền hình trung ương thuyết giảng ca ngợi Khổng Tử hết lời, được bàn dân thiên hạ (chủ yếu phụ nữ) khen hay. Các bài giảng ấy tập hợp thành sách “Vu Đan Luận Ngữ Tâm đắc” bán được mấy triệu bản, tác giả được bình chọn là một trong mấy người đẹp nhất Trung Quốc và được mời sang Đài Loan diễn thuyết.

Hai cuốn sách viết về đức Khổng, một phê phán tơi bời, một ca ngợi quá đáng, đều cùng là sách bán chạy nhất. Chuyện ấy có lẽ chỉ có ở Trung Quốc.

Vì sao Khổng Tử lại long đong lận đận như vậy?

Có thể kết luận: tất cả là do bàn tay các nhà chính trị quê hương cụ. Khi cần cụ thì người ta dựng cụ lên, khi không cần thì đạp đổ. Cũng con người ấy, học thuyết ấy, lúc thì ca ngợi lên mây, lúc thì vùi giập không thương tiếc. Tất cả chỉ để phục vụ mục đích sâu xa của tầng lớp cầm quyền.

Nho giáo trọng lễ giáo, đề xướng “Quân quân thần thần”, tức ai nấy nên tôn ti trật tự vua là cao nhất, rồi đến quan, chớ có “vượt rào”. Hán Vũ Đế phát hiện Nho giáo có thể củng cố vương triều mình, vì thế đưa học thuyết ấy lên làm hệ tư tưởng của chế độ phong kiến. Mao Trạch Đông muốn lật đổ sự lãnh đạo của Lưu Thiếu Kỳ và “Phái đương quyền” chống Mao, vì thế ông phải đánh đổ Nho giáo, khuyến khích Hồng Vệ Binh “Tạo phản”. Khi Giang Thanh muốn hạ bệ Thủ tướng Chu Ân Lai có cốt cách nhà Nho trung dung đang chặn con đường thăng tiến của mình, bà ta phát động phong trào “Phê Lâm phê Khổng”.

Hơn ba chục năm sau khi Mao qua đời, tượng Khổng Tử chễm chệ ngự ngay tại Thiên An Môn. Rõ ràng, ngài lại được dùng để phục vụ nhu cầu chính trị trong thời kỳ mới, khi Trung Quốc đang tiến lên ngôi vị siêu cường thế giới.

Trước hết là nhu cầu làm cho nội bộ xã hội được hài hòa, yên ổn. Sau 30 năm cải cách mở cửa, kinh tế phát triển thần tốc, đất nước giàu lên chưa từng thấy, cái bánh ga-tô thành quả kinh tế ấy nên phân chia thế nào cho được lòng tất cả mọi người, chuyện ấy đã trở thành vấn đề lớn nhất bên trong xã hội Trung Quốc. Do tác động của các nhóm lợi ích, của cái gọi là chủ nghĩa tư bản thân quen (cronycapitalism), sự phân phối thành quả kinh tế ngày càng bất công, lắm nơi dân nghèo tức giận biểu tình phá phách, giữ ổn định xã hội trở thành vấn đề gay cấn nhất hiện nay. Ban lãnh đạo nước này đề xuất phải thực hiện ý tưởng xã hội hài hòa. Liên kết ý tưởng ấy với vị Chí thánh tiên sư cách đây 2500 năm sẽ thể hiện ý tưởng cai trị xã hội hiện nay là có nguồn gốc lịch sử và trí tuệ sâu xa, như thế sẽ dễ giành được sự đồng thuận xã hội. Truyền thống bao giờ cũng là nguồn sức mạnh vô biên, không nhà lãnh đạo nào không tận dụng. Giờ đây người ta giải thích chữ “Hòa” (hòa bình, hài hòa ...) như sau: bộ Hòa bên trái nghĩa là thóc gạo, chữ Khẩu bên phải nghĩa là ăn; dân có thóc gạo ăn thì dĩ nhiên là hoà bình, hài hòa rồi. Chữ “Hài”: bộ Ngôn bên trái nghĩa là nói, chữ Giai bên phải nghĩa là “tất cả đều”; khi mọi người đều được quyền nói tức là dân chủ, là hài hòa với nhau.

Thứ hai là nhu cầu đối ngoại. Trên thế giới, Khổng Tử là người Trung Quốc nổi tiếng nhất xưa nay; Nho giáo của cụ gắn liền với lịch sử đất nước này, chả thế nhà chính trị học người Mỹ Huntington xếp văn hoá Trung Quốc vào loại hình văn hoá Nho giáo. Mao Trạch Đông từng nói Khổng Tử là thánh nhân của Trung Quốc phong kiến, Lỗ Tấn mới là thánh nhân của Trung Quốc hiện đại. Nhưng thời nay lời ông Mao đã mất thiêng. Khổng Tử dường như đã trở thành đại diện duy nhất của văn hoá Trung Hoa xưa và nay. Chính phủ Trung Quốc bỏ tiền tỷ ra xây dựng Học viện Khổng Tử khắp thế giới để quảng bá nền văn hoá của nước họ.

Sau khi biết tin Lưu Hiểu Ba được tặng giải Nobel hoà bình, một số học giả Trung Quốc phản đối sự trao giải này đã đặt ra “Giải hoà bình Khổng Tử (Confucius Peace Prize)” để đối chọi lại giải Nobel [2]. Rõ ràng Trung Quốc muốn dùng văn hoá Khổng học để chống lại “sự xâm lăng của văn hoá phương Tây”. Họ ra sức tuyên truyền ý tưởng văn hoá phương Đông đang thay thế văn hoá phương Tây dẫn đầu thế giới. Tư tưởng Khổng Tử sẽ là thứ sức mạnh mềm mà Trung Quốc đang thiếu, khi sức mạnh cứng của họ đã khá đủ để chọi lại phương Tây.

Chắc chắn quá trình phục hồi Nho giáo sẽ gặp nhiều khó khăn. Sau cả thế kỷ bị vùi giập, Nho giáo gần như đã chết trong lòng người Trung Quốc, nay khó có thể trở lại vị trí như trước; nhất là vì nó đi ngược với chủ nghĩa cộng sản, với trào lưu hiện đại hoá. Gần đây không ít nhân vật có máu mặt ở Trung Quốc vẫn lên tiếng phê phán nó. Trung tướng Lưu Á Châu Chính ủy ĐH Quốc phòng Trung Quốc nói Nho giáo là triết học của xã hội quan trường hoá, chủ trương ngu dân; Nho giáo có tội với người Trung Quốc ...

Thế nhưng tượng Khổng Tử đã được dựng tại nơi ảnh Mao Trạch Đông độc chiếm từ năm 1949 tới nay. Việc này rõ ràng có ý nghĩa chính trị chứ không đơn thuần chỉ để thu hút khách du lịch. Một tượng đài đồ sộ có lẽ được du khách chú ý hơn một bức ảnh. Phải chăng họ Khổng đang lấn lướt họ Mao, học thuyết của hai vĩ nhân đang đổi vị trí cho nhau?

Sự kiện trên khiến người ta không thể không đặt dấu hỏi về định hướng phát triển chính trị của Trung Quốc trong tương lai. Song có lẽ chẳng ai có thể đưa ra kết luận gì, bởi lẽ Trung Quốc xưa nay bao giờ cũng là một đất nước thần bí, khó hiểu./.

Ghi chú

[1] Tương đương Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

[2] Hôm 9/12/2010 Ban Bình chọn giải Hòa bình Khổng Tử (gồm 6 giáo sư ĐH Bắc Kinh, ĐH Sư phạm Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa) đã làm lễ trao giải này đầu tiên tại Bắc Kinh, người được tặng là ông Liên Chiến Chủ tịch danh dự Trung Quốc Quốc Dân Đảng (ở Đài Loan) “do có đóng góp cho việc bắc cầu hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan”; nhưng ông này nói không biết có giải này và không sang Trung Quốc nhận giải. Kết quả một bé gái 6 tuổi được nói là “đại diện cho Liên Chiến” lên nhận giải trị giá 15000 USD. Có dân mạng TQ nói giải này cũng như tượng Khổng Tử tại Thiên An Môn, chỉ là trò hề.

Nguyên Hải

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Chính khách, quan chức, công dân và số phận đất nước


Tác giả: TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
Bài đã được xuất bản trên VietnamNet: 17/02/2011 05:00 GMT+7

Hai kết quả trái ngược nhau, Mohamed Bouazizi bị chết thảm kéo theo cả chế độ Ben Ali bị sụp đổ, Hải Hà, Hải Linh được ở lại Đức với một chính thể mạnh hàng đầu thế giới, đều chi phối bởi quy luật nhân quả: chế độ đó có tính người hay không - được đo lường trước hết bởi chính hành xử của hệ thống quan chức chính khách tạo nên thể chế đó trước những đòi hỏi của từng thân phận, cuộc sống thường nhật của mỗi con người, bất luận là nhà nước gì; cùng ý thức trách nhiệm của mọi công dân trước đồng loại mình, dù họ là ai!


Luật pháp cũng phải có tính người chứ

Theo thống kê gần nhất, thành phố Leipzig, Đức, có 2.438 người Việt / tổng số 27.057 người nước ngoài sống ở Leipzig, đến từ 60 quốc gia, chiếm vị trí thứ 1. Leipzig có 2914 doanh nghiệp ngoại kiều, thì người Việt sở hữu 518 doanh nghiệp, tương đương 5 người / 1 doanh nghiệp. Tỷ lệ học sinh tiểu học vào học trường phổ thông phân ban (hệ vào thẳng đại học) chiếm tới 79% cao hơn bất kỳ sắc tộc nào kể cả người Đức chỉ 43%.

Tiếng Việt được coi là môn ngoại ngữ dạy trong 13 trường phổ thông, ngân sách thành phố chi mỗi năm hàng chục nghìn Euro tổ chức dạy ngoại khoá cho con em người Việt. Tên tuổi người Việt nổi bật trong các chương trình đa văn hoá của thành phố, trong các chuyên đề nhập cư, được các chính khách trong vai trò lãnh đạo đảng phái, cơ quan dân cử, coi là biểu tượng hoà nhập của người nước ngoài, như Ông Tiefensee, chính khách đảng SPD, sau này trở thành Bộ trưởng Giao thông Liên bang, lúc còn là thị trưởng thành phố, trong một lần tới dự Tết Nguyên Đán, khẳng định: Cộng đồng người Việt đã tô thêm sắc mầu đẹp đẽ cho nền văn hoá Đức.

Như mọi Tết, dịp tốt nhất cho cộng đồng người Việt thể hiện mình, Tết Tân Mão lần này được Hội người Việt chuẩn bị công phu cả tháng trời, thông báo cho Sở Nội vụ thành phố theo luật định. Hai ngày trước Tết, họ tới kiểm tra, phát hiện hội trường chủ cho thuê không đảm bảo quy phạm Luật phòng chống cháy về cửa thoát hiểm, chỗ tập kết xe cứu hỏa, sử dụng lò sưởi đốt khí trực tiếp loại bị cấm..., liền lập biên bản tổng kết các hạng mục phải khắc phục. Chủ cho thuê người Việt bỏ qua nhiều điểm, bởi hội trường vốn được cải tạo từ một nhà kho, đảm bảo tiêu chuẩn không dễ, cũng có thể do không nắm vững luật pháp, phần ỷ vào thế Tết là một sự kiện trọng đại đã hoàn tất mọi khâu chuẩn bị, mời cả chủ tịch, quan khách thành phố tới dự, lên lịch trước cả tháng, không thể dịch lịch hay hủy.

Một tiếng rưỡi trước giờ khai mạc, họ tới nghiệm thu, với đầy đủ quan chức phòng ban, từ Sở Nội vụ, đến Xây dựng, Môi trường, Phòng chống cháy, Qủan lý thị trường, Cảnh sát. Hội trường đang nhộn nhịp hoàn tất những công đoạn cuối cùng, sân khấu, phông màn nổi bật con mèo ngộ nghĩnh, mắt tinh ranh, dàn nhạc đang thử âm thanh réo rắt, ánh sánh lấp lánh đủ mầu, rượu, mứt bày đầy bàn, ẩm thực đủ các món thuần Việt ngào ngạt. Đoàn quan chức liên ngành mở biên bản hôm trước, dò tất cả 9 hạng mục thì tới quá nửa không thực hiện.

Nhiều lý do được đưa ra biện hộ, rồi viện cả ý nghĩa trọng đại nhất, văn hoá tâm linh Tết kiêng cữ xui xẻo, đến cả tình hữu nghị 2 dân tộc, tới cả chủ tịch thành phố đang trên đường tới dự, nhưng viên quan chức trưởng đoàn vẫn dứt khoát một mực: luật là luật ! Là quan chức hành xử, chúng tôi không thể làm khác, bởi bất kỳ lệnh ai, hay vì bất cứ mối quan hệ nào, do mục đích gì, ngoại trừ có phán quyết khác của toà án. Một luật sư Đức, khách mời tới dự Tết, ra sức thương thảo giúp, cũng đành phải lắc đầu: Thủ tướng có tới đây cũng đành chịu.

Rốt cuộc, Hội trường bị cảnh sát niêm phong. Đồ ăn, thức uống, chuẩn bị cho nghìn người, tất cả đều phải thu dọn đưa ra ngoài. Tết vậy là hết ! Tội các cháu tập dượt muá từ sáng liên thông chờ biểu diễn, tiu nghỉu. Nhiều người tiếc uổng công sức, phản đối: ừ thì luật, nhưng cũng phải có tính người chứ !

Đúng! Luật pháp, cũng có nghĩa thể chế, nhà nước, sinh ra để phục vụ lợi ích con người, không thể không mang cốt lõi tính người. Viên trưởng đoàn thẳng thắn: Luật phòng chống cháy đặt tính mạng con người trên hết. Nếu vẫn thấy không có tính người, các ngài luôn có cơ hội chống lại nó, viện khẩn cấp đến toà án - quyền của bất kỳ công dân nào.

Gia đình ông Trần ở thành phố Tübingen, nhập cảnh ở lại Đức không giấy tờ từ năm 1992, có 3 con đều chào đời tại đây, ròng rã 13 năm trời thấp thỏm chờ trục xuất cho tới năm 2005, lúc Hải Hà lên 12 tuổi, Hải Linh 11 và Hải Nam 5 tuổi. Theo đúng Luật Ngoại kiều, bước chân vào Đức, gia đình ông đệ đơn xin hưởng quy chế tỵ nạn, nhưng không được chấp thuận, tiếp đến kiện ra toà bị toà bác bỏ, liền đó đệ đơn tới Ủy ban khiếu nại của Quốc hội tiểu bang cũng bị từ chối. Trông chờ vào cứu cánh cuối cùng, năm 2005 ông đệ đơn tiếp đến Ủy ban cứu xét các trường hợp đặc biệt, cũng bị từ chối nốt. Mọi cơ hội pháp lý ở lại vậy là chấm hết. Kết quả, cảnh sát buộc phải cưỡng chế cả nhà từ sáng sớm hôm có lệnh trục xuất ra sân bay.

Trong những năm chờ cứu xét, cả gia đình ông Trần được nhà nước trợ cấp bảo đảm cuộc sống, bảo hiểm xã hội, cùng mọi quyền cơ bản của ngoại kiều sống ở Đức. Lúc này, 2 bé lớn đã học tới lớp 6 và lớp 5, đều giỏi nhất lớp, danh tiếng được cả trường đặc biệt chú ý. Tin Hải Hà, Hải Linh, cùng bé 5 tuổi Hải Nam và bố mẹ bị cảnh sát bắt chở ra sân bay trục xuất, như sét đánh chấn động toàn trường. Học sinh nháo nhác hỏi nhau, đứa nào đứa nấy, mắt đỏ hoe, nhiều đứa khóc tức tưởi, người bạn học giỏi nhất, tấm gương điển hình nhất, luôn vui vẻ, thân thiện giúp đỡ chúng như những người ruột thịt, bỗng nhiên bị cướp đi, không cả cho chúng được một lời vĩnh biệt.

Ý thức tự nhiên về quyền con người, quyền đòi hỏi trách nhiệm nhà nước trước dân, từ tấm bé của người Đức - nền tảng chắc chắn cho bất cứ dân tộc nào muốn mọi thế hệ đều có thể làm chủ đất nước mình, chứ không phó mặc cho cơ quan công quyền - thúc đẩy chúng hành động. Hết buổi học, bọn trẻ cả trường hò nhau thảo kháng thư tập thể gửi lên Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang chịu trách nhiệm về ngoại kiều, đòi trả lại Hải Hà, Hải Linh cho chúng, với lý lẽ hiển nhiên: Người ta sinh ra lớn lên ở đâu, thì đó là quê hương. Trục xuất Hải Hà, Hải Linh ra khỏi quê hương là không có tính người !

Rất may, tới giây phút cuối cùng cưỡng chế lên máy bay, một án trát khẩn cấp của toà án hành chính tiểu bang bác bỏ lệnh trục xuất, được gửi bằng công điện tới cảnh sát áp giải, nhờ có luật sư nộp đơn xin tỵ nạn cho đứa con thứ 2 của gia đình và đệ đơn khẩn lên toà đòi can thiệp theo luật tỵ nạn, cho phép người đệ đơn xin tỵ nạn chưa xét xử được ở lại Đức chờ kết qủa. Rốt cuộc, cảnh sát phải hộ tống gia đình ông Trần trở lại, để chờ xét đơn tỵ nạn đã đệ trình. Tuy nhiên, đơn này gia đình ông Trần cầm chắc sẽ bị từ chối, lại tiếp tục thấp thỏm trước một tương lai trục xuất khó tránh, nếu luật pháp Đức không thay đổi.

Kháng thư tập thể học sinh chống lại lệnh trục xuất không tính người, gây hiệu ứng dây chuyền ngay lên giới chính khách. Nghị sỹ Tiểu bang, thuộc đảng SPD, lập tức viết thư chất vấn Chủ tịch Chính phủ vùng, quan chức cao nhất chịu trách nhiệm cuối cùng đối với lệnh trục xuất. Chủ tịch giải trình, luật pháp đã buộc họ không thể làm khác, sau khi mọi cơ hội pháp lý cứu giúp ông Trần đã khai thác hết.

Nhiều nghị sỹ, đảng phái khác vào cuộc lên tiếng phản đối, đến tận nhà tìm hiểu, gửi thư can thiệp tới các quan chức liên quan. Trường học của Hải Hà, Hải Linh kiên quyết bảo vệ học sinh mình, liên kết với các hội sáng kiến được thành lập mang tên vì gia đình ông Trần, tổ chức nhiều cuộc vận động rộng khắp, thu được hơn 1500 bức thư gửi tới, tập hợp được 4500 chữ ký ủng hộ chỉ trong vòng 5 tuần sau vụ trục xuất bất thành, chuyển tiếp lên Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang.

Sức mạnh phong trào đấu tranh tiếp sức cho các nghị sỹ, họ ra thông cáo báo chí và đòi Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang phải tìm kiếm một giải pháp pháp lý cho phép những người lưu trú đã lâu được ở lại, may ra mới giải quyết được những trường hợp như gia đình ông Trần. Sự kiện trục xuất bất thành gia đình ông Trần vậy là vượt ra khỏi phạm vi gia đình, trở thành đề tài tranh cãi nóng bỏng trên chính trường Đức về chính sách lưu trú đối với ngoại kiều, rốt cuộc được đặt lên bàn Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ các Tiểu bang năm đó, và tại đấy một dự luật bổ sung luật lưu trú được soạn thảo.

Kết qủa, dự thảo được Hạ và Thượng viện Đức chấp thuận, bổ sung vào Luật Lưu trú, điều 104 a cho phép người nước ngoài có con chưa trưởng thành, cũng như những người con đã trưởng thành sống độc lập, bị từ chối cấp giấy phép lưu trú, nhưng đã ở Đức ít nhất 6 năm, được quyền ở lại, đúng đòi hỏi của học sinh trường học Hải Hà, Hải Linh: người ta sinh ra lớn lên ở đâu, thì đó là quê hương! Tính người không cho phép trục xuất họ. Luật pháp ra đời không hẳn từ những bộ óc cao siêu nghĩ ra mà bắt đầu chỉ từ tiếng nói của những đứa trẻ - một lẽ thường, nếu hiểu luật pháp xuất phát từ từng con người vì từng con người, và do từng con người, phải có trong một nhà nước mang tính người.

Có thể liên tưởng đến thời sự chính trị thế giới hiện nay. Không có mối liên hệ nào giữa người sinh viên Mohamed Bouazizi ở nước Tunisie thất nghiệp phải tự kiếm sống bằng bán rau quả rong, không giấy phép, bị tịch thu, với Hải Hà, Hải Linh bị từ chối giấy phép lưu trú, đành chịu cưỡng chế ra sân bay trục xuất.

Không có mối liên hệ gì giữa cảnh sát Tunisie tịch thu hàng hoá của Mohamed Bouazizi với cảnh sát Đức trong trường hợp cưỡng chế Hải Hà, Hải Linh, hay niêm phong hội trường tổ chức Tết Tân Mão người Việt; cũng như giữa Mohamed Bouazizi phải tự thiêu để phản đối với học sinh trường học Hải Hà, Hải Linh thảo thư phản kháng; giữa ty cảnh sát Tunisie không chịu tiếp thỉnh cầu của Mohamed Bouazizi với Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang ủng hộ thư của học sinh trường Hải Hà Hải Linh, hay giải thích của cảnh sát khi niêm phong hội trường; giữa một phong trào từ trẻ em tới người dân đến chính khách ủng hộ Hải Hà, Hải Linh với một guồng máy nhà nước Tunisie thờ ơ vô cảm trước nạn nhân của chính quan chức nhà nước đó.

Nhưng cả hai kết quả trái ngược nhau, Mohamed Bouazizi bị chết thảm kéo theo cả chế độ bị sụp đổ, Hải Hà, Hải Linh được ở lại Đức với một chính thể mạnh hàng đầu thế giới, đều chi phối bởi quy luật nhân quả: chế độ đó có tính người hay không - được đo lường trước hết bởi chính hành xử của hệ thống quan chức chính khách tạo nên thể chế đó trước những đòi hỏi của từng thân phận, cuộc sống thường nhật của mỗi con người, bất luận là nhà nước gì; cùng ý thức trách nhiệm của mọi công dân trước đồng loại mình, dù họ là ai!

Siêu cường số 1- giấc mộng trăm năm của Trung Quốc (Tiếp theo)

Bài đang trên nghiencuubiendong.vn

Bắt đầu từ chương V trở đi, tác giả chủ yếu phân tích, đánh giá và đề ra những bước đi để Trung Quốc có thể thay thế được Mỹ để trở thành siêu cường số 1 trong thời gian tới.


Chương V: Chiến lược lớn đòi hỏi phải có tư duy chiến lược

Nước lớn, lớn ở “chiến lược”, bốn giai đoạn chiến lược lớn của Trung Quốc và ba cấp độ của chiến lược lớn của Trung Quốc

Chiến lược quyết định phương hướng và tiền đồ của một quốc gia, một dân tộc, là mạng sống của quốc gia và dân tộc.Chiến lược chính là cái lưới, cái lưới được căng lên thì các mắt lưới sẽ mở ra. Quá trình diễn biến của đại chiến lược Trung Quốc có 4 giai đoạn chiến lược, thể hiện qua 4 loại hình thái chiến lược: (i) chiến lược sinh tồn; (ii) chiến lược phát triển; (iii) chiến lược trỗi dậy, (iv) chiến lược lãnh tụ. Đại chiến lược của Trung Quốc là sự thống nhất của ba bộ phận cấu thành là chiến lược quốc gia, chiến lược châu Á và chiến lược toàn cầu.

Ba vấn đề căn bản mà đại chiến lược của Trung Quốc trong thế kỷ 21 phải giải quyết là: (i)xây dựng một nước Trung Quốc như thế nào; (ii) xây dựng một châu Á như thế nào; (iii) xây dựng một thế giới như thế nào? Và cũng nhấn mạnh thế giới quá quan trọng, không thể giao cho nước Mỹ nên về mặt qui hoạch và thiết kế, Trung Quốc cần phải đưa ra được những thứ tốt hơn Mỹ; về mặt lãnh đạo, Trung Quốc cần có được cương lĩnh chính trị xuất sắc hơn Mỹ.

Chiến lược lớn của Trung Quốc cần học gì ở Mỹ?

Trên thế giới hiện nay, quốc gia duy nhất có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ có Mỹ. Do đó, Trung Quốc muốn trỗi dậy thành công cần phải học tập Mỹ, nghiên cứu Mỹ, ứng phó với Mỹ. Đặc điểm của sự trỗi dậy của Mỹ là tốc độ nhanh, vốn ít, giá phải trả thấp hay có thể tổng kết thành nghệ thuật “trỗi dậy giá rẻ” của Mỹ. Nước Mỹ có hai thành công mang tính chiến lược là tiến hành sự trỗi dậy của nước lớn một cách thuận lợi và thành công trong việc kiềm chế có hiệu quả các nước lớn trỗi dậy thách thức bá quyền của mình. Con đường trỗi dậy của Mỹ được xây dựng trên đống đổ nát của cuộc cạnh tranh tàn sát lẫn nhau giữa các nước lớn khác theo kiểu “trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”. Trong quá trình trỗi dậy của mình, cho dù là đối với bạn bè hay đối với kẻ thù, Mỹ luôn có sự chuẩn bị chiến tranh đầy đủ. Trong nghệ thuật trỗi dậy của Mỹ có một đặc điểm là “giấu mình chờ thời mang đặc tính Mỹ” và luôn duy trì sự cảnh giác cao độ đối với các thế lực bên ngoài.

Vấn đề chiến lược đầu tiên hướng ra thế giới của dân tộc Trung Hoa trong thế kỷ 21 chính là hướng đến Mỹ, đối tượng mà Trung Quốc cần phải hợp tác nhất là Mỹ, đối tượng mà Trung Quốc cần cảnh giác nhất cũng là Mỹ. Bởi vậy, Trung Quốc phải luôn giương cao ngọn cờ của “thuyết hợp tác”, “thuyết hữu nghị”, “thuyết đối tác”, hội tụ những nhận thức chung trong cộng đồng quốc tế; nhưng TQ cũng không thể không biết đến sự cảnh tỉnh của “thuyết kiềm chế”, “thuyết âm mưu”, “thuyết cạm bẫy”, lúc nào cũng phải duy trì tinh thần cảnh giác đối với âm mưu của các thế lực bên ngoài.

Chương VI: Không nên có ảo tưởng đối với Mỹ

Ảo tưởng về chiến lược, không khác gì tự sát

Đối với Mỹ cần có kỳ vọng nhưng không thể xa rời thực tế; đối với quan hệ Trung – Mỹ cần có lý tưởng nhưng không nên lý tưởng hóa. Thế kỷ 21, vấn đề hàng đầu trong đại chiến lược của Trung Quốc là không ôm chiến lược ảo tưởng đối với nước Mỹ.

Quốc gia tiềm ẩn đứng đầu, đối thủ trời sinh của quốc gia đứng đầu và Mỹ đã kiềm chế sự vươn lên của Nhật Bản và Liên Xô thế nào?

Cùng với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của nước Mỹ trong khủng hoảng tài chính, vị thế quốc gia giữa hai nước Trung – Mỹ sẽ khốc liệt hơn, “quan hệ đối thủ chiến lược cạnh tranh”giữa Trung – Mỹ sẽ nổi trội hơn. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Mỹ đăng quang ngôi vị quốc gia đứng đầu, đã hai lần tiến hành thành công cuộc chiến bảo vệ ngôi vị đứng đầu vào cuối thế kỷ 20 với Nhật Bản - nước cùng ý thức hệ với Mỹ trong nội bộ phe tư bản chủ nghĩa phương Tây và với Liên Xô - nước có ý thức hệ khác với Mỹ.

Với Nhật Bản, Mỹ dùng chiến lược phản công: ném bom nguyên tử tài chính. Chiến lược phản công của Mỹ đối với Nhật về cơ bản là tước đoạt quyền chủ động chiến lược của Nhật, chủ yếu dựa vào 2 tuyệt chiêu là thực hiện cuộc chiến tài chính với Nhật và xây dựng "kinh tế mới" lấy thông tin hóa và toàn cầu hóa làm đặc trưng cơ bản.

Với Liên Xô, Mỹ đã rất thành công với phát minh chiến lược: Chiến tranh Lạnh.

Mỹ sẽ kiềm chế Trung Quốc như thế nào?

Hiện nay, Mỹ đang tiến hành cuộc chiến thứ ba của mình - "cuộc chiến bảo vệ ngôi vô địch", kiềm chế Trung Quốc. Trong thế kỷ 21, sự kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện qua 4 đặc điểm: (i) có tính tất yếu bản chất; (ii) có tính nghệ thuật cao; (iii) có tính lâu dài của "cuộc đọ sức thế kỷ"; (iv) đòi hỏi phải có tính sáng tạo chiến lược chưa từng có. Để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ còn gặp khó khăn trên 4 mặt sau: (i) Trung Quốc thuộc dạng "trỗi dậy lương thiện" nên rất khó để định tính cho Trung Quốc; (ii) Trung Quốc kiên trì "trỗi dậy mềm", như nước chảy mây trôi, khó mà ngăn cản được; (iii) Trung Quốc vẫn luôn "trỗi dậy trong hệ thống", rất khó để bài xích; (iv) Trung Quốc tiến hành "trỗi dậy cùng có lợi", đã trói chặt lợi ích từ sự trỗi dậy của Trung Quốc với sự phồn thịnh của nước Mỹ, hoặc là cùng phồn vinh, hoặc là cùng thương vong, khiến Mỹ khó có thể hại người lợi ta, làm hại Trung Quốc cũng không có lợi gì cho Mỹ.

Tư duy chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện qua 3 thuyết là: "thuyết dẫn dắt", "thuyết quản lý" và "thuyết bao bọc". Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc xuất hiện cụm từ "Chiến tranh Ấm"- bản chất là "chiến tranh bán Lạnh", là sự đấu sức và đấu trí diễn ra trong môi trường hợp tác. Và Mỹ gặp được Trung Quốc là "duyên phận" của Mỹ, là vận may trên vũ đài quốc tế vì Mỹ gặp được một đối thủ cạnh tranh và hợp tác tốt nhất, đó chính là một nước Trung Quốc lương thiện.

“Không có kẻ thù vĩ đại, thì cũng không có nước Mỹ vĩ đại”

Chiến lược văn hóa của Mỹ chính là tạo ra văn hóa "kẻ thù", khiến Mỹ bắt buộc liên tục tìm kiếm "kẻ thù", không ngừng hò hét về sự "đe dọa" và không ngừng thổi phồng về "khủng hoảng". Tại sao Mỹ cần kẻ thù? Vì: (i) Có kẻ thù sẽ có thách thức và cạnh tranh, sẽ có động lực; (ii) Có kẻ thù, Mỹ mới có thể đoàn kết và tạo ra sự qui tụ trong nước có hiệu quả; (iii) Có kẻ thù mới có những lợi ích đặc thù của quân đội và các tập đoàn công nghiệp quân sự; (iv) Có kẻ thù mới có thể ra lệnh cho chư hầu và duy trì được vị thế bá chủ của nước Mỹ.

Tiêu chuẩn chọn kẻ thù của Mỹ có tính tổng hợp, nhưng chủ yếu xét trên 2 điểm sau: (i) tiêu chuẩn ý thức hệ, đối với Mỹ kẻ địch lý tưởng là kẻ có ý thức hệ đối lập với Mỹ, có sự khác nhau về chủng tộc và văn hóa, về sức mạnh quân sự to lớn đến mức có thể tạo thành sự đe dọa về an ninh đối với Mỹ; (ii) tiêu chuẩn về sức mạnh, phải tìm ra quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất, có tiềm lực và thực lực, có xu thế thách thức Mỹ để làm địch thủ đối phó. Căn cứ vào tiêu chuẩn "chọn kẻ thù" của Mỹ thì Trung Quốc tuyệt đối phù hợp với điều kiện là "địch thủ" của Mỹ. Nhưng một nước Mỹ giỏi tạo ra "địch thủ vĩ đại" đã trở thành một nước Mỹ cô độc và bi ai. Sự vĩ đại của Mỹ đã không thể thực hiện và duy trì thông qua việc tạo dựng địch thủ vĩ đại, bởi vậy "liên minh Trung - Mỹ" đã xuất hiện trong tư duy mới của Mỹ. Lịch sử phát triển của Mỹ sẽ bước vào một điểm ngoặt đó chính là phải mở ra một con đường mới "không có kẻ thù vĩ đại, vẫn có nước Mỹ vĩ đại".

Chương VII: Nước lớn trỗi dậy phải có đại quân

Sự phục hưng vĩ đại “kêu gọi” tinh thần “thượng võ”

Thế kỷ 21, Trung Quốc muốn trỗi dậy, ứng phó với sự đe dọa từ phía Mỹ, bảo đảm không có đại chiến Trung - Mỹ thì Trung Quốc phải có đại quân. Đây là sự đầu tư an ninh, đầu tư phát triển và đầu tư trỗi dậy mà Trung Quốc phải tiến hành. Hiện nay, Trung Quôc đang trỗi dậy, công cuộc phục hưng đang được thực hiện. Muốn tiến hành công cuộc phục hưng vĩ đại thì phải phục hưng tinh thần thượng võ của dân tộc Trung Hoa. Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc trong thời đại Hán Đường là "Trung Quốc anh hùng; Trung Quốc sau nhà Tống là một "Trung Quốc nhu nhược; Trung Quốc sau chiến tranh Nha Phiến là "Trung Quốc chịu đòn"; "Trung Quốc chiến đấu" là Trung Quốc của thế kỷ 20 và Trung Quốc của thế kỷ 21 là một "Trung Quốc hùng mạnh".


Muốn 'Trỗi dậy hòa bình' phải 'Trỗi dậy quân sự'


Thế kỷ 21, xây dựng "Trung Quốc lớn mạnh" chính là phải xây dựng Trung Quốc thành "nước lớn thị trường", đồng thời cũng phải xây dựng Trung Quốc thành "nước lớn quân sự". Và muốn "trỗi dậy hòa bình" thì phải "trỗi dậy về quân sự"; muốn có "hòa bình" thì phải chuẩn bị "chiến tranh", theo đuổi "trỗi dậy hòa bình" không sợ phải "trỗi dậy chiến đấu" vì Trung Quốc trỗi dậy hòa bình phải đặt dưới tiền đề là sự đối xử hòa bình của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Nếu như Mỹ vừa không ủng hộ sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, vừa không thỏa mãn với sự kiềm chế đối với hòa bình Trung Quốc mà tiến hành quân sự, thậm chí gây áp lực chiến tranh đối với Trung Quốc thì tất yếu sẽ đẩy Trung Quốc phải dùng chiến tranh để bảo vệ quyền trỗi dậy của mình nhưng Trung Quốc bị buộc phải chiến đấu để trỗi dậy cũng không giống như sự trỗi dậy bành trướng, trỗi dậy bá quyền như một vài nước lớn trỗi dậy trong lịch sử. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cần có sự thống nhất giữa "phú quốc" và "binh cường", vừa muốn trỗi dậy trở thành nước lớn về kinh tế lại vừa muốn trỗi dậy trở thành nước mạnh về quân sự thì quyết không thể trở thành một "dân tộc kinh tế" chỉ có mỡ mà không xương, có trọng lượng mà không có sức lực.

Muốn không có "đại chiến" giữa Trung - Mỹ thì Trung Quốc phải có “đại quân”, “phú quốc” cần phải có “cường quân”

"Đại quân" ở đây không phải là lớn về mặt qui mô mà phải mạnh về mặt chất lượng. Trung Quốc trỗi dậy về quân sự không phải là để đánh Mỹ mà là để không bị Mỹ đánh, là để tránh chiến tranh, ngăn chặn chiến tranh. Như vậy, đặc trưng của sự trỗi dậy quân sự mang đặc sắc Trung Quốc là sự trỗi dậy mang tính tự vệ, tính phòng ngự, tính hòa bình, tính có hạn, tính bắt buộc, tính quan trọng, tính bức thiết.

Thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa phải kiên trì sự thống nhất giữa "phú quốc" và "cường quân". Để làm được điều này, Trung Quốc phải dám tăng cường quân đội, Trung Quốc phải quyết chí tự "phú" và càng phải quyết chí tự "cường". Sự lớn mạnh của Trung Quốc là không giới hạn vì không có mối liên hệ tất yếu nào giữa lớn mạnh và bá quyền, một quốc gia lớn mạnh có thể là một quốc gia bá quyền, cũng có thể là một quốc gia phi bá quyền. Quốc gia bá quyền lớn mạnh có hại cho hòa bình thế giới nhưng một quốc gia phi bá quyền lớn mạnh lại có lợi cho hòa bình thế giới. Chính bởi vì Trung Quốc hiện đang là quốc gia thiếu năng lực để bảo vệ lợi ích an ninh và phát triển của mình nên Trung Quốc mới cần ra sức phát triển lực lượng quân sự của. Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia lớn mạnh không xưng bá trên thế giới, sẽ trở thành một quốc gia lớn mạnh hạn chế bá quyền trên thế giới, bảo vệ hòa bình thế giới.

Chương VIII: Hô hào "Thuyết Trung Quốc sụp đổ"

“Nước lớn trỗi dậy” và “nước lớn sụp đổ chỉ cách nhau một bước”, Trung Quốc “ca khúc khải hoàn” càng phải “rung chuông cảnh tỉnh”

Hiện nay nói đến Trung Quốc, người Trung Quốc xúc động, người Mỹ kích động, nhân dân trên toàn thế giới cảm thấy chấn động. Sự phát triển của Trung Quốc tạo nên kỳ tích trên thế giới. Trong thời khắc ca khúc khải hoàn thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại của nhân dân Trung Hoa, sự khiêm tốn, lý trí, bình tĩnh đều trở nên vô cùng quí giá. Ý thức lo hoạn nạn khó khăn của một dân tộc vĩ đại được thể hiện trong việc tự mình luôn phải rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Trung Quốc hiện nay đang trong thời kỳ có cơ hội chiến lược, là nước có cơ hội lớn nhất trên thế giới, cũng là nước có thể gặp rủi ro nhất thế giới. Vận mệnh của một quốc gia lại thường được quyết định bởi một vài mắt xích yếu nhất của chính nước đó hay chỉ là một mắt xích trong đó. Bản thân người Mỹ thường cao giọng nói lớn "Mỹ suy vong", người Mỹ 8 lần cất cao giọng về "Thuyết nước Mỹ sụp đổ" để ngăn ngừa suy vong; người Trung Quốc trong quá trình đang trỗi dậy, nghe tiếng kêu "Trung Quốc sụp đổ" cũng có thể có ích cho việc ngăn ngừa sụp đổ, tiến hành trỗi dậy. Trung Quốc có nhiều cái tốt đứng số 1 thế giới cần phải được duy trì, bảo vệ; những cái không tốt đứng số 1 thế giới của Trung Quốc cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, phải giải quyết.

“Khủng hoảng nhân tài”: nguy cơ chết người nhất và “ba sáng tạo” bảo đảm Trung Quốc ổn định lâu dài

Trong các nguy cơ dẫn đến sự suy vong và sụp đổ của một quốc gia thì nguy cơ nguy hiểm nhất là "khủng hoảng nhân tài vì nước lớn trỗi dậy mấu chốt là "nhân tài trỗi dậy". Có 3 mâu thuẫn lớn có thể dẫn đến việc Trung Quốc "trỗi mà không dậy"đó là (i) mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên; (ii) mâu thuẫn giữa người với người; (iii) mâu thuẫn giữa Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có ba sáng tạo mới để ứng phó với mâu thuẫn đó là: (i) tạo ra kỳ tích "Dân chủ kiểu Trung Quốc" tốt hơn "Dân chủ kiểu Mỹ"; (ii) tạo ra kỳ tích "phân phối của cải" cân bằng hơn "các quốc gia phúc lợi" và (iii) tạo ra kỳ tích "nắm quyền lâu dài, liêm khiết lâu dài" có hiệu quả hơn "cạnh tranh đa đảng". Bởi vậy nên nước Mỹ không nên có ảo tưởng với Trung Quốc, thế kỷ Trung - Mỹ tranh chấp, hai bên đều không nên có ảo tưởng, đều không nên mắc bệnh ấu trĩ chính trị.

Thùy Linh, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông

Siêu cường số 1- giấc mộng trăm năm của Trung Quốc (Phần I)

Bài đăng trên nghiencuubiendong.vn

Đầu năm 2010, tại Trung Quốc xuất hiện cuốn sách với tựa đề “Trung Quốc mộng” của Đại tá Lưu Minh Phúc, giảng viên Đại học Quốc phòng Bắc Kinh, trực thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ngay lập tức cuốn sách đã gây tiếng vang trong và ngoài nước. Tuy có hơi hướng cực đoan nhưng tác giả cũng có những so sánh, phân tích và những bước đi để Trung Quốc thực hiện Giấc mộng Trung Hoa – siêu cường số 1. NCBĐ tóm tắt toàn bộ cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc.


"Trung Quốc mộng" là cuốn sách phát hành tại Trung Quốc đầu năm 2010. Tác giả cuốn sách là Đại tá Lưu Minh Phúc, hiện là giảng viên Đại học Quốc phòng Bắc Kinh, trực thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông Lưu Minh Phúc nguyên là giám đốc Viện Nghiên cứu xây dựng quân đội, cơ quan chuyên nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề hiện đại hóa và phát triển lực lượng, cũng thuộc trường đại học nói trên.

Cuốn sách này tác giả tuy có xu hướng cực đoan, nhưng cũng đưa ra được nhiều so sánh giữa Mỹ - Trung - Nga, và các đế chế trong lịch sử, đặc biệt lý giải những thuận lợi, thách thức của các siêu cường trước đây và những bước đi để Trung Quốc có thể thay thế được Mỹ để trở thành siêu cường số 1 trong thời gian tới.

Cuốn sách được chia làm 8 chương với nội dung chính như sau:

Chương I: Đứng đầu thế giới, giấc mộng trăm năm của Trung Quốc

Đứng đầu thế giới là giấc mộng trăm năm của Trung Quôc. Giấc mộng này tập trung thể hiện ở lí tưởng phấn đấu của ba vĩ nhân là Tôn Trung Sơn - người đi tiên phong của cách mạng Dân chủ Trung Quốc, Mao Trạch Đông - người sáng lập nhà nước Trung Quốc mới và Đặng Tiểu Bình - kiến trúc sư của sự nghiệp cải cách mở cửa. Đặc trưng chiến lược chung của ba vĩ nhân này là ở chỗ: họ đều là những người theo chủ nghĩa "đứng đầu thế giới", đặt trọng đại mục tiêu quốc gia của Trung Quốc

Tôn Trung Sơn: "Trung Quốc phải là cường quốc đứng đầu trên thế giới”

Tôn Trung Sơn đặt ra yêu cầu "mọi người phải lập chí", đưa Trung Quốc trở thành "nước giàu mạnh nhất thế giới", không những đứng ngang hàng với Anh, Mỹ mà Trung Quốc còn phải vượt lên trên họ, trở thành một nước "lục chí", "tứ tối". Tôn Trung Sơn cho rằng dân tộc Trung Hoa "là dân tộc ưu tú nhất trên thế giới" và quá trình Trung Quốc trở thành "số 1 thế giới" tất phải đi theo con đường "mở cửa chấn hưng đất nước"; phải "có tinh thần sáng tạo"; chỉ ra được "xây dựng đất nước không thể thiếu binh cường lực thịnh" và Tôn Trung Sơn cũng đề cao "Mỹ là nước tiên tiến văn minh", có rất nhiều điều Trung Quốc cần học hỏi và Trung Quốc cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể vượt qua Mỹ.

Mao Trạch Đông: "Đại nhảy vọt" vượt qua nước Anh và bắt kịp nước Mỹ.

Mao Trạch Đông cho rằng, đuổi kịp nước Mỹ và vượt qua nước Mỹ là trách nhiệm của Trung Quốc, chỉ có vượt qua nước Mỹ mới có thể có được sự cống hiến lớn cho nhân loại. Để thực hiện chiến lược vượt Anh và bắt kịp Mỹ, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc vận động "đại nhảy vọt" và đây là một ý niệm kiên định của Mao Trạch Đông.

Đặng Tiểu Bình: Trí tuệ lớn "giấu mình chờ thời"

Với tư cách là người kiến trúc sư của sự nghiệp cải cách mở cửa của Trung Quốc, thiết kế tổng thể của Đặng Tiểu Bình là xoay quanh việc xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, trở thành nước đứng đầu thế giới .Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Đặng Tiểu Bình đã đề xuất "ba bước" trong thời gian 70 năm, đến khi tròn 100 năm xây dựng đất nước thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.

Cường quốc số 1, người Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hay chưa?

Trung Quốc đưa ra năm tiêu chí ý nghĩa quốc tế của "Trung Quốc số 1" bao gồm (i) là sự cạnh tranh lâu dài giữa quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới và quốc gia phát triển lớn nhất thế giới,cho thấy nước đang phát triển có thể trở thành nước phát triển, thậm chí còn vượt qua nước phát triển (ii) là kết quả của cuộc cạnh tranh giữa quốc gia xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới và quốc gia tư bản chủ nghĩa lớn nhất thế giới, cho thấy tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, (iii) đưa đến một ý nghĩa mới cho "sự so sánh văn minh" giữa nền văn minh phương Đông và nền văn minh phương Tây, cho thấy không chỉ văn minh phương Tây mới có thể mang đến sự hạnh phúc cho thế giới, văn hóa phương Đông cũng có thể dẫn dắt thế giới, (iv) sẽ đánh tan "sự kỳ thị về nòi giống" của phương Tây, (v) sẽ thay đổi quan niệm về tính ưu việt về mặt địa lý đã hình thành từ lâu đời của phương Tây. Đây được coi là sự chuẩn bị về "nhận thức".

Nước lớn trỗi dậy, tất phải có "chí lớn". Sự chuẩn bị về "chí hướng" là không thể thiếu được của người Trung Quốc. So sánh với Bồ Đào Nha và Hà Lan cho thấy: nước lớn trong các nước lớn, không nằm ở chỗ lãnh thổ quốc gia lớn, không nằm ở chỗ dân số quốc gia đông, mà nằm ở chỗ chí hướng rộng lớn. Nước lớn không có chí lớn, tất sẽ suy thoái, nước nhỏ có chí lớn, cũng có thể trỗi dậy. Tuy nhiên, cơ hội thường dành cho những bộ óc có sự chuẩn bị.


Từ trái qua phải: Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình

Chương II: Đối đầu thế kỷ: Cuộc chiến Trung - Mỹ tranh giành địa vị "quốc gia đứng đầu"

Thay đổi vị trí nước đứng đầu: trăm năm một lần

Các quốc gia đứng đầu xuất hiện trong lịch sử thế giới cận đại 500 năm trở lại đây, điển hình là: Bồ Đào Nha (thế kỷ 16), Hà Lan (thế kỷ 17), Anh (thế kỷ 18,19), Mỹ (thế kỷ 20), Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đứng đầu trong thế kỷ 21. Sự thay đổi vị trí của các quốc gia đứng đầu là sự thể hiện tập trung của sức sống thế giới. Sự ra đời của mỗi quốc gia đứng đầu mới cũng đánh dấu bước đại nhảy vọt và tiến bộ mang tính lịch sử của thế giới. Và trong lịch sử không có sự đứng đầu nào là mãi mãi. Nhiệm kỳ của các quốc gia đứng đầu chính là "nhiệm kỳ thế kỷ", "nhiệm kỳ trăm năm" như mọi người vẫn thường nói "thế kỷ Hà Lan", "thế kỷ Anh", "thế kỷ Mỹ".

Định vị lại quan hệ Trung - Mỹ

Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu thế giới, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu tiềm tàng trên thế giới. Quan hệ Trung - Mỹ giai đoạn mới là một dạng quan hệ giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia đứng đầu tiềm tàng. Trỗi dậy và kiềm chế là hình thái cơ bản của việc cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia có tiềm năng đứng đầu.

Sau khi giành thắng lợi trong chiến tranh Lạnh, vui mừng chưa được bao lâu Mỹ đã mắc chứng bệnh "đứng đầu" khó thoát ra được. Chứng bệnh "đứng đầu" này thể hiện ở sự kiêu căng và sự bá đạo. Nhưng cũng với căn bệnh này, Mỹ luôn ở vào trạng thái sợ hãi, tự phụ, lo lắng và mâu thuẫn, lo sợ các quốc gia có tiềm năng đứng đầu từ đại lục Á - Âu.

Lối thoát cho quốc gia đứng đầu Mỹ là ở đâu? Lối thoát chính là phải loại bỏ triệt để tư duy Chiến tranh Lạnh, thoát khỏi vòng kìm kẹp kỳ quái của bá quyền; xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược kiểu mới với quốc gia có tiềm năng đứng đầu là Trung Quốc. Đây là lợi ích chung thực tại giữa Mỹ và Trung Quốc và cũng là nhu cầu để tạo nên hòa bình cho thế giới. Cuộc đọ sức Trung - Mỹ chắc chắn là một cuộc đọ sức về văn minh vì: Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất, Trung Quốc là quốc gia trỗi dậy văn minh nhất; Trung Quốc trỗi dậy thì Mỹ cũng được hưởng lợi; lợi ích bá quyền không thể coi là lợi ích cốt lõi của quốc gia đứng đầu; và trách nhiệm chung của hai nước Trung - Mỹ là để thế giới thoát khỏi "thời đại luật rừng"

Mô hình cạnh tranh Trung - Mỹ mới

Cạnh tranh giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia có tiềm năng đứng đầu biểu hiện thành “cuộc chiến bảo vệ” của quốc gia đứng đầu và “cuộc chiến tranh ngôi vị” của quốc gia có tiềm năng đứng đầu. Cuộc chiến xoay quanh việc tranh địa vị quốc gia đứng đầu này có 3 mô hình chủ yếu: (i) coi chiến tranh là hình thức cạnh tranh cao nhất; (ii) dựa vào hình thức chiến tranh Lạnh tiến hành đối kháng toàn diện; (iii) cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21 và được thể hiện qua 3 giai đoạn lịch sử: (i) cạnh tranh theo kiểu luật rừng; (ii) cạnh tranh trên nguyên tắc “kẻ suy người thịnh”; (iii) cạnh tranh theo kiểu “kẻ vượt người đuổi”. Mô hình cạnh tranh giữa hai nước Trung – Mỹ trong thế kỷ 21 không thể là mô hình “quyết đấu”, cũng không thể là mô hình “quyền anh” mà chỉ có thể là mô hình “điền kinh”. Mỹ muốn phồn vinh thì bắt buộc phải để Trung Quốc phồn vinh.

“Thế giới không bá quyền”: Kết cục và sứ mệnh của cuộc cạnh tranh thế kỷ Trung – Mỹ

Mục tiêu lớn của Trung Quốc không chỉ hạn chế trong Trung Quốc mà phải nhìn ra thế giới. Mục tiêu lớn về thế giới của Trung Quốc thế kỷ 21 là xây dựng một “Thế giới không bá quyền”. Kết thúc “thế giới bá quyền” là sứ mệnh lịch sử của cạnh tranh Trung – Mỹ, là kết quả tất yếu của cuộc đua trăm năm Trung – Mỹ. Sự trỗi dậy của các nước phương Tây khiến thế giới lần đầu tiên thay đổi mô hình: từ phong kiến sang tư bản; sự trỗi dậy của Liên Xô, thế giới thay đổi mô hình lần thứ hai: từ thế giới tư bản sang “một trái đất hai chế độ” và sự trỗi dậy của nước lớn Trung Quốc, thế giới thay đổi mô hình lần thứ ba: từ “thế giới có bá quyền” sang “thế giới không bá quyền”.

Chương III: Thời đại Trung Quốc: “ Thời đại hoàng phúc” của thế giới

Thời đại Trung Quốc: Thời đại “Vị trí lãnh đạo của Trung Quốc” được xác lập trên thế giới

Sự xuất hiện của mỗi quốc gia đứng đầu sẽ mở ra một thời đại và thời đại Trung Quốc không phải là thời đại Trung Quốc uy hiếp thế giới mà là thời đại Trung Quốc đem lại hạnh phúc cho thế giới vì lịch sử trỗi dậy của các nước lớn ở phương Tây là một lịch sử đầy tội lỗi, tất cả lịch sử cận đại về sự trỗi dậy của các nước lớn đều mang một quá khứ không mấy tốt đẹp, đều có những tiền án phạm tội.: xâm lược, thực dân, cướp bóc…Và chỉ có Trung Quốc là một nước không có tội lỗi trong quá khứ, là quốc gia có tư cách đảm đương trách nhiệm lãnh đạo thế giới nhất. Ngoài ra, Trung Quốc còn có nguồn gien văn hóa ưu tú nhất, có sự từng trải và kinh nghiệm thành công lâu năm trong việc đảm đương trách nhiệm quốc gia lãnh đạo.

Thời đại Trung Quốc: thời đại “mô hình phát triển của Trung Quốc’ hơn hẳn thế giới.

Cạnh tranh giữa các quốc gia đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các quốc gia đứng đầu và các quốc gia tiềm năng trở thành quốc gia đứng đầu về bản chất là “cạnh tranh mô hình”. Từ thế kỷ 20 đến nay, trên vũ đài quốc tế lần lượt xuất hiện sự đọ sức và cạnh tranh lâu dài giữa 3 mô hình: phương Tây đại điện là Mỹ, phương Bắc đại diện là Liên Xô, phương Đông là mô hình Xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc và sứ mệnh của “mô hình Trung Quốc” là lấy sáng tạo để dẫn dắt thế giới vì văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa có sức sống nhất và khó bị đồng hóa nhất trên thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa, Trung Quốc đang trỗi dậy giương cao ngọn cờ hòa bình, phát triển, hợp tác, xây dựng thế giới hài hòa nhằm đưa quan niệm giá trị của Trung Quốc đến với thế giới.

Chương IV: Xây dựng “Trung Quốc vương đạo” bằng tính cách Trung Hoa.

Theo Trung Quốc, bản chất của văn hóa “ vương đạo” là nhân nghĩa, đạo đức. “Vương đạo Trung Quốc’ chính là một nước Trung Quốc hùng mạnh không xưng bá, không áp bức, đạo đức thanh cao, thân thiện đáng kính. Trung Quốc tuy quốc lực lớn mạnh nhưng không chinh phạt, tuy thiếu thốn tài nguyên nhưng không bành trướng, có nền văn minh bao dung chứ không xung đột, phòng ngự tự vệ chứ không gây chiến trước, lập quốc bằng vương đạo chứ không phải bá đạo và chỉ ra được đạo chính thống trong dân gian chính là vương đạo nên tính cách Trung Hoa ắt phải bước ra thế giới.

Tính cách Trung Hoa tạo nên “hiện tượng Trung Quốc” và Trung Quốc trỗi dậy đảm bảo với Mỹ “8 không”, tức là Mỹ có thể có “8 điều yên tâm” về Trung Quốc.

Trung Quốc là một nước lớn về quân sự nhưng “binh pháp của Trung Quốc” coi hòa bình là trên hết. Đế quốc Trung Hoa là đế quốc tồn tại lâu đời nhất trong lịch sử thế giới nhưng điều mà đế quốc Trung Hoa luôn tâm niệm là: “bậc vương quân không chèn ép bốn bể, bậc đế vương không ức hiếp lân bang”, trước sau vẫn luôn “hùng cường nhưng không ngang ngược”, “lớn mạnh nhưng không xưng bá”.

Thùy Linh, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Chúng ta đang yêu con hay phá hủy cuộc đời chúng?

Tác giả: Tương Giang (tổng hợp)
Bài đã được xuất bản trên VietnamNet: 11/02/2011 05:00 GMT+7

Bạn có thể cho con bạn sống trong một căn nhà rộng, ăn những bữa ăn ngon, học đàn dương cầm và xem một máy TV lớn. Nhưng khi bạn ra sân cắt cỏ, hãy để cho con bạn nhúng tay vào để biết sự cực nhọc khi phải làm việc ấy.

Một cậu thanh niên có trình độ học vấn cao, thành phần ưu tú, đi xin một công việc trong ngành quản trị tại một công ty lớn. Anh qua khỏi chặng phỏng vấn đầu tiên. Người Giám đốc phụ trách cuộc phỏng vấn cuối cùng và sẽ là người quyết định có nên mướn cậu hay không. Ông ta khám phá ra trong học bạ của cậu thanh niên là các điểm số từ những năm trung cho đến cao học, anh thanh niên đều đạt điểm xuất sắc. Không có năm nào xuống thấp.

Người Giám đốc hỏi "Thế anh có lãnh học bổng gì không?"

Cậu trả lời "Không".

Người Giám đốc hỏi "Có phải cha anh đã trả mọi học phí phải không?"

Cậu thanh niên trả lời, "Cha tôi đã qua đời khi tôi vừa được một tuổi, chính mẹ tôi là người trả học phí cho tôi".

Người Giám đốc hỏi "Thế mẹ cậu làm việc ở đâu?"

Cậu thanh niên trả lời "Mẹ tôi làm nghề giặt đồ mướn".

Người Giám đốc bảo cậu thanh niên đưa hai bàn tay cho ông xem, cậu thanh niên đưa hai bàn tay ra, da dẻ mịn màng không sứt mẻ gì. Người Giám đốc hỏi "Thế có bao giờ cậu giúp mẹ cậu giặt giũ gì không?"

Cậu thanh niên trả lời "Không bao giờ, mẹ tôi muốn tôi học hành và đọc thêm nhiều sách, và hơn nữa, mẹ tôi có thể giặt giũ nhanh hơn là tôi làm".

Người Giám đốc nói "Tôi có một yêu cầu, khi cậu trở về nhà hôm nay, hãy đi giúp mẹ cậu và rửa hai bàn tay của bà, và hãy đến gặp tôi vào sáng ngày mai".

Người thanh niên cảm thấy cơ hội được việc làm của cậu gần như chắc chắn, khi về đến nhà cậu vui sướng muốn gặp mẹ để rửa tay cho bà. Người mẹ của cậu lấy làm lạ, vừa sung sướng nhưng cũng hơi sợ hãi, bà đưa hai bàn tay ra cho con.

Cậu con trai rửa hai bàn tay của mẹ một cách chậm rãi. Trong khi rửa bàn tay của mẹ, những giọt nước mắt rơi xuống. Đây là lần đầu tiên cậu khám phá ra bàn tay mẹ thật nhăn nhúm, và có nhiều vết trày xước sâu trên da.Có vài vết thương đã làm bà đau đớn đến nỗi phải run
lên khi bàn tay nhúng vào nước.

Đây là lần đầu tiên cậu thanh niên nhận ra và cảm nghiệm được rằng chính đôi tay này đã giặt giũ mỗi ngày để kiếm tiền nuôi mình ăn học. Những vết thương trên bàn tay là cái giá mẹ anh phải trả để cho anh tốt nghiệp đại học, để đạt được những điểm cao trong các kỳ thi cử, và có lẽ cả tương lai về sau của cậu đã tùy thuộc vào hai bàn tay này. Sau khi rửa xong hai bàn tay của mẹ, cậu thanh niên lẳng lặng giặt tiếp cho mẹ những quần áo còn lại. Đêm ấy hai mẹ con nói chuyện với nhau thật lâu.

Sáng hôm sau cậu lại đến văn phòng gặp người Giám đốc. Thấy những giọt lệ long lanh trong đôi mắt của cậu thanh niên, ông hỏi "Anh có thể thuật tôi nghe những gì anh đã làm và học được tại nhà ngày hôm qua hay không?".

Cậu thanh niên trả lời "Tôi rửa tay cho mẹ tôi và giặt số quần áo còn lại cho mẹ tôi".

Người Giám đốc nói "Anh vui lòng kể tôi nghe cảm tưởng của anh như thế nào?"

Cậu thanh niên nói: Điều thứ nhất: tôi đã hiểu thế nào về sự cảm kích; không có mẹ tôi thì đã không có một thanh niên thành công trong học vấn như tôi ngày hôm nay.

Điều thứ hai: tôi đã biết làm việc chung với mẹ tôi ra sao, rất khó khăn để có thể hoàn tất một công việc.

Điều thứ ba: tôi đã hiểu tầm quan trọng và sự thiêng liêng của những quan hệ gia đình.

Người Giám đốc nói: "Đấy chính là điều tôi đòi hỏi. Tôi muốn mướn một nhân viên biết cảm kích về sự giúp đỡ của kẻ khác, một người có thể cảm thông được những nhọc nhằn mà người khác trải qua để hoàn thành công việc của họ, một người không theo đuổi tiền bạc như một cứu cánh duy nhất của cuộc đời, và như vậy mới đúng là người quản trị mà tôi đòi hỏi. Bạn đã được chấp nhận vào công ty!"

Về sau, người thanh niên trẻ này làm việc rất siêng năng và được sự nể nang của thuộc cấp. Mỗi nhân viên đều chuyên cần làm việc trong tinh thần đoàn kết, do đó công ty đã có nhiều thành quả tiến triển vượt bậc.

Một đứa trẻ được cha mẹ cưng chiều và cho mọi thứ nó đòi hỏi sẽ phát triển một tinh thần "Muốn Gì Được Nấy" tự đặt mình trên hết. Nó không biết được những lao khổ của cha mẹ. Khi lớn lên và đi làm việc, nó giả định là mọi người đều phải nghe theo nó, và khi thành một quản lý hay giám đốc, nó sẽ không biết được những nhọc nhằn của những người thuộc cấp và luôn luôn đổ thừa họ khi có những thành quả không ưng ý.

Đối với những hạng người này, có thể họ đạt thánh quả cao về học vấn, thành công trên đường đời một lúc, nhưng không thực sự cảm thấy thỏa mãn trong sự nghiệp của mình, họ sẽ lầm bầm và đầy sự ganh ghét, và họ sẽ tranh đấu để dành lợi lộc nhiều hơn. Nếu chúng ta là loại cha mẹ cưng chiều con, chúng ta đã thực sự yêu nó hay vô tình phá hủy cuộc đời của một đứa trẻ?

Bạn có thể cho con bạn sống trong một căn nhà rộng, ăn những bữa ăn ngon, học đàn dương cầm và xem một máy TV lớn. Nhưng khi bạn ra sân cắt cỏ, hãy để cho con bạn nhúng tay vào để biết sự cực nhọc khi phải làm việc ấy. Sau bữa ăn hãy để nó tự rửa lấy chén bát cùng với anh chị em của nó. Đó không phải vì bạn không đủ tiền mướn người giúp việc, nhưng chỉ vì bạn yêu con bạn đúng cách. Bạn muốn chúng hiểu rằng dù cha mẹ chúng có giàu đến bao nhiêu, nhưng một ngày kia tóc cũng điểm hoa râm trong mùa thu của cuộc đời giống như người mẹ của cậu thanh niên kia.

Điều quan trọng nhất là con của bạn phải biết cảm kích những lao khổ của người khác và phải từng trải qua những khó khăn của cuộc sống. Và nó phải học hỏi để có một khả năng biết làm việc chung với những người khác hầu đạt được thành quả cho những đề án nào đó.

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Internet châm ngòi lật đổ Mubarak như thế nào

Bài đăng trên VNexpress.
Những người Ai Cập trẻ tuổi phát động cuộc biểu tình từ ngày 25/1 qua các trang mạng xã hội. Chính quyền lập tức ngăn chặn nhưng vô hiệu và sau 18 ngày người dân nổi dậy, Tổng thống Mubarak buộc phải "nhổ neo".

Chỉ ít ngày sau vụ nổi dậy của người dân dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali, các cuộc biểu tình tương tự cũng nổ ra tại nước láng giềng Ai Cập. Khởi đầu cho hoạt động này là sự phối hợp giữa các nhóm đối lập khác nhau thông qua các trang mạng xã hội.

Người được nhắc đến với vai trò khuấy động cuộc nổi dậy của người Ai Cập là Wael Ghonim, một nhân viên 30 tuổi của hãng Google và đang được coi như "người hùng". Ghonim từng là quản trị của trang chống nạn tra tấn trên Facebook. Khi trả lời phỏng vấn CNN, Ghonim nhấn mạnh: "Đây là một cuộc cách mạng Internet và tôi sẽ gọi đó là cuộc cách mạng 2.0".

Mọi chuyện bắt đầu khi Walid Rachid, 27 tuổi, một nhà hoạt động trên Internet viết mail cho Ghonim, khi đó đang hoạt động nặc danh, để đề nghị hỗ trợ cho kế hoạch biểu tình vào ngày 25/1. Bộ đôi này liên lạc với nhau qua hệ thống chat của Google, hình thức mà Ghonim tin là an toàn nhất, và cùng nhau lập ra liên minh giữa các nhóm thanh niên khác nhau.

Họ qua mặt các nhân viên an ninh của chính quyền bằng cách nói một cách khá lộ trên mạng rằng sẽ gặp nhau tại một thánh đường, nhưng trên thực tế cuộc gặp này diễn ra tại một khu vực nghèo ở Cairo. Nhà hoạt động mang hai dòng máu Ai Cập và Ireland là Sally Moore, 32 tuổi, cho biết thêm các nhà hoạt động đã chia làm hai nhóm hành động.

Một nhóm tập hợp lực lượng trong các quán cà phê, nhóm còn lại đi hô khẩu hiệu xung quanh các toà nhà và kêu gọi mọi người ra đường để biểu tình phản đối đói nghèo. "Nhóm của chúng tôi bắt đầu hành động khi tập trung được 50 người. Nhưng khi chúng tôi ra đường thì con số đi cùng đã lên tới hàng nghìn", Sally Moore nói với The New York Times về ngày biểu tình đầu tiên hôm 25/1.

Từ nhóm thanh niên đầu tiên, những ngày biểu tình tiếp theo đã thu hút hàng nghìn người kéo tới quảng trường trung tâm Tahrir ở Cairo để đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Nhiều người trong số này xuống đường do các lời kêu gọi đưa trên trang xã hội Twitter, trong khi những người khác rủ nhau đi biểu tình bằng tin nhắn điện thoại.

Phát hiện ra vai trò của Internet trong các cuộc biểu tình, chính quyền Mubarak phản ứng tức thì. Ngày 28/1, tổng thống ra lệnh chặn các mạng xã hội và cuối cùng là yêu cầu cả 4 nhà cung cấp Internet của Ai Cập chấm dứt dịch vụ để phân tán sức mạnh người biểu tình. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ di động chính tại Ai Cập là Vodafone cũng cho biết họ bị buộc phải chặn sóng.

Nhưng hành động kiểm duyệt của chính quyền Mubarak lập tức cho thấy hoàn toàn không có hiệu quả. Ngày Ai Cập không có Internet 28/1 cũng được gọi là "Ngày nổi giận" khi hàng triệu người xuống đường. Biện pháp của chính quyền không thể ngăn được việc người biểu tình liên lạc với nhau để tập hợp lực lượng.

Chính quyền Mubarak cũng không thể "che mắt" được thế giới về những gì đang diễn ra tại Ai Cập. Kênh truyền hình vệ tinh Al-Jazeera vẫn phát đi tin tức trực tiếp về cuộc biểu tình suốt cả ngày, với sự cập nhật của mạng lưới phóng viên khắp Ai Cập qua hệ thống điện thoại cố định.

Sự kiện ngày 28/1 cũng cho thấy, cuộc biểu tình ở Ai Cập có thể khởi đầu từ Internet nhưng sau vài ngày đã không còn phụ thuộc vào môi trường này nữa. Bằng chứng là dù cả Internet lẫn mạng di động đều bị chặn, người biểu tình vẫn xuống đường với số lượng còn đông hơn nhiều so với trước.

Năm ngày sau, do sức ép của cộng đồng quốc tế, chính quyền Mubarak buộc phải khôi phục các dịch vụ viễn thông và các nhà hoạt động tiếp tục quay lại môi trường trực tuyến để tập hợp lực lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, làn sóng biểu tình đã phát triển rất nhanh và lan rộng khắp Ai Cập. Do vậy vai trò quyết định của Internet trong việc kêu gọi mọi người xuống đường không còn nữa.


Người Ai Cập ăn mừng khi Mubarak từ chức và "quyền lực nhân dân" được khẳng định. Ảnh: AP

Trên thực tế, cuộc nổi dậy nổ ra ngày 25/1 là sự tập hợp của nhiều nhóm hoạt động từng xuống đường suốt 10 năm qua tại Ai Cập. Họ thuộc các thành phần xã hội và chính trị khác nhau, từ công nhân, các blogger, các nhà hoạt động đòi dân chủ cho đến những thẩm phán cấp cao và thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo, phong trào Hồi giáo có quy mô khu vực.

Đây là lần đầu tiên tất cả các nhóm hoạt động này cùng nhau đi biểu tình và cũng là lần đầu tiên họ nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người dân không phải là thành viên trong nhóm của họ. Vai trò của Internet thể hiện ở chỗ các nhóm đối lập đã tập hợp lực lượng và phối hợp với nhau thông qua các mạng xã hội và điện thoại di động.

Lần gần đây nhất Ai Cập chứng kiến cuộc tuần hành có quy mô tương tự là vào những năm 1940. Khi đó những hiệu sách mang quan điểm cấp tiến, các tờ báo bí mật và những cuộc họp của các nghiệp đoàn bị cấm hoạt động đóng vai trò tập hợp lực lượng. Còn ngày nay, với thế hệ công dân số thì vai trò này đã thuộc về Internet và mạng điện thoại di động.

Đình Nguyễn

Nghịch lí văn hóa

Cập nhật trên Vietnamnet lúc 15/02/2011 09:18:43 AM (GMT+7)

Cần cân bằng giữa tất cả các mục tiêu, vì xét cho cùng thì văn hóa mới là nền tảng vững chắc nhất của sự phát triển. Mọi sự phát triển về vật chất sẽ không còn ý nghĩa khi chúng ta đánh mất những giá trị tinh thần, những giá trị chân- thiện- mỹ.

Lúc nào cũng vậy, trong một xã hội luôn luôn tồn tại những nghịch lý. Có những nghịch lý nhỏ nhặt, vụn vặt đời thường, hoặc ngược lại. Có những nghịch lý mà bản thân nó là động lực cho sự phát triển của con người, của xã hội, nhưng cũng có những nghịch lý không giúp ích cho con người bao nhiêu, còn làm cho xã hội không phát triển được, làm cho đất nước mãi không bao giờ ngẩng cao đầu vươn mình ra thế giới. Như vậy có những nghịch lý cần tồn tại và có những nghịch lý cần loại bỏ.
Trong vô vàn những nghịch lý đang diễn ra hàng ngày thì nghịch lý về thực tế văn hóa trong xã hội Việt Nam hiện nay là đáng quan tâm nhất. Ai cũng đã từng được nghe, hay đọc ở đâu đó rằng: Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy văn hóa có vai trò quyết định cho sự tồn vong của một đất nước, một dân tộc.

Một dân tộc mà văn hóa bị băng hoại, bị lai căng một cách nhố nhăng hay không có những nhà văn hóa kiệt xuất, có đủ tầm, đủ bản lĩnh để góp phần dẫn dắt con người, dẫn dắt xã hội phát triển một cách có chất lượng thì dân tộc đó không sớm thì muộn cũng dẫn đến chỗ bị đồng hóa, suy vong.

Từng có lúc, hơn 90% các hộ gia đình ở quận Hà Đông được gắn biển GĐVH

Nghịch lý đến từ sự "cào bằng"

Một trong những nghịch lý về văn hóa hiện nay là đi đâu cũng thấy "văn hóa" nhưng lại thực sự đang thiếu văn hóa.

Trong một bài viết được một số báo đăng tải của tác giả Trần Hữu Dũng có nêu ra thực tế đáng suy ngẫm là hiện nay Việt Nam đang thiếu những nhà văn hóa lớn. Mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng phát biểu rằng: Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn. Cái gốc mà ông Dương Trung Quốc nêu ra ở đây là văn hóa, văn hóa Việt Nam và kể cả sự tiếp thu văn hóa của thế giới.

Trước khi phân tích những nhận xét trên đây, chúng ta hãy cùng xem lại một thực tế trong xã hội ta:

Lâu nay, bất kỳ ai khi bước ra đường đều không khó để nhận ra nhan nhản những tấm bảng hiệu "khu phố văn hóa", "gia đình văn hóa".... Nói tóm lại ở Việt Nam, chỉ cần bước ra khỏi nhà là gặp "văn hóa", tức là "văn hóa" len lỏi vào từng ngóc ngách, đến tận hang cùng ngõ hẻm và "văn hóa" cũng xuất hiện từ miền ngược đến miền xuôi. Có lẽ không quá lời khi nói rằng hiện nay nhà nhà đều có "văn hóa". Và nếu như đà này thì trong tương lai không xa thì hầu như toàn xã hội đều đạt chuẩn "văn hóa".


Tại sao một xã hội được gắn cái mác "văn hóa" mọi lúc, mọi nơi, chạy dọc theo chiều dài của đất nước lại bị cho là thiếu nhà văn hóa lớn hay văn hóa bị mất gốc?

Không biết người ta đã dựa trên những tiêu chí gì để khẳng định nhà nào, xóm nào, khu phố nào, tỉnh thành nào ... có "văn hóa" hay đủ "văn hóa"? Những tấm bảng hiệu này phải chăng chỉ là "mốt" thời thượng, một cách xây dựng nền văn hóa kiểu phong trào, trong khi thực chất văn hóa là mưa dầm thấm lâu. Thậm chí có người còn hoài nghi giá của chúng là bao nhiêu? Nhưng chỉ biết rằng càng nhiều "văn hóa" kiểu đó thì những giá trị văn hóa càng bị xâm hại. Mối quan hệ người đối với người, con người đối với thiên nhiên càng ngày càng thiếu văn hóa hơn.


Tại sao một xã hội được gắn cái mác "văn hóa" mọi lúc, mọi nơi, chạy dọc theo chiều dài của đất nước lại bị cho là thiếu nhà văn hóa lớn hay văn hóa bị mất gốc?

Không biết người ta đã dựa trên những tiêu chí gì để khẳng định nhà nào, xóm nào, khu phố nào, tỉnh thành nào... có "văn hóa" hay đủ "văn hóa"? Những tấm bảng hiệu này phải chăng chỉ là "mốt" thời thượng, một cách xây dựng nền văn hóa kiểu phong trào, trong khi thực chất văn hóa là mưa dầm thấm lâu. Thậm chí có người còn hoài nghi giá của chúng là bao nhiêu? Nhưng chỉ biết rằng càng nhiều "văn hóa" kiểu đó thì những giá trị văn hóa càng bị xâm hại. Mối quan hệ người đối với người, con người đối với thiên nhiên càng ngày càng thiếu văn hóa hơn.

Theo tác giả Trần Hữu Dũng thì sự thiếu vắng những nhà văn hóa lớn có nguyên nhân từ sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng chạy theo những giá trị vật chất, những nhà trí thức thiếu tầm nhìn xa trông rộng và đặc biệt là thiếu sự tranh luận về văn hóa công khai và bình đẳng.

Tuy nhiên thực tế quá nhiều thứ "văn hóa" đang được ban phát một cách dễ dãi như đã nói ở trên thực sự là hành động "cào bằng" về văn hóa, khiến các chuẩn mực văn hóa bị hạ thấp đến mức không còn là văn hóa, những giá trị văn hóa đang bị xem nhẹ và bị coi thường.

Sự hụt hẫng về văn hóa nêu trên có nguyên nhân từ giáo dục. Cũng như các loại tri thức khác, sự hiểu biết về văn hóa, sự yêu quý, trân trọng và biết phát huy những gá trị của văn hóa không phải có được một cách tự nhiên mà ngược lại cần phải được đào tạo, được giáo dục từ trong gia đình, từ nhà trường và từ xã hội.

Chúng ta không thể dạy cho trẻ con biết bảo vệ môi trường khi chúng ta vứt rác thải xuống kênh rạch, ao hồ trước mặt chúng. Chúng ta càng không thể rao giảng và bắt buộc đứa trẻ hay một ai đó phải tôn trọng những giá trị văn hóa trong khi chúng ta lại đang xâm hại, thậm chí phá nát những di tích có tuổi đời hằng trăm năm nhân danh bảo tồn di sản kiến trúc văn hóa.

Một nhà văn hóa lớn đúng nghĩa sẽ xuất hiện khi nào văn hóa thực sự nhận được sự tôn trọng, có nền tảng vững chãi và là chính nó.

Nghịch lý đến từ sự phát triển

Một nghịch lý khác của văn hóa tại Việt Nam được tạo nên từ sự phát triển.

Những năm gần đây, một trong những mục tiêu hàng đầu trong các văn kiện, nghị quyết các cấp là phát triển. Chúng ta đang cố gắng làm tất cả vì mục tiêu đó. Tuy nhiên đã có rất nhiều thực tế chỉ ra rằng chúng ta đang phát triển một cách thiếu bền vững, chỉ chăm lo phát triển kinh tế mà lãng quên văn hóa.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet, GS. Stephen Walt đã từng phát biểu: "Sức cạnh tranh của một số quốc gia không chỉ là kinh tế, quân sự mà đó là văn hóa". Ông dẫn chứng: "Nước Mỹ đã làm được, họ tạo ra những thứ như phim ảnh, những thứ văn hóa phổ biến trên thế giới". Và ông kết luận rằng: "Như vậy nếu nước nào tạo ra được những sản phẩm văn hóa cho nước đó, họ là cường quốc".

Với bề dày lịch sử hơn 4.000 năm, nhưng cho đến nay Việt Nam chưa có giá trị văn hóa nào phổ biến cho thế giới. Việt Nam đang được đánh giá là nước có tỉ lệ phát triển kinh tế hàng năm vào loại cao trên thế giới, nhưng những giá trị văn hóa thì ngày càng xuống thấp. Có thể chúng ta đã mải chạy theo những giá trị vật chất mà quên đi việc gìn giữ giá trị tinh thần.

Một đặc điểm rất quan trọng của văn hóa là nó không mất đi một cách đột ngột, mà văn hóa mất đi một cách thầm lặng rất khó nhận ra.

Trên thế giới cũng đã từng có những trường hợp như thế. Hòn đảo Bali của Indonesia từng là thiên đường du lịch của du khách khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên gần đây nó đã mất dần sự ưu ái của du khách. Nguyên nhân của vấn đề này, theo GS-TS Leo Kenneth Jago, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu du lịch và khách sạn Trường ĐH Tổng hợp Victoria (Úc) là vì nó đã đánh mất hết bản sắc văn hóa của địa phương, văn hóa phương Tây đang ngự trị hoàn toàn ở đây.

Nên chăng cần cân bằng giữa tất cả các mục tiêu, vì xét cho cùng thì văn hóa mới là nền tảng vững chắc nhất của sự phát triển. Mọi sự phát triển về vật chất sẽ không còn ý nghĩa khi chúng ta đánh mất những giá trị tinh thần, những giá trị chân- thiện- mỹ

Có một quy luật đời thường mà có lẽ ai cũng hiểu, đó là "xây" thì khó mà "phá" đi thì rất dễ. Văn hóa Việt Nam hiện nay cũng đang trong tình trạng bị "phá" tan tành, muốn "xây" lại cần phải có nhiều thời gian và tâm huyết thực sự.

Trần Minh Quân