Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Vụ tàu Bình Minh 02 và phép thử của Bắc Kinh

Tác giả: VIỆT LONG (ĐHQG HÀ NỘI)
Bài đã được xuất bản trên VietnamNet

Có thể nói, sự kiện Bình Minh 02 được xem như một mũi tên bắn nhiều đích. Nhưng cái đích hệ quả cuối cùng những nhà vạch kế hoạch này chưa chắc đã lường hết được. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy vũ lực không bao giờ giải quyết triệt để các tranh chấp. Chỉ có lòng tin và nỗ lực giải quyết các tranh châp bằng các biện pháp hòa bình mới là chìa khóa để giải quyết các vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.

>> "Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm"

Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ngày 26/5/2011 các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động bình thường của PVN. Tàu hải giám Trung Quốc đã đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 km hải lý. Hoạt động thăm dò của tàu Bình Minh đã được diễn ra một cách bình thường từ năm 2010 không có tranh chấp.

Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 có nghĩa vụ tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Vị trí cắt cáp đã ở gần bờ biển Việt Nam so với phạm vi tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa và đặc quyền kinh tế mà quốc gia này được hưởng một cách hợp pháp theo luật quốc tế. Việt Nam ngay lập tức đã trao Công hàm phản đối. Nội dung công hàm nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông[1].

Vì sao Bắc Kinh lại tiến hành những hoạt động như vậy? Xem xét một loạt các sự kiện gần đây Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông cho thấy trước hết hoạt động này nằm trong chiến lược chung bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc hay nói một cách chính xác là ý đồ chiến lược độc chiếm Biển Đông. Từ sau vụ va chạm với tàu Impeccable của Mỹ ngày 8/3/2009 và gửi Công hàm đến Liên Hợp quốc ngày 7/5/2009 lần đầu tiên lưu hành bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) yêu sách 80% diện tích Biển Đông, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết liệt thực hiện ý định này, phản đối mọi sự hiện diện của nước ngoài cũng như những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trong Biển Đông. Nước này đã tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự, từ đóng tàu sân bay, tăng cường tàu tuần tra, gia tăng khả năng giám sát của tàu hải quân và ngư chính, đến công bố kế hoạch phát triển 36 tàu tuần tra trong vòng 5 năm tới, mở rộng các căn cứ quân sự ở đảo Triton và các tiền đồn quân sự trên các bãi đá ngầm mà Trung Quốc chiếm ở Trường Sa, xây dựng các căn cứ tàu ngầm, tên lửa ở Hải Nam, Quảng Châu.

Theo Báo cáo phát triển đại dương Trung Quốc do cơ quan Giám sát hàng hải vừa công bố tháng 5/2011 trong năm 2010, cơ quan này đã điều động hơn 1.000 chuyến bay và 13.300 chuyến tuần tra biển trên Biển Đông, nhằm phục vụ cho ý đồ trên. Trung Quốc đã đi từ chính sách “giấu mình chờ thời” sang đòi hỏi “lợi ích cốt lõi” rồi “quyết đoán nhưng không đối đầu”, hô hào “giải quyết song phương” trong khi cho tàu xuống Biển Đông gây sức ép. Biển Đông chưa bao giờ và không khi nào nằm ngoài tính toán chiến lược của Bắc Kinh như một sâu sau nằm dưới quyền phán xét của Trung Quốc.

Hoạt động này nhằm củng cố yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu chỉ dựa vào Công ước luật biển 1982 sẽ khó có thể thuyết phục thế giới tin vào chủ quyền của Trung Quốc trên những lô dầu khí nằm cách xa bờ biển Trung Quốc gấp hơn ba bốn lần so với bờ biển Việt Nam hay Philippin. Liệu có phải vô tình khi các hoạt động của Trung Quốc gần đây đều được tiến hành trên đường ranh giới mập mờ của đường lưỡi bò. Hãy xem lại sự kiện quấy nhiễu tàu và máy bay hoạt động của Philippin tại Bãi Cỏ rong trong tháng 3-5/2011, cản trở tàu Bình Minh 02 của Việt Nam tại vùng biển ngoài khơi Miền Trung Việt Nam và việc Trung Quốc đang đàm phán với Indonexia để phối hợp tuần tra chung ở vùng biển cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn km.

Hoạt động này nhằm mục đích tranh chấp tài nguyên ở Biển Đông, theo phương châm “khai thác biển xa trước, biển gần sau, nơi tranh chấp trước nơi không tranh chấp sau”. Theo các số liệu do Bloomberg tổng hợp, nguồn dự trữ dầu của nước này đã sụt giảm gần như 40% kể từ năm 2001. Cho nên, nhu cầu khai thác dầu khí Biển Đông càng thêm cấp thiết. Tháng 2/2011, Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên, trong đó 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. Ngày 24/5/2011 CNOOC ra tuyên bố về ý định triển khai ở Biển Đông trong tháng 7/2011 dàn khoan khùng có khả năng khoan 3000m vừa đóng thành công. Việc đưa dàn khoan này vào hoạt động nhằm hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, cũng như giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc.cho nền công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh. Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương thiết lập thể hiện sự tranh chấp quyết liệt không chỉ dầu khí mà cả tài nguyên sinh vật đang trên đà cạn kiệt.

Hoạt động này nhằm gây sức ép với các nước để thực hiện “gác tranh chấp cùng khai thác”. Ngay sau vụ Bình Minh -02, CNOOC đã công bố 19 lô cùng hợp tác khai thác dầu khí ngoài khơi với các công ty nước ngoài trong khu vực Biển Đông. Bắc Kinh đang cố tình gây ra các tranh chấp để biến vùng biển ven bờ của các nước xung quanh Biển Đông thành các khu vực tranh chấp nhằm đề xuất “gác tranh chấp cùng khai thác”. Một chính sách khôn ngoan cho phép tiếp cận tài nguyên nước khác trong khi vẫn duy trì được tiền đề “chủ quyền thuộc Trung Quốc”.Hoạt động này mang tính răn đe Việt Nam, đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế nước Việt đang khó khăn, lạm phát tăng cao, và đang trong quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo.

Hoạt động này còn nhằm mục đích gây sức ép với các công ty Mỹ đang có hoạt động dầu khí ở Việt Nam và qua đó thử thách sự phản ứng của siêu cường bên kia bờ Thái Bình Dương. Theo Bloomberg News, công ty Exxon Mobil của Mỹ cũng có kế hoạch thăm dò dầu khí ngoài khơi miền Trung Việt Nam trong năm nay, một địa điểm rất gần với nơi tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp.

Hoạt động này còn thăm dò phản ứng của ASEAN. Nó chỉ diễn ra đúng một tuần sau khi hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 5 (ADMM 5), tổ chức tại Jakarta, Indonesia, với chủ đề "Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN đối phó với những thách thức mới". Tuyên bố của các bộ trưởng đã khẳng định: “Các quốc gia thành viên ASEAN cam kết thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm việc hướng tới việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực”.. Một trong lời kêu gọi của DOC là các bên cần kiềm chế, không làm gì phức tạp thêm tình hình.

Hoạt động này còn nhằm thỏa mãn tinh thần Đại Hán của một bộ phận nội bộ Trung Quốc với hàng trăm bài báo kêu gọi sử dụng vũ lực...

Có thể nói, sự kiện Bình Minh 02 được xem như một mũi tên bắn nhiều đích. Nhưng cái đích hệ quả cuối cùng những nhà vạch kế hoạch này chưa chắc đã lường hết được. Một dân tộc yêu hòa bình, hết sức kiềm chế và chưa bao giờ khuất phục trước cường quyền. Một dư luận thế giới trong thời kỳ hội nhập, các nước ngày càng phụ thuộc vào nhau, không thể đồng tình với bất kỳ hành động đe dọa sử dụng vũ lực, đi ngược lại các quy định của luật quốc tế. Một ASEAN đang buộc phải cảnh giác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy vũ lực không bao giờ giải quyết triệt để các tranh chấp. Chỉ có lòng tin và nỗ lực giải quyết các tranh châp bằng các biện pháp hòa bình mới là chìa khóa để giải quyết các vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Tâm sự tuổi già

Chu Dung Cơ-, Nguyên thủ tướng nước CHND Trung Hoa
Trần Nhuận Minh - Bốn Mùa - NXB Văn học
09:17' AM - Thứ hai, 15/03/2010


Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày mất một ngày
Qua một ngày vui một ngày
Vui một ngày lãi một ngày

Hạnh phúc do mình tạo ra, vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm cho tôi tớ cho nó.

"Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú". Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh", hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa cuộc sống của tuổi già.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời,vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình.

Cha mẹ yêu con là vô hạn. con yêu cha mẹ là có hạn

Con ốm cha mẹ buồn lo; Cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi

Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ

Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà con không phải nhà cha mẹ

Khác nhau thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp

Chờ báo đáp là tự làm khổ mình

Ốm đau trông cậy vào ai? Trông cậy vào con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.
Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.

Cái được người ta chẳng để ý; Cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phức trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao.

Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống; Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư) biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui

Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hổ người ta cũng nghỉ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm, thích làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.

Sống trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; Tuổi không già tâm già, thế là không già mà già. Sống phải hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; Quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; Quá ồn ào thì khó chịu... Mọi thứ đều nên "vừa phải"

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống….)

Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh)

Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống

Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh…đều là muộn.

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách tư duy, tư duy hưởng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hưởng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương có vị; Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất,trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khoẻ mạnh: đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu. Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình. Đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xoa tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ lại chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sư nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta lại muốn tim 1ại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ,cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trẻ,có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi được tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đạt cho mình một dấu chấm hết thật tròn.

Nguồn: Trần Nhuận Minh - Bốn Mùa - NXB Văn học