Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Những điều cần biết khi mua ô tô cũ

“Tiền ít nhưng muốn thịt nhiều” là câu ngạn ngữ chỉ tâm lý người đi mua hàng, không nhiều tiền nhưng muốn có hàng chất lượng tốt. Với mặt hàng ô tô seconhand thì việc này không khó, chỉ cần chú ý vài điểm.


Kỳ 1: Tiền ít, xe tốt
Mặc dù ô tô là mặt hàng khá đặc biệt bởi số tiền đầu tư lớn, nhưng do có tính chất “thời trang” như một số mặt hàng khác nên việc thay đổi xe, với dân “chơi” xe, diễn ra thường xuyên.
Trong khi đó, lượng người có nhu cầu dùng xe du lịch cho những nhu cầu thiết thực lại khá nhiều. Trong đó, số người không đủ tiền để mơ tới những “con” xe đẳng cấp, chỉ cần xe tốt rất nhiều.
Tiền ít nhưng muốn mua xe tốt, điều này nghe như một nghịch lí nhưng lại là thực và hoàn toàn có thể đạt được.
Những kinh nghiệm dưới đây dành cho dân muốn mua xe đã qua sử dụng an tâm khi đi mua xe, tránh được những khuyết tật và thất vọng, thiệt hại về sau, nhất là những người mua xe lần đầu.

Chọn mua xe “cũ mà mới”
Khi đi mua xe, bạn thường lưu ý đến “đời xe”. Điều này không sai nhưng nếu tuân thủ máy móc quá, đôi khi phải trả giá.
Tháng 12 âm lịch năm 2010 tôi được một chỉ dẫn đến mua xe tại một địa điểm ở quận 12, TP.HCM.
Người giới thiệu cho biết, ở đó có 2 chiếc Toyota Inova đời 2007 giá chỉ 330 triệu. Trong lúc giá xe đời 2006 ở các tiệm bán xe cũ ít nhất phải 550 triệu cùng thời điểm.
Thử xe xong, thấy mọi việc ổn cả nhưng nhìn đồng hồ hiển thị km đã sử dụng, tôi phát hoảng: xe đã chạy 380.000km!
Nếu với dạng xe nhà, xe cơ quan, người ta chạy bình quân một tháng lối 2.000km, thì số km “từng trải” của chiếc xe này tương đương với 19 năm.
Với xe hơi, cốt cách nó là một hệ thống máy cơ học. Khi dùng, nó sinh nhiệt và mài mòn nên dù chưa có bệnh tật, đâm đổ gì nhưng chỉ số này báo hiệu thời kỳ “thoái hóa, biến chất” nằm ngay sau đó. Xe có thể chạy tốt được… vài tháng nữa, sau đó sinh bệnh suốt ngày, rất khó chịu.
Cách đây 3 năm, tôi có mua một chiếc Toyota Cressida tại Hạ Long. Chiếc xe này sản xuất từ năm 1996 nhưng mới chạy 100.000km. Lấy chỉ số bình quân mỗi năm đi 24.000km thì xe này chỉ xem như đời… 2004, mà giá con xe này chỉ có 150.000 triệu đồng, chưa bằng hai lần một chiếc xe gắn máy cao cấp.
Sau ba năm sử dụng, hầu như thợ xe chưa kiếm được đồng nào từ nó, chạy rất yên tâm, có điều dòng xe này thuộc loại VIP, máy xăng 2.4 nên hơi hao xăng, tầm 11 lít/100 km. Đó cũng là lí do khiến chủ cũ của nó ít dùng. Ông này là một quan chức ngành tài chính bị thất sủng, cuộc sống sau này hơi khó khăn, không như thời đương chức, xe “đắp chiếu” 5 năm xong, phải bán.
Nhưng, nếu cân bằng tiền xăng đắt hơn xe mới (chừng 3 lít/100km) với tiền đầu tư 5 lần hơn để có chiếc xe mới tương tự (Camry 2.4 chẳng hạn) thì chi tiêu này thực ra rất rẻ, không có gì đáng suy nghĩ.
Tương tự, nhiều chủng xe được xem là rất tốt, thương hiệu rất mạnh như Ford Escape 3.0 đời 2003 chẳng hạn, mạnh mẽ và “hoành tráng” không kém bất cứ một chú dạng SUV nào nhưng giá chỉ bằng nửa, lối 17.000-20.000 USD.
Khái niệm “tiền ít, thịt nhiều” , “cũ người - mới ta” là như vậy.
Trong những xe được bán, yếu tố “sử dụng ít” rất nhiều. Có nhà đi công tác nước ngoài liên miên, xe “nghỉ hưu” rất nhiều thời gian, nay bị “đề mốt” muốn bán để mua xe mới. Có nhà lại xuất phát từ hoàn cảnh, ví như chủ xe chỉ mua về để đó rồi đi xe… gắn máy vì đi xe hơi quá bất tiện (Hà Nội, Sài Gòn thường có cảnh này), nay bán đi cho “rảnh nợ”. Có xe bị cầm cố, thế chấp liên miên hoặc bị cơ quan hữu trách chế tài, hạn chế sử dụng, lưu kho…
Năm 2008, tại salon xe cũ trên đường Lò Đúc Hà Nội, gần ngã tư Hòa Mã có nhập từ Hồng Kông một loạt xe Nisan VIP cực sang, đen bóng đời… 1995, nhưng vì lí do gì đó nó chưa hề được sử dụng. Chúng tôi không tin và chủ cửa hàng phải chứng minh bằng một loạt chứng từ gốc, tiếng Anh cho thấy do vướng mắc tài chính gì đó nên một seri xe này, lối 300 chiếc, nhập từ Nhật vào Hồng Kông phải tái xuất về Việt Nam. Hải quan Việt Nam đã xác nhận điều này và về nguyên tắc, thời điểm đó chưa được nhập xe cũ cỡ này.
Giá loạt xe này chỉ bằng 60% xe mới mà xem ra các tiện nghi cho tới độ chắc bằng của khung sườn, nước sơn còn “ăn đứt” xe mới.

Làm sao biết xe ít sử dụng?
Có rất nhiều “bằng chứng” để biết xe đã sử dụng nhiều mà không cần nhìn vào đồng hồ hiển thị km, vả lại đồng hồ km là thứ người ta có thể điều chỉnh được, nên nếu tin vào đó nhiều khi sẽ thiệt thòi.
Bạn hãy chú ý các yếu tố dưới đây:
1. Cần số: các xe có số sàn càng dễ xem. Cầm cần số lắc qua lắc lại rãnh số “mo”. Xe mới khoảng cách cực đại rất ngắn, xe càng cũ khoảng cách càng rộng ra. Vào số (vẫn tắt máy) rồi lắc thử, nếu là xe mới, đã vào số hầu như rất ít độ “rơ” khi lắc, xe càng cũ độ “rơ” càng lớn. Chiếc xe trong ảnh đầu bài đời 2002, mới chạy 50.000km, tương đương hai năm mà giá chỉ bằng nửa xe mới.
2. Chú ý vị trí tay cầm vào cơ cấu để mở cửa ra của người lái, trừ trường hợp đã thay tháo, nhìn độ nhẵn, trơn láng của vị trí này là “đọc” được sự “kinh qua” của xe. Chủ xe khi tân trang có thể làm nội thất xe bóng lộn, thơm phức, mới mẻ nhưng ít chú ý đến điểm này. Vị trí này rất kín, vị trí cần xem càng kín hơn, nó ở phía trong của lẫy bật mở cửa.
3. Mở tấm lót sàn (2 lớp) đến tận lớp tôn. Dùng vật cứng bằng gỗ gõ vào đây và lắng nghe. Nếu xe cũ, đã chinh chiến nhiều, tiếng kêu mỏng, rạn. xe mới tiếng chắc, ấm.
Khi mở, quan sát luôn lớp sơn nguyên thủy. Cũ quá hoặc mới quá đều nằm trong diện nghi vấn. Cũ quá thì rõ, còn mới quá thì coi chừng, xe mới được “mông má” lại để bán.
4. Mở cửa gần vị trí lái xe ra khoảng 70 độ so với thân xe. Dùng hai tay bưng nhẹ cả tấm cửa lắc theo chiều lên, xuống. Xe dưới 5 tuổi gần như bản lề không có chút độ rơ nào cả. Xe cũ không thể tránh khỏi điều này. Tuy nhiên, phải quan sát vị trí 2 bản lề xem có gì khác thường không, hay đã bị thay rồi.
5. Nổ máy xe, đề lên vài chập rồi bỏ đấy, đi xem những vị trí khác chừng 8- 10 phút xe nổ tĩnh, quay lại nhìn vào kim đồng hồ báo nhiệt độ. Nếu mức chỉ vẫn dưới trung bình là xe còn hoàn hảo, ít chạy.
Sau thao tác này, mở nắp capo, dùng cảm giác của tay, mặt để cảm nhận nhiệt độ khu vực máy.
Với thời gian 8-10 phút chuẩn nổ máy không chạy, nếu xe tốt khu vực máy vẫn mát. Đặt tay lên nóc máy chỉ hơi ấm. Còn nếu xe quá cũ, cho dù tân trang đẹp đẽ đến đâu, chỉ nổ máy tĩnh 5 phút cũng sẽ rất nóng, khó chịu.
Chú ý khi nổ máy, nếu xe có đồng hồ tua máy, lúc đầu kim chỉ rất cao, nhịp máy hơi sạn, hơi giật nhẹ rồi êm dần, ga lên vài cái hết rung rật, hai ba phút sau mới ổn, rụt dần xuống vạch chuẩn là máy xe đã cũ.
Nếu xe tốt, khoảng dao động của kim này rất ngắn, cả về thời gian lẫn mức hiển thị kim trên đồng hồ (chỉ khoảng 1 phút là ổn định). Về thời gian, nếu chỉ sau 30-40 giây kim này đã nằm yên ở vị trí dưới 10 vạch đầu là xe còn rất tốt (khoảng 8 vạch nhỏ). Nếu cần đến cỡ 2 phút kim mới xuống dần là xe đã khấu hao.
6. Cuối cùng là một thao tác cần thiết: để nguyên xe nổ ở mức thấp, không mồi ga, vào số xong nhả “côn” thật từ từ, thật bài bản. Nếu xe trườn lên êm ái, không rung giật, không lựng khựng, không chết máy mà cứ nhanh dần lên, chạy trơn tru là xe còn tốt.
Vẫn thao tác trên, sau khi quan sát các bánh xe được bơm hơi, cân chỉnh tốt, chạy trên đường bằng, thẳng, bạn bỏ cả hai tay khỏi vô lăng thấy xe chạy thẳng tưng, ổn định ở tốc độ trên 30 km/giờ là yên tâm rồi.
Làm các thao tác ở phần 6 xong là “đọc” được chất lượng đại để của chiếc xe cũ.
Thao tác dưới đây nhằm tìm ra “con xe” lý tưởng, kể cả nó đã rất cũ: nổ máy, không ga mồi. Xe xuất phát trên đường bằng, bánh bơm chuẩn, chỉ ngồi hai người (mình và chủ xe) rồi nhấn côn, vào thẳng số 2 với xe dưới 2.0; vào thẳng số 3 với xe trên 2.4 rồi để nguyên chân ga, không thêm, nhả “côn” từ từ; khi bánh bắt đầu chuyển, dừng nguyên mức ga đó chừng 5 giây rồi nhả tiếp đến hết, vẫn không mớm ga mà thấy cái xe chạy tốt (từ 20-30 km/h); khi nhấn ga một chút, xe vọt ngay thì đó là xe còn rất tốt, lý tưởng.
Khi tiến hành thực nghiệm này, phải “nghe” coi ga-răng-ti đủ mạnh mới làm. Nếu ga nhỏ quá, cài số cao xe chết máy ngay.
Với loại xe này, có thể mua ngay, các khuyết tật khác nếu có, khắc phục sau.
Theo Huy Cường
Tamnhin.net

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

"Cú chuyển mình dữ dội" của nền kinh tế Việt Nam đầu năm 2011

VIT - Ba tháng đầu năm 2011, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước đi mới trong chính sách tài khóa. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng.

Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt

Cuối tháng 2, Chính phủ thông qua nghị quyết về 7 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. 7 nhóm giải pháp đó là: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước; Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận; Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: tình hình hiện nay đặt ra nhiệm vụ cho cả nước phải tập trung sức bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, làm được điều này sẽ duy trì được sản xuất, được an sinh xã hội. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của cả nước ta.

Thủ tướng nêu rõ cũng yêu cầu Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương phải thực hiện được mục tiêu tăng thu ngân sách năm 2011 từ 7 đến 8%, tiết kiệm chi tiêu 10%; dứt khoát phải giảm bội chi xuống dưới 5%; coi giảm bội chi là giảm cầu, làm giảm lạm phát. Bên cạnh đó không ứng vốn ngân sách nhà nước cho các dự án kéo dài, không cấp bách để bổ sung cho các dự án ưu tiên hoàn thành trong năm 2011.

Khẳng định việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu là việc không thể không làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng và địa phương thực hiện việc bù hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo theo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Ngày 8/3/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

Như vậy, đây là lần thứ hai kể từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước tăng một số loại lãi suất điều hành. Lần trước, ngày 17/2, mức tăng lãi suất tái cấp vốn là từ 9%/năm lên 11%/năm. Đáng chú ý là trong lần điều chỉnh này, lãi suất tái chiết khấu được tăng mạnh, từ 7%/năm lên 12%/năm. Với quyết định trên, nhà điều hành tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để góp phần kiềm chế lạm phát.

Kèm theo đó, nhà nước đã bắt đầu xóa USD “chợ đen” và cấm kinh doanh vàng miếng. Những động thái trên cho thấy quyết tâm của nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế xã hội

Thế giới đánh giá cao chính sách tài khóa Việt Nam

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2011 được nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao khi Chính phủ đưa ra nhiều chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa.

Theo Financial Times, Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện sự ổn định kinh tế và tiến tới tăng trưởng ổn định. Những biện pháp mà Việt Nam thực thi gần đây như tăng lãi suất cho vay liên ngân hàng, hạ thấp mục tiêu tăng trưởng tín dụng, giảm chi tiêu công…, cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Anh HSBC vừa đưa ra những nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam và cho rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt trong năm nay.

Tờ Thời báo Tài chính của Anh vừa qua dẫn báo cáo của nhà kinh tế Sherman Chan của HSBC cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang đi đúng hướng khi sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững, đã dẫn đến tình trạng lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn và đồng nội tệ liên tục yếu đi.

Ngân hàng HSBC cũng dự đoán việc thắt chặt tiền tệ và tài khóa sẽ có ảnh hưởng nhỏ đến tăng trưởng của Việt Nam. Do đó HSBC dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam đạt 7% trong năm 2011; đạt 7,4% trong năm 2012. Mức lạm phát trung bình cả năm 2011 của Việt Nam được dự báo là 9,9%.

Bà nhận định Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện sự ổn định kinh tế và tiến tới tăng trưởng ổn định. Bà cũng cho rằng nếu chính phủ thành công trong việc giải quyết những vấn đề đó thì Việt Nam sẽ vẫn cần tiếp tục các biện pháp trên khi phải chịu tác động của mức lãi suất đi vay 20% và những ảnh hưởng do cắt giảm chi tiêu vào cuối năm nay.
TN Tin tổng hợp
Nguồn tin: Diemtin - Cafef