Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào?

Hoàng Thị Hồng Nhung

Có thể nói rằng sự khác nhau giữa giáo dục đại học ở Mỹ và Việt Nam bắt nguồn từ sự khác nhau giữa chủ nghĩa cá nhân có nguồn gốc từ châu Âu trong văn hóa Mỹ và chủ nghĩa tập thể ảnh hưởng từ đạo Khổng Nho trong văn hóa Việt.
So với tổng số khoảng 4,7 triệu học sinh phổ thông và sinh viên các trường Đại học và Cao Đẳng ở nước ta hiện nay thì số lượng khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam tại các cơ sở đào tạo nước ngoài (trong đó ở Australia có 15.000, ở Mỹ có 13.000, và ở Pháp có 7.000) chỉ chiếm một tỉ lệ khá thấp. Mỹ là nước thứ hai trên thế giới có số du học sinh Việt Nam theo học nhiều nhất. Năm 2009, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 9 trên thế giới về số lượng du học sinh tại Mỹ.

1. Hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ dân chủ và tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Tôi có những buổi học 4 môn liên tục từ 11 giờ trưa tới 5 giờ chiều mà chỉ được nghỉ 15 phút để chạy từ giảng đường này sang giảng đường khác, ăn đồ ăn nhanh ở trong lớp thường là giải pháp cho các bữa trưa của tôi. Không những được phép ăn uống, mà tôi còn có thể nhắn tin bằng di động hay dùng máy tính xách tay trong lớp. Không có chuyện giáo sư gọi sinh viên trả lời như một điều trừng phạt khi sinh viên đang suy nghĩ đâu đó. Sinh viên chúng tôi được tranh luận thẳng thắn mà không bị đánh giá thái độ mỗi khi phản bác ý kiến của thầy cô.

Một điều hết sức bình thường ở Mỹ là giáo sư vui vẻ cảm ơn mỗi khi sinh viên chỉ ra điểm sai trong bài giảng. Tôi thậm chí có lần còn được cộng điểm vì chỉ ra được những lỗi như thế. Thế mới hiểu tại sao sinh viên Mỹ có phong cách rất tự tin, vì họ nhận được sự khuyến khích thực sự từ các thầy cô mỗi khi phát biểu, ngay cả việc yêu cầu giáo sư nhắc lại câu vừa mới nói. Ngoài giờ học chính thức, các giáo sư thường dành khoảng 2- 4 tiếng mỗi tuần để sinh viên có thể dễ dàng tới trao đổi hay giải đáp thắc mắc ở văn phòng riêng của họ. Sinh viên cũng có thể học qua gia sư của từng môn học. Đây là những bạn học sinh giỏi của các lớp trước được nhà trường thuê và trả lương khoảng $9/giờ, 10 giờ một tuần.

Một điều khác làm cho nhiều du học sinh bỡ ngỡ đó là không có sự phân biệt về tuổi tác trong lớp học. Tôi có cậu bạn học cùng lớp tiếng Anh trong kỳ đầu tiên 28 tuổi và có những bạn trong lớp năm thứ ba nếu so về số tuổi có lẽ nhiều gấp đôi của tôi. Ngay cả học sinh cấp ba ở Mỹ cũng không tuân theo chuẩn mực đứng lên chào khi thầy cô bước vào và ra khỏi lớp. Sinh viên được nhận kết quả thi tuyệt đối riêng tư. Nếu không hỏi nhau thì bạn bè không ai biết kết quả của ai. Việc học là cho mình chứ không phải học vì nỗi sợ bị bạn bè đánh giá. Ở Mỹ, phụ huynh chỉ có quyền biết điểm của con mình nếu như họ là người đóng tiền học cho con họ.

2. Chương trình học ở đại học Mỹ linh hoạt hơn ở ta. Sinh viên được chọn môn, chọn thầy, và chọn giờ học theo ý mình. Tôi có một cô bạn nhà ở cách trường một tiếng lái xe nên học dồn tất cả các lớp học vào ba ngày đầu tuần. Tôi đã từng bất ngờ khi cô giáo hỏi có những ai đi làm thêm trong giảng đường hơn 200 sinh viên năm thứ nhất, thì có tới 3/4 lớp tôi giơ tay lên. Thậm chí, tôi có cô bạn vừa đi học 5 môn một kỳ vừa đi làm 32 tiếng một tuần.

Mặc dù học sinh phải đăng ký ngành học ngay từ khi vào trường, nhưng sinh viên có thể thay đổi ngành học trong hai năm đầu mà hầu như không ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp. Sinh viên chọn ngành Văn học vẫn có thể chuyển sang nghành Kiểm toán chẳng hạn. Trong 2 năm đầu tiên, hầu hết chương trình của các ngành đều giống nhau. Tất cả sinh viên bất kể chuyên ngành nào, dù Kiểm toán hay Văn học, đều phải hoàn tất chương trình cơ bản trong hai năm đầu với nhiều môn trên nhiều lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Lịch sử, Xã hội học, Chính trị), Tiếng Anh (học lối viết trong nghiên cứu), đến các lớp như Âm nhạc hay Sân khấu. Đương nhiên là sinh viên được quyền chọn môn học mình yêu thích trong số những nhóm môn ấy. Chương trình đại học được thiết kế trong vòng 4 năm, nhưng vì học theo tín chỉ nên sinh viên có thể học nhiều lớp trong hai kỳ chính cũng như có thể học cả ba kỳ hè để rút ngắn thời gian học.

3. Về cách dạy ở trường đại học Mỹ, không bao giờ có tình trạng thầy đọc trò chép. Thầy cô trình chiếu bài giảng hoặc phát bài rồi nói về những vấn đề đó. Những điều cần giải thích thêm thầy cô mới ghi lên bảng. Sinh viên có thể lên website của thầy cô xem lại bài trình chiếu để bổ trợ trong quá trình tự học. Thời khóa biểu được phát đầu kỳ, và các bài giảng cứ thế răm rắp tuân thủ theo từ tuần đầu tiên đến tuần cuối cùng. Và đặc biệt các giáo sư rất đúng giờ, hầu như họ đều vào lớp trước giờ học, khó có thể tìm được buổi học nào mà thầy cô lên lớp muộn, dù là chỉ một phút.

4. Điều khác biệt nữa là cách thức đánh giá sinh viên. Ở Mỹ trong một kỳ, một sinh viên thông thường học 5 môn. Mỗi môn có từ 3 đến 6 bài kiểm tra, với phần trăm điểm được phân bố. Kỳ vừa rồi với 5 lớp học, tuần nào tôi cũng có ít nhất một bài kiểm tra như thế, có tuần có tới 4 bài kiểm tra, bài viết phải nộp, và bài thuyết trình trên lớp. Còn ở Việt Nam, nếu như không có kiểm tra giữa kỳ thì chỉ có duy nhất một bài kiểm tra cuối kỳ. Như vậy là sinh viên ở Mỹ phải học liên tục, chứ không như ở Việt Nam, lịch thi tạo điều kiện cho sinh viên có thể thong dong đầu kỳ rồi cuối kỳ học gấp rút trong vài ba ngày cho bài thi cuối kỳ rồi cũng xong. Và tất nhiên, kiến thức được xây dựng từ bài cơ bản đến bài nâng cao như mưa dầm thấm đất, sinh viên sẽ nắm được vấn đề một cách chắc chắn.

Hơn nữa, ngoài các bài kiểm tra, có môn tôi còn phải làm bài trắc nghiệm trong vòng 15 phút trên mạng hàng tuần. Hay có lớp cứ hai tuần có một bài về nhà trên mạng, tôi lại phải dành ra khoảng 4 tiếng để hoàn thành 30-50 câu hỏi trắc nghiệm. Học ở Mỹ, tôi phải viết rất nhiều. Nhiều khi tôi phải tự tìm chủ đề và tìm tài liệu tham khảo trong thư viện. Có những bài dài đến gần 30 trang. Đặc biệt, sinh viên có thể bị đánh trượt nếu phạm lỗi đạo văn, dù chỉ là lỗi sao chép trong một bài luận.

5. Ở Mỹ mỗi trường đại học có cả hàng chục đến cả trăm hội sinh viên chứ không phải mỗi trường chỉ có một vài hội sinh viên như ở Việt Nam. Nếu sinh viên muốn tham gia tình nguyện thì có thể tham gia chương trình tình nguyện của rất nhiều câu lạc bộ sinh viên. Có câu lạc bộ về chuyên nghành (như Tài chính, Kiểm toán, Kinh tế học, Hóa học, Công nghệ thông tin), về văn hóa (hội sinh viên các quốc gia và vùng lãnh thổ), hay về giải trí (Nhiếp ảnh, Bóng bàn, Cờ vua). Bên cạnh đó có rất nhiều lớp học ngoại khóa (Yoga, nhảy Latin).

Hoạt động của các câu lạc bộ trong trường đại học Mỹ rất năng động. Tham gia hoạt động ngoại khóa giúp tôi học hỏi nhiều điều trong cách giao tiếp. Năm ngoái, tôi từng được gặp thị trưởng thành phố tôi đang học trong một buổi trò chuyện do hội sinh viên nghành Tài chính của trường tổ chức. Mới cách đây 2 tuần, tôi lại cùng với thành viên hội này được đến thăm quan chi nhánh ngân hàng Frost National Bank ở trung tâm thành phố của tôi. Trong buổi đó, chúng tôi được giao lưu với chủ tịch, phó chủ tịch, cũng như nhiều trưởng các bộ phận trong ngân hàng như đầu tư, tín dụng, và quỹ. Thậm chí, sau khi qua hai lớp cửa an toàn, những sinh viên chúng tôi còn được tận mắt nhìn thấy kho tiền của ngân hàng.

Nói thêm về chuyến tham quan này, tôi là thành viên trong ban quản trị của hội và là người chịu trách nhiệm tổ chức buổi thăm quan này. Một lần tình cờ khi nói chuyện với giáo sư, tôi đề đạt nguyện vọng của hội muốn tìm hiểu cách thức hoạt động của một ngân hàng trong thành phố, thầy tôi vui vẻ mở facebook của thầy và gửi tin nhắn cho một sinh viên cũ của thầy đang làm việc tại ngân hàng. Vài tuần sau đó, sau cuộc gọi điện của thầy tôi, chỉ hai ngày sau anh sinh viên cũ gửi chương trình buổi thăm quan kèm theo ngày giờ cụ thể qua thư điện tử cho tôi. Sự nhiệt tình của thầy tôi, tinh thần trách nhiệm của anh sinh viên cũ của thầy, và sự thân thiện của các nhân viên trong ngân hàng đã khiến tôi, một sinh viên quốc tế, không khỏi ngỡ ngàng.

Sau chuyến thăm quan ngân hàng Frost National Bank, hãy cùng tôi ngẫm nghĩ phép so sánh nho nhỏ sau: công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay là ngân hàng Vietcombank có tổng tài sản (12,7 tỷ USD) chỉ bằng khoảng 2/3 tổng tài sản của ngân hàng Frost National Bank (17,7 tỷ USD) - ngân hàng lớn nhất ở tiểu bang Texas, Mỹ. Chúng ta đi sau cả về kinh tế và giáo dục. Như một quy luật trong cuộc thi chạy đường trường, một khi ta xuất phát sau thì ta phải tăng tốc, và tốc độ phải nhanh hơn đối thủ đằng trước thì ta mới có cơ về đích trước.

Được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao ở Mỹ như vậy, liệu sẽ có bao nhiêu du học sinh dũng cảm quay về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, áp dụng những kiến thức tiên tiến vào tình hình riêng của nước ta, để nghĩ lớn và làm lớn?

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Lịch sử cần sự thật

Tác giả: Trần Kinh Nghị
Bài đã được xuất bản tren VietnamNet

Kẻ mạnh thường thắng kẻ yếu, và sự thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia vốn là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử nhân loại, nhưng điều quan trọng có tính nguyên tắc là, mọi sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và giữ gìn một cách trung thực.

>> Lịch sử đâu phải thích bẻ cong, uốn thẳng là được!

Hồi đầu năm nay đã rộ lên sự kiện một nữ nghiên cứu sinh người Việt tại Mỹ tên là Đào Ngọc Bích viết bài cho BBC nói rằng Việt Nam là từ Trung Quốc mà ra(!) để rồi ngay sau đó bị đông đảo dư luận trong và ngoài nước "đánh" cho tả tơi, rơi rụng. Không chỉ vậy, chính cô cựu sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội này, trong nỗ tự lực bào chữa cho mình, đã "đổ tại" quá trình đào tạo môn lịch sử khi cô còn ở Việt Nam.

Mới đây dư luận lại được một phen bức xúc nữa khi một vị giáo sư người Trung Quốc tên là Vương Hàn Lĩnh cho rằng "kể từ năm 1885 về trước Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc".

Thực ra không phải chỉ một mình cô Bích hay ông Lĩnh mà còn khá đông đảo người Việt Nam và Trung Quốc đều chưa hiểu đúng về lịch sử của đất nước mình, đặc biệt là lịch sử liên quan đến mối quan hệ lâu đời của hai quốc gia dân tộc "núi liền núi, sông liền sông" này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiểu biết lịch sử "lệch lạc" như vậy nhưng có một nguyên nhân sâu xa nằm ở những "góc khuất" trong sử sách khi nói về nguồn cội dân tộc của mỗi nước.

Vẫn biết, kẻ mạnh thường thắng kẻ yếu, và sự thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia vốn là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử nhân loại, nhưng điều quan trọng có tính nguyên tắc là, mọi sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và giữ gìn một cách trung thực.

Với tinh thần đó, người viết bài này xin được nêu lên một vài điều suy nghĩ lâu nay để mọi người cùng suy ngẫm nhằm tìm ra một lời giải.

Một là, về cội nguồn dân tộc, có thể nói không chỉ truyền thuyết mà cả sử sách (của cả Trung Quốc và Việt Nam) dù có nhiều điều chưa được làm sáng tỏ hoặc chưa thỏa đáng, cũng cho thấy rằng nước Việt Nam ngày nay là một thực thể thống nhất duy nhất còn lại của Bách Việt - một tên gọi chung cho nhiều tộc người Việt đã từng định cư hàng ngàn năm trước Công nguyên trên vùng lãnh thổ rộng lớn từ bờ Nam Sông Dương Tử xuống miền Bắc Việt Nam ngày nay, phía Tây giáp Tân Cương, phía Đông giáp biển Thái Bình Dương.

Sử sách cũng cho thấy Người Hán "nam tiến" với thế mạnh của kỵ binh nhưng đã phải mất hàng ngàn năm (quãng giữa thiên niên kỷ thứ 2 trước CN đến đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau CN) để xâm chiếm, chinh phục và đồng hóa hầu hết các bộ tộc hoặc vương quốc có tên tuổi của người Bách Việt (xem bản đồ minh họa*). Đó là một quá trình kéo dài với biết bao biến cố lịch sử phức tạp mà trong đó có nhiều sự kiện đã bị lãng quên hoặc bị xuyên tạc, thậm chí bị "tráo đổi" tùy theo mục đích của các triều đại phong kiến thống trị trong các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là thời nhà Hán và nhà Đường.

Tuy nhiên có một thực tại không thể bác bỏ là, riêng Lạc Việt mặc dù bị các triều đại phong kiến Hán Hoa thay nhau thống trị từ năm 179 TCN đến 905 nhưng vẫn tồn tại và phát triển với tư cách một quốc gia dân tộc độc lập như ngày nay. Sử sách thường gọi đó là "thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc" mặc dù đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của người Việt liên tục nỗ ra trong suốt quá trình đó.

Có thể nói, đó là quá trình lịch sử tang thương của Bách Việt nói chung, nhưng cũng là trang sử hào hùng đối với dân tộc Việt Nam nói riêng. Sự tồn tại và phát triển của Việt Nam không phải là trường hợp ngẫu nhiên mà là kết cục của cả quá trình đấu tranh sinh tồn của người Bách Việt nói chung mà các thế hệ người Việt Nam nói riêng và cội nguồn Bách Việt nói chung không bao giờ được phép lãng quên.

Theo truyền thuyết thì nguồn gốc tổ tiên của Việt Nam bắt nguồn từ Hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay) bắt đầu bằng Thời đại Hồng Bàng của Kinh Dương Vương (có sách ghi cụ thể năm 2789 TCN). Thuyết này trùng khớp với các câu chuyện cổ tích về Âu Cơ-Lạc Long Quân, các Vua Hùng, mối tình Mỵ Châu-Trọng Thủy và chiếc nỏ thần v.v...

Câu dân ca Việt cổ "Công cha như núi Thái Sơn (gần Hồ Động Đình), nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..." cũng là một sự trùng hợp. Truyền thuyết này cũng được kiểm chứng bằng một số kết quả nghiên cứu quả khảo cổ, nhân chủng và ngôn ngữ, qua các di chỉ đồ đá, trống đồng, nghề trồng lúa nước và những khác biệt gen di tuyền v.v...

Kết hợp cả truyền thuyết và cổ sử ta có thể nhận thấy trong suốt quá trình "Nam tiến" và "Đông tiến" của Hán tộc, các tộc người Bách Việt như Ngô Việt, Âu Việt, Dương Việt, Đông Việt, Nam Việt, Man Việt, Di Việt v.v.... đều không thoát khỏi bị thôn tính và đồng hóa...., để cuối cùng đều biến thành "người Hoa" hiện đại. Nhưng riêng Lạc Việt vẫn tồn tại, có thời kỳ bao gồm cả vùng đất Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Bộ ngày nay.

Theo dòng lịch sử, ta còn thấy một thực tế là đã từng có rất nhiều người gốc Bách Việt tham gia vào bộ máy đô hộ của phong kiến Trung Hoa trong các thời kỳ khác nhau nhưng đã chọn Lạc Việt (sau là Chân Lạp, Giao Chỉ...) làm "hậu cứ" để chống lại Vương triều trung ương (như Hồ Quý Ly, Lý Bôn, Lý Bí chẳng hạn); rất nhiều người trong số họ thực sự đã tái hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.Cũng đã từng diễn ra những đợt rời bỏ quê hương của người Hoa gốc Bách Việt thuộc nhiều thế hệ trước đến định cư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Sử cận đại Trung Quốc cũng cho thấy, cho mãi đến những năm 1940 danh từ "dân tộc Việt" mới bị Tôn Trung Sơn chủ trương xóa bỏ trong bản đồ dân số Trung Quốc. Cho đến này nay để ý thấy ít nhiều vẫn còn những tình cảm kỳ thị giữa các cộng đồng gốc gác Bách Việt tại Trung Quốc với người "từ phương Bắc".

Bản thân người viết bài này hồi nhỏ đã có dịp học tập tại Quảng Tây nới có gần 20 triệu người dân tộc Choang (còn gọi là Tráng) vốn là họ hàng của tộc Việt, mới đây trong chuyến du lịch mấy tĩnh phía Nam Trung Quốc đã được dịp "kiểm nghiệm"điều này qua chuyện trò với một số người bản địa. Tin tức cũng cho thấy người Đài Loan gần đây đã viện dẫn đến yếu tố "người bản địa" Man Việt trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự tồn tại độc lập với Đại lục. Nhiều thông tin, dữ liệu của các nhà nghiên cứu Bách Việt học quốc tế cũng đáng được xem xét để góp phần làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc dân tộc và nhân văn của của Việt Nam và khu vực Đông Á và Đông Nam Á nói chung.

Thiết nghĩ, những sử liệu và sự kiện trên đây ít nhiều tự chúng đã nói lên những sự thật khách quan xung quanh những "góc khuất" trong cổ sử và chính sử liên quan đến cội nguồn dân tộc và quan hệ giữa hai nước Việt-Trung. Khách quan mà nói đó là hướng đi tích cực cho mục đích xây dựng mối quan hệ hữu nghị bình đẳng lâu dài giữa hai nước và trong khu vực nói chung.

Hai là, về nhân văn, tuy chỉ dựa vào các nguồn sử sách cổ để lại từ thời "1.000 năm Bắc thuộc", ta cũng có thể thấy Việt Nam là kết tinh, là đại diện của Bách Việt. Về góc độ văn hoá, kể cả phong tục tập quán, ngôn ngữ, Việt Nam và Trung Quốc ngày nay có rất nhiều điểm tương đồng, đồng thời cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Đặc điểm này nếu được hiểu và vận dụng một cách đúng đắn sẽ có tác dụng tích cực cho việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị và bình đẳng giữa hai nước, chứ không có gì là không tốt như một số người có thể nghĩ.

Tuy nhiên trên thực tế không được như vậy vì có quá nhiều sự thật đã bị xuyên tạc, có những giá trị đã bị "tráo đổi" trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm qua mà trong đó phần lợi bao giờ cũng nghiêng về phía kẻ mạnh.

Xin đơn cử vài ví dụ: Thế giới lâu nay vẫn tin rằng Kinh Dịch là của người Trung Quốc. Nhưng thực ra gần đây các chứng cứ khảo cổ quốc tế đã cho thấy trống đồng không phải của người Hán mà là của các dân tộc phương Nam. Kết luận này cho phép các nhà nghiên cứu suy ra rằng những hình khắc biểu tượng Kinh Dịch trên trống cũng không phải của người Hán; và do đó chủ nhân của Kinh Dịch chính là người Bách Việt, cụ thể hơn là của người Âu Việt và Lạc Việt.

Về ngôn ngữ, đã từ lâu người Việt Nam an phận đón nhận chũ Nho (tốt đẹp) của người Hán (còn gọi là Hán Nôm). Nhưng có một số luận điểm khác cho rằng người Hán trong quá trình xâm lược đã sử dụng ngôn ngữ của người Bách Việt, cụ thể là của Ngô Việt (tại vùng Việt Châu, tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến ngày nay) để cải tiến thành chữ Hán, rồi thành tiếng Trung hiện đại. Lập luận này dựa trên cơ sở nghiên cứu về ngữ nghĩa, âm thanh, ngữ pháp v.v... cho thấy một tỷ lệ rất cao các nhân tố ngôn ngữ Bách Việt trong tiếng Hán cỗ và tiếng Trung ngày nay. Đó là hiện tượng các danh từ nhưng có tính từ được xếp sau danh từ được thấy phổ biến trong Kinh Thi và ngay ở tên gọi các vị Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn vốn được coi là truyền thuyết Trung Quốc ; từ "Việt" hiển thị với tầng số rất cao trong các tên địa danh ở miền Nam Trung Quốc; từ "giang" (sông) của tiếng Việt cổ được sử dụng cho hầu hết các con sông miền Nam Trung Quốc (trong khi ở miền Bắc gọi là "hà"); tuồng Kinh kịch ở phía Nam Trung Quốc ngày nay vẫn còn gọi là "Việt kich", v.v...

Thuyết này đồng thời cũng đặt ra mối nghi vấn rằng di chỉ thẻ tre có khắc chữ Hán cổ là "giả mạo" vì vào thời đó người Hán chưa có mặt ở miền đất phía Nam nơi có cây tre đủ to để làm thẻ viết. Tương tự cũng có sự "nhập nhằng" về chủ thể của "con đường tơ lụa" vì đúng ra người Bách Việt mới có thể là chủ thể của sản vật tơ lụa làm từ cây dâu tằm chỉ có ở vùng đất phương Nam. Rất nhiều luận điểm và luận cứ tượng tự cũng đã được nhiều học giả Việt Nam và quốc tế nêu ra.

Tóm lại, dù bị người Hán cố tình đồng hóa bằng rất nhiểu thủ đoạn tinh vi và cường bạo như đốt sách, bắt từ bỏ, xóa bỏ hoặc tráo đổi v.v..., nhưng các dấu tích Bách Việt vẫn còn đó cho đến ngày nay. Trong suốt quá trình đấu tranh sinh tồn khốc liệt bên thua trận ắt chịu nhiều mất mát, nhưng những gì là bản sắc riêng vẫn còn đó; và điều này có thể nhận thấy qua nhiều nét tương đồng giữa Việt Nam với các tỉnh phía Nam và Đông Nam Trung Quốc ngày nay cũng như với các nước Đông Nam Á.

Ba là, công tác nghiên cứu và giáo dục về lịch sử cần đi sâu hơn nữa về nguồn gốc dân tộc cùng các giá trị nhân văn trên tinh thần khách quan, dựa trên chứng cứ khoa học biện chứng lịch sử, khảo cổ, nhân chủng... (chứ không chỉ dựa vào sử sách củ để lại từ thời Bắc thuộc). Thiết nghĩ, trong việc này những kiến thức xác thực về Bách Việt sẽ giúp giải mã rất nhiều điều mà lâu nay chưa cảm thấy thỏa đáng hoặc chỉ là "ngộ nhận".

Công tác sử học cũng cần tập trung nghiên cứu và bổ cứu lại toàn diện, đặc biệt về lĩnh vực nguồn gốc dân tộc và nhân văn của người Việt nhằm làm sáng tỏ những kiến thức mang tính truyền thuyết kết hợp với những chứng cứ lịch sử dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khảo cổ và gen di truyền v.v... Khi có đủ dữ liệu thì công khai chỉnh sửa những mọi sự sai lệnh hoặc bị xuyên tạc hoặc bị giả mạo trong sách sử cũ dưới bất cứ hinh thức nào, của bất cứ thời đại nào.

Lý do là vì toàn bộ sách sử cổ của Việt Nam đều đã bị đốt và thủ tiêu trong các thời kỳ "1.000 năm Bắc thuộc"; các sách sử hiện có, kể cả Đại Việt sử ký, đều là sử "chép lại" dựa chủ yếu vào các nguồn sử của các thời Hán, Đường và "hậu Hán Đường" nên không thể đảm bảo tính chính xác, trung thực và đầy đủ được; thật nguy hại nếu đã có những sự thật đã bị xuyên tạc, thậm chí đã bị tráo đổi trong đó.

Mặc khác, cũng cần thừa nhận những khiếm khuyết trong khâu giáo dục công dân về lịch sử trong thời gian qua ở nước ta với những hậu quả "nhãn tiền" như đã được nhiều lần cảnh báo trước công luận. Thật nguy hại nếu mọi công dân đều hiểu biết sơ sài, thậm chí hiểu sai lệch về lịch sử của đất nước mình. Ví dụ khi nói mình "con rồng cháu tiên" nhưng trong lòng phân vân không biết có đúng thật không vì thấy ở Trung Quốc người ta cũng nói như vậy; không biết tại sao người Việt có các họ giống như người Trung Quốc, không biết chắc nên thiếu tự tin rằng trống đồng là bảo bối của dân tộc Việt Nam; không dám đòi quyền chủ thể của Kinh Dịch, v.v...

Tương tự, trong lĩnh vực ngôn ngữ, sao ta không đặt mạnh vấn đề nghiên cứu xem tiếng Việt có chữ viết cổ? Lẽ nào ta dân tộc ta chỉ có chữ Hán Nôm? Có lẽ vì không biết mình là ai, nên đến ngày nay vẫn lúng túng không biết nên bảo tồn cái gì, thay thế, xoá bỏ cái gì để thực hiện "trong sáng tiếng Việt"?.Thậm chí có người cứ "vô tư" nhận mình là "con cháu" của người Trung Quốc (trong khi phía bên kia không nghĩ như vậy).

Cũng cần xem xét lại một số khái niệm và quan niệm như cho rằng văn hóa Việt "bị ảnh hưởng" của văn hóa Trung Quốc là không hoàn toàn chính xác (mà thực chất đó chỉ là một sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại); cách hiểu về nguồn gốc đạo Phật, Đạo Khổng, về Chữ Nho và Nho Giáo cũng có nhiều điều phải bàn thêm, v.v... Chỉ khi nào hiểu đúng về nguồn gốc dân tộc và tự tin với những giá trị nhân văn riêng, người Việt Nam ngày nay mới thực sự tìm lại chính mình và thoát khỏi nỗi mặc cảm truyền kiếp luôn thấy yếu kém và phụ thuộc các thế lực bên ngoài.

Thay cho lời kết

Những lập luận trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của người viết để nhắc lại rằng dân tộc Việt Nam có cội nguồn lâu đời với những giá trị nhân văn không thua kém các dân tộc khác. Đó là một lịch sử cần được tôn trọng bằng các chứng cứ khoa học khách quan chứ không chỉ bằng truyền thuyết; ngay cả sử sách cũng phải được kiểm chứng lại bằng các kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

Theo hướng đó, bài viết chỉ nêu lên một thực trạng tình hình đồng thời gợi ra một số việc cần làm thêm (chứ không nhằm phê phán ai hoặc nước nào) với hy vọng góp phần đem lại sự hiểu biết đúng đắn hơn về lịch sử và cội nguồn dân tộc của Việt Nam cũng như các bên liên quan khác trong khu vực, coi đó là cơ sở để đảm bảo mối quan hệ hữu nghị, bình đẳng lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa các nước khu vực với nhau./.

Nước Mỹ: Sau hai năm cầm quyền của Tổng thống Obama

Cập nhật trên Báo Nhân dân lúc 14:18, Thứ hai, 27/12/2010 (GMT+7)
NDĐT - Lần đầu tiên trong lịch sử chính trường Mỹ xuất hiện một Tổng thống da mầu - ông Barack Obama. Với cương lĩnh “đổi mới nước Mỹ” đã gây ấn tượng mạnh với dư luận trong và ngoài nước. Vì thế, những đánh giá, nhận định “Nước Mỹ: Sau hai năm cầm quyền của Tổng thống Obama” của giới nghiên cứu chính trị và dư luận Mỹ, quốc tế được đặc biệt quan tâm.

1. Những dấu ấn về điều hành đất nước của Tổng thống Obama

Về kinh tế, năm 2009 Mỹ đã tung ra các gói kích thích kinh tế 814 tỷ USD; năm 2010 lại đưa ra các gói 50 tỷ USD cấp tín dụng thuế, 100 tỷ USD cho nghiên cứu, triển khai doanh nghiệp và 600 tỷ USD mua trái phiếu chính phủ… Tổng giá trị của chương trình kích thích nền kinh tế năm 2010 lên tới 900 tỷ USD, sẽ hoàn thành vào quý III/2011 và tiếp tục duy trì lãi suất thấp ở mức 0,25%.

Tháng 7-2010, Mỹ đã thông qua dự luật cải cách tài chính. Theo đó: thành lập Cơ quan bảo vệ tài chính tiêu dùng; thành lập Hội đồng giám sát ổn định tài chính; tăng cường quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động ngân hàng và lĩnh vực giám sát; bảo đảm tính minh bạch và hạn chế rủi ro đối với các sản phẩm chứng khoán phái sinh... Tuy nhiên, kết quả là tỷ lệ thất nghiệp vẫn không giảm, sức mua của người dân dậm chân tại chỗ, thâm hụt ngân sách quốc gia 14% GDP. Theo thống kê mới nhất, quý III/2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,0%, tỷ lệ thất nghiệp là 9,6%.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến đạt 2,7% năm 2010, sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm 2011. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức khoảng 9,2% - 9,5% vào năm 2011. Thị trường nhà đất vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nợ công của Mỹ tiếp tục tăng ở mức báo động. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hiện rất lo lắng về hệ quả của việc FED thực hiện chương trình nới lỏng tiền tệ lần 2 nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Về y tế, năm 2010, Quốc hội Mỹ đã thông qua những thay đổi về mặt kỹ thuật đối với đạo luật cải cách y tế lịch sử trị giá 938 tỷ USD, nâng tổng số dân Mỹ được bảo hiểm lên 95% và thâm hụt ngân sách liên bang sẽ giảm được 138 tỷ USD trong 10 năm tới. Tuy nhiên, đạo luật cũng vấp phải sự chống đối quyết liệt của đảng Cộng hòa vì bị cho là tốn kém và không hiệu quả. Hiện có 38 bang đã tuyên bố sẽ khởi kiện chống lại dự luật cải cách y tế nêu trên.

Về bầu cử Quốc hội giữa kỳ, tại Hạ viện, tương quan lực lượng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ là: 239/186 trên tổng số 435 ghế. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner đã trở thành Chủ tịch Hạ viện, đồng thời phe này cũng nắm giữ cương vị chủ tịch các ủy ban và tiểu ban ở Hạ viện. Quyền kiểm soát Thượng viện vẫn nằm trong tay đảng Dân chủ với tỷ lệ sít sao: 53/47. Đảng Cộng hòa giành được 11 ghế, nâng tổng số ghế thống đốc bang lên 29 và giành lại quyền kiểm soát nghị viện tại 19 bang.

Về chính sách đối ngoại, trong một loạt các vấn đề từ kiểm soát vũ khí, hòa bình Trung Đông và mối quan hệ với thế giới Hồi giáo, chính quyền Obama mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra các định hướng, kế hoạch mới chứ chưa đạt được kết quả cụ thể nào, ngoại trừ việc Thượng viện phê chuẩn START mới tháng 12-2010.

Tỷ lệ ủng hộ Obama trong số những người Arập và Hồi giáo vẫn rất thấp. Nhiều người vẫn cho rằng Mỹ là một siêu cường ngạo mạn, ủng hộ những kẻ độc tài và chuyên quyền ở xứ Arập. Nhà tù Guantanamo vẫn hoạt động, các uỷ ban quân sự vẫn xét xử những kẻ khủng bố và những vụ bắt giữ vô thời hạn vẫn tiếp diễn. Các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan vẫn còn phức tạp, mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan vẫn tiếp diễn.

Với châu Á, chính quyền Obama tiếp tục thực hiện chính sách tái can dự một cách mạnh mẽ, toàn diện. Mỹ ngày càng đánh giá cao vai trò của ASEAN trong khu vực và đã hợp tác chặt chẽ và tích cực.

Đối với khu vực Trung Đông, chính quyền Obama đã đẩy mạnh mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình. Có vẻ như Mỹ đang gia tăng sức ép buộc Israel phải thỏa hiệp và 'ưu ái' đối với Palestine. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn đang rơi vào ngõ cụt, chưa có tiến triển khả quan nào trong tương lai gần.

Đối với Trung Quốc (TQ), thay vì cách tiếp cận “nhún nhường” như năm 2009, Mỹ đẩy mạnh mặt đấu tranh, chơi một số “con bài tủ”, như bán vũ khí cho Đài Loan, tiếp lãnh tụ lưu vong Tây Tạng, áp thuế đối với một số mặt hàng của TQ bán sang Mỹ... Quan hệ quân sự Mỹ-TQ có những giai đoạn bị “đóng băng”. Có thể nói quan hệ Mỹ-Trung đang trải qua giai đoạn thử thách lẫn nhau quyết liệt. Tuy nhiên, sau các vụ tàu Cheonan, tranh chấp Nhật-Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vụ đấu pháo trên bán đảo Triều Tiên… Mỹ đã gặt hái được một số thành công, ít nhất cũng đã khẳng định vai trò “trung gian hoà giải” của Mỹ tại khu vực với “chiến lược can dự trở lại” châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với Nga, chính quyền Obama thực hiện chính sách “khôi phục lại” quan hệ với Nga. Quan hệ song phương được cải thiện một cách tích cực, đánh dấu bằng chuyến thăm Mỹ của TT Nga Medvedev. Tuy nhiên, xét về tổng thể mặc dù quan hệ an ninh giữa hai bên đã được cải thiện qua việc ký kết Hiệp ước START mới, nhưng quan hệ hợp tác kinh tế song phương vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa có bước tiến mới nào mang tính đột phá.

Với đồng minh khu vực Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, năm 2010 quan hệ Mỹ với hai nước này trở nên gắn kết và mạnh mẽ hơn trước qua các hành động chiến lược như mở rộng phối hợp quốc phòng, tăng cường tiến hành các cuộc tập trận chung…

Với các điểm nóng: Bắc Triều Tiên, Iran, Myanmar… chính quyền Obama vẫn bế tắc và chưa tìm ra lối thoát khả quan. Cuộc chiến Afganistan sẽ còn dai dẳng gây cho Mỹ nhiều tổn thất và khó có thể rút quân theo kế hoach do chính quyền của TT Obama đề ra…

2. Dư luận Mỹ và quốc tế sau hai năm cầm quyền của TT Obama

Các cuộc thăm dò dư luận trong nước cho thấy mức độ tín nhiệm đối với cá nhân TT Obama và đảng Dân chủ cầm quyền ngày càng đi xuống. Cuộc thăm dò dư luận do AP/GfK thực hiện từ 11-16.8.2010 cho thấy uy tín của TT Obama ngày càng giảm do cách ông điều hành nền kinh tế. Chỉ có 41% số người được hỏi ủng hộ cách thức điều hành nền kinh tế của ông. Hơn 61% cho rằng nền kinh tế Mỹ dưới sự điều hành của ông Obama vẫn 'dậm chân tại chỗ', thậm chí đang xuống dốc. Có 75% số người tham gia cuộc thăm dò cũng thừa nhận sự mong đợi về một 'bước đột phá' ở nền kinh tế Mỹ trong 18 tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống đã trở thành quá 'xa vời'.

Trong khi đó, cuộc điều tra dư luận do Viện Gallup công bố ngày 1.9.2010 cho thấy trong số các cử tri được hỏi, có 51% ủng hộ đảng Cộng hòa, trong khi đảng Dân chủ chỉ là 41%. Cuộc thăm dò dư luận do CNN/Opinion Research Corporation thực hiện và công bố ngày 7-9-2010 cho biết nhiều người dân Mỹ tin rằng đảng Cộng hòa có thể giải quyết các khó khăn kinh tế hiện nay của đất nước tốt hơn đảng Dân chủ. Có 46% số người được hỏi cho rằng đảng Cộng hòa có thể xử lý tốt hơn những vấn đề ưu tiên trong nước, cao hơn 3% so với số người ủng hộ cách điều hành của đảng Dân chủ. Đối với các vấn đề khác như đối phó với chủ nghĩa khủng bố, nhập cư bất hợp pháp, cuộc chiến tại Afghanistan, đảng Cộng hòa cũng đang tạm giành được nhiều hơn sự ủng hộ. Trong khi đảng Dân chủ đang vượt lên dẫn trước trong vấn đề an sinh xã hội và y tế.

Dư luận Mỹ cũng cho rằng, khó khăn kinh tế là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Mỹ, ngân sách quốc phòng sẽ không được tăng với tỷ lệ như những năm gần đây. Trên bình diện thế giới, TQ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức vị thế siêu cường của Mỹ. Do sức mạnh kinh tế suy giảm, Mỹ sẽ phải dựa nhiều hơn vào các quan hệ đồng minh, đối tác, các nỗ lực đa phương, tập thể để bảo vệ và duy trì các lợi ích sống còn của Mỹ.

Dư luận quốc tế cho rằng trong hai năm đầu cầm quyền, đặc biệt là năm 2010, TT Obama đã ghi được những “điểm vàng” trong chính sách đối ngoại như: rút quân và kết thúc cuộc chiến tại Iraq; khởi động lại chính sách đàm phán hòa bình Trung Đông; sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á; thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, răn đe Iran, tăng cường chống khủng bố ở Afghanistan...

Theo cuộc thăm dò dư luận từ 28 quốc gia trên thế giới do BBC World Service tiến hành từ tháng 7-8-2010, có 19 nước đánh giá Mỹ tích cực, sáu nước đánh giá Mỹ tiêu cực và hai nước còn lại vẫn còn đang chia rẽ. So với năm 2009, quan điểm tích cực về Mỹ đã tăng 21% ở Đức, 18% ở Nga, 14% ở Bồ Đào Nha và 13% ở Chilê. Những đánh giá tiêu cực về Mỹ đã giảm 23% ở Tây Ban Nha, 14% ở Pháp, và 10% ở Anh. Trong khi đó, Đức và Nga nhìn chung vẫn đánh giá tiêu cực về Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, hơn 50% người dân có cái nhìn không mấy tốt đẹp về Mỹ. Xét trong 14 nước được đánh giá (trừ Mỹ), quan điểm tích cực về Mỹ đã tăng từ mức 35% năm 2009 lên 40% trong năm nay.

Các đánh giá tích cực về chính sách của TT Obama chủ yếu về cách thức xử lý vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, song cũng có các đánh giá tiêu cực về cách thức xử lý vấn đề Iran, về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Có 70-80% người ở hơn 10 quốc gia trên thế giới nói rằng Mỹ vẫn có xu hướng hành động đơn phương trong các vấn đề quốc tế và vẫn muốn giữ vai trò lãnh đạo thế giới.


Nguyễn Nhâm

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

VN cần làm gì để bảo vệ Biển Đông?

Dương Danh Huy
Gửi tới BBC từ Oxford, Anh Quốc


Trước thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á, Mỹ, Nga, Ấn Độ và Úc đã bày tỏ quan tâm về chủ đề này.

Sự quan tâm của thế giới và hướng đi đa phương hoá giải quyết tranh chấp là phù hợp với luật pháp quốc tế, với tính chất đa phương của tranh chấp, và có lợi cho các nước nhỏ trong tranh chấp.

Vì khó có thể giải quyết được tranh chấp đảo trong tương lai gần, việc tập trung vào tranh chấp biển là cần thiết cho việc tạo sự đồng thuận giữa các nước nhỏ trong tranh chấp và sự ủng hộ của các cường quốc ngoài tranh chấp.

Tuy nhiên, ngay cả trong việc tập trung vào tranh chấp biển, để thiết lập một thực tế chính trị có thể bảo đảm được an ninh và sự công bằng cho khu vực và thế giới, còn một quãng đường dài và khó khăn.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách cản trở và làm loãng đi thực tế chính trị đó. Bài viết sẽ phân tích một số những thử thách này.

Mỹ và bên thứ ba

Chỉ có Mỹ là có thể có đủ cả sức mạnh và ý chí để đối trọng Trung Quốc ở Biển Đông - sự quan tâm của EU, Nhật, Nga, Ấn Độ về Biển Đông có hạn chế.

Mỹ vượt trội Trung Quốc về sức mạnh, nhưng sức mạnh mà một nước có thể áp dụng cho một vấn đề là tích số của sức mạnh và ý chí. Trên diện ý chí về Biển Đông, nhất là về lâu về dài, Trung Quốc có thể vượt trội Mỹ.

Trung Quốc đã chứng minh rằng quyết tâm của họ về đảo có thể tồn tại và phát triển trong hơn 100 năm. Mặc dù chúng ta không biết rõ Trung Quốc đã có tham vọng về 75% Biển Đông từ lúc nào, không thể coi thường quyết tâm của họ về biển.

Trong khi đó, quan tâm của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là sự tự do hàng hải cho Mỹ, cho đồng minh của họ, và cho giao thương quốc tế.

Trung Quốc đã từng gây áp lực để BP và ExxonMobil phải rút lui khỏi một số dự án với Việt Nam
Dương Danh Huy

Tự do hàng hải trong một vùng biển nằm phía bên kia Thái Bình Dương, dù quan trọng, khó có nhiều trọng lượng trong tâm lý dân tộc Mỹ bằng trọng lượng của vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong tâm lý dân tộc Trung Quốc.

Không những thế, Trung Quốc sẽ tìm cách làm giảm ý chí và sự quan tâm của Mỹ.

Mỹ là nước lớn và có nhiều quyền lợi có thể quan trọng hơn quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc cũng là nước lớn và có nhiều “mặt hàng” kinh tế, chính trị có thể dùng để làm cho Mỹ bỏ rơi Biển Đông, nhất là nếu Trung Quốc thuyết phục được Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không làm giảm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông nói riêng, hay Trung Quốc sẽ hành xử như một siêu cường có trách nhiệm nói chung.

Vì vậy, các nước nhỏ trong tranh chấp phải vừa xây dựng sức mạnh tập thể, vừa tranh thủ Mỹ về Biển Đông. Không thể cho rằng Mỹ sẽ mặc nhiên vui lòng bỏ tiền ra giữ gìn an ninh hàng hải ở Biển Đông mãi trong khi bản thân các nước Đông Nam Á thì đặt vấn đề an ninh ở Biển Đông và đặt Mỹ dưới việc làm giàu với Trung Quốc.

Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có mâu thuẫn với nhau và nếu các nước này muốn củng cố và duy trì sự quan tâm của Mỹ về Biển Đông thì không thể thân Trung Quốc hơn thân Mỹ.


ASEAN cần làm gì?

Ngay cả nếu các nước ASEAN đoàn kết, Trung Quốc cũng vẫn mạnh hơn. Không những thế, Trung Quốc sẽ tìm cách làm giảm sự hỗ trợ của ASEAN cho các nước Đông Nam Á trong tranh chấp.

Miến Điện nằm ngoài Biển Đông, sẽ không bị thiệt hại nhiều nếu Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều khả năng để thuyết phục Miến Điện.

Campuchia và Thái Lan nằm trong Vịnh Thái Lan, tương đối cách biệt với những vùng yêu sách của Trung Quốc, và cũng là đối tượng khả thi để Trung Quốc thuyết phục. Campuchia đã tuyên bố “chống quốc tế hoá” tranh chấp Biển Đông.

Singapore không có tranh chấp lãnh thổ hay biển với Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tranh thủ những nước trên nhằm làm loãng đi sự đồng thuận mà ASEAN có thể đạt được. Vì vậy, các nước Đông Nam Á trong tranh chấp sẽ vừa phải đạt được một sự đồng thuận mạnh mẽ nhất có thể cho ASEAN, vừa phải xây dựng một sự đồng thuận mạnh mẽ hơn riêng cho các nước này.

Đối với các nước Đông Nam Á trong tranh chấp, Trung Quốc sẽ tìm cách tách lẻ từng nước này ra để xử lý.

Indonesia không có tranh chấp đảo với Trung Quốc, và chỉ có tranh chấp biển. Vì vùng chồng lấn nằm ở tận cùng của vùng biển chữ U, và vì Indonesia là một trong những nước Đông Nam Á trong tranh chấp mạnh nhất, Trung Quốc có thể tạm thời mềm mỏng với Indonesia để đối phó với những nước khác trước.

Malaysia và Brunei chỉ tranh chấp một số ít đảo với Trung Quốc, và vùng biển mà các nước này tranh chấp với Trung Quốc cũng nằm ở tận cùng của vùng biển chữ U. Mã Lai và Brunei cũng là những nước Đông Nam Á trong tranh chấp có hải quân và không quân được trang bị tốt nhất. Vì vậy, Trung Quốc có thể tạm gác lại Malaysia và Brunei để xử lý sau.

Trung Quốc sẽ tập trung vào Philippines và Việt Nam trước nhất. Chủ quyền của Việt Nam và Philippines tại Biển Đông nằm trên đường để tiến xuống phương Nam của Trung.

Vùng biển chữ U nằm chồng lấn lên các vùng biển của Việt Nam và Philippines nhiều nhất. Philippines có nhiều tranh chấp đảo thứ nhì với Trung Quốc. Việt Nam có nhiều tranh chấp đảo nhất với Trung Quốc.

Mặc dù hiệp ước quốc phòng giữa Philippines và Mỹ không bao gồm Trường Sa, dù sao đi nữa thì Philippines cũng có hiệp ước quốc phòng với Mỹ, còn Việt Nam thì không có hiệp ước quốc phòng với bất cứ nước nào trên thế giới - vì vậy Việt Nam bị hở sườn nhiều hơn Philippines.

Có dấu hiệu là Trung Quốc đã tập trung vào Việt Nam trước nhất. Phạm vi vùng biển cấm đánh cá hàng năm của Trung Quốc được thiết kế để áp lực Việt Nam một cách tối đa, trong khi không đụng chạm đến các nước khác. Chỉ có tin tức về các tàu ngư chính Trung Quốc bắt ngư dân Việt Nam nhưng không có tin tức về bắt ngư dân các nước khác.

Trung Quốc đã từng gây áp lực để BP và ExxonMobil phải rút lui khỏi một số dự án với Việt Nam, nhưng chưa bao giờ làm như thế với các nước khác. Trung Quốc đơn phương ký hợp đồng khảo sát trong vùng Tư Chính , nhưng chưa bao giờ làm như thế với các nước khác.

Đáng lẽ Philippines phải kề vai sát cánh với Việt Nam.


Nhưng việc Philippines ký hợp đồng khảo sát với Trung Quốc tại khu vực Trường Sa vào năm 2004 và phản đối các báo cáo thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia vào năm 2009 cho thấy Manila chưa phải là đồng minh đáng tin cậy với Hà Nội.

Quốc tế hóa

Từ khoảng đầu năm 2009, tranh chấp Biển Đông thu hút được nhiều quan tâm của thế giới và của Mỹ hơn. Đó là chiều hướng có lợi cho các nước nhỏ trong tranh chấp.

Trong thời gian đó, Trung Quốc cũng phạm một số lỗi lầm. Tuy nhiên, cuộc chơi quốc tế về Biển Đông mới chỉ bắt đầu, Trung Quốc còn nhiều thời gian, cơ hội và sức mạnh cứng và mềm để khắc phục.

Trung Quốc sẽ tăng cường những biện pháp nhằm làm giảm ý chí và sự quan tâm của Mỹ, làm giảm sự hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á trong tranh chấp, và tách lẻ các nước này ra để đối phó với từng nước.

Trong những nước Đông Nam Á trong tranh chấp thì có lẽ Việt Nam hở sườn nhất. Không những thế, có lẽ chiến lược của Trung Quốc là mềm mỏng với ASEAN, cứng rắn với Việt Nam.

Mặc dù con đường đa phương hoá và quốc tế hoá là con đường đúng đắn và cần thiết, các nước nhỏ trong tranh chấp còn phải vượt qua nhiều khó khăn trước khi đi đến thành công.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu về Biển Đông hiện sống tại Oxford, Anh Quốc

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Mỹ vẫn đang còn là một đứa trẻ!

Friedman dự báo trong thế kỷ XXI nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, thậm chí ông nói bây giờ nước Mỹ hãy còn là đứa trẻ (?), thập niên 50 thế kỷ này mới trở thành siêu cường đích thực và thập niên 60 mới là thời đại vàng của Mỹ.
George Friedman, người sáng lập và là Chủ tịch Công ty Dự báo chiến lược STRATFOR, một think-tank phi chính phủ hàng đầu thế giới từng dự báo chính xác một số sự kiện chiến lược. Cuốn sách 100 năm tới của ông đưa ra những dự đoán đáng kinh ngạc về nước Mỹ.


Friedman dự báo trong thế kỷ XXI nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, thậm chí ông nói bây giờ nước Mỹ hãy còn là đứa trẻ (?), thập niên 50 thế kỷ này mới trở thành siêu cường đích thực và thập niên 60 mới là thời đại vàng của Mỹ.

Dự báo ấy khác với quan điểm của Zbigniew Brzezinski, Henry Kissinger, Stephen Brooks, William Wohlforth hoặc của Martin Jacques (trong cuốn Khi Trung Quốc thống trị thế giới), cũng như nhiều dự báo rất xấu về kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nó giội gáo nước lạnh lên những cái đầu phát sốt sau khi đọc sách của Lưu Minh Phúc cho rằng trong thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ thay Mỹ lãnh đạo thế giới.

Dự báo của Friedman dựa trên quan điểm sự thực lịch sử và tình trạng địa-chính trị quyết định tất cả. Friedman nhận định: nước Mỹ đã xây dựng được một nền văn hoá và chế độ chính trị tiên tiến nhất thế giới.

Sự thực là văn hoá Mỹ đang giữ vai trò dẫn đầu thế giới, có sức lan toả và chiếm lĩnh mạnh mẽ. Nhạc pop, vũ điệu rock and roll cũng như fastfood và CocaCola... được giới trẻ khắp nơi ưa chuộng. Hollywood thống trị điện ảnh 5 châu. Truyền thông Mỹ dẫn đầu truyền thông thế giới. Văn hoá chính trị-tư tưởng của Mỹ rất phát triển, họ luôn có nhiều nhà tư tưởng, nhà chính trị học hàng đầu. Khoa học kỹ thuật và giáo dục đại học thì khỏi phải nói.

Tư tưởng dân chủ bình đẳng sinh ra ở châu Âu nhưng nảy mầm và thành cây lá sum sê trên đất Mỹ - khi châu Âu còn dưới ách phong kiến...
Vào thời những năm đầu của thế kỷ 16, 17 phần lớn những người di cư sang Mỹ đều là những kẻ, dưới quan điểm của giới "Quí Tộc", là những kẻ bất mãn bị xã hội ruồng bỏ, những người vô gia cư bị coi là hạ đẳng, và các phần tử bị coi là tội phạm hay phản động. Những con người này đến vùng đất mới châu Mỹ, họ đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Văn hóa của họ, tức nguyên lý sâu xa nhất chi phối suy nghĩ của con người, chỉ đơn giản là "tự lo", và cái nguyên lý ấy phát triển thành triết lý về "tự do" kiểu Mỹ sau này.

Phạm trù tự do của Mỹ được xây dựng dựa trên nguyên lý tự do hành động, chính vì thế thượng tầng kiến trúc của xã hội Mỹ đã phải đối diện với một phạm trù mới về quản trị nhân sự - khi mà những yếu tố khống chế con người như: tôn giáo, ý thức hệ, truyền thống,... đã không còn. Phạm trù mới này đã nẩy nở thành hệ thống nhà nước pháp quyền và văn hóa quản trị tri thức - một hệ thống khái niệm về quản lý lao động tách rời nhân sự.

Hiến pháp Mỹ 1787 là bộ hiến pháp thành văn đầu tiên của giai cấp tư sản trong lịch sử thế giới. Nó dựa trên cơ sở tư tưởng dân chủ tư sản, đầu tiên dựng nên một quốc gia có đặc trưng là chế độ cộng hòa, chế độ liên bang, chế độ Tổng thống, chế độ tam quyền phân lập, chính phủ dân bầu, chế độ nhiệm kỳ của người lãnh đạo. Cơ chế ấy bảo đảm dân chủ hóa trình tự ra quyết sách, tránh được sự lạm dụng chức quyền... Sức sống của mô hình chính quyền Mỹ thể hiện ở chỗ từ ngày lập quốc (1776) đến nay nước này chưa hề có đảo chính hoặc cách mạng lật đổ chính phủ. Rất ít nước lớn nào có nền chính trị ổn định, được lòng dân lâu như vậy.

Dù từng phạm không ít sai lầm nhưng nước Mỹ đã đứng vững và chiến thắng trong hai cuộc thế chiến và chiến tranh lạnh, vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng. Được như vậy trước hết là do cơ chế chính trị phát huy được vai trò làm chủ của toàn dân, họ phát hiện và bầu lên được những người lãnh đạo khôn ngoan phù hợp với xu thế từng thời đại. Nhờ thế chỉ sau 150 năm dựng nước, Mỹ đã trở thành siêu cường bá chủ thế giới.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp, nợ nhà nước và thâm hụt ngoại thương đem lại cảm giác kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ sụp đổ. Thế nhưng giờ đây họ vẫn sống đàng hoàng bằng núi tiền các nước khác tự nguyện cho vay. Châu Âu mới là kẻ chịu thiệt với đồng Euro có nguy cơ đổ sập. Cơ chế chính trị Mỹ có khả năng tự sửa đổi cho thích hợp hoàn cảnh, như chính sách Kinh tế mới của Tổng thống Roosevelt, hoặc luật cải tổ tài chính Tổng thống Obama vừa trình Quốc hội đã và sẽ có thể đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.

Trên lĩnh vực kinh tế, người Mỹ cũng dẫn đầu thế giới đưa ra nhiều sáng kiến vĩ đại. Thời gian 1863-1869 họ đã xây dựng xong tuyến đường sắt Thái Bình Dương 3000 km xuyên suốt Đông Tây, vừa góp phần quan trọng thống nhất đất nước, vừa giúp nhanh chóng phát triển kinh tế. Công trình này được đài BBC đánh giá là một trong 7 kỳ tích của lịch sử công nghiệp hoá thế giới và được dân Mỹ coi là biểu tượng thống nhất quốc gia (thời gian 1861-1865 Mỹ có nội chiến, đất nước chia rẽ sâu sắc). 30 năm sau, nước Nga mới bắt đầu làm đường sắt xuyên Siberia .

Thập niên 50 họ có sáng kiến xây dựng mạng xa lộ cao tốc nối tất cả các bang, các thành phố, khiến cho đất nước này trở nên vô cùng năng động, người dân tha hồ phóng xe đi khắp nơi tìm việc làm, khai thác tài nguyên.

Thập niên 90 họ đầu tiên đề xuất và triển khai xa lộ cao tốc thông tin (gồm hệ thống thông tin số và mạng thông tin internet), dẫn đầu thế giới tiến sang kỷ nguyên thông tin, nhờ đó nguồn tri thức tăng gấp bội, bảo đảm công nghệ cao phát triển như vũ bão.
Hai mạng xa lộ nói trên đã đem lại cho nước Mỹ sức mạnh bá chủ thế giới trong 50 năm qua.

Giờ đây George Friedman dự báo trong thế kỷ XXI Mỹ sẽ hoàn tất xây dựng xa lộ cao tốc năng lượng, năm 2080 nhà máy điện trên vũ trụ sẽ bắt đầu phát điện về cho trái đất sử dụng.

Nước Mỹ có ưu thế tốt nhất thế giới về địa lý. Đất rộng và màu mỡ, giàu tài nguyên, có nhiều con sông lớn thông thương được và những hồ nước ngọt khổng lồ. Hai đại dương quan trọng nhất bao bọc hai bên. Ngày nay tiêu điểm cạnh tranh địa chính trị toàn cầu đã chuyển từ đại lục Âu Á sang giành giật quyền kiểm soát biển, mà về mặt này Mỹ có ưu thế vô địch, đã và đang kiểm soát toàn bộ các đường hàng hải, vì thế họ sẽ tiếp tục kiểm soát nền kinh tế toàn cầu.

Friedman viết: trong 10-20 năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ sẽ gặp những thách thức nghiêm trọng, nhưng không nước nào có thể thay thế vị trí số 1 của Mỹ; thế giới vẫn lấy nước Mỹ làm trung tâm.

Vitinfo

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Việt Nam trong cơn sóng gió mới

Lý Kiến Trúc
Gửi tới BBC từ Orange County, California, Hoa Kỳ


Việt Nam trải thảm đỏ đón Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Nội Bài dự hội nghị Hà Nội hôm cuối tháng 10
Cuối tháng 10/2010, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị cao cấp Đông Á EAS khai mạc và kết thúc ở Hà Nội qua bàn tay đạo diễn chính trị của chủ tịch ASEAN 2010.
So với hàng ngàn năm lập quốc, vệ quốc, kiến quốc, không kể xiết bao nhiêu trận chiến đối đầu với ngoại bang, khoảng trăm năm trở lại đây, nước Việt ta chưa lúc nào “căng thẳng” như lúc này. “Căng” từ trong ra ngoài. Quốc nội, Việt Nam đối đầu với trào lưu dân chủ, với tự diễn biến, còn ở ngoài nước đối đầu với ngoại lực của “đa phương hóa”.
Trên diễn đàn quốc tế, kể ra Việt Nam lúc này cũng được vị nể, thế giới nhìn về Việt Nam như một “biến cố làm thay đổi diện mạo Đông Nam Á”.Như một sức hút vô hình, nguyên thủ các cường quốc liên tục đến tìm hiểu một quốc gia nhỏ bé sau bức màn tre. Vị trí định mệnh của quốc gia này được hiểu qua lăng kính: Một là lịch sử đất nước kỳ hùng bên cạnh ông láng giềng khổng lồ chỉ lăm le nuốt chửng, họ vẫn tồn tại và phong phú hóa nền văn hóa đặc thù dân tộc, vẫn giữ được bản sắc dù khói súng tầu đồng và nền văn minh phương Tây đến gieo máu lửa từ những năm 1858 liên miên cho đến 1945, 1954, 1975;
Hai là do trận nội chiến thắng-bại của phe xã hội chủ nghĩa, phe tự do giết gần 3 triệu người; Ba là cuộc di dân vĩ đại nhất hoàn cầu của con Lạc cháu Hồng trên 80 quốc gia; Bốn là sức bật của người Việt trong nước, và Năm là sức sống của tập thể cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
Tọc mạch một chút, cuộc nội chiến hàng trăm năm Trịnh - Nguyễn, Nguyễn - Tây Sơn (1627-1672-1775-1802) chưa vang bóng sử; đội thủy quân Xiêm La còn để lại dấu vết chiến thuyền ở Rạch Gầm; đội quân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp Lãng Sa còn để lại dấu vết trên sông Gianh, sông Nhật Lệ; họng đại bác của các Thủy sư Đô đốc nước đại Pháp (phó Đô đốc Rigault de Genouilly, Đô đốc Charner 1858-1861) tiếp tục nhả đạn vào đất Việt.

Thời của các thủy sư, đô đốc và đề đốc: Đô đốc Mike Mullen của Hải quân Hoa Kỳ
Đến nay, phải chăng lịch sử lại tái hiện với thời đại của Đô đốc Mike Mullen, Đô đốc Robert Willard, (đến cả trùm CIA của TT Obama cũng là Đô đốc), của đại Hán Đề đốc Quan Hữu Phi, Đề đốc Dương Nghị, các đại Hán đô đốc hậu duệ của Trịnh Hòa, các đô đốc của Pháp, Úc, Ấn Độ, v.v… thời đại của các thủy sư đô đốc thi nhau “nộ kình ngư”, khốn thay, Biển Đông của chúng ta lại được chấm là nơi tranh tài thủ lợi.
Tháng 8 năm 1945, kết thúc Thế chiến thứ hai. Tháng 11, 1989 chủ nghĩa và chế độ XHCN Đông Âu sụp đổ theo bức tường Bá Linh, như quân cờ Domino,tư bản phương Tây được thế lên như diều.
Nếu thế kỷ 20 khai thác tối đa đất liền, sang thế kỷ 21 các tập đoàn rục rịch chuyển hướng làm ăn ra đại dương.
Tài nguyên biển vừa là thị trường mua, vừa là thị trường bán với giá béo bở. Nhìn thấy trước nguồn lợi vô biên của đại dương và vị trí chiến lược của Biển Đông, tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc ra quân chiếm cho bằng được Hoàng Sa, quần đảo tiền tiêu, đông vươn ra Thái Bình Dương, tây đe dọa Đông Dương (Hoàng Sa cách Quảng Ngãi 360km, quá gần so với vũ khí hiện nay).

Nước Mỹ đang làm gì?
Nước Mỹ, người Mỹ không bao giờ bỏ qua cơ hội làm ăn trên toàn thế giới. Con đường vận chuyển ngang qua hải không phận biển Đông đang đe dọa quyền lợi của họ, chưa kể những thông tin lạc quan về mỏ dầu và khoáng sản biển Đông dào dạt báo tin mừng. Nhưng nước Mỹ bây giờ mới trở lại biển Đông có muộn không?
Nhớ lại sau hiệp định Paris, mãi 30 năm sau, chiến hạm đầu tiên của Hoa kỳ USS Vandergrift cập bến Sàigon. Có người nói muộn mà chắc. Có người cho rằng muộn mà chưa chắc.
Để cho chắc ăn, bà Ngoại trưởng Hillary Clinton mở hai ngày hội thảo tại Washington DC quy tụ các yếu nhân thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đánh giá lại Đông Dương từ năm 1945 đến 1975. Cuộc hội thảo lấy dấu mốc năm 1945 và năm 1975 có ý nghĩa đặc biệt của nó.
Mục đích gần của hội thảo là nhằm đưa ra chính sách mới của Mỹ đối với Thái Bình Dương. Nếu chỉ xét riêng về Việt Nam, kể từ năm 1963 là năm người Mỹ đảng Dân Chủ triệt hạ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa miền nam VN để đảng Cộng Hòa bước chân vào chiến trường trắc nghiệm thử lửa, (Kissinger (đảng Cộng Hòa) nói trong cuộc hội thảo: “Vì thế tôi nhớ lại đâu đó có một lời tuyên bố của (Tổng Thống) Johnson (đảng Dân Chủ) khi ông nói: “Tôi không đủ sức chiến thắng (tại Việt Nam) mà lại không thể rút lui);

Người Mỹ sẽ tiếp ứng cho bên nào nếu xảy ra tranh chấp?
47 năm sau, người Mỹ đảng Dân Chủ “mới tinh” thực sự trở lại Việt Nam, liệu chính sách của TT Obama đối với Thái Bình Dương, bước đầu từ ASEAN qua bản Thông Cáo Chung New York 2010 mà ông vừa mới ký có giải quyết được các thách thức an ninh hiện nay ở khu vực, liên đới tới an ninh toàn thế giới hay không? Chưa thể trả lời gẫy gọn được.
Biển Đông đã được minh định qua hai bản Thông Cáo Chung New York tháng 9/2010 và Tuyên Bố Chung Hà Nội ASEAN+8 tháng 10/2010.
Thông Cáo Chung New York và Tuyên Bố Chung Hà Nội chỉ là mắt xích trong chiến lược điều chỉnh lại vị thế của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tuy nội dung của nó có mang lại sự an toàn nhất thời cho ASEAN, nhìn thoáng qua tuy Mỹ có dồn được Trung Quốc ngồi xuống thảo luận tiến trình CoC, nhưng con đường hòa bình và lợi ích của các quốc gia trong vùng vẫn còn nhiều khúc mắc.
Một khi tiến trình CoC cù cưa cho đến năm 2011 và cho đến cái gọi là xây dựng một mô thức Liên minh ASEAN 2015 còn là viễn ảnh, chưa nói đến chiến lược Tái cấu trúc Biển Đông và chuyện “cái cầy đặt trước con trâu” của Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn những nước đi đầy bí ẩn ngoạn mục.

Chiến thuật Trung Quốc
Nhìn lại các chiến thuật của Bắc Kinh ta thấy ngay sau khi họ đạt được bản Tuyên bố Phom Penh 2002, Trung Quốc gia tăng thế lực hải quân, tầu chiến, tầu ngầm hiện đại, các chiến hạm cũ cải tiến thành “Ngư chính” (số hiệu 311), tuần tiễu, “tầu lạ” truy đuổi và tấn công ngư thuyền, thành lập Bộ “Hải quân Nhân dân” với hàng ngàn chiến đỉnh nhỏ, thành lập đoàn “Hải quân Trinh sát” trang bị các tiểu chiến đỉnh lợi hại.
Các chiến đỉnh tuy nhỏ nhưng đã đụng độ và cản mũi trước Impeccable to lớn gấp 10 lần khi mon men tới vành đai Tam Á (cách Hải Nam 110km), đã áp sát đuôi Khu trục hạm USS John Mc Cain.
Nói tóm lại, Trung quốc đã đưa dàn du kích biển, chủ lực biển ra so gươm đọ súng với Hạm đội Hoa Kỳ, tuy cả hai không ông nào gây sát thương, nhưng hai con hổ biển đã lượng định được sức mạnh của nhau.
Về chính trị ngoại giao, phe tướng lãnh Trung quốc đại biểu cho giới “diều hâu cực chiến” liên tục phun ra những lời lẽ hiếu chiến sặc mùi xâm lược. Đám diều hâu này đòi “Giết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ trong trận chiến thu hồi Nam Sa” (5), và không tiếc lời cảnh cáo “hành động bá quyền” của Mỹ.
Một thái độ của ASEAN đòi hỏi sự minh bạch của các hội nghị ASEAN + 2, ASEAN + 3, ASEAN +8 vừa qua, cho thấy đa phần họ đã nhìn ra nước cờ của bốn cường quốc Hoa Mỹ Việt Xô. Việc Nga “âm thầm” bán vũ khí tối tân, bảo trì và huấn luyện cho quân đội các nước ASEAN là một chỉ dấu cho thấy sự hiện diện của Nga ở tọa độ khác với Trung quốc và Hoa Kỳ. ASEAN khó mà có thể quên được sự viện trợ quân phí khổng lồ cho Việt Nam phục vụ cuộc chiến Đông Dương lần hai.
Các trận đánh biên giới Tây Bắc Việt Trung năm 1979 phần nào giải thích về cuộc tranh chấp quyền lực, quyền lợi giữa hai phe Trung Xô trên bãi chiến trường bán đảo Đông Dương.
Lợi dụng vào sự sụp đổ Đông Âu dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô viết, Trung Quốc đã từ từ lên ngôi thượng phong, hậu quả của hai bản Hiệp ước biên giới trên bộ 1999 và Hiệp ước biên giới dưới biển 2000 là một khiên cưỡng tất yếu của VN trước cường lực của kẻ thù truyền kiếp. Thời điểm này Hoa Kỳ lặng im.

Có đủ khả năng
Thế nhưng, giai đoạn nghẹt thở đó đã qua với lời tuyên bố trên báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) xuất bản tại Hồng Kông vào cuối tháng 7/2010, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng VN mạnh mẽ nói rằng nước ông có đủ khả năng đối phó với sự đe dọa nào.
Ông Vịnh có một lối nói “bóng gió chính trị”, ai muốn hiểu sao thì hiểu, hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tuy ông không nói rõ sự đe dọa nào đến từ Mỹ, từ Trung quốc, hay từ đồng chí Nga, hay từ thế lực nào khác, nước ông vẫn có đủ khả năng đối phó! Hàm ý, ông Vịnh muốn chứng minh chủ trương đa phương hóa của đảng CSVN đã lột tả sức mạnh của VN hôm nay.
Bằng cách tung hàng tỉ đô la ra mua tầu ngầm Kilo và chiến đấu cơ của Nga. Nga hiện diện ở Việt Nam như một bạn hàng lớn, như một đồng chí cường quốc âm thầm đóng vai cung cấp vũ khí, nhưng ông Vịnh ông Thanh sẽ rất nhức đầu khi Biển Đông “bị” nâng lên hàng “quốc tế hóa”. Quốc tế hóa là gì? Hiểu theo nghĩa của Mỹ ra sao? Hiểu theo ASEAN ra sao? Dù hiểu theo cách nào thì chủ trương quốc tế hóa cũng là con dao hai lưỡi đối với Việt Nam.
Nếu câu tuyên bố của tướng Vịnh không cách xa bao lâu bài diễn văn của Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton đọc tại khách sạn Kahala Hotel-Honolulu hôm 25 tháng 10, bà Ngoại trưởng đã nhấn mạnh tới chiến lược điều chỉnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, đặc biệt đối với ba quốc gia Việt Nam, Miến Điện và Indonesia.

Hoa Kỳ hiện vẫn làm chủ Thái Bình Dương cả trên không, trên biển và dưới mặt biển
Đối với Miến bà cảnh cáo, Indonesia bà đề nghị, riêng đối với Việt Nam, một nhân tố quan trọng trong việc tạo ổn định cho khu vực và cũng là một trong hai ông chủ lớn ở Biển Đông, Bà Hillary đã nói: “Quan hệ Việt-Mỹ hiện nay là quan hệ đồng minh chiến lược góp phần vào ổn định và hòa bình khu vực”.

Vành đai hỏa lực xanh dẫn từ Bắc Á, Okinawa, vòng qua Biển Đông, Nam Á tới Ấn Độ xuyên qua nỗ lực chính trị của bà Ngoại trưởng Hillary, xuyên qua các cuộc hành quân trên biển cả của các đô đốc, sẽ là tham vọng của Mỹ thách đố Trung quốc.
Muốn là một chuyện, trả lễ lại cái muốn của Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc Dương Khiết Trì nói: “Quốc tế hóa Biển Đông thì liệu mang lại kết quả gì hay chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn và khó giải quyết hơn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc Lương Quang Liệt ôn tồn chỉ ra chính sách của Trung Quốc về “sự phát triển quốc phòng của Trung quốc không nhằm đe dọa hay thách thức ai, mà nhằm bảo đảm an ninh (của Trung Quốc) cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định quốc tế lẫn khu vực".
Đồng thanh tương ứng với Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng VN Phùng Quang Thanh tuyên bố tại hội nghị Shangri-La 6/6/2010: “Giữ nguyên hiện trạng và không làm phức tạp thêm tình hình”.
Thế cho nên, chúng ta tiếp tục chờ đợi kết quả của Bản Quy Ước Cụ Thể Hành Xử Biển Đông gọi tắt là CoC có cơ may làm sáng sủa thêm tình hình Biển Đông hay ngược lại thời gian sắp tới vẫn chỉ là bầu khí nén.

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả Lý Kiến Trúc, CLB Văn hóa và Báo chí, California, Hoa Kỳ.

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Đàn sếu, trận chiến Điện Biên và bô- xít Tây Nguyên

Tác giả: HIỆU MINH
Bài đã được xuất bản: 26/10/2010 06:00 GMT+7, Trên VietnamNet

Trong lịch sử phát triển của nhiều quốc gia, ở những thời điểm nhậy cảm, nhiều vị lãnh đạo đã phải biết “lùi” đúng lúc để đưa đất nước tiến lên, hay tránh thảm họa.

Chuyện của đàn sếu

Khi tôi viết những dòng này thì Washington DC đang vào mùa thu. Bên đường cao tốc, trong công viên, cây cối bỗng chuyển sang mau vàng xen đỏ rực rỡ. Những cánh rừng đa sắc màu pha nắng trời thu phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng, đẹp mê hồn. Hai cậu con trai của tôi đi chơi trong công viên, đang chạy nhảy. Bỗng có tiếng kêu của đàn sếu bay qua. Hai đứa ngẩng lên và hỏi "Tại sao chim di cư lại bay thành hình chữ V".

Tôi từng xem bộ phim đen trắng của Liên Xô "Khi đàn sếu bay qua" gây bao xúc động cho người xem về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của người Nga. Boris, người yêu của Veronica (nhân vật nữ chính trong phim), bị bắn chết ở đầm lầy, khi đang cứu một binh sĩ khác. Khi nhắm mắt, Boris nhìn thấy đàn sếu bay qua hình chữ V. Và chi tiết đó cũng nhắc lại trong đoạn kết của bộ phim khi Veronica ngước nhìn bầu trời.

Lúc đó 14-15 tuổi, tôi hỏi các anh chị lớn tuổi tại sao sếu lại bay như thế. Họ chỉ giải thích "V" là chữ Victoria - biểu tượng của chiến thắng. Boris tin vào chiến thắng ngày mai và Veronica tin vào mùa Xuân đang về vì đàn sếu bay qua. Sau này khi tìm hiểu kỹ thì tôi mới biết chữ V của đàn chim di cư liên quan đến sự đoàn kết của bầy đàn. Con chim đầu đàn luôn là con khỏe mạnh nhất, thông minh nhất. Chúng dựa vào từ trường, dãy núi, cánh đồng, thành phố làm mốc, hướng mặt trời, trăng, sao để định hướng cho chuyến bay dài hàng ngàn cây số.

Bay hình chữ V vì chim sau dựa vào con bay trước để bớt sức cản của gió, đỡ mất năng lượng hơn. Con đầu đàn mỏi cánh thì lùi lại cho chim khác tiến lên làm "lãnh đạo". Cứ thế chúng thay đổi "vai trò" để cả đàn bay được xa. Đó là sự kỳ diệu cho thiên nhiên và những loài chim di cư, biết nương tựa vào nhau vượt qua bao sông sâu, núi cao, tới một miền đất hứa khác để mùa xuân sau lại quay về nơi chốn cũ. Sự tồn tại giống nòi của chúng dựa trên một triết lý đơn giản: Dựa vào nhau và chia sẻ.

Nếu bay đơn độc, con chim không thể tới nơi cần đến cách xa hàng ngàn dặm. Có những đàn chim không tới đích và lao xuống biển, vì con đầu đàn đã định hướng sai, không biết lui khi đã mệt và nhường chỗ hay chia sẻ vai trò dẫn đường đúng lúc. Đó chính là nguyên nhân gây ra thảm họa của cả bầy đàn.

Dự án bô- xít Tây Nguyên và các nhân sỹ trí thức Việt Nam

Mấy hôm nay, báo chí đưa tin, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước và nhiều nhân sỹ trí thức đã gửi thư tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước "khẩn thiết yêu cầu" xem xét lại việc khai thác bô-xít Tây Nguyên. Thảm họa bùn đỏ vừa qua tại Hungary cũng là một cảnh báo khác về dự án đang tranh cãi này.

Theo các nhân sĩ, việc xét lại dự án và nếu phải dừng thì cũng là "một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế Việt Nam và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế phải chịu đựng, nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ".

Một blogger đã ví chuyện này như trận Điện Biên Phủ năm xưa. Chúng ta còn nhớ ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó mới 43 tuổi, phổ biến lệnh tấn công mật với dự định tiêu diệt căn cứ Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng chiến dịch biển người.

Mười ngàn (10.000) quân Pháp cố thủ trong hầm ngầm chọi với 50 ngàn quân Việt Minh phơi lưng trên cánh đồng trống trải.Lẽ ra cuộc tấn công dự định vào ngày 20-1-1954 nhưng một đơn vị đại bác vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được lui lại vào 25-1. Sau đó bị lộ nên ngày tấn công dự định vào 26-1.

Sau một ngày và đêm suy nghĩ, Đại tướng đã tìm ra vài nguyên nhân không thể thắng: Quân ta chưa thành công trong việc tấn công các cứ điểm lô cốt liên hoàn như của Pháp tại đây. Pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập để tham gia một trận tấn công mang tính liên hoàn.

Quân ta quen chiến tranh du kích, công đồn vào ban đêm trong khi sắp tới sẽ phải tấn công địch vào ban ngày trên địa hình bằng phẳng. Đối phương có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng. Trong sáng 26-1-1954, Bộ Chỉ huy mặt trận họp và không đi đến được ý kiến thống nhất. Đại tướng hỏi, ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng, không ai trả lời được. Vị tướng trẻ tài ba đã quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông cho rằng, phương án "đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Vị tướng quyết định tổ chức lại trận đánh theo phương án "đánh chắc thắng chắc" dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm. Số phận của đế chế Pháp tại Đông Dương được quyết định bởi chiến lược..."bàn lùi" của Đại tướng. Pháo đã kéo vào trận địa, quân đã ém, sẵn sàng đợi lệnh tấn công.

Nhưng phút chót phải kéo pháo ra, rút quân khỏi chiến hào. Cuộc chiến không phải 3 ngày mà kéo dài 55 ngày đêm kể từ trận xuất kích đầu tiên vào tháng 3 năm đó. Theo lời kể của Đại tướng, đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Làm tướng phải biết cương nhu, biết tiến, biết lùi. Nếu chỉ dùng ý chí và thuật biển người thì số phận của nước ta có thể đã khác.

Nếu khai thác bô- xít, những nhà khoa học lo mấy triệu tấn bùn đỏ trên Tây Nguyên như một quả bom hẹn giờ, sẵn sàng nổ bất kỳ lúc nào ngoài ý muốn của con người. Chưa kể một nền văn hóa lâu đời của Tây Nguyên sẽ bị "bùn đỏ" cuốn trôi. Khi đó một "tàu Vinashin" khác lại tiếp tục chìm và tầm ảnh hưởng về kinh tế, chính trị còn lớn hơn rất nhiều.

Không phải ngẫu nhiên mà các chí sỹ, kể cả Đại tướng dù đã 100 tuổi, rồi bà Nguyễn Thị Bình, đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khai thác bô- xít Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, an ninh quốc phòng và khả năng thất bại của dự án."Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối với vận mệnh quốc gia" của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, cùng "sự thông cảm" của nhân dân cả nước "mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này"- các nhân sĩ nhấn mạnh.

Quyết định của ông gây hệ lụy cho hàng trăm ngàn binh lính, dân công, và cả nước phải chờ thêm 5 tháng nữa thay vì 3 ngày. Một sự tốn kém khủng khiếp, nhưng quyết định "lùi" đó có thể đã tránh cho dân tộc này một đại bại trong chiến tranh và một thảm họa lịch sử.

Vụ bùn đỏ Hungary mới đây thật không may cho nước bạn, nhưng cũng là dịp hiếm có "nhìn lại mình" của chính chúng ta tại các dự án bô- xít. Từ tai nạn của họ, để rút ra bài học cho nước mình. Nếu khai thác bô- xít, những nhà khoa học lo mấy triệu tấn bùn đỏ trên Tây Nguyên như một quả bom hẹn giờ, sẵn sàng nổ bất kỳ lúc nào ngoài ý muốn của con người. Chưa kể một nền văn hóa lâu đời của Tây Nguyên sẽ bị "bùn đỏ" cuốn trôi. Khi đó một "tàu Vinashin" khác lại tiếp tục chìm và tầm ảnh hưởng về kinh tế, chính trị còn lớn hơn rất nhiều.

Một người bạc tóc hay 85 triệu dân bạc tóc?

Chuyện đàn sếu và dự án khai thác bô- xít Tây Nguyên không liên quan gì đến nhau. Và chiến trận Điện Biên cũng không có gì ảnh hưởng đến khai thác quặng. Nhưng có vài điểm đáng học ở loài chim di cư và thủ thuật binh pháp của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong lịch sử phát triển của nhiều quốc gia, ở những thời điểm nhạy cảm, nhiều vị lãnh đạo đã phải biết "lùi" đúng lúc để đưa đất nước tiến lên, hay tránh thảm họa.
Người lãnh đạo cũng như con chim đầu đàn của đàn chim di cư. Đưa con thuyền dân tộc tới bến là do người lãnh đạo. Và làm con tàu chìm giữa biển khơi cũng phần lớn do người cầm lái. Người lãnh đạo biết chia sẻ trách nhiệm với nhân dân thì con tàu quốc gia sẽ đi xa.

Nếu chỉ biết lo cho mỗi cá nhân mình hay lợi ích nhóm thì giống như con chim đầu đàn tham quyền cố vị, già cỗi, mệt mỏi nhưng không muốn nhường chỗ, để cuối cùng cả đàn mất phương hướng và lao đầu xuống biển. Đại tướng thời Điện Biên biết..."bàn lùi" trước khi quá muộn. Rất có thể vị tướng nhớ lời Tôn Tử: "Biết người biết ta, trăm trận không nguy. Không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua. Không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại".

Khi quyết định khai thác bô- xít Tây Nguyên, liệu có ai ngồi suy ngẫm về khả năng thành - bại, được - mất của dự án như tướng Giáp đã từng thức trắng đêm khi ngồi trước bản đồ lòng chảo Điện Biên tại hang Thẩm Púa năm xưa? Để một người bạc tóc, hay cả dân tộc gần 90 triệu phải bạc tóc. Đó chính là cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo quốc gia.

Chợt nhớ câu hỏi của hai con. Tôi giải thích cho các cháu rằng, chữ V của đàn sếu bay qua là biểu tượng của sự đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm của bầy đàn. Để có mùa thu vàng phẳng lặng, các con vui chơi hạnh phúc dưới trời xanh, thì loài người cần học cách tồn tại của những đàn chim di cư. Khi đó mới mong có được biểu tượng hình chữ V (Victoria - chiến thắng) trên bầu trời.

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Từ cải cách y tế Mỹ ngẫm về lẫn lộn khái niệm

TS.Nguyễn Quang A


Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama ký ban hành luật cải cách y tế. Ảnh: Getty
Ngày 23-3-2010 Tổng thống Mỹ Obama đã ký ban hành luật cải cách y tế Mỹ. Dẫu luật này còn gặp nhiều khó khăn do Đảng Cộng hòa nói sẽ dùng mọi biện pháp để ngăn cản việc thực hiện và cả chục bang (do đảng Cộng hòa nắm quyền) đe dọa sẽ kiện đạo luật này vi hiến, Tổng thống Obama đã có một kỳ công ngoạn mục, giữ được một lời hứa quan trọng của mình khi tranh cử.
Sau khi được thực hiện, luật này sẽ cải tổ sâu sắc xã hội Mỹ, nó là một sự điều chỉnh rất khó khăn và vô cùng lớn của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Nó sẽ đảm bảo thêm cho 32 triệu người Mỹ các dịch vụ y tế cơ bản mà họ chưa được hưởng. Đảng dân chủ đã định đưa ra đạo luật cải cách y tế từ nhiều chục năm qua nhưng đều thất bại, lần này họ đã thành công.
Trong khi các nhà nước phúc lợi châu Âu đã đảm bảo dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân từ lâu, thì hệ thống y tế của Mỹ dựa quá nhiều vào sự tự nguyện, vào thị trường, vào khu vực tư nhân nên đã khiến hàng chục triệu người không có bảo hiểm y tế.
Phúc lợi xã hội tạo gánh nặng cho nhà nước ở các nước châu Âu và đã buộc các nước này có những cải tổ hệ thống để nâng cao hiệu quả. Với đạo luật này Mỹ dường như tiến đến một nhà nước phúc lợi hơn, tiến gần hơn tới kiểu chủ nghĩa tư bản dân chủ châu Âu.
Đảng cộng hòa và các hãng bảo hiểm y tế tư nhân ở Mỹ đã phản đối kịch liệt dự luật này trong thời gian qua và sẽ tìm mọi cách để cản trở việc thực hiện nó trong tương lai. Họ có rất nhiều lý do phản đối, từ giảm quyền tự do của người dân đến lấn quyền của các bang, v.v. Nhưng một trong những lý do cơ bản là ý thức hệ. Họ mang con ngáo ộp “xã hội chủ nghĩa” ra dọa dân Mỹ, để biện hộ cho sự phản đối của họ, nói rằng luật này cho phép nhà nước can thiệp quá sâu vào lĩnh vực y tế và khiến nước Mỹ trở nên “xã hội chủ nghĩa” hơn.
Xã hội chủ nghĩa được hiểu ở mỗi nơi một khác với sự lẫn lộn khái niệm do vô tình hay hữu ý.
Nếu hiểu xã hội chủ nghĩa là nhiều dân chủ hơn, nhiều phúc lợi hơn cho người dân, là “dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh”, thì đúng các nhà nước phúc lợi Tây Âu “xã hội chủ nghĩa” hơn Mỹ, và hơn các nước tự xưng là xã hội chủ nghĩa rất rất nhiều. Có thể gọi họ là “xã hội chủ nghĩa dân chủ” nhưng thực chất họ là các nước tư bản chủ nghĩa hiện đại. Chủ nghĩa tư bản có sức sống dẻo dai, có khả năng tự điều chỉnh và đã có sự điều chỉnh rất nhiều từ chủ nghĩa tư bản man rợ thời trước Marx. Luật cải cách y tế Mỹ là một minh chứng nữa cho sự điều chỉnh như vậy.
Thực ra, tên gọi là gì cũng quan trọng (đối với hiệu quả truyền thông nếu dùng các khái niệm rõ ràng) song không quan trọng bằng thực chất là gì.
Một số trong số các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu trước kia đã chuyển hẳn sang con đường tư bản chủ nghĩa hiện đại hay “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, số còn lại (phần lớn thuộc Liên Xô trước đây) đi theo con đường tư bản man rợ.
Trung quốc rất khôn khéo đi theo con đường mà họ gọi là “chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc”. Con đường mang mầu sắc Trung Quốc là gì? Xét theo việc làm chứ không theo lời họ nói, đó, thực chất, là con đường tư bản chủ nghĩa. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, khu vực tư nhân phát triển, cải cách mạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu. Nhà nước phúc lợi trước kia ở Trung Quốc, tuy mới chỉ dành cho số ít (trong bộ máy nhà nước, doanh nghiệp nhà nước) nhưng đã bị cắt giảm, bị “xã hội hóa” theo kiểu chủ nghĩa tự do Mỹ, tuy mức độ phúc lợi kém hơn nhiều. Nay Trung Quốc muốn cắt ngắn giai đoạn tư bản chủ nghĩa man rợ để phát triển chủ nghĩa tư bản hiện đại và họ đã có kế hoạch cải cách hệ thống phúc lợi, trong đó có y tế, cho số đông.
Họ chẳng bao giờ nói họ phát triển tư bản chủ nghĩa (vì nói thẳng thế không hay cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa của họ), nhưng việc làm của họ thì chính xác như vậy, đấy là con đường nhanh nhất, hữu hiệu nhất để chấn hưng Trung Quốc. Cái chủ nghĩa thực sự thịnh hành ở Trung Quốc hiện nay là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa dân tộc. Sự vươn lên của Trung Quốc hiện nay có nét giống với sự vươn lên của Đức và Nhật cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Không rõ Trung Quốc có trở thành “tư bản chủ nghĩa dân chủ” hay không? Nếu có thì đó sẽ là hồng phúc cho nhân loại; nếu không sẽ có nhiều bất trắc cho thế giới.
Nhân tranh cãi về cải cách y tế ở Mỹ, có thể thấy cả ở Mỹ lẫn Trung Quốc và nhiều nơi khác người ta vẫn dùng đến chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ để biện hộ cho sự phản đối hay thúc đẩy những cải cách nào đó. Lời nói, phép tu từ học vẫn được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để biện hộ, đôi khi che dấu những mục đích, những động cơ thực.
Học kinh nghiệm nước ngoài nên xem xét hành động thực tiễn, đừng quá tin vào ngôn từ. Cùng một từ có thể được dùng với những nghĩa khác nhau. Cứ thấy họ dùng từ giống hay gần giống mình mà làm theo cách người ta nói, người ta khuyên hay ám chỉ thì rất có thể phải mang thóc giống ra ăn.
Hãy xem họ làm gì, cách họ làm thế nào, đưa chúng vào một khung khổ khái niệm rõ ràng để có những phân tích mạch lạc và hãy đừng quá để ý đến điều họ nói. Tránh kinh nghiệm xấu, học cách làm hay và tìm cách làm cho chúng thích ứng với điều kiện của mình, sẵn sàng thử nghiệm những cách làm mới. Đấy có thể là cách khôn ngoan để cải tổ xã hội, nền kinh tế và hệ thống phúc lợi, để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, để chấn hưng đất nước.

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Cổ tích của tôi

L.T.K.S

Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người đã mớm cho con miếng cháo
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người đã thức hát ru con

Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc
Mẹ trở thành hiển nhiên như trời đất
Một mặt trời, mặt đất, vầng trăng

Nếu có đi một vòng quanh quả đất tròn
Người mong con mòn mỏi cũng không ai ngoài mẹ
Tiếng "Mẹ" từ khi bập bẹ đến khi trưởng thành
Con vẫn không hiểu hết chiều sâu

Mẹ có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu và hạnh phúc
Mẹ có nghĩa là một ngọn nến thắp bằng máu của con tim
Cháy trong bão bùng, cháy trong gian khó

Cổ tích của những ai còn có mẹ
Là ngày xưa có một công chúa
Hay ngày xưa có một ông vua
Cổ tích của tôi là "Ngày xưa có mẹ..."

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

Nền hành chính công trong thời kỳ toàn cầu hóa

LÊ ANH TUẤN
Viện nghiên cứu Khoa học Tổ chức Nhà nước - Bộ Nội vụ

Toàn cầu hoá với cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đã làm thay đổi đột ngột hành vi của con người, quá trình hợp tác và việc quản trị nhà nước nhiều hơn cuộc cách mạng công nghiệp đã chuyển đổi xã hội nông nghiệp trước đây. Trên thực tế, các thị trường và việc giao lưu buôn bán xuyên quốc gia, tiếp cận thông tin dễ dàng hơn qua Internet và các phương tiện di động đã khiến thế giới càng trở nên gần gũi hơn. Mặc dù toàn cầu hoá là tác nhân đột ngột đã biến đổi các quốc gia trở nên hùng mạnh hoặc suy yếu có sự liên quan đến công nghệ thông tin, thương mại và kinh tế thì những người thắng và kẻ thua chắc chắn sẽ diễn ra trên thị trường toàn diện
Trong khi đó, hệ thống hành chính công trở nên có vai trò quan trọng trong việc giúp một số nước thu được lợi ích nhiều hơn các nước khác, thậm chí đã có rất nhiều nhà khoa học xã hội tin rằng kinh tế, thương mại và hệ thống chính trị quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc giúp một số nước kiếm được lợi ích nhiều hơn các nước khác. Nền hành chính công ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển có xu hướng đáp ứng theo các cách khác nhau đối với những thách thức do tác động mạnh mẽ của toàn cầu hoá. Tại sao một vài nước có thể thu được nhiều lợi ích hơn các nước khác do toàn cầu hoá? Liệu có phải đó là do vai trò nền hành chính công và quản trị nhà nước? Nếu không phải như vậy thì tại sao và làm thế nào mà hệ thống hành chính phát triển và chuyển đổi đáp ứng khác nhau trước những thách thức để hoạt động hiệu quả hơn, trách nhiệm hơn và minh bạch hơn trong khi vẫn phải tuân theo các giá trị dân chủ trong thời kỳ toàn cầu hoá...
Tác động của toàn cầu hoá, một mặt có ảnh hưởng xuyên suốt đối với bộ máy chính quyền các cấp ở nhiều nước và mặt khác, nó đã tác động đến chính sách ở cấp độ quốc gia và từng địa phương. Trên thực tế, áp lực của toàn cầu hoá đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bộ máy chính quyền ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ sắp xếp lại nhân sự, ngân sách và các tổ chức theo hướng tư nhân hoá, thuê khoán, hợp đồng bên ngoài, phi quy chế hoá, giảm biên chế và điều chỉnh lại chức năng và các hoạt động của Chính phủ. Trên thực tế, các chức năng và hoạt động của Chính phủ đã được thuê khoán lại ở tất cả các cấp chính quyền và các bằng chứng cho thấy việc thuê khoán của Chính phủ vẫn đang tiếp tục tăng lên. Ví dụ, tất cả các cấp chính quyền đã thuê khoán hầu hết các chức năng về nguồn nhân lực và dịch vụ từ tuyển dụng đến đãi ngộ và thu được nhiều lợi ích từ việc điều hành hệ thống thông tin về nguồn nhân lực. Hơn nữa, chính quyền TƯ và chính quyền địa phương đã thực hiện việc hợp đồng hầu hết các chương trình dịch vụ xã hội.
Tác động của toàn cầu và các nguyên tắc của thị trường hiện đại đã làm cho nền hành chính chuyển nhanh theo hướng "kinh doanh". Cũng như việc quản trị kinh doanh, hệ thống hành chính đã phát triển nhanh hơn, tập trung vào hiệu quả, hiệu lực, năng suất, thực thi, trách nhiệm và linh hoạt qua việc áp dụng công nghệ chính trong hợp tác, phối hợp. Mô hình hành chính quan liêu truyền thống đã không phù hợp cho việc quản lý hiện đại các tổ chức công. Chính quyền trung ương và địa phương được mong đợi phải hoạt động hiệu quả, hiệu lực, trách nhiệm hơn qua việc điều chỉnh cấu trúc và hành vi.
Toàn cầu hoá mang lại nhiều tự do và tự chủ hơn cho chính quyền cấp dưới nhờ vào cách mạng về công nghệ thông tin. Để thu hút đầu tư và thúc đầy thương mại, chính quyền địa phương đã trực tiếp giao dịch với các chính phủ nước ngoài và các tập đoàn lớn để tạo ra nhiều công ăn việc làm cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Hơn nữa, các chương trình của của địa phương và dịch vụ được cung cấp và quản lý hiệu quả hơn qua Chính phủ điện tử.
Việc đáp ứng của nền hành chính công trước tác động của toàn cầu hoá
Tác động của toàn cầu hoá đòi hỏi những thay đổi cơ bản về xã hội, kinh tế, chính trị và hệ thống hành chính ở mọi nước trên thế giới. Tuy nhiên, tác động của toàn cầu hoá đối với quản lý công ở mỗi nước cũng có sự khác biệt, đặc biệt giữa các nước phương Tây và các nước khác, giữa nước phát triển nhiều và các nước kém phát triển, giữa các nước Thiên chúa giáo và không Thiên chúa. Bộ máy công vụ cũng có những đáp ứng khác nhau với những tác động của toàn cầu trong khi môi trường quốc tế đang gia tăng những tác động, ảnh hưởng đến nền hành chính. Có 3 xu hướng thay đổi sau đối với nền hành chính công của các nước trên thế giới.
- Loại xu hướng thứ nhất diễn ra ở nền hành chính của các nước phát triển (như các nước Tây Âu và Bắc Mỹ) mà ở đó toàn cầu hoá sẽ dẫn tới một hệ thống hành chính mạnh mẽ để phản ứng tích cực tới toàn cầu hoá.
- Xu hướng thứ hai diễn ra ở hệ thống hành chính công của các nước có các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà lãnh đạo độc tài dường như kiểm soát hầu hết các luồng thông tin thì những ảnh hưởng, tác động tích cực giữa toàn cầu hoá và nền hành chính công không có hiệu quả. Ví dụ như ở các nước đang phát triển ở châu Phi, châu á và Nam Mỹ; các nước Hồi giáo (I-ran, A-rập Xê út, Xy-ri)... Các nước này mở cửa với toàn cầu hoá nhưng vẫn cố giữ gìn nguyên vẹn bản sắc văn hoá, quy tắc, hệ thống xã hội và hệ thống chính trị, trong khi đó công nghệ, khoa học, tài chính và các hoạt động kinh tế đã ảnh hưởng và thay đổi nhanh chóng do toàn cầu hoá. Vai trò của nền hành chính công trong toàn cầu hoá ở các nước này rất hạn chế. Bộ máy hành chính ở nhiều nước đang phát triển dường như đã nỗ lực để kiểm soát và điều khiển việc cung cấp và lưu hành các thông tin Chính phủ nhằm duy trì chế độ của họ bảo đảm các lợi ích công. Sử dụng công nghệ thông tin, công dân của các nước phương Tây dường như có thể tiếp cận đến các thông tin của Chính phủ, trong khi đó công dân của các nước khác không có sự bình đẳng khi tiếp cận thông tin của Chính phủ. Hệ thống thông tin tiên tiến thường có sẵn ở các nước phát triển, trong khi đó rất nhiều nước đang phát triển hạn chế trong việc áp dụng các công nghệ thông tin tối tân cho việc quản lý công.
- Xu hướng cuối cùng đang diễn ra nhanh chóng ở nền hành chính công của các nước đang phát triển mạnh, bao gồm các nước Đông Á và các nước Đông Âu, nơi mà nền kinh tế đang bùng nổ và công nghệ thông tin đang nổi lên. Tuy nhiên, dường như có một câu hỏi vẫn tồn tại đó là liệu các nước thu được nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa có phải nhờ vào hệ thống hành chính công hay không? Các nước và vùng lãnh thổ hàng đầu kinh tế công nghiệp mới (NIEs) ở Đông Á như Hồng Kông, Xinh-ga-po, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước Đông Âu như Hung -ga-ri, Ba Lan, Bun-ga-ri và Séc đã đạt được nhiều lợi ích từ quá trình toàn cầu hoá là do có các nhà lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, kế hoạch phát triển kinh tế công nghệ và những nỗ lực của công dân hơn là việc chuyển đổi hệ thống hành chính công.
Các yếu tố nằm ngoài phạm vi nền hành chính công trong thời kỳ toàn cầu hoá
Các nước phát triển, bao gồm các nước Tây Âu và Bắc Mỹ đã đạt được các lợi ích rõ ràng nhiều hơn từ toàn cầu hoá hơn các nước khác vì bản chất của toàn cầu hoá cũng như hệ thống hành chính công mạnh mẽ. Ngược lại, rất nhiều nước đang phát triển thu được lợi ích ít hơn từ toàn cầu hoá bởi vì các nước này có những bất lợi đáng kể trong thương trường quốc tế cộng với sự yếu kém của hệ thống hành chính. Vấn đề này là bản chất của toàn cầu hoá và hệ thống thị trường toàn cầu đã vượt ra ngoài phạm vi của hệ thống hành chính công. Và những hạn chế của nền hành chính trong việc đáp ứng các nhân tố nằm ngoài phạm vi của nền hành chính. Những nhân tố này liên quan trực tiếp những lý do mà hệ thống hành chính công của các nước đang phát triển đã không hiệu quả khi ứng phó với toàn cầu hoá và cũng là lý do các nước đang phát triển đã giành được ít lợi ích hơn từ toàn cầu hoá so với các nước phát triển.
Toàn cầu hoá đã và đang trở thành nguyên nhân trước tiên, được chủ nghĩa tư bản và thị trường thúc đẩy nhanh hơn dân chủ, chính trị và hành chính công. Khi có những thay đổi từ chủ nghĩa tư bản quốc gia tới chủ nghĩa tư bản toàn cầu, logic của dòng vốn và thị trường dường như thống trị các nguyên tắc dân chủ. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản cũng tìm kiếm một Nhà nước mạnh cùng với môi trường ổn định cho sự phát triển thịnh vượng. Các thị trường toàn cầu sẽ không thực hiện chức năng của nó một cách hiệu quả nếu thiếu sự can thiệp phù hợp của mỗi nước và quốc tế vào những thất bại của thị trường và trên thực tế những khiếm khuyết này đã kìm giữ thị trường quốc gia và toàn cầu hoạt động một cách hiệu quả và công bằng. Ví dụ, trong một thị trường toàn cầu, cạnh tranh không bình đẳng, thương mại không công bằng, kiểm soát giá cả, điều khiển các luồng vốn tài chính đã có những tác động nổi bật xuyên qua biên giới các quốc gia. Một vài nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan đã từng bị khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990 do không điều hoà được các luồng vốn tài chính và ngoại hối từ các tập đoàn tài chính quốc tế. Hàng triệu người lao động ở khu vực tư và khu vực công ở các nước này đã bị mất việc làm và những quan tâm về con người cũng như xã hội đã phải hy sinh.
Nền hành chính công ở các nước này sẽ không thể đáp ứng hiệu quả trước khủng hoảng tài chính vì sự tấn công của hệ thống tài chính toàn cầu vượt ngoài phạm vi của nền hành chính công hoặc sự quản trị nhà nước. Vì thế, các nhà nước đòi hỏi phụ thuộc lẫn nhau trong việc quản lý các vấn đề trong nước và quốc tế.
Các vấn đề mới hiện nổi lên hiện nay, bao gồm việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, cuộc chiến chống khủng bố sẽ không thể kiểm soát trong biên giới một quốc gia mà sẽ là vấn đề toàn cầu và có những nền tảng chung của quốc tế.
Trên thực tế, một trong những yếu tố quan trọng là nguyên nhân gây ra và đóng góp cho quá trình toàn cầu hoá là chủ nghĩa tư bản toàn cầu, trong đó các lợi ích và việc tích trữ các giá trị thặng dư đã vượt qua các ranh giới lãnh thổ và lớn hơn là biên giới quốc gia. Tổng số tăng trưởng thương mại quốc tế trong những năm 1980 đạt tỷ lệ trung bình 4,5% và trong những năm 1990, tỷ lệ tăng trưởng này là 6,8%. Trong khi đó, việc đo lường sản xuất của thế giới từ việc bán hàng hàng năm của các tập đoàn đa quốc gia đã lớn hơn thương mại thế giới như các phương tiện chính của trao đổi kinh tế thế giới.
Các tập đoàn đa quốc gia hoặc xuyên quốc gia như GE, Nike, Coca - Cola và IBM đã kiếm được lợi nhuận qua việc sử dụng không chỉ lực lượng lao động rẻ và nguyên liệu mà còn ở địa điểm sản xuất đã giảm chi phí thấp hơn các nước phát triển. Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia đã thực sự thuê và sử dụng các ảnh hưởng của các chính khách quốc tế và trong nước như các thành viên trong Ban điều hành của họ để có thể tiếp cận đến hành pháp và lập pháp khi xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi liên quan đến lợi ích của tập đoàn. Kết quả là, chính phủ ở các nước phát triển hơn đã tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, các quy định và luật lệ phản ánh lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia từ nông nghiệp tới các sản phẩm công nghiệp. Hơn nữa, để thực hiện lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia, chính phủ của họ đã phải sử dụng ngoại giao, chủ nghĩa đơn phương, các tổ chức quốc tế xuyên quốc gia và các tổ chức phi chính phủ. Kết quả là, các hàng hoá và dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia do những giám đốc điều hành và các cổ đông chính phần lớn là người phương Tây đã thống trị thị trường mà sự chia sẻ không chỉ các nước phương Tây mà còn các nước khác còn lại.
Toàn cầu hoá đã chuyển đổi các nhà nước quốc gia truyền thống và sự chuyển đổi này có vai trò của các tổ chức xuyên quốc gia, các tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận hay có thể gọi là tổ chức phi chính phủ (NGOs). Tổng số các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới, từ các tổ chức là một nhóm những người sống cùng nhau cho đến các tổ chức lớn có số lượng lên đến hàng triệu.
Chủ quyền của các quốc gia đã bị ảnh hưởng và năng lực của các Chính phủ có thể hiểu rõ và giải quyết các vấn đề mới nảy sinh và các xung đột về kinh tế, tài chính, môi trường, sinh thái, văn hoá, lao động và các vấn đề về quyền con người. Liên quan đến việc bảo vệ môi trường, các chính phủ đang phân vân trong việc chia sẻ quyền lực, chuyển lên trên cho các tổ chức và thể chế quốc tế và chuyển xuống dưới cho các tổ chức phi chính phủ và các khu vực hợp tác. Như vậy, các chính phủ phải dựa vào các tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận cung cấp các hàng hoá và dịch vụ.
Tuy nhiên, công dân ở rất nhiều nước châu á, châu Phi và Nam Mỹ tin rằng các tổ chức xuyên quốc gia có xu hướng đại diện đơn phương cho lợi ích của các siêu quyền lực hơn là đại diện cho quyền lợi của hàng triệu người dân ở các nước đang phát triển. Ví dụ, các nước nghèo trở nên tồi tệ hơn khi gia nhập WTO do áp lực phải mở cửa các thị truờng cho các nước công nghiệp tiên tiến. Hơn nữa, rất nhiều chính sách của các tổ chức toàn cầu, xuyên quốc gia, mà các thành viên chủ chốt thường bao gồm các nước phát triển hơn đã làm tăng thêm sự phụ thuộc về chính trị, kinh tế, tài chính, quân sự, công nghệ và thông tin vào các nước này. Các nước đang phát triển thiếu các thông tin quan trọng về khoa học, công nghệ và các nguồn lực huy động, mặc dù các nước này có một trữ lượng lớn các tài nguyên thiên nhiên. Các yếu tố nằm ngoài phạm vi của hệ thống hành chính công đã làm hạn chế hành chính công của các nước đang phát triển trong thời kỳ toàn cầu hoá.
Kết luận
Toàn cầu hoá đã duy trì những thay đổi trong nền hành chính công ở các nước phương Tây cũng như các nước khác và rất dễ so sánh những điểm giống nhau giữa các nước phương Tây và các nước khác về hệ thống hành chính công và quản trị Nhà nước. Tuy nhiên, tác động của toàn cầu hoá đối với hệ thống hành chính của các nước phương Tây và các nước khác không đáng chú ý như việc phản đối các nước phương Tây và các nước phát triển. Như vậy, hệ thống hành chính công ở các nước đang phát triển đã có vai trò tiên phong và phản ứng tích cực tới toàn cầu hoá. Nền hành chính mạnh mẽ dường như có thể giúp các nước thu được nhiều lợi ích hơn từ toàn cầu hoá hơn các nước khác thay vì một thực tế rằng ở các hệ thống xã hội - chính trị đa dạng đã làm hạn chế vai trò tiên phong của hành chính công. Hành chính công của các nước Tây Âu và Bắc Mỹ đã có những cải cách quan trọng theo hướng tinh gọn hệ thống bao gồm nhân sự, ngân sách và một số các tổ chức được tư nhân hoá, thuê khoán, hợp đồng bên ngoài, phi quy chế hoá, tinh giản biên chế và chuyển đổi các chức năng của chính phủ và các dịch vụ và làm cho chúng hiệu quả, hiệu lực, năng suất, trách nhiệm và minh bạch. Những thay đổi này có thể đóng một vai trò quan trọng giúp cho các nước duy trì hệ thống kinh tế, tài chính và thương mại mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một vấn đề vẫn tồn tại ở đây là liệu các hệ thống hành chính yếu kém có thể khiến các nước sẽ thu được lợi ích ít hơn do toàn cầu hoá hơn các nước khác do hệ thống hành chính công và quản trị ở các nước đang phát triển, bao gồm các nước châu Á, châu Phi và Nam Mỹ dường như được quyết định từ cấu trúc chính trị và trạng thái không ổn định, một hệ thống kinh tế chưa phát triển, lạc hậu về công nghệ, cơ sở hạ tầng yếu kém và giáo dục kém. Các nước nghèo phải cân nhắc những bất lợi trong thị trường toàn cầu do ít nguồn lực bao gồm nhân lực có kỹ năng và công nghệ.
Tuy nhiên, có một điều thú vị là các nước Đông Á và Đông Âu, còn gọi là các nước đang phát triển nhanh đã thu được nhiều lợi ích từ toàn cầu hoá đã có những nỗ lực tinh giảm bộ máy chính quyền qua những cải cách về tư nhân hoá, phi quy chế hoá, giảm chức năng của Chính phủ, các dịch vụ cũng như áp dụng công nghệ thông tin trong nền hành chính công. Các hệ thống hành chính chuyển đổi của Xinh-ga-po, Đài Loan, Hàn Quốc, Hung-ga-ry, Ba Lan, Bun-ga-ry và Cộng hoà Séc đã có những đóng góp quan trọng để giúp các nước này đạt được lợi ích từ quá trình toàn cầu hoá./.

(Dịch và biên tập theo bài viết Public Administration in the age of globalzation của Chon -Kyun Kim, International Public Management Review, Volume 9 Issue 1-2008).

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Tổng thống Obama: "Tôi cũng đã có những sai lầm"

Tác giả: BARACK OBAMA

Con không thể nào cứ ngồi ì ra đó để chờ vận may rơi xuống đầu mình, Tổng thống Obama nhớ lại cuộc trò chuyện với mẹ ông khi còn đi học. Bà nói rằng tôi có thể vào học bất kì trường nào trên đất nước nếu tôi quyết tâm một chút.
LTS: Trong ngày tựu trường của học sinh, sinh viên Mỹ, Tổng thống Barack Obama có bài trò chuyện với học sinh trường Masterman, tại Philadelphia với nhiều nhắn nhủ và sẻ chia, kể cả việc thừa nhận sai lầm tuổi trẻ của mình.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài nói chuyện của vị Tổng thống Mỹ với học sinh, sinh viên Mỹ.


Xin chào các bạn. Thật tuyệt vời khi tôi được ở đây với các bạn! Hôm nay là ngày chào đón tất cả các bạn và toàn bộ học sinh Mĩ trở lại trường - và tôi không thể nghĩ tới một nơi nào tốt hơn ngôi trường Masterman để làm điều đó. Masterman là một trong những ngôi trường tốt nhất ở Philadelphia - một ngôi trường hàng đầu trong việc giúp học sinh thành công trong học tập.

Và chỉ mới tuần trước, Masterman đã được ghi danh trong bảng xếp hạng quốc gia Blue Ribbon; đó là phần thưởng ghi nhận thành tựu của các bạn [The National Blue Ribbon Schools Program là một chương trình của chính phủ Mĩ được xây dựng nhằm tôn vinh các trường trung học. Giải thưởng Blue Ribbon được xem là giải thưởng cao quý nhất mà một trường Trung học Mĩ có thể đạt được - chú thích của người dịch]. Đó là một sự ghi nhận dành cho mọi người ở đây - các bạn học sinh, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và lãnh đạo nhà trường. Và đó là một ví dụ tiêu biểu về thành tích mà tôi hi vọng các cộng đồng trên toàn nước Mĩ sẽ thừa nhận.

Trong vài tuần qua, Michelle và tôi đã giúp hai con của chúng tôi, Sasha và Malia sẵn sàng bước vào năm học. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều trong số các bạn đang có cùng cảm giác mà các con tôi đang có. Các bạn có chút buồn khi thấy kì hè đã trôi qua, nhưng các bạn cũng rất hào hứng về những điều sẽ đến trong một năm học mới. Những điều sẽ đến với việc xây dựng những tình bạn mới và củng cố những tình bạn cũ, với việc tham gia câu lạc bộ của nhà trường, nỗ lực cho một đội nhóm nào đó. Những điều sẽ đến với việc trở thành một học sinh giỏi hơn, một người tốt hơn, và đem lại niềm tự hào cho gia đình các bạn.

Nhưng tôi biết một số các bạn có thể cũng căng thẳng khi bắt đầu một năm học mới. Có thể các bạn đang chuyển cấp từ trường tiểu học lên trường trung học cơ sở, hoặc từ trường trung học cơ sở lên trường trung học phổ thông, và lo lắng rằng điều gì sẽ đến với mình đây, lo lắng về nơi mình sẽ đến học và liệu rằng mình có đủ sức để tiếp tục hay không.
Và vượt lên trên tất cả những mối bận tâm này, tôi biết nhiều bạn trong số chúng ta cũng đang cảm thấy sự căng thẳng của những thời đoạn khó khăn này. Các bạn biết điều gì đang diễn ra qua những bản tin và từ cuộc sống của chính gia đình các bạn. Các bạn đọc tin tức về cuộc chiến ở Afghanistan. Các bạn nghe về việc chúng ta rút quân [khỏi Iraq]. Các bạn thấy điều đó trên gương mặt của cha mẹ mình và cảm nhận được nó qua giọng nói của họ.

Rất nhiều bạn trong số chung ta đang phải hành động nhiều hơn cái lứa tuổi của mình; phải nỗ lực hơn để giúp đỡ gia đình trong khi anh chị của các bạn đang phục vụ ở nước ngoài; phải trông nom bầy em nhỏ trong khi mẹ của các bạn đang làm ca hai; phải làm một công việc ngoài giờ trong khi cha của các bạn đang thất nghiệp.

Rất nhiều việc phải làm; khối lượng công việc đó lớn hơn cả khối lượng mà bình thường các bạn có thể phải làm. Và điều đó có thể khiến bạn đôi khi băn khoăn rằng tương lai của chính mình rồi sẽ ra sao; liệu chúng ta có thể thành công trong học hành được hay không; liệu chúng ta có nên kì vọng ít đi không, và hạ thấp thang mục tiêu cho giấc mơ của mình.

Nhưng đây là điều tôi đến ngôi trường Masterman để nói với các bạn: chẳng có ai viết nên số phận cho các bạn ngoài chính các bạn. Tương lai của các bạn nằm trong tay các bạn. Cuộc sống của các bạn là cái mà các bạn tạo ra. Và chẳng có gì - hoàn toàn chẳng có gì - vượt ra ngoài tầm vươn tới của các bạn. Miễn là các bạn sẵn sàng dám mơ ước những điều lớn lao. Miễn là các bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ. Miễn là các bạn sẵn sàng tiếp tục tập trung cho nền tảng giáo dục của các bạn.

Cái điều kiện cuối cùng đó là tuyệt đối quan trọng, bởi chưa bao giờ giáo dục lại quan trọng hơn thế. Tôi đoan chắc rằng sẽ có các dịp nào đó trong các tháng tới đây khi bạn thức khuya vật lộn cho một bài kiểm tra, hay là kéo mình ra khỏi giường trong một buổi sáng mưa gió, và băn khoăn rằng liệu tất cả điều đó có ích gì không. Hãy để tôi nói với các bạn, chẳng có gì phải nghi ngờ về điều đó cả. Sẽ chẳng có gì tác động lớn lao tới thành công của các bạn trong cuộc sống hơn là nền tảng giáo dục của các bạn.

Càng quan trọng hơn nữa, các thời cơ mở ra cho các bạn sẽ được quyết định bởi tầm mức mà các bạn gặt hái được trong học tập. Nói cách khác, các bạn càng nỗ lực học tập bao nhiêu, các bạn sẽ càng tiến xa trong cuộc sống bấy nhiêu. Và vào thời điểm khi các nước khác đang ganh đua với chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi các học sinh sinh viên trên toàn thế giới đang học tập chăm chỉ hơn bao giờ hết, đang làm tốt hơn bao giờ hết, thì thành công trong học tập của các bạn sẽ giúp quyết định sự thành công của nước Mĩ trong thế kỉ 21.

Vì vậy, các bạn có bổn phận đối với chính các bạn, và nước Mĩ có bổn phận đối với các bạn trong việc giúp các bạn có một nền giáo dục tốt nhất có thể. Và việc đảm bảo rằng các bạn có được nền giáo dục đó đồng nghĩa với việc tất cả chúng ta phải cùng bắt tay làm việc với nhau.

Điều đó sẽ buộc tất cả chúng tôi trong bộ máy lãnh đạo - từ Harrisburg tới Washington - đảm đương phần việc của mình để chuẩn bị cho các học sinh sinh viên của chúng ta, tất cả học sinh sinh viên của chúng ta, gặt hái thành công trong lớp học, trong trường đại học, và trong một công việc. Điều đó cần đến một người hiệu trưởng giỏi giang và các thầy cô giáo giỏi giang như các bạn ở Masterman đây, những thầy cô giáo đang tiếp tục cố gắng hơn nữa vì các học sinh của mình. Và điều đó cần các bậc cha mẹ cam kết cho nền tảng giáo dục của các bạn.

Đó là điều mà chúng tôi phải làm cho các bạn. Đó là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Nhưng đây là nhiệm vụ của các bạn. Đến lớp đúng giờ. Chú ý nghe giảng. Làm bài tập ở nhà. Tập trung bài vở cho các buổi thi. Gạt ra khỏi các lo lắng. Rằng kỉ luật và sự nỗ lực - nghĩa là học hành chăm chỉ - có tầm quan trọng vô cùng cho sự thành công.

Tôi biết, bởi vì rằng tôi đã không thường xuyên có được điều đó. Khi tôi còn trẻ, không phải lúc nào tôi cũng là một học sinh giỏi nhất. Tôi cũng đã có những sai lầm. Thực sự, tôi vẫn có thể nhớ một lần trò chuyện giữa tôi với mẹ khi tôi đang học phổ thông, lúc đó tôi cũng tầm tuổi như một số các bạn ở đây hôm nay. Lần đó chúng tôi nói về việc điểm của tôi đang rớt như thế nào, về việc thậm chí tôi đã không bắt đầu các hồ sơ xin vào học đại học của tôi ra sao, về việc tôi đã hành động, như bà đã nói, "thiếu trách nhiệm" với tương lai của tôi như thế nào. Đó là một cuộc nói chuyện mà tôi đồ rằng nó rất quen thuộc với một số các học sinh và bậc phụ huynh ở đây hôm nay.

Và tâm thế của tôi lúc đó là cái mà tôi hình dung rằng mỗi bạn thanh thiếu niên chúng ta đều có trong một cuộc nói chuyện như vậy. Tôi đã nghĩ, đại loại rằng, tôi không cần thiết phải nghe tất cả điều này. Vì thế tôi đã bắt đầu trả lời bằng việc nói ra như vậy, và bà ngắt lời tôi ngay lập tức. Con không thể nào cứ ngồi ì ra đó - bà nói - để chờ vận may rơi xuống đầu mình. Bà nói rằng tôi có thể vào học bất kì trường nào trên đất nước nếu tôi quyết tâm một chút. Rồi bà nhìn tôi nghiêm khắc và nói thêm: "Nhớ điều đó là như thế nào chưa? Quyết tâm?"

Tôi khá là choáng váng khi nghe mẹ tôi nói điều đó. Nhưng rồi cuối cùng lời của bà cũng có được hiệu ứng như mong đợi. Tôi trở nên nghiêm túc hơn đối với chuyện học hành của mình. Tôi đã quyết tâm. Và tôi bắt đầu thấy những điểm số của tôi - và các triển vọng của tôi - tiến bộ dần. Và tôi biết rằng nếu học hành làm việc chăm chỉ có thể đem đến điều gì khác cho tôi, nó cũng có thể đem đến điều gì khác cho các bạn.

Tôi biết một số bạn có thể hoài nghi về điều đó. Các bạn có thể băn khoăn việc một số người khá hơn trong một số lĩnh vực nào đó. Và đúng là rằng mỗi chúng ta có những năng khiếu và tài năng mà chúng ta cần phát hiện và nuôi dưỡng. Nhưng bởi vì rằng bạn không phải là người giỏi nhất ở một bình diện nào đó ngày hôm nay, thì không có nghĩa là bạn không có thể đạt được điều đó trong ngày mai. Ngay cả nếu bạn không cho rằng mình là một con người của lĩnh vực toán học hay một con người của lĩnh vực khoa học, thì bạn vẫn có thể trội hơn trong các lĩnh vực khác nếu bạn sẵn sàng quyết tâm. Và bạn có thể nhận thấy bạn có những tài năng mà bạn chưa bao giờ mơ ước tới.

Các bạn thấy đó, sự vượt trội trong trường lớp hay trong cuộc sống không dựa nhiều vào việc thông minh hơn mọi người. Nó dựa vào việc làm việc chăm chỉ hơn mọi người. Đừng né tránh các thách thức - hãy tìm kiếm chúng - bước ra khỏi khu vực nhàn hạ đối với bạn, và đừng ngại yêu cầu giúp đỡ; thầy cô giáo và gia đình của các bạn luôn ở đó để hướng dẫn các bạn. Đừng cảm thấy nản lòng hoặc từ bỏ nếu bạn không thành công ở lĩnh vực nào đó - hãy cố gắng lần nữa, và học hỏi từ sai lầm của mình. Đừng cảm thấy lo sợ nếu bạn bè của các bạn đang gặt hái kết quả tốt; hãy tự hào về họ, và nhìn thấy các bài học mà bạn có thể rút ra từ những gì mà họ đang làm tốt đó.

Đó là loại hoạt động tu dưỡng để gặt hái kết quả xuất sắc mà các bạn cần đẩy mạnh ở đây nơi ngôi trường Masteman; và đó là loại kết quả xuất sắc mà chúng ta cần đẩy mạnh trên tất các các ngôi trường của nước Mĩ. Đó là lí do vì sao hôm nay, tôi đang thông báo về giải thưởng Commencement Challenge lần thứ hai của chúng ta [Commencement Challenge là giải thưởng hàng năm, được đặt ra dưới thời Tổng thống Obama trao cho các trường trung học công có thành tích cao nhất trong toàn nước Mĩ - chú thích của người dịch]. Nếu trường các bạn là người chiến thắng, nếu các bạn thể hiện được cho chúng tôi thấy các thầy cô giáo, các học sinh và các bậc cha mẹ đang làm việc cùng nhau như thế nào để chuẩn bị cho con trẻ của các bạn bước vào đại học và một nghề nghiệp trong tương lai, nếu các bạn thể hiện cho chúng tôi thấy các bạn đang cống hiến trở lại như thế nào cho cộng đồng của các bạn và cho đất nước của chúng ta - tôi sẽ đích thân chúc mừng các bạn bằng việc đến nói chuyện vào lễ tốt nghiệp của các bạn.

Nhưng sự thực là, một nền giáo dục không chỉ dừng lại ở việc được vào học ở một trường đại học tốt hay nhận được một công việc tốt khi bạn tốt nghiệp. Nó còn là việc đem đến cho mỗi chúng ta và mọi người trong số chúng ta cơ hội để thực hiện lời hứa của chúng ta; trở thành kiểu mẫu tốt nhất mà chúng ta có thể đạt tới. Và một phần làm nên điều đó là việc chúng ta đối xử với người khác theo cách thức mà chúng ta muốn được đối xử - với lòng tốt và sự chân thành.

Giờ đây, tôi biết điều đó không phải lúc nào cũng diễn ra. Đặc biệt là không ở trong trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trở thành một thanh thiếu niên thật chẳng dễ dàng gì. Đã đến lúc chúng ta đang phải vật lộn với rất nhiều việc. Khi tôi ở độ tuổi các bạn, tôi đã phải vật lộn với các vấn đề về việc tôi là ai, về ý nghĩa của việc mình là con trai của một người mẹ da trắng và một người cha da đen, và việc không có cha trong cuộc sống của mình. Ngay giờ đây một số bạn có thể đang miên man với những câu hỏi của chính mình, và đang cật vấn về cái gì khiến mình trở nên khác biệt với xung quanh.
Và tôi biết rằng rằng việc hình dung ra tất cả điều đó có thể trở nên khó khăn hơn khi bạn gặp trong lớp học những chúng bạn hay cậy thế hiếp đáp người khác, những kẻ cố gắng sử dụng các khác biệt đó để chơi xấu bạn hoặc chế giễu bạn, làm bạn cảm thấy tự ti. Ở một số nơi khác, vấn đề nghiêm trọng hơn. Có những vùng lân cận với vùng Chicago của tôi, ở đó bọn trẻ đã xúc phạm một người khác. Và điều tương tự cũng đã xảy ra ở Philly đây.

Vậy thì, điều tôi muốn nói với các bạn hôm nay - điều tôi muốn tất cả các bạn ghi nhớ từ buổi nói chuyện của tôi - là rằng cuộc sống thật đáng quý, và một phần làm nên cái đẹp của cuộc sống nằm ở sự đa dạng của nó. Chúng ta không nên lúng túng với với những cái làm cho chúng ta trở nên khác biệt. Chúng ta nên tự hào về chúng. Bởi vì rằng những cái làm cho chúng ta thành khác biệt thì đồng thời cũng là những cái làm chúng ta trở thành chúng ta. Và sức mạnh cũng như đặc trưng của đất nước này luôn luôn đến từ việc chúng ta có khả năng nhận ra chúng ta từ một cái nào khác, bất kể chúng ta là ai, hay chúng ta từ đâu tới, chúng ta trông như thế nào, hay là chúng ta có những sở trường sở đoản gì.

Tôi đã được nhắc nhở về quan điểm đó một ngày kia khi tôi đọc một lá thư của Tamerria Robinson, một nữ học sinh 11 tuổi ở Georgia. Cô bé kể cho tôi nghe cô đã làm việc chăm chỉ như thế nào, và về toàn bộ hoạt động cộng đồng mà cô đã làm cùng với anh trai cô. Và cô bé viết: "Cháu cố gắng đạt được giấc mơ của cháu và giúp đỡ người khác cũng làm được điều tương tự. Đó là cách mà thế giới nên làm."

Tôi đồng ý với Tamerria. Đó là cách mà thế giới nên làm. Vâng, chúng ta cần làm việc chăm chỉ. Vâng, chúng ta cần có trách nhiệm cho nền tảng giáo dục của chính chúng ta. Vâng, chúng ta cần có trách nhiệm cho cuộc sống của chính chúng ta. Những cái làm cho chúng ta trở thành chúng ta là ở đây, trên đất nước này, chúng ta không chỉ phấn đấu cho các giấc mơ của chúng ta, mà chúng ta còn giúp đỡ người khác cùng làm điều tương tự đó. Đây là một đất nước đem đến cho tất cả con gái con trai của chúng ta một cơ hội công bằng. Một cơ hội xây dựng nên hầu hết cuộc sống của họ. Một cơ hội để thực hiện cái tiềm năng mà Chúa đã ban cho họ.

Và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nếu tất cả các học sinh của chúng ta - ở đây, tại ngôi trường Masterman và trên toàn đất nước này - tiếp tục bền bỉ phần việc của họ, nếu các bạn không ngừng làm việc chăm chỉ và tập trung vào việc học hành của các bạn, nếu các bạn không thôi tranh đấu cho giấc mơ của các bạn, và nếu tất cả chúng tôi giúp bạn đạt tới điều đó, vậy thì không chỉ các bạn sẽ thành công trong năm học này, và trong suốt quãng đời còn lại của các bạn, mà nước Mĩ cũng sẽ thành công trong thế kỉ 21. Xin cảm ơn. Chúa ban phước lành cho các bạn, và Chúa ban phước lành cho nước Mĩ.
Lê Nguyên Long dịch từ whitehouse.gov