Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Thùng thuốc súng made in China

VietnamDefence - Trung Quốc không thể chấp nhận việc tìm thấy các mỏ dầu khí lớn trên thềm lục địa của Việt Nam. Giám đốc Viện Năng lượng quốc gia (Nga) Sergei Pravosudov dự báo khả năng xung đột trên Biển Đông. VietnamDefence giới thiệu chỉ với mục đích tham khảo.


Itar-Tass

Việt Nam hôm nay là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á.  Theo xếp hạng chỉ số Bloomberg, kinh tế nước này đứng thứ ba trong khu vực về triển vọng, sau Trung Quốc và Ấn Độ, còn về tốc độ phát triển thì nằm trong số 10 nước đứng đầu thế giới. Các nhà đầu tư đang rút vốn khỏi EU và Nga để đổ xô đến đây.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Viện Năng lượng quốc gia (Nga) Sergei Pravosudov, tương lai tươi sáng của kinh tế Việt Nam đang là câu hỏi lớn. Chính Việt Nam có thể trở thành nơi đụng độ lợi ích của các cường quốc lớn nhất thế giới.

SP: Thế giới hôm nay giống như một thùng thuốc súng được nối với nhiều dây cháy chậm. Ông cho rằng, một trong số đó có thể bị đốt cháy ở Việt Nam. Tại sao?

- Nhiều trong số những người quan tâm đến địa-chính trị có lẽ đa đọc cuốn sách nổi tiếng của nhà khoa học Mỹ Samuel Huntington “Sự va chạm của các nền văn minh”.

Trong đó có dẫn ra một kịch bản khả năng khai diễn cuộc chiến tranh thế giới ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Tôi xin trích: “Việc khai thác các mỏ dầu ở Biển Đông được các công ty Mỹ thực hiện với tốc độ nhanh, chủ yếu dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, nhưng những khu vực riêng lẻ nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam. Nhờ những khả năng hiện diện quân sự mới, sự tự tin của Trung Quốc đã được củng cố, và họ tuyên bố là có ý định thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn đối với toàn bộ Biển Đông - Trung Quốc luôn yêu sách chủ quyền đối với vùng biển này. Người Việt Nam chống lại việc đó, một cuộc xung đột vũ trang nổ ra giữa các tàu chiến Trung Quốc và Việt Nam. Khát khao báo thù cho sự sỉ nhục năm 1979, người Trung Quốc xâm lược Việt Nam”. Tiếp đó mô tả sơ đồ mà cả thế giới bắt buộc bị lôi kéo vào cuộc xung đột quân sự này.

SP: Tuy nhiên, cuốn sách mà ông vừa trích dẫn được viết vào năm 1996. Từ đó đến nay, nhiều chuyện đã thay đổi…

- Những giả thiết của nhà khoa học Mỹ phần nhiều đang được khẳng định bởi các thực tiễn đương đại. Các công ty Mỹ quả thực đang tiến hành tìm kiếm hydrocarbon trên thềm lục địa Việt Nam và khá thành công. Tập đoàn Gazprom của Nga cũng đang làm việc đó và đã phát hiện ra hai mỏ khí Báo Vàng và Báo Đen. Các nhà địa chất Nga đã kể với tôi rằng, các sự cố với tàu chiến Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn công tác thăm dò địa chất thường xuyên xảy ra. Hơn nữa, người Trung Quốc hành xử rất ngang ngược, hung hãn: họ phá thiết bị địa chất, tiến sát các tàu dân sự. Chuyện thường đi đến những scandal ngoại giao nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ban lãnh đạo CHXHCN Việt Nam nhiều lần chính thức lên tiếng về những hành động hà hiếp các tàu cá Việt Nam từ phía hải quân Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh ngăn cản xây dựng các giếng khoan dầu. Mùa xuân năm ngoái, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy mấy sự cố có sự tham gia của các tàu dân sự và quân sự, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự căng thẳng trong quan hệ Trung-Việt Nam tồn tại đã lâu. Năm 1988, giữa hai nước thậm chí đã xảy ra trận chiến nhỏ giành một hòn đảo ở Biển Đông làm 50 thủy binh Việt Nam hy sinh.

SP: Rõ ràng điều đó xảy ra là vì hai nước không thể chia sẻ những khu vực thềm lụa địa có triển vọng nào đó ở Biển Đông?
- Chính thế. Đó là nói đến phần phía bắc của thềm lục địa Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc. Thềm lụa địa phía nam của Việt Nam, Trung Quốc hiện chưa đụng đến. Ở đó từ lâu nay công ty Zarubezhneft của Nga và các công ty khác đang hoạt động.

Ngoài ra, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong vùng biển này và nằm trên các tuyến đường biển chủ yếu dùng để vận chuyển hành hóa giữa Đông Nam Á, châu Âu và Cận Đông. Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines chỉ yêu sách đối với một phần của khu vực. Mỹ đang lo ngại sự hạn chế quyền tự do thông thương hàng hải ở khu vực này. Cuối năm ngoái, Washington và tuyên bố triển khai một căn cứ quân sự ở Darwin, miền bắc Australia, khiến Bắc Kinh rất tức tối.

SP: Theo như ông nói thì tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục ở trạng thái cường độ thấp hàng mấy chục năm rồi. Thế điều gì nói lên rằng, chính trong thời gian tới, nó có thể chuyển sang giai đoạn nóng?
- Xét tổng thể, ở phần bắc thềm lục địa của Việt Nam có các trữ lượng hydrocarbon rất lớn. Tất cả những số liệu mà các nhà địa chất thu nhận được đang nói lên điều đó. Bởi vậy, Trung Quốc có thể mưu toan quyết tâm xâm lược quân sự. Điều đó đặc biệt bức thiết khi mà tương lai của Iran, một trong những nguồn cung cấp dầu chính cho Trung Quốc, đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Cả gan quyết định trực tiếp xâm lược chống Việt Nam, Trung Quốc sẽ mưu toan giết cùng lúc mấy con thỏ. Một là giành lấy phần bắc thềm lục địa Việt Nam và bằng cách đó sẽ làm giảm sự phụ thuộc nguyên liệu vào các nước cung cấp tài nguyên năng lượng. Hai là, gột rửa nỗi quốc nhục năm 1979. Tôi xin nhắc lại là hồi đó, Trung Quốc đã tấn công Việt Nam những tưởng nhanh chóng đưa Việt Nam về đúng chỗ. Nhưng Việt Nam đã đánh bại các lực lượng Trung Quốc có ưu thế hơn. Hơn nữa, họ làm được việc đó chỉ bằng các đơn vị thứ yếu vì phần lớn quân đội Việt Nam lúc đó đang ở Campuchia.

Đối với người Trung Quốc, đây là sự sỉ nhục nặng nề nhất cho đến nay. Bởi lẽ, họ đất rộng người đông hơn Việt Nam hàng chục lần! Điều đó cũng giống như chẳng hạn nước Nga hiện đại đã không thể chiến thắng mấy đơn vị đặc nhiệm của Gruzia.

Và có cả yếu tố thứ ba có thể thúc đẩy Trung Quốc đi đến chiến tranh. Ở Trung Quốc hiện nay, vấn đề quan hệ giữa các tỉnh giàu có, phát triển về kinh tế ở bờ Thái Bình Dương và các khu vực miền trung nông thôn, nghèo đói đặt ra rất gay gắt. Vùng duyên hải Trung Quốc ngày nay gắn bó hơn nhiều với châu Âu và Mỹ, nơi hành hóa sản xuất ở đó được xuất đến, hơn là các tỉnh lân cận. Họ coi những nông dâ từ các khu vực miền trung Trung Quốc như những người ăn bám. Hoàn toàn có khả năng là người Mỹ sẽ tìm cách xúi giục vùng duyên hải giàu có đòi độc lập với phần còn lại của Trung Quốc. Trong ban lãnh đạo Trung Quốc người ta hiểu điều đó nên không loại trừ họ sẽ mưu toan phát động một cuộc chiến nhỏ thắng lợi. Thủ đoạn đó thời nào cũng thịnh hành.

SP: Việt Nam có hiểu rằng, tình hình có thể diễn biến đúng theo cách đó không?
- Có chứ. Vài năm gần đây, Việt Nam nhanh chóng tăng cường mua sắm vũ khí của Nga. Nước ta đang cung cấp cho Việt Nam các tiêm kích Su-30MK2, tàu tên lửa, frigate lớp Gepard, tàu ngầm, hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bastion với tên lửa hành trình chống hạm Yakhont… Kết quả là Việt Nam đã chiếm vị trí thứ hai trong số các khách hàng mua vũ khí Nga chỉ sau Ấn Độ. Trước đó, vị trí này trong một thời gian dài do Trung Quốc chiếm giữ. Hơn nữa, các vũ khí họ mua của Nga chủ yếu là để đối phó với một cuộc xâm lược từ hướng biển, bảo vệ các mỏ trên biển hoặc bảo vệ đường bờ biển. Vì thế, các vị hãy tự đưa ra kết luận. Còn cần phải tính đến yếu tố, các công ty dầu khí Nga cũng có những kế hoạch lớn đối với tài nguyên hydrocarbon của Việt Nam.

SP: Điều đó có nghĩa là Nga sẽ bắt buộc bị lôi cuốn vào cuộc xung đột này không?
- Tôi nghĩ chúng ta sẽ cố gắng đến cùng để tránh tham gia bằng quân sự vào cuộc xung đột đó. Điều duy nhất mà chúng ta đang làm và sẽ làm là vũ trang cho Việt Nam. Quân đội của họ trong thế kỷ qua đã ba lần chứng tỏ sức chiến đấu của mình. Vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào thì Trung Quốc cũng sẽ không dễ làm gì được.

Câu hỏi chủ yếu trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc là Mỹ và Nhật Bản sẽ hành xử thế nào. Mỹ hiện kiểm soát đa số các tuyến đường giao thương hàng hải trong khu vực này. Một chiến thắng của Trung Quốc sẽ làm thay đổi đột biến tình hình. Bởi vậy, người Mỹ sẽ không khoanh tay đứng ngoài. Tình hình với Nhật còn nghiêm trọng hơn. Nhật nhận được qua Biển Đông phần lớn nguyên liệu mà không có nó thì kinh tế Nhật sẽ trên bờ sụp đổ. Bởi vậy, xác suất cuộc xung đột leo thang lên quy mô cuộc chiến tranh thế giới mới là cao.
  • Nguồn: Aleksei Polubota // SP, 29.2.12.

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Binh pháp Hải quân Việt Nam: Bố trí những quả đấm thép



Triệt để lợi dụng thế địa lý để phát triển phương thức chiến tranh du kích hiện đại trên biển, đó là chiến thuật thứ nhất của Hải quân Việt Nam. Tiếp đó, thứ hai là nghệ thuật bố trí và sử dụng lực lượng.

Trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ  quốc, có rất nhiều sư đoàn thiện chiến của ta luôn nằm trong sự theo dõi gắt gao của CIA, bộ  tham mưu Việt Nam Cộng Hòa. Bởi lẽ những sư đoàn như sư 325, sư 10 mà ở đâu thì hướng chính của chiến dịch là ở đấy.

Khu trục hạm tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam là lực lượng hiện đại nhất của Hải quân tầm châu lục. Với tính năng kỹ chiến thật mà nó có thì thực sự là một đối thủ nguy hiểm nhất cho bất cứ tàu ngầm, tàu mặt nước nào khi phải đối đầu.
 

Vì vậy, biết được tàu Gepard 3.9 ở đâu, hoạt động như thế nào trước và khi tác chiến xảy ra, là một yêu cầu bức thiết, sống còn của Bộ Tham mưu địch.
 

Có lẽ rất nhiều người cho rằng trong thời đại công nghệ cao, vệ tinh quân sự dày đặc trên bầu trời thì việc phát hiện một chiếc xe máy còn dễ dàng, cỡ như Gepard 3.9 có gì là khó khăn.
 

Đương nhiên đó chỉ là lý thuyết. Một sư đoàn với hàng ngàn con người, phương tiện, được rất nhiều lực lượng như trinh sát, tình báo, điện tử…hiện đại của Mỹ mà vẫn không theo dõi được để đến nỗi có cú điểm huyệt Buôn Ma Thuột thì chưa thể khẳng định được điều gì với Gepard 3.9 nó ở đâu, làm gì…
 

Vệ tinh quân sự chỉ xác định được những cái giống Gepard 3.9 trong khi đó hàng giả để che mắt đánh lừa vệ tinh còn thật hơn cả hàng thật.
 

Nga đã từng cho ra đời hàng loạt xe tăng khủng, tên lửa khủng, tàu chiến khủng nhưng giả còn thật hơn cả thật. Nghĩa là người Nga đã sản xuất 1 kho vũ khí đủ lớn các loại mô hình vũ khí có tính năng nhiệt và điện tử tương đương với các vũ khí thật.
 

Điều này cho phép người Nga có thể ẩn giấu, trộn lẫn trang thiết bị giả tạo và trang thiết bị chiến đấu lừa địch mà vệ tinh quân sự dù kỹ thuật chụp ảnh tân tiến đến mấy cũng không phân biệt được thật giả.
 

Trong chiến tranh, biết được địch ở đâu chính xác, che giấu được ta là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi. Đặc biệt trong chiến tranh hiện đại với vũ khí công nghệ cao thì đây là yếu tố sống còn.
 

Phòng thủ Tổ quốc từ hướng biển, yếu tố bí mật che giấu lực lượng này ta có nhiều lợi thế hơn địch. Thời tiết, núi cao, cảng sâu…là những khó khăn ngăn trở, làm cho độ chính xác của vệ tinh địch không cao khi xác định tọa độ, phân biệt mục tiêu (dù chưa có sự ngụy tranh của ta).
 

Do vậy hiệu suất của vũ khí công nghệ cao như tên lửa, pháo sẽ rất thấp. Ta ở trong vùng tối, địch ở ngoài vùng sáng.
Thủy thủ kiểm tra tàu chuẩn bị đi biển
Thủy thủ kiểm tra tàu chuẩn bị đi biển


Kinh nghiệm xương máu trong chiến tranh với Mỹ; thế địa lý Việt Nam và với sự sáng tạo, độc đáo của con người Việt thì chắc chắn những “quả  đấm thép” của Hải quân Việt Nam sẽ ở những nơi mà địch biết được khi đã bị trúng huyệt kiểu như Buôn Ma Thuột hay pháo binh ở Điện Biên Phủ.

Bởi vậy, câu trả lời Gepard 3.9 ở đâu, làm gì trước và khi xảy ra tác chiến thì chỉ có Bộ Tham mưu Hải quân Việt Nam mới biết.
 

Nhưng chắc chắn nó sẽ ở nơi đắc địa thuận lợi mà “một địch muôn người”. Nghĩa là nơi đó ít đánh thắng được nhiều, dễ tấn công và phòng thủ.
 

Không những Gepard 3.9 mà bất kỳ tàu chiến nào của Hải Quân Việt Nam dù độc lập tác chiến hay hợp đồng tác chiến thì lực lượng này phải nằm trong tầm bảo vệ của lực lượng kia, chúng có trách nhiệm sở trường, sở đoản bổ sung cho nhau và nằm trong thế trận phòng thủ nhiều tầng nhiều lớp có chiều sâu của cả nước.
 

Nếu như KILO phục kích thì ít nhất cũng không có lực lượng săn ngầm nào của địch có thể gây nguy hiểm cho nó bởi chúng sẽ bị tiêu diệt bởi các lực lượng khác bảo vệ KILO…
 

Trong nghệ thuật tác chiến chúng ta vẫn và sẽ thực hiện phương châm: “Những gì mà công nghệ không thể làm được thì chiến thuật có thể”.
 

Vì Việt Nam còn nghèo, khoa học công nghệ chưa phát triển, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay khi công nghệ (vũ khí trang bị) của ta đảm bảo cho một số nhiệm vụ tác chiến như có thể tấn công trực tiếp vào căn cứ địch thì việc bố trí, sử dụng lực lượng này sẵn sàng xuất phát tấn công làm cho địch phải co về đối phó, hoang mang, không phải là điều gì quá khó khăn.
 

Trong chiến tranh, những nước đem quân đi tấn công xâm lược nước khác thì khu vực tác chiến, không gian chiến tranh chỉ tồn tại ngay tại nước bị xâm lược. “Chính quốc” thì hòa bình, êm ắng, dân họ không biết gì mùi khói bom thuốc đạn. Nếu như mở một cuộc chiến mà chính họ cũng sẽ bị những đòn giáng trả liệu họ có dám không?
Mỹ chưa dám tấn công Iran là vì lý do đó. Mỹ chỉ quen đem bom đạn dội vào quốc gia khác nhưng cứ thử xem khi dân Mỹ cũng phải hứng chịu bom đạn khi bị giáng trả thì sẽ như thế nào?

Vì  vậy, đòn đánh vào căn cứ địch, nơi chúng xuất phát là một đòn đánh cực hiểm trên cả 3 lĩnh vực chính trị, quân sự và kinh tế, trong đó đòn chính trị là hiểm nhất, hậu quả khủng khiếp nhất, nó có thể đánh sập ý chí xâm lược.
 

Đương nhiên, Hải quân Việt Nam ngoài việc tăng cường sức mạnh chúng ta phải triệt để lợi dụng thế núi, thế biển để bố trí lực lượng, sẵn sàng cho đòn đánh này.
 

Chuẩn bị nhiều phương án tác chiến sử dụng lực lượng hiện đại, công nghệ cao đồng thời cả những phương án tác chiến trong điều kiện mà công nghệ không thể để giáng trả quân xâm lược.
 

Tăng cường sức mạnh cho Hải quân Việt Nam mà không tăng cường để phục vụ cho đòn đánh này là quá ngây thơ, nhút nhát, sợ địch. Nhưng điều này, “nhút nhát, sợ địch” lại không nằm trong từ điển quân sự Việt Nam (Tướng Giáp).
 

Việt Nam đã qua lâu rồi thời kỳ quân xâm lược có quyền đem bom đạn dội vào, gây ra bao đau thương tang tóc mà không bị giáng trả tại đất nước họ. Bài học cho Hải quân Mỹ ở cảng Sài Gòn, Cửa Việt; bài học cho Không quân Mỹ ở Utapao (Thailand) còn đó.
 

Ngày nay, sự giáng trả còn khủng khiếp hơn nhiều. Chỉ biết nhao lên tấn công chọc thủng lưới đối phương mà không nghĩ là có lúc mình phải vào lưới nhà nhặt bóng thì chưa phải là trận đấu hiện đại đỉnh cao.
Theo Phunutoday

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Việt Nam hùng mạnh hơn nhiều người tưởng tượng?


Cập nhật lúc :7:43 AM, 25/02/2012, trên baodatviet.vn

Trong báo cáo "Duy trì sự phát triển của Việt Nam: Thách thức về năng suất", 
Viện McKinsey toàn cầu đưa ra những điểm mà công chúng thế giới chưa biết về VN


Rõ ràng là ở Đông Nam Á có nhiều thay đổi kể từ chiến tranh Việt Nam. Trong suốt hơn 25 năm qua, Việt Nam tự chuyển mình. Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của cộng đồng kinh tế toàn cầu thông qua việc là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Việt Nam trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài và nhanh chóng phát triển từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị cao và chuyên về dịch vụ. Tuy nhiên, nếu Việt Nam muốn duy trì sự phát triển đáng kể như hiện nay, nước này cần tăng cường năng suất lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp trong những năm sắp tới.
Trong báo cáo "Duy trì sự phát triển của Việt Nam: Thách thức về năng suất", Viện McKinsey toàn cầu  đưa ra những điểm khiến công chúng thế giới có thể rất bất ngờ.
Việt Nam phát triển nhanh hơn bất kỳ một nền kinh tế châu Á nào khác trừ Trung Quốc
Việt Nam, quốc gia từng bị chiến tranh tàn phá, là một trong những câu chuyện thành công về kinh tế ở châu Á trong 1/4 thế kỷ qua. Kể từ khi đảng Cộng sản tiến hành cuộc đổi mới năm 1986, nước này  giảm các rào cản với thương mại và dòng chảy của vốn, mở cửa kinh tế hơn nữa với doanh nghiệp tư nhân. 
Trong thời kỳ này, kinh tế Việt Nam  mở rộng hơn bất kỳ một nền kinh tế châu Á nào khác ngoại trừ Trung Quốc, với tăng trưởng GDP tính trên đầu người hàng năm là 5,3%. Mức tăng trưởng này vẫn duy trì khi mà khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra vào những năm 1990 và khi kinh tế toàn cầu suy thoái. Kinh tế Việt nam tăng trưởng 7%/năm từ 2005 tới 2010, mạnh hơn nhiều những nền kinh tế châu Á khác.
Việt Nam ra khỏi những cánh đồng lúa
Nông nghiệp  không còn là mối quan tâm chủ yếu của kinh tế Việt Nam. Trên thực tế, phần đóng góp của nông nghiệp vào GDP nước nhà  bị giảm 1/2, từ 40% xuống còn 20% chỉ trong vòng 15 năm, sự chuyển đổi nhanh hơn nhiều so với những nền kinh tế khác ở châu Á. So với Trung Quốc và Ấn Độ, sự chuyển đổi này lần lượt là 29 năm và 41 năm.
Trong vòng 10 năm qua, phần đóng góp của nông nghiệp với số lượng việc làm của đất nước  giảm 13% trong khi số lao động làm trong ngành công nghiệp  tăng thêm 9,6% và dịch vụ tăng thêm 3,4%. Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ  góp phần to lớn vào việc mở rộng kinh tế của Việt Nam do sự khác biệt khá lớn về năng suất giữa các ngành. Kết quả là, phần đóng góp của nông nghiệp vào GDP đất nước  giảm thêm 6,7% trong khi phần đóng góp của công nghiệp tăng thêm 7,2% trong vòng 10 năm qua.
Việt Nam - một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tiêu, hạt điều, gạo và cà phê

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tiêu, trong năm 2010  xuất khẩu 116.000 tấn , đồng thời đi đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều trong 4 năm liên tiếp.

Việt Nam cũng là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Thái Lan và chỉ sau Brazil về xuất khẩu cà phê, lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam  tăng gấp 3 lần chỉ trong 4 năm. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới trong sản xuất chè và thứ 6 toàn cầu về xuất khẩu hải sản như cá, tôm.
Việt Nam không phải là "Trung Quốc+1"
Chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng  khiến một số chủ nhà máy chuyển sản xuất sang Việt Nam, nơi mà mức lương của người lao động còn khá thấp. Xu hướng này  tiếp sức cho các cuộc hội đàm của nhiều CEO về việc Việt Nam trở thành địa điểm lớn tiếp theo dành cho sản xuất hàng xuất khẩu, một phiên bản nhỏ hơn của Trung Quốc hoặc Trung Quốc+1.
Tuy nhiên, Việt Nam khác xa Trung Quốc ở hai điểm. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam bị tiêu dùng cá nhân ảnh hưởng nhiều hơn Trung Quốc. Việc tiêu thụ của các hộ gia đình chiếm 65% GDP của Việt Nam, chiếm phần lớn - bất thường ở châu Á. Tại Trung Quốc thì ngược lại, tiêu thụ cá nhân chỉ chiếm 36% của GDP.
Thứ hai, trong khi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc xuất phát từ sản xuất để xuất khẩu và mức đầu tư vốn cao đặc biệt thì kinh tế Việt Nam cân bằng giữa sản xuất và dịch vụ hơn, mỗi thứ chiếm xấp xỉ 40% GDP. Sự tăng trưởng của Việt Nam dựa trên nền tảng rộng lớn hơn, với sự cạnh tranh diễn ra khắp nền kinh tế.
Việt Nam là nam châm thu hút đầu tư nước ngoài 
Việt Nam hiện nằm trong hầu hết các danh sách những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo khảo sát của phòng đầu tư và thương mại và cơ quan tình báo kinh tế Anh, Việt Nam là đích đến hấp dẫn nhất với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ sau bộ tứ là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Số FDI chảy vào Việt Nam tăng từ 3,2 tỷ USD năm 2003 lên 71,7 tỷ USD năm 2008 trước khi tụt xuống 21,5 tỷ USD vào năm 2009 do suy thoái toàn cầu.
Việt Nam có cơ sở hạ tầng hiện đại hơn Philippines và Thái Lan
Việt Nam  bắt đầu có những khoản đầu tư đồ sộ vào cơ sở hạ tầng. Nhiều du khách tới Việt Nam coi đường sá ở đây là khá cơ bản. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế, Việt Nam  bổ sung thêm nhiều đường sá, mật độ đường  lên tới 0,78km/km vuông vào năm 2009, cao hơn mật độ ở Philippines và Thái Lan, hai nền kinh tế phát triển mạnh. Cùng năm, mạng lưới điện  phủ hơn 96% quốc gia này.
Thế hệ trẻ Việt Nam đang online
Dân số Việt Nam trẻ, có học thức và ngày càng sử dụng mạng rất nhiều. Thuê bao điện thoại di động ở Việt Nam tăng gần 70%/năm trong khoảng thời gian 2000 và 2010, so với chưa đầy 10%/năm ở Mỹ cùng thập niên. Tới cuối 2010, Việt Nam có 170 triệu thuê bao điện thoại di động. Việc sử dụng internet ở Việt Nam cũng tăng mạnh, hiện giờ 94% người dùng internet Việt Nam truy cập các trang tin tức trực tuyến, hơn 40% người dùng internet truy cập web mỗi ngày.
Việt Nam trở thành điểm hàng đầu cho các dịch vụ gia công
Có hơn 100.000 người  làm việc trong ngành dịch vụ gia công và lao động xuất khẩu. Một số công ty đa quốc gia nổi tiếng  thiết lập hoạt động ở Việt Nam gồm Hewlett-Packard, IBM, và Panasonic. Trên thực tế, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong 10 dịa điểm hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, do có số lượng sinh viên  tốt nghiệp tương đối lớn và mức lương thấp. Giá thuê một lập trình viên phần mềm ở Việt Nam chưa đầy 60% giá thuê một nhân công tương tự ở Trung Quốc. 

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Việt - Nga hợp tác phát triển tên lửa


Bài đăng trên 24h.com

Thứ Năm, 16/02/2012, 10:54 AM (GMT+7)
(Tin tuc) - Dự kiến trong năm 2012, Nga và Việt Nam sẽ bắt đầu làm việc để phát triển chung một tên lửa hành trình mới.






RIA Novosti dẫn lời ông Mikhail Dmitriev, Giám đốc Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Nga cho biết, trong năm 2012, Nga và Việt Nam sẽ bắt đầu hợp tác để cùng nhau phát triển một tên lửa hành trình mới. "Trong năm nay, Việt Nam sẽ tăng cường năng lực để bắt đầu sản xuất một loại tên lửa hành trình mới, dựa trên tên lửa Uran của Nga", ông Dmitriev nói với các phóng viên.

Theo đó, dự án sẽ thực hiện theo mô hình giống như Liên doanh Nga - Ấn đã phát triển và cho ra sản phẩm là tên lửa hành trình siêu âm BrahMos.

Theo ông Dmitriev, Nga và Việt Nam đang đàm phán về một hợp đồng quân sự khác, liên quan đến hợp tên lửa chống tàu Bastion. "Chúng ta đang nói về một hợp đồng mua bán tên lửa khác, hợp đồng sẽ được cấp tín dụng cho vay có thời hạn", ông Dmitriev nói.
Việt - Nga hợp tác phát triển tên lửa, Tin tức trong ngày, ten lua, ten lua hanh trinh, viet nga hop tac phat trien ten lua, vu khi, bao, tin tuc, tin hot, tin hay
Việt Nam sẽ phát triển tên lửa hành trình tiên tiến dựa trên tên lửa Uran của Nga
Ông này cũng nhắc lại, trong năm 2011, Nga đã hoàn thành hợp đồng đầu tiên trong việc cung cấp hai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion cho Việt Nam.

Chi tiết về loại tên lửa hành trình mới không được tiết lộ. Điều đáng chú ý là Uran-E của Nga là tên lửa hành trình chống tàu có tốc độ cận âm, còn BrahMos được phát triển dựa trên tên lửa hành trình chống tàu siêu âm Yakhont (biến xuất khẩu của tên lửa Onyx). Không có tốc độ nhanh như tên lửa siêu âm, bù lại tên lửa cận âm thường có giá thành rẻ và khối lượng nhẹ. Do đó, loại tên lửa này phù hợp với các chiến thuật lấy số lượng áp đảo.

Như vậy, Việt Nam sẽ sớm có một nhà máy chế tạo tên lửa hành trình thuộc hàng "tiên tiến bậc nhất" trên thế giới, với sự giúp đỡ của Nga.

Trước đó, Tổng Giám đốc công ty Tên lửa chiến thuật (KTRV), ông Boris Obonosov cũng đã tiết lộ rằng, công ty này đã bàn giao đầy đủ số tiên lửa chống tàu Kh-35E (hay còn gọi là Uran-E) cho Việt Nam từ năm 2009-2010 trong hợp đồng được ký kết trước đó, với số lượng bàn giao là 31 tên lửa Kh-35E.

Phần lớn các chiến hạm tên lửa hiện đại của Hải quân Việt Nam đều đang sử dụng tên lửa hành trình chống tàu Uran làm vũ khí tấn công chủ lực.

Việc cùng hợp tác và phát triển lên một biến thể tên lửa mới sẽ giúp Việt Nam sớm tiếp thu được công nghệ chế tạo tên lửa tiên tiến, dần dần tự sản xuất tên lửa cho các tàu tên lửa như tàu lớp Molniya, Gepard 3.9... cũng như xin giấy phép và mua dây truyền công nghệ./.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Góp ý cho Viện Toán Cao Cấp


Cập nhật: 08:03 GMT - thứ bảy, 18 tháng 2, 2012




Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được thành lập vào ngày 23 tháng 12 năm 2010 Quyết định số 2342/QĐ của Thủ tướng Chính phủ.

Có bốn lý do căn bản để Việt Nam cần hỗ trợ nghiên cứu toán học cả lý thuyết lẫn ứng dụng.
1. Toán học đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Toàn bộ lĩnh vực toán học đều liên quan chặt chẽ với nhau, vì vậy thật khó dự đoán nhánh nào sẽ tạo ra lợi ích kinh tế quan trọng nhất trong tương lai. Ví dụ, tôi được đào tạo theo một ngành rất trừu tượng của toán ở Đại học Princeton, và giảng viên phụ trách luận án của tôi chưa từng làm những vấn đề ứng dụng. Tuy vậy, 10 năm sau khi nhận bằng tiến sĩ, tôi bắt đầu áp dụng kiến thức vào lĩnh vực an ninh máy tính và dữ liệu. Suốt một phần tư thế kỷ qua, toàn bộ công việc của tôi là trong những lĩnh vực ứng dụng.

2. Toán học đóng vai trò trung tâm trong văn hóa nhân loại.
 Toán - như âm nhạc, nghệ thuật, văn học - là ngôn ngữ của tư duy và văn hóa con người. Khi một thanh niên từ Việt Nam giành huy chương Olympic toán học - ví dụ như khi Ngô Bảo Châu được huy chương vàng hai năm liền ở tuổi 16 và 17 - người Việt rất tự hào. Đúng thôi, vì nó có nghĩa là đất nước có danh tiếng cao về toán, và nó chứng tỏ thế hệ trẻ sẵn sàng đóng góp chủ chốt cho kiến thức toán học của thế giới.Tương tự, nhà toán học nổi tiếng Hoàng Tụy nhận bằng tiến sĩ toán thuần túy ở Moscow, hợp tác với những nhà toán học Liên Xô chưa bao giờ làm ứng dụng. Nhưng sau này, ông có đóng góp tiên phong về lĩnh vực tối ưu hóa, tìm kiếm những phương thức hiệu quả nhất để tổ chức các nhiệm vụ hậu cần trong sản xuất, vận tải và liên lạc.
Ngược lại, một đất nước không có đóng góp độc đáo cho toán cũng giống như một nước không có nền âm nhạc, nghệ thuật hay văn học của riêng mình.
3. Việt Nam vốn đã có truyền thống mạnh để tiếp tục phát triển. Ở Việt Nam, toán đã có từ thời xa xưa. Hơn 500 năm trước, cái tên Lương Thế Vinh đã được vinh danh trong Văn Miếu. Hơn 60 năm trước, trong cuộc chiến đánh Pháp, Việt Minh ấn hành một sách giáo khoa hình học của Hoàng Tụy để dùng trong vùng giải phóng. Tôi chưa thấy có nơi nào mà nhà xuất bản du kích trong rừng lại in một sách về toán! Và dĩ nhiên, ví dụ gần đây nhất về truyền thống toán học của Việt Nam là giải Fields dành cho Ngô Bảo Châu năm 2010.
4. Một cộng đồng nghiên cứu toán mạnh sẽ thúc đẩy giáo dục về toán. Tại Mỹ, chúng tôi dùng chữ "gateway" (cổng vào) để chỉ toán học vì người trẻ cần được đào tạo tốt về toán để có thể vào học và thành công ở một trong bốn lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán). Cải thiện giáo dục toán học ở mọi mức độ - tiểu học, trung học, đại học, sau đại học - là rất cần cho phát triển kinh tế và công nghệ của một quốc gia.
Bây giờ chúng ta cần đặt một câu hỏi khác: Việc chính phủ hỗ trợ cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) có phải là cách hiệu quả để phát triển toán học?

VIASM trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có con dấu và tài khoản riêng.
Cụ thể là, làm sao để tiền bạc không bị lãng phí, và Viện không trở thành một thứ đồ triển lãm cao cấp mà không có mấy lợi ích cho đất nước?
Tôi rất lo ngại nguy cơ lãng phí tiền chính phủ cho những dự án hào nhoáng nhưng không hiệu quả. Ví dụ, tôi đã mạnh mẽ chỉ trích đề nghị của Nhóm Chuyên trách về giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ muốn chính phủ Việt Nam dành 100 triệu đôla cho một liên hợp các trường Mỹ để họ xây một đại học "kiểu Mỹ" ở miền Nam.
Tôi cũng phản đối cái gọi là "chương trình cao cấp", tức là chính phủ Việt Nam trả bộn tiền cho các giáo sư Mỹ có vài tháng ở Việt Nam dạy các khóa đại học nâng cao. Ở cả hai trường hợp, tôi cho rằng tiền cần dùng để cải thiện lương bổng, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất ở Đại học Quốc gia và các đại học công.
Tương tự, tôi tin rằng với VIASM, tiền chủ yếu cần được dùng ở Việt Nam. Ngoại trừ các trường hợp hiếm hoi, Việt Nam không nên trả tiền hậu hĩnh cho người nước ngoài và không nên đài thọ vé máy bay cho họ.
Các nhà toán học thỉnh giảng nên dùng ngày nghỉ của mình và tiền của chính phủ nước họ. VIASM nói chung chỉ nên có sự giúp đỡ mang tính địa phương - ví dụ một phòng trọ trong nhà khách. Ngược lại, VIASM nên rộng lòng cung cấp thời gian nghỉ để nghiên cứu cho các giáo sư đại học Việt Nam. Nghiên cứu của họ có thể được hỗ trợ nhờ thời gian không phải giảng dạy và môi trường nghiên cứu rất tốt ở VIASM.
Để không phí tiền, người ta cần tránh một sai lầm nữa. VIASM không thể trở thành một tổ chức cao cấp tách rời thực tế Việt Nam. Tại nhiều nước, các viện kiểu này dành tài nguyên để tạo quan hệ và uy tín quốc tế, chứ không tham gia mấy vào sự phát triển nội tại của đất nước.
Ví dụ tại Mexico, viện CINVESTAV (Trung tâm nghiên cứu cao cấp) bị chỉ trích vì thiếu quan hệ, cũng như hỗ trợ các khoa học gia Mexico ở các viện khác. Hai năm trước, CINVESTAV tổ chức một hội nghị quốc tế thuộc lĩnh vực của tôi, và sau đó tôi mới biết các đồng nghiệp ở các đại học khác của Mexico không được mời hay thậm chí biết về hội nghị.
Nguy cơ xa rời thực tế là có thật trừ phi có những biện pháp ngăn chặn cụ thể. Có nhiều cách để VIASM hòa nhập với giáo dục và ngành nghề vì lợi ích của Việt Nam.
1. Hỗ trợ toán ở đại học. VIASM nên làm việc chặt chẽ với mọi đại học công để giúp khoa toán cải thiện trình độ nghiên cứu và giảng dạy. Viện nên giúp các giảng viên có cơ hội nghỉ phép để làm nghiên cứu. Ngoài ra, khi các nhà toán học Việt Nam lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài, VIASM có thể đóng vai trò quan trọng giúp thu hút họ quay về. Đầu tiên là trải qua một năm tại Viện, và sau đó về với khoa toán của một đại học công. Bằng cách này, VIASM có thể thúc đẩy đại học và ngăn chặn "chảy máu chất xám".
Các nhà toán học hàng đầu có quan hệ với VIASM cần vận động chính phủ cải thiện điều kiện cho Đại học Quốc gia và các đại học công. Cố gắng tăng tiền cho VIASM chỉ nên là ưu tiên thấp hơn so với cố gắng nâng cao điều kiện làm việc ở các đại học.
2. Cải thiện việc dạy toán ở mọi mức độ. VIASM nên tạo quan hệ với sinh viên đại học, học sinh cấp hai cũng như người học sau đại học, và tư vấn cho chính phủ về việc đào tạo giáo viên và chương trình học.
3. Khuyến khích giới trẻ đi vào toán học. VIASM nên tổ chức các chương trình đặc biệt cho những bạn trẻ có thành tích thi toán quốc gia, quốc tế để thu hút họ làm việc trong ngành toán và khoa học cơ bản. Quá nhiều những học sinh như thế rốt cuộc đi làm kinh doanh và lãng phí tài năng.
4. Ủng hộ bình đẳng giới trong toán học. Phụ nữ Việt Nam xuất hiện cực kỳ ít trong ngành toán. VIASM cần hợp tác với Hội Phụ nữ Việt Nam để tổ chức các chương trình đặc biệt cho những bạn nữ có khả năng về toán.
5. Hợp tác với các ngành nghề. VIASM nên khuyến khích giới làm toán tham vấn cho các ngành nghề, và đồng thời cũng phải kiểm soát chất lượng tư vấn. Nghĩ là việc áp dụng toán trong ngành công nghiệp phải dựa trên nền tảng khoa học vững chắc. Công chúng và những lãnh đạo ngành không nên bị đưa cho bức tranh phóng đại về khả năng của toán học.
Nhiều nhà toán học đặt nhiều hy vọng vào Viện Toán Cao Cấp dưới sự lãnh đạo của Ngô Bảo Châu. Chúng tôi đã để ý nhiều điểm so sánh giữa Ngô Bảo Châu và nhà toán học huyền thoại Trung Quốc S. S. Chern. Khi ông này làm giám đốc Viện Nghiên cứu Toán ở Berkeley của Hoa Kỳ, ông đã làm việc không mệt mỏi và thành công trong phát triển toán học ở Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng Ngô Bảo Châu, giống như ông Chern, sẽ chứng tỏ là một nhà quản lý hành chính tài năng và cũng là nhà toán học xuất sắc.
Khi ta xem triển vọng cho toán và khoa học ở Việt Nam, có nhiều vấn đề trầm trọng nhưng cũng có lý do hy vọng. Chỉ cần nhắc một trong những bức xúc, các giáo sư đại học hầu như chẳng bao giờ gặp sinh viên bên ngoài giờ hành chính hay những dự án đặc biệt. Họ thường làm thêm và không có thời gian, và thường cũng chẳng có văn phòng riêng. Đây là một hệ quả của lương thấp và cơ sở vật chất tồi ở các đại học công.
Nhưng cũng có lý do để hy vọng. Giới trẻ Việt Nam được tiếng trên trường quốc tế là chăm chỉ và được chuẩn bị tốt. Ngay cả trong thập niên 1970, khi tôi lần đầu gặp sinh viên Việt Nam ở Moscow, người Nga luôn ca ngợi họ thuộc số giỏi nhất trong các sinh viên nước ngoài ở Liên Xô. Các gia đình Việt Nam đặt ưu tiên cho giáo dục và đã truyền lại tiêu chuẩn cao cho thế hệ đi sau.
Các giáo viên Việt Nam cũng đều rất tận tụy và nỗ lực. Việt Nam có nguồn nhân lực tuyệt vời để dựa vào. Nếu các lãnh đạo chính quyền và khoa học sử dụng tiền khôn ngoan, họ có thể thúc đẩy những tiến bộ lớn trong giáo dục, khoa học và công nghệ.
Tiến sĩ Neal Koblitz hiện là Giáo sư Toán ở Đại học Washington, Hoa Kỳ.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Hệ thống phòng thủ bờ biển giáng trả cùng Trường Sa (II)



Không những giới quân sự, các chính khách mà ngay cả những người bình thường cũng biết rằng “Bờ có vững thì biển, đảo mới yên”. Điều đó có nghĩa yếu tố quyết định để giữ yên, bảo vệ vững chắc biển đảo là đất liền, là sức mạnh phòng thủ của quốc gia.


Quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng không ngoại lệ, do vậy kẻ địch muốn tấn công đánh chiếm Trường Sa trước hết chúng phải “làm gì đó” để hạn chế, tê liệt sự chi viện của đất liền.


“Làm gì đó” của địch với đất liền có thể là cuộc chiến tổng lực hay nhỏ hơn như phong tỏa khu vực, chống tiếp cận…chính vì thế cho nên phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển và giáng trả kẻ địch cùng Trường Sa là 2 nhiệm vụ chiến lược trọng đại của Việt Nam.


Cả nước đã và đang chuẩn bị cho cuộc phòng thủ bảo vệ tổ quốc. Dù còn nghèo nhưng nhân dân Việt Nam sẵn sàng “thắt lưng buộc bụng” để QĐND nói chung, Không quân, Hải quân… nói riêng tiến thẳng lên chính quy, hiện đại, tinh nhuệ và thiện chiến đủ sức đương đầu, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Tại sao không, trong khi nhân dân Việt Nam đã từng sẵn sàng quyết tử, hy sinh tất cả cho mục tiêu cao cả này thì so với nó, “thắt lưng buộc bụng” quá ư là “dễ chịu”. Máu xương còn không tiếc thì chẳng có gì ngăn cản được sự chuẩn bị của chúng ta.


Rất nhiều thông tin về việc Hải quân Việt Nam mua, sắm trang bị vũ khí, nhưng có lẽ mừng nhất vẫn là ta đã tự đóng được tàu TT400TP.


Tàu được trang bị pháo tự động vạn năng АК-176, АК-630 và tổ hợp tên lửa đối không tầm thấp.

Tàu TT400TP là sát thủ nguy hiểm nhất của lực lượng đổ bộ địch
Tàu TT400TP là sát thủ nguy hiểm nhất của lực lượng đổ bộ địch


Việc TT400TP được đưa vào biên chế trong Hải quân có những ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất nó bảo đảm cho học thuyết quân sự Việt Nam luôn bảo tồn và phát triển.


Vì đặc thù của công nghệ quốc phòng luôn gắn liền với học thuyết quân sự, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp vũ khí từ bên ngoài, kể cả việc mua sắm có chọn lọc để phù hợp với lối đánh đi chăng nữa thì có khi phải điều chỉnh học thuyết quân sự trong khi địa chính trị, địa quân sự của Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt - một sự điều chỉnh ngoài ý muốn.


Thứ hai, đây là một trong những “thứ” mà đất liền giáng trả cùng Trường Sa vào quân xâm lược ở giai đoạn cuối nếu chúng tấn công đánh chiếm Trường Sa.


Nói là giai đoạn cuối là vì tàu đổ bộ đưa lính đổ bộ lên đảo hay đất liền là hành động tác chiến đánh chiếm cuối cùng và tàu TT400TP, với cỡ đạn 76mm tốc độ bắn hàng trăm phát/phút, đối tượng tiêu diệt của nó là tàu đổ bộ cỡ nhỏ và đặc biêt với cỡ đạn 30mm, 6 nòng, tốc độ bắn hàng ngàn phát/phút, đối tượng tiêu diệt của nó là lính đổ bộ thì có thể nói tàu TT400TP là khắc tinh là sát thủ của lực lượng đổ bộ.


Đây mới chỉ là tính năng kỹ chiến thật của TT400TP, tất nhiên sử dụng nó như thế nào để phát huy hiệu quả trong tác chiến là nghệ thuật quân sự bí mật của Hải quân Việt Nam.


Nếu như vành đai phòng thủ từ xa hướng biển của Việt Nam giả định là 250 hải lý thì Trường Sa là mép ngoài cùng. Trong vùng cách bờ 250M đó, tàu TT400TP có thể nằm đợi cơ ở đâu đó trong tầm bảo vệ của bờ. Tàu TT400TP chỉ xuất kích chiếm lĩnh vị trí tấn công khi tàu đổ bộ địch xuất hiện…


Nhưng rõ ràng là Hải quân Việt Nam không phải đóng tàu này để nó tác chiến “đơn thương độc mã” như vậy mà đã tính toán sẵn sự hợp đồng tác chiến với rất nhiều loại tàu khác, vũ khí khác theo từng phương án tác chiến của mình.


Nếu như hệ thống phòng không tầm thấp của các tàu tên lửa, phóng lôi loại nhỏ tốc độ cao của Việt Nam bị hạn chế thì tàu TT400TP là một sự bổ sung hiệu quả, hoàn hảo. Khi cần thiết, tàu TT400TP phải làm nhiệm vụ hộ vệ cho tàu tên lửa, phóng lôi tác chiến và ngược lại.


Tàu TT400TP là một trong những “thứ” mà đất liền giáng trả cùng Trường Sa thân yêu. Tuy nó nhỏ bé và không hiện đại như Gepard 3.9 nhưng xin hãy chú ý cho: Lối đánh của nó không phải là sở trường của Gepard 3.9.


Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chưa bao giờ Việt Nam có thế và lực thuận lợi như ngày hôm nay. Nhìn vào sự chuẩn bị về vũ khí trang bị cho quốc phòng cũng thấy được sự tự tin, sáng tạo mang bản sắc độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.


Chúng ta yêu chuộng hòa bình, không muốn có chiến tranh, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì không hề sợ hãi.


Lê Ngọc Thống/Phunutoday

Trường Sa-Bãi cọc Bạch Đằng phòng thủ Việt Nam (I)



Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa hay biển Tây Philippines) là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km vuông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi tám nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.


Trên các tuyến đường biển đóng vai trò chiến lược của Châu Á có hai điểm trọng yếu: Thứ nhất là eo biển Malacca . Điểm trọng yếu thứ hai là vùng Biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua, đặc biệt là  khu vực xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.


Đánh giá vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa, các nhà chiến lược phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa sẽ khống chế được cả Biển Đông.


Vì vậy, tấn công đánh chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam của các nước đang tranh chấp về quần đảo này không phải là chuyện không thể xảy ra mà là một nguy cơ, thách thức với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.


Vậy, kẻ thù có thể tấn công đánh chiếm Trường Sa như thề nào? Thực tế chỉ có 2 phương án để tấn công đánh chiếm:


Một là tấn công trực tiếpThực hiện phương án này địch sẽ dùng một lực lượng lớn về tàu ngầm, tàu mặt nước, không quân phóng tên lửa, thả bom, nã đại bác để dọn sạch bãi đổ bộ đồng thời làm tê liệt khả năng chống cự của lực lượng phòng thủ trên đảo, sau đó lính thủy đánh bộ từ tàu đổ bộ đệm khí tràn lên đánh chiếm đảo.


Về lý thuyết quân sự, đây là phương án “tiết kiệm” nhất do quy mô nhỏ nhất, hiệu quả cao nhất và nhanh nhất. Tuy nhiên, phương án này của kẻ thù sẽ vấp phải ý chí của toàn dân, toàn quân sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Nếu kẻ địch vẫn thực hiện phương án này thì đây là một thảm họa đối với chúng. Bởi lẽ ngay khi không có sự hỗ trợ chi viện của đất liền thì thế và lực phòng thủ của lực lượng giữ đảo cũng gây khó khăn rất nhiều cho lực lượng tấn công đánh chiếm.


Trước hết về lực.Vị trí Hải quân địch tấn công không phải cần bao nhiêu tùy ý vì vũ khí phục vụ cho tác chiến phi đối xứng, chúng ta không phải là không nghĩ đến. Biết đâu trên đảo đều được trang bị RBS-17 của Thụy Điển chẳng hạn, do đó độ chính xác của tên lửa, pháo địch trúng mục tiêu là không cao và nếu có trúng mục tiêu thì khả năng sát thương hạn chế bởi các hầm hào phòng thủ kiên cố trên đảo.


Nếu như Hải quân địch còn phải lo đối phó với không quân, hải quân Việt Nam từ đất liền thì kế hoạch dọn bãi đổ bộ, làm tê liệt sức đề kháng của bộ đội trên đảo trước khi tàu đổ bộ đệm khí xuất phát xem ra hiệu suất rất thấp, nếu không nói là vô vọng.

1
Một đại đội RBS 17 có 3 trung đội, mỗi trung đội có 3 tiểu đội và mỗi tiểu đội được biên chế 2 bệ phóng. Mỗi tiểu đội được trang bị một thiết bị laser chỉ thị mục tiêu, đặt cách bệ phóng 4-5 km để dẫn tên lửa đến mục tiêu. Người điều khiển có thể dẫn tên lửa đến đúng phần nhất định của tàu địch. 


Tuy gọn nhẹ, song RBS 17 có tầm bắn hiệu quả đến 10 km và uy lực chiến đấu khá mạnh. Theo tính toán của các chuyên gia Thụy Điển, một quả RBS 17 có khả năng đánh chìm tàu đổ bộ đệm khí, xuồng đổ bộ hay tàu quét lôi, 2-3 quả có thể đánh chìm tàu đổ bộ có lượng giãn nước 2.000 tấn.


Tiếp theo là về thế.Tính toàn bộ, quần đảo có rất nhiều đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm (diện tích đất liền chỉ 5 km2 nên chủ yếu là đảo san hô và đảo chìm) rải rác trên một diện tích chừng 410.000 km2.


Như vậy về địa hình thì có thể nói quần đảo Trường Sa là một bãi đá ngầm và san hô nổi hoặc chỉ nổi khi thủy triều xuống xen kẽ giữa nó mới là các đảo thực sự. 


Cho nên địa thế của các đảo trong quần đảo Trường Sa là rất hiểm yếu, không quá nếu như nói rằng đó là những hệ thống “cọc Bạch Đằng” cho phòng thủ. Điều này thật sự không hề dễ dàng chút nào cho tàu đổ bộ tiếp cận.


Nếu tàu đổ bộ đệm khí lớn thì không thể tiếp cận được bờ, còn nếu dùng tầu đổ bộ nhỏ chỉ có thể tiếp cận được bờ (một số đảo) khi thủy triều cao thì lực lượng đổ bộ bị phân tán dễ bị tiêu diệt (Dĩ nhiên có những bãi, bờ không có vành đá ngầm, dãy san hô thì chắc chắn bên phòng thủ đã đưa vào sự quan tâm đặc biệt rồi).


Nếu như yêu cầu sống còn của tác chiến đổ bộ phải là tập trung, triển khai nhanh vào bờ thì đây là mâu thuẫn không thể giải quyết giữa tập trung và phân tán, giữa triển khai nhanh lực lượng áp sát chiếm lĩnh bờ với sự chậm chạp bất khả kháng.


Điều cuối cùng là tính bất khả thi của chiến thuật
Một bài toán không kém phần hóc búa đặt ra cho kẻ địch là, sau khi các lực lượng tàu mặt nước, không quân dọn xong bãi đổ bộ, lính thủy đánh bộ theo tàu đổ bộ vào đảo thì lực lượng này liệu có an toàn để trở về nơi xuất phát hay không khi không còn khả năng để chống trả?


Quần đảo Trường Sa như trước cửa nhà Việt Nam nên chắc chắn SU-27 của Việt Nam-loại máy bay đánh chặn trứ danh sẽ dễ dàng biến lực lượng của kẻ địch thành “quân xanh” để diễn tập.


Do đó chắc chắn địch phải có một thê đội 2 để làm nhiệm vụ phát sinh, có nghĩa là phải sử dụng một lực lượng rất lớn tham gia tác chiến. Vậy địch có dám mạo hiểm không khi tại căn cứ lực lượng bảo vệ quá mỏng?


Tóm lại, phải đối đầu với lực lượng phòng thủ trên đảo và đặc biệt đối đầu với lực lượng chi viện ở đất liền nhanh, mạnh, sung sức thì chắc chắn là không thể thắng.


Từ những cơ sở trên thì kẻ địch chẳng bao giờ liều lĩnh tấn công đánh chiếm quần đảo Trường Sa bằng phương án này.


Vì vậy địch sẽ tấn công đánh chiếm quần đảo Trường Sa bằng một phương án khác, đó là: tấn công tổng lực vào đất liền để làm cho lực lượng chi viện quần đảo Trường Sa của Việt Nam mất sức chiến đấu. Sau đó đánh chiếm quần đảo Trường Sa theo phương án ban đầu.


Có lẽ đây là phương án mang tính khả thi nhất nhưng quy mô quá lớn, không gian chiến trường quá rộng làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh toàn khu vực.


Cuộc chiến sẽ kéo theo những hệ lụy không lường trước được với kẻ xâm lược.


Quá mạo hiểm khi tấn công xâm lược một đất nước có truyền thống đánh giặc lại được chuẩn bị như chưa bao giờ kỹ càng như thế.
  
  •  Lê Ngọc Thống /phunutoday