Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào?

Hoàng Thị Hồng Nhung

Có thể nói rằng sự khác nhau giữa giáo dục đại học ở Mỹ và Việt Nam bắt nguồn từ sự khác nhau giữa chủ nghĩa cá nhân có nguồn gốc từ châu Âu trong văn hóa Mỹ và chủ nghĩa tập thể ảnh hưởng từ đạo Khổng Nho trong văn hóa Việt.
So với tổng số khoảng 4,7 triệu học sinh phổ thông và sinh viên các trường Đại học và Cao Đẳng ở nước ta hiện nay thì số lượng khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam tại các cơ sở đào tạo nước ngoài (trong đó ở Australia có 15.000, ở Mỹ có 13.000, và ở Pháp có 7.000) chỉ chiếm một tỉ lệ khá thấp. Mỹ là nước thứ hai trên thế giới có số du học sinh Việt Nam theo học nhiều nhất. Năm 2009, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 9 trên thế giới về số lượng du học sinh tại Mỹ.

1. Hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ dân chủ và tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Tôi có những buổi học 4 môn liên tục từ 11 giờ trưa tới 5 giờ chiều mà chỉ được nghỉ 15 phút để chạy từ giảng đường này sang giảng đường khác, ăn đồ ăn nhanh ở trong lớp thường là giải pháp cho các bữa trưa của tôi. Không những được phép ăn uống, mà tôi còn có thể nhắn tin bằng di động hay dùng máy tính xách tay trong lớp. Không có chuyện giáo sư gọi sinh viên trả lời như một điều trừng phạt khi sinh viên đang suy nghĩ đâu đó. Sinh viên chúng tôi được tranh luận thẳng thắn mà không bị đánh giá thái độ mỗi khi phản bác ý kiến của thầy cô.

Một điều hết sức bình thường ở Mỹ là giáo sư vui vẻ cảm ơn mỗi khi sinh viên chỉ ra điểm sai trong bài giảng. Tôi thậm chí có lần còn được cộng điểm vì chỉ ra được những lỗi như thế. Thế mới hiểu tại sao sinh viên Mỹ có phong cách rất tự tin, vì họ nhận được sự khuyến khích thực sự từ các thầy cô mỗi khi phát biểu, ngay cả việc yêu cầu giáo sư nhắc lại câu vừa mới nói. Ngoài giờ học chính thức, các giáo sư thường dành khoảng 2- 4 tiếng mỗi tuần để sinh viên có thể dễ dàng tới trao đổi hay giải đáp thắc mắc ở văn phòng riêng của họ. Sinh viên cũng có thể học qua gia sư của từng môn học. Đây là những bạn học sinh giỏi của các lớp trước được nhà trường thuê và trả lương khoảng $9/giờ, 10 giờ một tuần.

Một điều khác làm cho nhiều du học sinh bỡ ngỡ đó là không có sự phân biệt về tuổi tác trong lớp học. Tôi có cậu bạn học cùng lớp tiếng Anh trong kỳ đầu tiên 28 tuổi và có những bạn trong lớp năm thứ ba nếu so về số tuổi có lẽ nhiều gấp đôi của tôi. Ngay cả học sinh cấp ba ở Mỹ cũng không tuân theo chuẩn mực đứng lên chào khi thầy cô bước vào và ra khỏi lớp. Sinh viên được nhận kết quả thi tuyệt đối riêng tư. Nếu không hỏi nhau thì bạn bè không ai biết kết quả của ai. Việc học là cho mình chứ không phải học vì nỗi sợ bị bạn bè đánh giá. Ở Mỹ, phụ huynh chỉ có quyền biết điểm của con mình nếu như họ là người đóng tiền học cho con họ.

2. Chương trình học ở đại học Mỹ linh hoạt hơn ở ta. Sinh viên được chọn môn, chọn thầy, và chọn giờ học theo ý mình. Tôi có một cô bạn nhà ở cách trường một tiếng lái xe nên học dồn tất cả các lớp học vào ba ngày đầu tuần. Tôi đã từng bất ngờ khi cô giáo hỏi có những ai đi làm thêm trong giảng đường hơn 200 sinh viên năm thứ nhất, thì có tới 3/4 lớp tôi giơ tay lên. Thậm chí, tôi có cô bạn vừa đi học 5 môn một kỳ vừa đi làm 32 tiếng một tuần.

Mặc dù học sinh phải đăng ký ngành học ngay từ khi vào trường, nhưng sinh viên có thể thay đổi ngành học trong hai năm đầu mà hầu như không ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp. Sinh viên chọn ngành Văn học vẫn có thể chuyển sang nghành Kiểm toán chẳng hạn. Trong 2 năm đầu tiên, hầu hết chương trình của các ngành đều giống nhau. Tất cả sinh viên bất kể chuyên ngành nào, dù Kiểm toán hay Văn học, đều phải hoàn tất chương trình cơ bản trong hai năm đầu với nhiều môn trên nhiều lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Lịch sử, Xã hội học, Chính trị), Tiếng Anh (học lối viết trong nghiên cứu), đến các lớp như Âm nhạc hay Sân khấu. Đương nhiên là sinh viên được quyền chọn môn học mình yêu thích trong số những nhóm môn ấy. Chương trình đại học được thiết kế trong vòng 4 năm, nhưng vì học theo tín chỉ nên sinh viên có thể học nhiều lớp trong hai kỳ chính cũng như có thể học cả ba kỳ hè để rút ngắn thời gian học.

3. Về cách dạy ở trường đại học Mỹ, không bao giờ có tình trạng thầy đọc trò chép. Thầy cô trình chiếu bài giảng hoặc phát bài rồi nói về những vấn đề đó. Những điều cần giải thích thêm thầy cô mới ghi lên bảng. Sinh viên có thể lên website của thầy cô xem lại bài trình chiếu để bổ trợ trong quá trình tự học. Thời khóa biểu được phát đầu kỳ, và các bài giảng cứ thế răm rắp tuân thủ theo từ tuần đầu tiên đến tuần cuối cùng. Và đặc biệt các giáo sư rất đúng giờ, hầu như họ đều vào lớp trước giờ học, khó có thể tìm được buổi học nào mà thầy cô lên lớp muộn, dù là chỉ một phút.

4. Điều khác biệt nữa là cách thức đánh giá sinh viên. Ở Mỹ trong một kỳ, một sinh viên thông thường học 5 môn. Mỗi môn có từ 3 đến 6 bài kiểm tra, với phần trăm điểm được phân bố. Kỳ vừa rồi với 5 lớp học, tuần nào tôi cũng có ít nhất một bài kiểm tra như thế, có tuần có tới 4 bài kiểm tra, bài viết phải nộp, và bài thuyết trình trên lớp. Còn ở Việt Nam, nếu như không có kiểm tra giữa kỳ thì chỉ có duy nhất một bài kiểm tra cuối kỳ. Như vậy là sinh viên ở Mỹ phải học liên tục, chứ không như ở Việt Nam, lịch thi tạo điều kiện cho sinh viên có thể thong dong đầu kỳ rồi cuối kỳ học gấp rút trong vài ba ngày cho bài thi cuối kỳ rồi cũng xong. Và tất nhiên, kiến thức được xây dựng từ bài cơ bản đến bài nâng cao như mưa dầm thấm đất, sinh viên sẽ nắm được vấn đề một cách chắc chắn.

Hơn nữa, ngoài các bài kiểm tra, có môn tôi còn phải làm bài trắc nghiệm trong vòng 15 phút trên mạng hàng tuần. Hay có lớp cứ hai tuần có một bài về nhà trên mạng, tôi lại phải dành ra khoảng 4 tiếng để hoàn thành 30-50 câu hỏi trắc nghiệm. Học ở Mỹ, tôi phải viết rất nhiều. Nhiều khi tôi phải tự tìm chủ đề và tìm tài liệu tham khảo trong thư viện. Có những bài dài đến gần 30 trang. Đặc biệt, sinh viên có thể bị đánh trượt nếu phạm lỗi đạo văn, dù chỉ là lỗi sao chép trong một bài luận.

5. Ở Mỹ mỗi trường đại học có cả hàng chục đến cả trăm hội sinh viên chứ không phải mỗi trường chỉ có một vài hội sinh viên như ở Việt Nam. Nếu sinh viên muốn tham gia tình nguyện thì có thể tham gia chương trình tình nguyện của rất nhiều câu lạc bộ sinh viên. Có câu lạc bộ về chuyên nghành (như Tài chính, Kiểm toán, Kinh tế học, Hóa học, Công nghệ thông tin), về văn hóa (hội sinh viên các quốc gia và vùng lãnh thổ), hay về giải trí (Nhiếp ảnh, Bóng bàn, Cờ vua). Bên cạnh đó có rất nhiều lớp học ngoại khóa (Yoga, nhảy Latin).

Hoạt động của các câu lạc bộ trong trường đại học Mỹ rất năng động. Tham gia hoạt động ngoại khóa giúp tôi học hỏi nhiều điều trong cách giao tiếp. Năm ngoái, tôi từng được gặp thị trưởng thành phố tôi đang học trong một buổi trò chuyện do hội sinh viên nghành Tài chính của trường tổ chức. Mới cách đây 2 tuần, tôi lại cùng với thành viên hội này được đến thăm quan chi nhánh ngân hàng Frost National Bank ở trung tâm thành phố của tôi. Trong buổi đó, chúng tôi được giao lưu với chủ tịch, phó chủ tịch, cũng như nhiều trưởng các bộ phận trong ngân hàng như đầu tư, tín dụng, và quỹ. Thậm chí, sau khi qua hai lớp cửa an toàn, những sinh viên chúng tôi còn được tận mắt nhìn thấy kho tiền của ngân hàng.

Nói thêm về chuyến tham quan này, tôi là thành viên trong ban quản trị của hội và là người chịu trách nhiệm tổ chức buổi thăm quan này. Một lần tình cờ khi nói chuyện với giáo sư, tôi đề đạt nguyện vọng của hội muốn tìm hiểu cách thức hoạt động của một ngân hàng trong thành phố, thầy tôi vui vẻ mở facebook của thầy và gửi tin nhắn cho một sinh viên cũ của thầy đang làm việc tại ngân hàng. Vài tuần sau đó, sau cuộc gọi điện của thầy tôi, chỉ hai ngày sau anh sinh viên cũ gửi chương trình buổi thăm quan kèm theo ngày giờ cụ thể qua thư điện tử cho tôi. Sự nhiệt tình của thầy tôi, tinh thần trách nhiệm của anh sinh viên cũ của thầy, và sự thân thiện của các nhân viên trong ngân hàng đã khiến tôi, một sinh viên quốc tế, không khỏi ngỡ ngàng.

Sau chuyến thăm quan ngân hàng Frost National Bank, hãy cùng tôi ngẫm nghĩ phép so sánh nho nhỏ sau: công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay là ngân hàng Vietcombank có tổng tài sản (12,7 tỷ USD) chỉ bằng khoảng 2/3 tổng tài sản của ngân hàng Frost National Bank (17,7 tỷ USD) - ngân hàng lớn nhất ở tiểu bang Texas, Mỹ. Chúng ta đi sau cả về kinh tế và giáo dục. Như một quy luật trong cuộc thi chạy đường trường, một khi ta xuất phát sau thì ta phải tăng tốc, và tốc độ phải nhanh hơn đối thủ đằng trước thì ta mới có cơ về đích trước.

Được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao ở Mỹ như vậy, liệu sẽ có bao nhiêu du học sinh dũng cảm quay về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, áp dụng những kiến thức tiên tiến vào tình hình riêng của nước ta, để nghĩ lớn và làm lớn?

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Lịch sử cần sự thật

Tác giả: Trần Kinh Nghị
Bài đã được xuất bản tren VietnamNet

Kẻ mạnh thường thắng kẻ yếu, và sự thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia vốn là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử nhân loại, nhưng điều quan trọng có tính nguyên tắc là, mọi sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và giữ gìn một cách trung thực.

>> Lịch sử đâu phải thích bẻ cong, uốn thẳng là được!

Hồi đầu năm nay đã rộ lên sự kiện một nữ nghiên cứu sinh người Việt tại Mỹ tên là Đào Ngọc Bích viết bài cho BBC nói rằng Việt Nam là từ Trung Quốc mà ra(!) để rồi ngay sau đó bị đông đảo dư luận trong và ngoài nước "đánh" cho tả tơi, rơi rụng. Không chỉ vậy, chính cô cựu sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội này, trong nỗ tự lực bào chữa cho mình, đã "đổ tại" quá trình đào tạo môn lịch sử khi cô còn ở Việt Nam.

Mới đây dư luận lại được một phen bức xúc nữa khi một vị giáo sư người Trung Quốc tên là Vương Hàn Lĩnh cho rằng "kể từ năm 1885 về trước Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc".

Thực ra không phải chỉ một mình cô Bích hay ông Lĩnh mà còn khá đông đảo người Việt Nam và Trung Quốc đều chưa hiểu đúng về lịch sử của đất nước mình, đặc biệt là lịch sử liên quan đến mối quan hệ lâu đời của hai quốc gia dân tộc "núi liền núi, sông liền sông" này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiểu biết lịch sử "lệch lạc" như vậy nhưng có một nguyên nhân sâu xa nằm ở những "góc khuất" trong sử sách khi nói về nguồn cội dân tộc của mỗi nước.

Vẫn biết, kẻ mạnh thường thắng kẻ yếu, và sự thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia vốn là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử nhân loại, nhưng điều quan trọng có tính nguyên tắc là, mọi sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và giữ gìn một cách trung thực.

Với tinh thần đó, người viết bài này xin được nêu lên một vài điều suy nghĩ lâu nay để mọi người cùng suy ngẫm nhằm tìm ra một lời giải.

Một là, về cội nguồn dân tộc, có thể nói không chỉ truyền thuyết mà cả sử sách (của cả Trung Quốc và Việt Nam) dù có nhiều điều chưa được làm sáng tỏ hoặc chưa thỏa đáng, cũng cho thấy rằng nước Việt Nam ngày nay là một thực thể thống nhất duy nhất còn lại của Bách Việt - một tên gọi chung cho nhiều tộc người Việt đã từng định cư hàng ngàn năm trước Công nguyên trên vùng lãnh thổ rộng lớn từ bờ Nam Sông Dương Tử xuống miền Bắc Việt Nam ngày nay, phía Tây giáp Tân Cương, phía Đông giáp biển Thái Bình Dương.

Sử sách cũng cho thấy Người Hán "nam tiến" với thế mạnh của kỵ binh nhưng đã phải mất hàng ngàn năm (quãng giữa thiên niên kỷ thứ 2 trước CN đến đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau CN) để xâm chiếm, chinh phục và đồng hóa hầu hết các bộ tộc hoặc vương quốc có tên tuổi của người Bách Việt (xem bản đồ minh họa*). Đó là một quá trình kéo dài với biết bao biến cố lịch sử phức tạp mà trong đó có nhiều sự kiện đã bị lãng quên hoặc bị xuyên tạc, thậm chí bị "tráo đổi" tùy theo mục đích của các triều đại phong kiến thống trị trong các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là thời nhà Hán và nhà Đường.

Tuy nhiên có một thực tại không thể bác bỏ là, riêng Lạc Việt mặc dù bị các triều đại phong kiến Hán Hoa thay nhau thống trị từ năm 179 TCN đến 905 nhưng vẫn tồn tại và phát triển với tư cách một quốc gia dân tộc độc lập như ngày nay. Sử sách thường gọi đó là "thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc" mặc dù đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của người Việt liên tục nỗ ra trong suốt quá trình đó.

Có thể nói, đó là quá trình lịch sử tang thương của Bách Việt nói chung, nhưng cũng là trang sử hào hùng đối với dân tộc Việt Nam nói riêng. Sự tồn tại và phát triển của Việt Nam không phải là trường hợp ngẫu nhiên mà là kết cục của cả quá trình đấu tranh sinh tồn của người Bách Việt nói chung mà các thế hệ người Việt Nam nói riêng và cội nguồn Bách Việt nói chung không bao giờ được phép lãng quên.

Theo truyền thuyết thì nguồn gốc tổ tiên của Việt Nam bắt nguồn từ Hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay) bắt đầu bằng Thời đại Hồng Bàng của Kinh Dương Vương (có sách ghi cụ thể năm 2789 TCN). Thuyết này trùng khớp với các câu chuyện cổ tích về Âu Cơ-Lạc Long Quân, các Vua Hùng, mối tình Mỵ Châu-Trọng Thủy và chiếc nỏ thần v.v...

Câu dân ca Việt cổ "Công cha như núi Thái Sơn (gần Hồ Động Đình), nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..." cũng là một sự trùng hợp. Truyền thuyết này cũng được kiểm chứng bằng một số kết quả nghiên cứu quả khảo cổ, nhân chủng và ngôn ngữ, qua các di chỉ đồ đá, trống đồng, nghề trồng lúa nước và những khác biệt gen di tuyền v.v...

Kết hợp cả truyền thuyết và cổ sử ta có thể nhận thấy trong suốt quá trình "Nam tiến" và "Đông tiến" của Hán tộc, các tộc người Bách Việt như Ngô Việt, Âu Việt, Dương Việt, Đông Việt, Nam Việt, Man Việt, Di Việt v.v.... đều không thoát khỏi bị thôn tính và đồng hóa...., để cuối cùng đều biến thành "người Hoa" hiện đại. Nhưng riêng Lạc Việt vẫn tồn tại, có thời kỳ bao gồm cả vùng đất Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Bộ ngày nay.

Theo dòng lịch sử, ta còn thấy một thực tế là đã từng có rất nhiều người gốc Bách Việt tham gia vào bộ máy đô hộ của phong kiến Trung Hoa trong các thời kỳ khác nhau nhưng đã chọn Lạc Việt (sau là Chân Lạp, Giao Chỉ...) làm "hậu cứ" để chống lại Vương triều trung ương (như Hồ Quý Ly, Lý Bôn, Lý Bí chẳng hạn); rất nhiều người trong số họ thực sự đã tái hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.Cũng đã từng diễn ra những đợt rời bỏ quê hương của người Hoa gốc Bách Việt thuộc nhiều thế hệ trước đến định cư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Sử cận đại Trung Quốc cũng cho thấy, cho mãi đến những năm 1940 danh từ "dân tộc Việt" mới bị Tôn Trung Sơn chủ trương xóa bỏ trong bản đồ dân số Trung Quốc. Cho đến này nay để ý thấy ít nhiều vẫn còn những tình cảm kỳ thị giữa các cộng đồng gốc gác Bách Việt tại Trung Quốc với người "từ phương Bắc".

Bản thân người viết bài này hồi nhỏ đã có dịp học tập tại Quảng Tây nới có gần 20 triệu người dân tộc Choang (còn gọi là Tráng) vốn là họ hàng của tộc Việt, mới đây trong chuyến du lịch mấy tĩnh phía Nam Trung Quốc đã được dịp "kiểm nghiệm"điều này qua chuyện trò với một số người bản địa. Tin tức cũng cho thấy người Đài Loan gần đây đã viện dẫn đến yếu tố "người bản địa" Man Việt trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự tồn tại độc lập với Đại lục. Nhiều thông tin, dữ liệu của các nhà nghiên cứu Bách Việt học quốc tế cũng đáng được xem xét để góp phần làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc dân tộc và nhân văn của của Việt Nam và khu vực Đông Á và Đông Nam Á nói chung.

Thiết nghĩ, những sử liệu và sự kiện trên đây ít nhiều tự chúng đã nói lên những sự thật khách quan xung quanh những "góc khuất" trong cổ sử và chính sử liên quan đến cội nguồn dân tộc và quan hệ giữa hai nước Việt-Trung. Khách quan mà nói đó là hướng đi tích cực cho mục đích xây dựng mối quan hệ hữu nghị bình đẳng lâu dài giữa hai nước và trong khu vực nói chung.

Hai là, về nhân văn, tuy chỉ dựa vào các nguồn sử sách cổ để lại từ thời "1.000 năm Bắc thuộc", ta cũng có thể thấy Việt Nam là kết tinh, là đại diện của Bách Việt. Về góc độ văn hoá, kể cả phong tục tập quán, ngôn ngữ, Việt Nam và Trung Quốc ngày nay có rất nhiều điểm tương đồng, đồng thời cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Đặc điểm này nếu được hiểu và vận dụng một cách đúng đắn sẽ có tác dụng tích cực cho việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị và bình đẳng giữa hai nước, chứ không có gì là không tốt như một số người có thể nghĩ.

Tuy nhiên trên thực tế không được như vậy vì có quá nhiều sự thật đã bị xuyên tạc, có những giá trị đã bị "tráo đổi" trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm qua mà trong đó phần lợi bao giờ cũng nghiêng về phía kẻ mạnh.

Xin đơn cử vài ví dụ: Thế giới lâu nay vẫn tin rằng Kinh Dịch là của người Trung Quốc. Nhưng thực ra gần đây các chứng cứ khảo cổ quốc tế đã cho thấy trống đồng không phải của người Hán mà là của các dân tộc phương Nam. Kết luận này cho phép các nhà nghiên cứu suy ra rằng những hình khắc biểu tượng Kinh Dịch trên trống cũng không phải của người Hán; và do đó chủ nhân của Kinh Dịch chính là người Bách Việt, cụ thể hơn là của người Âu Việt và Lạc Việt.

Về ngôn ngữ, đã từ lâu người Việt Nam an phận đón nhận chũ Nho (tốt đẹp) của người Hán (còn gọi là Hán Nôm). Nhưng có một số luận điểm khác cho rằng người Hán trong quá trình xâm lược đã sử dụng ngôn ngữ của người Bách Việt, cụ thể là của Ngô Việt (tại vùng Việt Châu, tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến ngày nay) để cải tiến thành chữ Hán, rồi thành tiếng Trung hiện đại. Lập luận này dựa trên cơ sở nghiên cứu về ngữ nghĩa, âm thanh, ngữ pháp v.v... cho thấy một tỷ lệ rất cao các nhân tố ngôn ngữ Bách Việt trong tiếng Hán cỗ và tiếng Trung ngày nay. Đó là hiện tượng các danh từ nhưng có tính từ được xếp sau danh từ được thấy phổ biến trong Kinh Thi và ngay ở tên gọi các vị Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn vốn được coi là truyền thuyết Trung Quốc ; từ "Việt" hiển thị với tầng số rất cao trong các tên địa danh ở miền Nam Trung Quốc; từ "giang" (sông) của tiếng Việt cổ được sử dụng cho hầu hết các con sông miền Nam Trung Quốc (trong khi ở miền Bắc gọi là "hà"); tuồng Kinh kịch ở phía Nam Trung Quốc ngày nay vẫn còn gọi là "Việt kich", v.v...

Thuyết này đồng thời cũng đặt ra mối nghi vấn rằng di chỉ thẻ tre có khắc chữ Hán cổ là "giả mạo" vì vào thời đó người Hán chưa có mặt ở miền đất phía Nam nơi có cây tre đủ to để làm thẻ viết. Tương tự cũng có sự "nhập nhằng" về chủ thể của "con đường tơ lụa" vì đúng ra người Bách Việt mới có thể là chủ thể của sản vật tơ lụa làm từ cây dâu tằm chỉ có ở vùng đất phương Nam. Rất nhiều luận điểm và luận cứ tượng tự cũng đã được nhiều học giả Việt Nam và quốc tế nêu ra.

Tóm lại, dù bị người Hán cố tình đồng hóa bằng rất nhiểu thủ đoạn tinh vi và cường bạo như đốt sách, bắt từ bỏ, xóa bỏ hoặc tráo đổi v.v..., nhưng các dấu tích Bách Việt vẫn còn đó cho đến ngày nay. Trong suốt quá trình đấu tranh sinh tồn khốc liệt bên thua trận ắt chịu nhiều mất mát, nhưng những gì là bản sắc riêng vẫn còn đó; và điều này có thể nhận thấy qua nhiều nét tương đồng giữa Việt Nam với các tỉnh phía Nam và Đông Nam Trung Quốc ngày nay cũng như với các nước Đông Nam Á.

Ba là, công tác nghiên cứu và giáo dục về lịch sử cần đi sâu hơn nữa về nguồn gốc dân tộc cùng các giá trị nhân văn trên tinh thần khách quan, dựa trên chứng cứ khoa học biện chứng lịch sử, khảo cổ, nhân chủng... (chứ không chỉ dựa vào sử sách củ để lại từ thời Bắc thuộc). Thiết nghĩ, trong việc này những kiến thức xác thực về Bách Việt sẽ giúp giải mã rất nhiều điều mà lâu nay chưa cảm thấy thỏa đáng hoặc chỉ là "ngộ nhận".

Công tác sử học cũng cần tập trung nghiên cứu và bổ cứu lại toàn diện, đặc biệt về lĩnh vực nguồn gốc dân tộc và nhân văn của người Việt nhằm làm sáng tỏ những kiến thức mang tính truyền thuyết kết hợp với những chứng cứ lịch sử dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khảo cổ và gen di truyền v.v... Khi có đủ dữ liệu thì công khai chỉnh sửa những mọi sự sai lệnh hoặc bị xuyên tạc hoặc bị giả mạo trong sách sử cũ dưới bất cứ hinh thức nào, của bất cứ thời đại nào.

Lý do là vì toàn bộ sách sử cổ của Việt Nam đều đã bị đốt và thủ tiêu trong các thời kỳ "1.000 năm Bắc thuộc"; các sách sử hiện có, kể cả Đại Việt sử ký, đều là sử "chép lại" dựa chủ yếu vào các nguồn sử của các thời Hán, Đường và "hậu Hán Đường" nên không thể đảm bảo tính chính xác, trung thực và đầy đủ được; thật nguy hại nếu đã có những sự thật đã bị xuyên tạc, thậm chí đã bị tráo đổi trong đó.

Mặc khác, cũng cần thừa nhận những khiếm khuyết trong khâu giáo dục công dân về lịch sử trong thời gian qua ở nước ta với những hậu quả "nhãn tiền" như đã được nhiều lần cảnh báo trước công luận. Thật nguy hại nếu mọi công dân đều hiểu biết sơ sài, thậm chí hiểu sai lệch về lịch sử của đất nước mình. Ví dụ khi nói mình "con rồng cháu tiên" nhưng trong lòng phân vân không biết có đúng thật không vì thấy ở Trung Quốc người ta cũng nói như vậy; không biết tại sao người Việt có các họ giống như người Trung Quốc, không biết chắc nên thiếu tự tin rằng trống đồng là bảo bối của dân tộc Việt Nam; không dám đòi quyền chủ thể của Kinh Dịch, v.v...

Tương tự, trong lĩnh vực ngôn ngữ, sao ta không đặt mạnh vấn đề nghiên cứu xem tiếng Việt có chữ viết cổ? Lẽ nào ta dân tộc ta chỉ có chữ Hán Nôm? Có lẽ vì không biết mình là ai, nên đến ngày nay vẫn lúng túng không biết nên bảo tồn cái gì, thay thế, xoá bỏ cái gì để thực hiện "trong sáng tiếng Việt"?.Thậm chí có người cứ "vô tư" nhận mình là "con cháu" của người Trung Quốc (trong khi phía bên kia không nghĩ như vậy).

Cũng cần xem xét lại một số khái niệm và quan niệm như cho rằng văn hóa Việt "bị ảnh hưởng" của văn hóa Trung Quốc là không hoàn toàn chính xác (mà thực chất đó chỉ là một sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại); cách hiểu về nguồn gốc đạo Phật, Đạo Khổng, về Chữ Nho và Nho Giáo cũng có nhiều điều phải bàn thêm, v.v... Chỉ khi nào hiểu đúng về nguồn gốc dân tộc và tự tin với những giá trị nhân văn riêng, người Việt Nam ngày nay mới thực sự tìm lại chính mình và thoát khỏi nỗi mặc cảm truyền kiếp luôn thấy yếu kém và phụ thuộc các thế lực bên ngoài.

Thay cho lời kết

Những lập luận trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của người viết để nhắc lại rằng dân tộc Việt Nam có cội nguồn lâu đời với những giá trị nhân văn không thua kém các dân tộc khác. Đó là một lịch sử cần được tôn trọng bằng các chứng cứ khoa học khách quan chứ không chỉ bằng truyền thuyết; ngay cả sử sách cũng phải được kiểm chứng lại bằng các kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

Theo hướng đó, bài viết chỉ nêu lên một thực trạng tình hình đồng thời gợi ra một số việc cần làm thêm (chứ không nhằm phê phán ai hoặc nước nào) với hy vọng góp phần đem lại sự hiểu biết đúng đắn hơn về lịch sử và cội nguồn dân tộc của Việt Nam cũng như các bên liên quan khác trong khu vực, coi đó là cơ sở để đảm bảo mối quan hệ hữu nghị, bình đẳng lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa các nước khu vực với nhau./.

Nước Mỹ: Sau hai năm cầm quyền của Tổng thống Obama

Cập nhật trên Báo Nhân dân lúc 14:18, Thứ hai, 27/12/2010 (GMT+7)
NDĐT - Lần đầu tiên trong lịch sử chính trường Mỹ xuất hiện một Tổng thống da mầu - ông Barack Obama. Với cương lĩnh “đổi mới nước Mỹ” đã gây ấn tượng mạnh với dư luận trong và ngoài nước. Vì thế, những đánh giá, nhận định “Nước Mỹ: Sau hai năm cầm quyền của Tổng thống Obama” của giới nghiên cứu chính trị và dư luận Mỹ, quốc tế được đặc biệt quan tâm.

1. Những dấu ấn về điều hành đất nước của Tổng thống Obama

Về kinh tế, năm 2009 Mỹ đã tung ra các gói kích thích kinh tế 814 tỷ USD; năm 2010 lại đưa ra các gói 50 tỷ USD cấp tín dụng thuế, 100 tỷ USD cho nghiên cứu, triển khai doanh nghiệp và 600 tỷ USD mua trái phiếu chính phủ… Tổng giá trị của chương trình kích thích nền kinh tế năm 2010 lên tới 900 tỷ USD, sẽ hoàn thành vào quý III/2011 và tiếp tục duy trì lãi suất thấp ở mức 0,25%.

Tháng 7-2010, Mỹ đã thông qua dự luật cải cách tài chính. Theo đó: thành lập Cơ quan bảo vệ tài chính tiêu dùng; thành lập Hội đồng giám sát ổn định tài chính; tăng cường quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động ngân hàng và lĩnh vực giám sát; bảo đảm tính minh bạch và hạn chế rủi ro đối với các sản phẩm chứng khoán phái sinh... Tuy nhiên, kết quả là tỷ lệ thất nghiệp vẫn không giảm, sức mua của người dân dậm chân tại chỗ, thâm hụt ngân sách quốc gia 14% GDP. Theo thống kê mới nhất, quý III/2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,0%, tỷ lệ thất nghiệp là 9,6%.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến đạt 2,7% năm 2010, sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm 2011. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức khoảng 9,2% - 9,5% vào năm 2011. Thị trường nhà đất vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nợ công của Mỹ tiếp tục tăng ở mức báo động. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hiện rất lo lắng về hệ quả của việc FED thực hiện chương trình nới lỏng tiền tệ lần 2 nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Về y tế, năm 2010, Quốc hội Mỹ đã thông qua những thay đổi về mặt kỹ thuật đối với đạo luật cải cách y tế lịch sử trị giá 938 tỷ USD, nâng tổng số dân Mỹ được bảo hiểm lên 95% và thâm hụt ngân sách liên bang sẽ giảm được 138 tỷ USD trong 10 năm tới. Tuy nhiên, đạo luật cũng vấp phải sự chống đối quyết liệt của đảng Cộng hòa vì bị cho là tốn kém và không hiệu quả. Hiện có 38 bang đã tuyên bố sẽ khởi kiện chống lại dự luật cải cách y tế nêu trên.

Về bầu cử Quốc hội giữa kỳ, tại Hạ viện, tương quan lực lượng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ là: 239/186 trên tổng số 435 ghế. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner đã trở thành Chủ tịch Hạ viện, đồng thời phe này cũng nắm giữ cương vị chủ tịch các ủy ban và tiểu ban ở Hạ viện. Quyền kiểm soát Thượng viện vẫn nằm trong tay đảng Dân chủ với tỷ lệ sít sao: 53/47. Đảng Cộng hòa giành được 11 ghế, nâng tổng số ghế thống đốc bang lên 29 và giành lại quyền kiểm soát nghị viện tại 19 bang.

Về chính sách đối ngoại, trong một loạt các vấn đề từ kiểm soát vũ khí, hòa bình Trung Đông và mối quan hệ với thế giới Hồi giáo, chính quyền Obama mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra các định hướng, kế hoạch mới chứ chưa đạt được kết quả cụ thể nào, ngoại trừ việc Thượng viện phê chuẩn START mới tháng 12-2010.

Tỷ lệ ủng hộ Obama trong số những người Arập và Hồi giáo vẫn rất thấp. Nhiều người vẫn cho rằng Mỹ là một siêu cường ngạo mạn, ủng hộ những kẻ độc tài và chuyên quyền ở xứ Arập. Nhà tù Guantanamo vẫn hoạt động, các uỷ ban quân sự vẫn xét xử những kẻ khủng bố và những vụ bắt giữ vô thời hạn vẫn tiếp diễn. Các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan vẫn còn phức tạp, mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan vẫn tiếp diễn.

Với châu Á, chính quyền Obama tiếp tục thực hiện chính sách tái can dự một cách mạnh mẽ, toàn diện. Mỹ ngày càng đánh giá cao vai trò của ASEAN trong khu vực và đã hợp tác chặt chẽ và tích cực.

Đối với khu vực Trung Đông, chính quyền Obama đã đẩy mạnh mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình. Có vẻ như Mỹ đang gia tăng sức ép buộc Israel phải thỏa hiệp và 'ưu ái' đối với Palestine. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn đang rơi vào ngõ cụt, chưa có tiến triển khả quan nào trong tương lai gần.

Đối với Trung Quốc (TQ), thay vì cách tiếp cận “nhún nhường” như năm 2009, Mỹ đẩy mạnh mặt đấu tranh, chơi một số “con bài tủ”, như bán vũ khí cho Đài Loan, tiếp lãnh tụ lưu vong Tây Tạng, áp thuế đối với một số mặt hàng của TQ bán sang Mỹ... Quan hệ quân sự Mỹ-TQ có những giai đoạn bị “đóng băng”. Có thể nói quan hệ Mỹ-Trung đang trải qua giai đoạn thử thách lẫn nhau quyết liệt. Tuy nhiên, sau các vụ tàu Cheonan, tranh chấp Nhật-Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vụ đấu pháo trên bán đảo Triều Tiên… Mỹ đã gặt hái được một số thành công, ít nhất cũng đã khẳng định vai trò “trung gian hoà giải” của Mỹ tại khu vực với “chiến lược can dự trở lại” châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với Nga, chính quyền Obama thực hiện chính sách “khôi phục lại” quan hệ với Nga. Quan hệ song phương được cải thiện một cách tích cực, đánh dấu bằng chuyến thăm Mỹ của TT Nga Medvedev. Tuy nhiên, xét về tổng thể mặc dù quan hệ an ninh giữa hai bên đã được cải thiện qua việc ký kết Hiệp ước START mới, nhưng quan hệ hợp tác kinh tế song phương vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa có bước tiến mới nào mang tính đột phá.

Với đồng minh khu vực Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, năm 2010 quan hệ Mỹ với hai nước này trở nên gắn kết và mạnh mẽ hơn trước qua các hành động chiến lược như mở rộng phối hợp quốc phòng, tăng cường tiến hành các cuộc tập trận chung…

Với các điểm nóng: Bắc Triều Tiên, Iran, Myanmar… chính quyền Obama vẫn bế tắc và chưa tìm ra lối thoát khả quan. Cuộc chiến Afganistan sẽ còn dai dẳng gây cho Mỹ nhiều tổn thất và khó có thể rút quân theo kế hoach do chính quyền của TT Obama đề ra…

2. Dư luận Mỹ và quốc tế sau hai năm cầm quyền của TT Obama

Các cuộc thăm dò dư luận trong nước cho thấy mức độ tín nhiệm đối với cá nhân TT Obama và đảng Dân chủ cầm quyền ngày càng đi xuống. Cuộc thăm dò dư luận do AP/GfK thực hiện từ 11-16.8.2010 cho thấy uy tín của TT Obama ngày càng giảm do cách ông điều hành nền kinh tế. Chỉ có 41% số người được hỏi ủng hộ cách thức điều hành nền kinh tế của ông. Hơn 61% cho rằng nền kinh tế Mỹ dưới sự điều hành của ông Obama vẫn 'dậm chân tại chỗ', thậm chí đang xuống dốc. Có 75% số người tham gia cuộc thăm dò cũng thừa nhận sự mong đợi về một 'bước đột phá' ở nền kinh tế Mỹ trong 18 tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống đã trở thành quá 'xa vời'.

Trong khi đó, cuộc điều tra dư luận do Viện Gallup công bố ngày 1.9.2010 cho thấy trong số các cử tri được hỏi, có 51% ủng hộ đảng Cộng hòa, trong khi đảng Dân chủ chỉ là 41%. Cuộc thăm dò dư luận do CNN/Opinion Research Corporation thực hiện và công bố ngày 7-9-2010 cho biết nhiều người dân Mỹ tin rằng đảng Cộng hòa có thể giải quyết các khó khăn kinh tế hiện nay của đất nước tốt hơn đảng Dân chủ. Có 46% số người được hỏi cho rằng đảng Cộng hòa có thể xử lý tốt hơn những vấn đề ưu tiên trong nước, cao hơn 3% so với số người ủng hộ cách điều hành của đảng Dân chủ. Đối với các vấn đề khác như đối phó với chủ nghĩa khủng bố, nhập cư bất hợp pháp, cuộc chiến tại Afghanistan, đảng Cộng hòa cũng đang tạm giành được nhiều hơn sự ủng hộ. Trong khi đảng Dân chủ đang vượt lên dẫn trước trong vấn đề an sinh xã hội và y tế.

Dư luận Mỹ cũng cho rằng, khó khăn kinh tế là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Mỹ, ngân sách quốc phòng sẽ không được tăng với tỷ lệ như những năm gần đây. Trên bình diện thế giới, TQ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức vị thế siêu cường của Mỹ. Do sức mạnh kinh tế suy giảm, Mỹ sẽ phải dựa nhiều hơn vào các quan hệ đồng minh, đối tác, các nỗ lực đa phương, tập thể để bảo vệ và duy trì các lợi ích sống còn của Mỹ.

Dư luận quốc tế cho rằng trong hai năm đầu cầm quyền, đặc biệt là năm 2010, TT Obama đã ghi được những “điểm vàng” trong chính sách đối ngoại như: rút quân và kết thúc cuộc chiến tại Iraq; khởi động lại chính sách đàm phán hòa bình Trung Đông; sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á; thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, răn đe Iran, tăng cường chống khủng bố ở Afghanistan...

Theo cuộc thăm dò dư luận từ 28 quốc gia trên thế giới do BBC World Service tiến hành từ tháng 7-8-2010, có 19 nước đánh giá Mỹ tích cực, sáu nước đánh giá Mỹ tiêu cực và hai nước còn lại vẫn còn đang chia rẽ. So với năm 2009, quan điểm tích cực về Mỹ đã tăng 21% ở Đức, 18% ở Nga, 14% ở Bồ Đào Nha và 13% ở Chilê. Những đánh giá tiêu cực về Mỹ đã giảm 23% ở Tây Ban Nha, 14% ở Pháp, và 10% ở Anh. Trong khi đó, Đức và Nga nhìn chung vẫn đánh giá tiêu cực về Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, hơn 50% người dân có cái nhìn không mấy tốt đẹp về Mỹ. Xét trong 14 nước được đánh giá (trừ Mỹ), quan điểm tích cực về Mỹ đã tăng từ mức 35% năm 2009 lên 40% trong năm nay.

Các đánh giá tích cực về chính sách của TT Obama chủ yếu về cách thức xử lý vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, song cũng có các đánh giá tiêu cực về cách thức xử lý vấn đề Iran, về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Có 70-80% người ở hơn 10 quốc gia trên thế giới nói rằng Mỹ vẫn có xu hướng hành động đơn phương trong các vấn đề quốc tế và vẫn muốn giữ vai trò lãnh đạo thế giới.


Nguyễn Nhâm

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

VN cần làm gì để bảo vệ Biển Đông?

Dương Danh Huy
Gửi tới BBC từ Oxford, Anh Quốc


Trước thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á, Mỹ, Nga, Ấn Độ và Úc đã bày tỏ quan tâm về chủ đề này.

Sự quan tâm của thế giới và hướng đi đa phương hoá giải quyết tranh chấp là phù hợp với luật pháp quốc tế, với tính chất đa phương của tranh chấp, và có lợi cho các nước nhỏ trong tranh chấp.

Vì khó có thể giải quyết được tranh chấp đảo trong tương lai gần, việc tập trung vào tranh chấp biển là cần thiết cho việc tạo sự đồng thuận giữa các nước nhỏ trong tranh chấp và sự ủng hộ của các cường quốc ngoài tranh chấp.

Tuy nhiên, ngay cả trong việc tập trung vào tranh chấp biển, để thiết lập một thực tế chính trị có thể bảo đảm được an ninh và sự công bằng cho khu vực và thế giới, còn một quãng đường dài và khó khăn.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách cản trở và làm loãng đi thực tế chính trị đó. Bài viết sẽ phân tích một số những thử thách này.

Mỹ và bên thứ ba

Chỉ có Mỹ là có thể có đủ cả sức mạnh và ý chí để đối trọng Trung Quốc ở Biển Đông - sự quan tâm của EU, Nhật, Nga, Ấn Độ về Biển Đông có hạn chế.

Mỹ vượt trội Trung Quốc về sức mạnh, nhưng sức mạnh mà một nước có thể áp dụng cho một vấn đề là tích số của sức mạnh và ý chí. Trên diện ý chí về Biển Đông, nhất là về lâu về dài, Trung Quốc có thể vượt trội Mỹ.

Trung Quốc đã chứng minh rằng quyết tâm của họ về đảo có thể tồn tại và phát triển trong hơn 100 năm. Mặc dù chúng ta không biết rõ Trung Quốc đã có tham vọng về 75% Biển Đông từ lúc nào, không thể coi thường quyết tâm của họ về biển.

Trong khi đó, quan tâm của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là sự tự do hàng hải cho Mỹ, cho đồng minh của họ, và cho giao thương quốc tế.

Trung Quốc đã từng gây áp lực để BP và ExxonMobil phải rút lui khỏi một số dự án với Việt Nam
Dương Danh Huy

Tự do hàng hải trong một vùng biển nằm phía bên kia Thái Bình Dương, dù quan trọng, khó có nhiều trọng lượng trong tâm lý dân tộc Mỹ bằng trọng lượng của vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong tâm lý dân tộc Trung Quốc.

Không những thế, Trung Quốc sẽ tìm cách làm giảm ý chí và sự quan tâm của Mỹ.

Mỹ là nước lớn và có nhiều quyền lợi có thể quan trọng hơn quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc cũng là nước lớn và có nhiều “mặt hàng” kinh tế, chính trị có thể dùng để làm cho Mỹ bỏ rơi Biển Đông, nhất là nếu Trung Quốc thuyết phục được Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không làm giảm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông nói riêng, hay Trung Quốc sẽ hành xử như một siêu cường có trách nhiệm nói chung.

Vì vậy, các nước nhỏ trong tranh chấp phải vừa xây dựng sức mạnh tập thể, vừa tranh thủ Mỹ về Biển Đông. Không thể cho rằng Mỹ sẽ mặc nhiên vui lòng bỏ tiền ra giữ gìn an ninh hàng hải ở Biển Đông mãi trong khi bản thân các nước Đông Nam Á thì đặt vấn đề an ninh ở Biển Đông và đặt Mỹ dưới việc làm giàu với Trung Quốc.

Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có mâu thuẫn với nhau và nếu các nước này muốn củng cố và duy trì sự quan tâm của Mỹ về Biển Đông thì không thể thân Trung Quốc hơn thân Mỹ.


ASEAN cần làm gì?

Ngay cả nếu các nước ASEAN đoàn kết, Trung Quốc cũng vẫn mạnh hơn. Không những thế, Trung Quốc sẽ tìm cách làm giảm sự hỗ trợ của ASEAN cho các nước Đông Nam Á trong tranh chấp.

Miến Điện nằm ngoài Biển Đông, sẽ không bị thiệt hại nhiều nếu Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều khả năng để thuyết phục Miến Điện.

Campuchia và Thái Lan nằm trong Vịnh Thái Lan, tương đối cách biệt với những vùng yêu sách của Trung Quốc, và cũng là đối tượng khả thi để Trung Quốc thuyết phục. Campuchia đã tuyên bố “chống quốc tế hoá” tranh chấp Biển Đông.

Singapore không có tranh chấp lãnh thổ hay biển với Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tranh thủ những nước trên nhằm làm loãng đi sự đồng thuận mà ASEAN có thể đạt được. Vì vậy, các nước Đông Nam Á trong tranh chấp sẽ vừa phải đạt được một sự đồng thuận mạnh mẽ nhất có thể cho ASEAN, vừa phải xây dựng một sự đồng thuận mạnh mẽ hơn riêng cho các nước này.

Đối với các nước Đông Nam Á trong tranh chấp, Trung Quốc sẽ tìm cách tách lẻ từng nước này ra để xử lý.

Indonesia không có tranh chấp đảo với Trung Quốc, và chỉ có tranh chấp biển. Vì vùng chồng lấn nằm ở tận cùng của vùng biển chữ U, và vì Indonesia là một trong những nước Đông Nam Á trong tranh chấp mạnh nhất, Trung Quốc có thể tạm thời mềm mỏng với Indonesia để đối phó với những nước khác trước.

Malaysia và Brunei chỉ tranh chấp một số ít đảo với Trung Quốc, và vùng biển mà các nước này tranh chấp với Trung Quốc cũng nằm ở tận cùng của vùng biển chữ U. Mã Lai và Brunei cũng là những nước Đông Nam Á trong tranh chấp có hải quân và không quân được trang bị tốt nhất. Vì vậy, Trung Quốc có thể tạm gác lại Malaysia và Brunei để xử lý sau.

Trung Quốc sẽ tập trung vào Philippines và Việt Nam trước nhất. Chủ quyền của Việt Nam và Philippines tại Biển Đông nằm trên đường để tiến xuống phương Nam của Trung.

Vùng biển chữ U nằm chồng lấn lên các vùng biển của Việt Nam và Philippines nhiều nhất. Philippines có nhiều tranh chấp đảo thứ nhì với Trung Quốc. Việt Nam có nhiều tranh chấp đảo nhất với Trung Quốc.

Mặc dù hiệp ước quốc phòng giữa Philippines và Mỹ không bao gồm Trường Sa, dù sao đi nữa thì Philippines cũng có hiệp ước quốc phòng với Mỹ, còn Việt Nam thì không có hiệp ước quốc phòng với bất cứ nước nào trên thế giới - vì vậy Việt Nam bị hở sườn nhiều hơn Philippines.

Có dấu hiệu là Trung Quốc đã tập trung vào Việt Nam trước nhất. Phạm vi vùng biển cấm đánh cá hàng năm của Trung Quốc được thiết kế để áp lực Việt Nam một cách tối đa, trong khi không đụng chạm đến các nước khác. Chỉ có tin tức về các tàu ngư chính Trung Quốc bắt ngư dân Việt Nam nhưng không có tin tức về bắt ngư dân các nước khác.

Trung Quốc đã từng gây áp lực để BP và ExxonMobil phải rút lui khỏi một số dự án với Việt Nam, nhưng chưa bao giờ làm như thế với các nước khác. Trung Quốc đơn phương ký hợp đồng khảo sát trong vùng Tư Chính , nhưng chưa bao giờ làm như thế với các nước khác.

Đáng lẽ Philippines phải kề vai sát cánh với Việt Nam.


Nhưng việc Philippines ký hợp đồng khảo sát với Trung Quốc tại khu vực Trường Sa vào năm 2004 và phản đối các báo cáo thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia vào năm 2009 cho thấy Manila chưa phải là đồng minh đáng tin cậy với Hà Nội.

Quốc tế hóa

Từ khoảng đầu năm 2009, tranh chấp Biển Đông thu hút được nhiều quan tâm của thế giới và của Mỹ hơn. Đó là chiều hướng có lợi cho các nước nhỏ trong tranh chấp.

Trong thời gian đó, Trung Quốc cũng phạm một số lỗi lầm. Tuy nhiên, cuộc chơi quốc tế về Biển Đông mới chỉ bắt đầu, Trung Quốc còn nhiều thời gian, cơ hội và sức mạnh cứng và mềm để khắc phục.

Trung Quốc sẽ tăng cường những biện pháp nhằm làm giảm ý chí và sự quan tâm của Mỹ, làm giảm sự hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á trong tranh chấp, và tách lẻ các nước này ra để đối phó với từng nước.

Trong những nước Đông Nam Á trong tranh chấp thì có lẽ Việt Nam hở sườn nhất. Không những thế, có lẽ chiến lược của Trung Quốc là mềm mỏng với ASEAN, cứng rắn với Việt Nam.

Mặc dù con đường đa phương hoá và quốc tế hoá là con đường đúng đắn và cần thiết, các nước nhỏ trong tranh chấp còn phải vượt qua nhiều khó khăn trước khi đi đến thành công.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu về Biển Đông hiện sống tại Oxford, Anh Quốc

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Mỹ vẫn đang còn là một đứa trẻ!

Friedman dự báo trong thế kỷ XXI nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, thậm chí ông nói bây giờ nước Mỹ hãy còn là đứa trẻ (?), thập niên 50 thế kỷ này mới trở thành siêu cường đích thực và thập niên 60 mới là thời đại vàng của Mỹ.
George Friedman, người sáng lập và là Chủ tịch Công ty Dự báo chiến lược STRATFOR, một think-tank phi chính phủ hàng đầu thế giới từng dự báo chính xác một số sự kiện chiến lược. Cuốn sách 100 năm tới của ông đưa ra những dự đoán đáng kinh ngạc về nước Mỹ.


Friedman dự báo trong thế kỷ XXI nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, thậm chí ông nói bây giờ nước Mỹ hãy còn là đứa trẻ (?), thập niên 50 thế kỷ này mới trở thành siêu cường đích thực và thập niên 60 mới là thời đại vàng của Mỹ.

Dự báo ấy khác với quan điểm của Zbigniew Brzezinski, Henry Kissinger, Stephen Brooks, William Wohlforth hoặc của Martin Jacques (trong cuốn Khi Trung Quốc thống trị thế giới), cũng như nhiều dự báo rất xấu về kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nó giội gáo nước lạnh lên những cái đầu phát sốt sau khi đọc sách của Lưu Minh Phúc cho rằng trong thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ thay Mỹ lãnh đạo thế giới.

Dự báo của Friedman dựa trên quan điểm sự thực lịch sử và tình trạng địa-chính trị quyết định tất cả. Friedman nhận định: nước Mỹ đã xây dựng được một nền văn hoá và chế độ chính trị tiên tiến nhất thế giới.

Sự thực là văn hoá Mỹ đang giữ vai trò dẫn đầu thế giới, có sức lan toả và chiếm lĩnh mạnh mẽ. Nhạc pop, vũ điệu rock and roll cũng như fastfood và CocaCola... được giới trẻ khắp nơi ưa chuộng. Hollywood thống trị điện ảnh 5 châu. Truyền thông Mỹ dẫn đầu truyền thông thế giới. Văn hoá chính trị-tư tưởng của Mỹ rất phát triển, họ luôn có nhiều nhà tư tưởng, nhà chính trị học hàng đầu. Khoa học kỹ thuật và giáo dục đại học thì khỏi phải nói.

Tư tưởng dân chủ bình đẳng sinh ra ở châu Âu nhưng nảy mầm và thành cây lá sum sê trên đất Mỹ - khi châu Âu còn dưới ách phong kiến...
Vào thời những năm đầu của thế kỷ 16, 17 phần lớn những người di cư sang Mỹ đều là những kẻ, dưới quan điểm của giới "Quí Tộc", là những kẻ bất mãn bị xã hội ruồng bỏ, những người vô gia cư bị coi là hạ đẳng, và các phần tử bị coi là tội phạm hay phản động. Những con người này đến vùng đất mới châu Mỹ, họ đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Văn hóa của họ, tức nguyên lý sâu xa nhất chi phối suy nghĩ của con người, chỉ đơn giản là "tự lo", và cái nguyên lý ấy phát triển thành triết lý về "tự do" kiểu Mỹ sau này.

Phạm trù tự do của Mỹ được xây dựng dựa trên nguyên lý tự do hành động, chính vì thế thượng tầng kiến trúc của xã hội Mỹ đã phải đối diện với một phạm trù mới về quản trị nhân sự - khi mà những yếu tố khống chế con người như: tôn giáo, ý thức hệ, truyền thống,... đã không còn. Phạm trù mới này đã nẩy nở thành hệ thống nhà nước pháp quyền và văn hóa quản trị tri thức - một hệ thống khái niệm về quản lý lao động tách rời nhân sự.

Hiến pháp Mỹ 1787 là bộ hiến pháp thành văn đầu tiên của giai cấp tư sản trong lịch sử thế giới. Nó dựa trên cơ sở tư tưởng dân chủ tư sản, đầu tiên dựng nên một quốc gia có đặc trưng là chế độ cộng hòa, chế độ liên bang, chế độ Tổng thống, chế độ tam quyền phân lập, chính phủ dân bầu, chế độ nhiệm kỳ của người lãnh đạo. Cơ chế ấy bảo đảm dân chủ hóa trình tự ra quyết sách, tránh được sự lạm dụng chức quyền... Sức sống của mô hình chính quyền Mỹ thể hiện ở chỗ từ ngày lập quốc (1776) đến nay nước này chưa hề có đảo chính hoặc cách mạng lật đổ chính phủ. Rất ít nước lớn nào có nền chính trị ổn định, được lòng dân lâu như vậy.

Dù từng phạm không ít sai lầm nhưng nước Mỹ đã đứng vững và chiến thắng trong hai cuộc thế chiến và chiến tranh lạnh, vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng. Được như vậy trước hết là do cơ chế chính trị phát huy được vai trò làm chủ của toàn dân, họ phát hiện và bầu lên được những người lãnh đạo khôn ngoan phù hợp với xu thế từng thời đại. Nhờ thế chỉ sau 150 năm dựng nước, Mỹ đã trở thành siêu cường bá chủ thế giới.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp, nợ nhà nước và thâm hụt ngoại thương đem lại cảm giác kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ sụp đổ. Thế nhưng giờ đây họ vẫn sống đàng hoàng bằng núi tiền các nước khác tự nguyện cho vay. Châu Âu mới là kẻ chịu thiệt với đồng Euro có nguy cơ đổ sập. Cơ chế chính trị Mỹ có khả năng tự sửa đổi cho thích hợp hoàn cảnh, như chính sách Kinh tế mới của Tổng thống Roosevelt, hoặc luật cải tổ tài chính Tổng thống Obama vừa trình Quốc hội đã và sẽ có thể đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.

Trên lĩnh vực kinh tế, người Mỹ cũng dẫn đầu thế giới đưa ra nhiều sáng kiến vĩ đại. Thời gian 1863-1869 họ đã xây dựng xong tuyến đường sắt Thái Bình Dương 3000 km xuyên suốt Đông Tây, vừa góp phần quan trọng thống nhất đất nước, vừa giúp nhanh chóng phát triển kinh tế. Công trình này được đài BBC đánh giá là một trong 7 kỳ tích của lịch sử công nghiệp hoá thế giới và được dân Mỹ coi là biểu tượng thống nhất quốc gia (thời gian 1861-1865 Mỹ có nội chiến, đất nước chia rẽ sâu sắc). 30 năm sau, nước Nga mới bắt đầu làm đường sắt xuyên Siberia .

Thập niên 50 họ có sáng kiến xây dựng mạng xa lộ cao tốc nối tất cả các bang, các thành phố, khiến cho đất nước này trở nên vô cùng năng động, người dân tha hồ phóng xe đi khắp nơi tìm việc làm, khai thác tài nguyên.

Thập niên 90 họ đầu tiên đề xuất và triển khai xa lộ cao tốc thông tin (gồm hệ thống thông tin số và mạng thông tin internet), dẫn đầu thế giới tiến sang kỷ nguyên thông tin, nhờ đó nguồn tri thức tăng gấp bội, bảo đảm công nghệ cao phát triển như vũ bão.
Hai mạng xa lộ nói trên đã đem lại cho nước Mỹ sức mạnh bá chủ thế giới trong 50 năm qua.

Giờ đây George Friedman dự báo trong thế kỷ XXI Mỹ sẽ hoàn tất xây dựng xa lộ cao tốc năng lượng, năm 2080 nhà máy điện trên vũ trụ sẽ bắt đầu phát điện về cho trái đất sử dụng.

Nước Mỹ có ưu thế tốt nhất thế giới về địa lý. Đất rộng và màu mỡ, giàu tài nguyên, có nhiều con sông lớn thông thương được và những hồ nước ngọt khổng lồ. Hai đại dương quan trọng nhất bao bọc hai bên. Ngày nay tiêu điểm cạnh tranh địa chính trị toàn cầu đã chuyển từ đại lục Âu Á sang giành giật quyền kiểm soát biển, mà về mặt này Mỹ có ưu thế vô địch, đã và đang kiểm soát toàn bộ các đường hàng hải, vì thế họ sẽ tiếp tục kiểm soát nền kinh tế toàn cầu.

Friedman viết: trong 10-20 năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ sẽ gặp những thách thức nghiêm trọng, nhưng không nước nào có thể thay thế vị trí số 1 của Mỹ; thế giới vẫn lấy nước Mỹ làm trung tâm.

Vitinfo