Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

Nền hành chính công trong thời kỳ toàn cầu hóa

LÊ ANH TUẤN
Viện nghiên cứu Khoa học Tổ chức Nhà nước - Bộ Nội vụ

Toàn cầu hoá với cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đã làm thay đổi đột ngột hành vi của con người, quá trình hợp tác và việc quản trị nhà nước nhiều hơn cuộc cách mạng công nghiệp đã chuyển đổi xã hội nông nghiệp trước đây. Trên thực tế, các thị trường và việc giao lưu buôn bán xuyên quốc gia, tiếp cận thông tin dễ dàng hơn qua Internet và các phương tiện di động đã khiến thế giới càng trở nên gần gũi hơn. Mặc dù toàn cầu hoá là tác nhân đột ngột đã biến đổi các quốc gia trở nên hùng mạnh hoặc suy yếu có sự liên quan đến công nghệ thông tin, thương mại và kinh tế thì những người thắng và kẻ thua chắc chắn sẽ diễn ra trên thị trường toàn diện
Trong khi đó, hệ thống hành chính công trở nên có vai trò quan trọng trong việc giúp một số nước thu được lợi ích nhiều hơn các nước khác, thậm chí đã có rất nhiều nhà khoa học xã hội tin rằng kinh tế, thương mại và hệ thống chính trị quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc giúp một số nước kiếm được lợi ích nhiều hơn các nước khác. Nền hành chính công ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển có xu hướng đáp ứng theo các cách khác nhau đối với những thách thức do tác động mạnh mẽ của toàn cầu hoá. Tại sao một vài nước có thể thu được nhiều lợi ích hơn các nước khác do toàn cầu hoá? Liệu có phải đó là do vai trò nền hành chính công và quản trị nhà nước? Nếu không phải như vậy thì tại sao và làm thế nào mà hệ thống hành chính phát triển và chuyển đổi đáp ứng khác nhau trước những thách thức để hoạt động hiệu quả hơn, trách nhiệm hơn và minh bạch hơn trong khi vẫn phải tuân theo các giá trị dân chủ trong thời kỳ toàn cầu hoá...
Tác động của toàn cầu hoá, một mặt có ảnh hưởng xuyên suốt đối với bộ máy chính quyền các cấp ở nhiều nước và mặt khác, nó đã tác động đến chính sách ở cấp độ quốc gia và từng địa phương. Trên thực tế, áp lực của toàn cầu hoá đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bộ máy chính quyền ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ sắp xếp lại nhân sự, ngân sách và các tổ chức theo hướng tư nhân hoá, thuê khoán, hợp đồng bên ngoài, phi quy chế hoá, giảm biên chế và điều chỉnh lại chức năng và các hoạt động của Chính phủ. Trên thực tế, các chức năng và hoạt động của Chính phủ đã được thuê khoán lại ở tất cả các cấp chính quyền và các bằng chứng cho thấy việc thuê khoán của Chính phủ vẫn đang tiếp tục tăng lên. Ví dụ, tất cả các cấp chính quyền đã thuê khoán hầu hết các chức năng về nguồn nhân lực và dịch vụ từ tuyển dụng đến đãi ngộ và thu được nhiều lợi ích từ việc điều hành hệ thống thông tin về nguồn nhân lực. Hơn nữa, chính quyền TƯ và chính quyền địa phương đã thực hiện việc hợp đồng hầu hết các chương trình dịch vụ xã hội.
Tác động của toàn cầu và các nguyên tắc của thị trường hiện đại đã làm cho nền hành chính chuyển nhanh theo hướng "kinh doanh". Cũng như việc quản trị kinh doanh, hệ thống hành chính đã phát triển nhanh hơn, tập trung vào hiệu quả, hiệu lực, năng suất, thực thi, trách nhiệm và linh hoạt qua việc áp dụng công nghệ chính trong hợp tác, phối hợp. Mô hình hành chính quan liêu truyền thống đã không phù hợp cho việc quản lý hiện đại các tổ chức công. Chính quyền trung ương và địa phương được mong đợi phải hoạt động hiệu quả, hiệu lực, trách nhiệm hơn qua việc điều chỉnh cấu trúc và hành vi.
Toàn cầu hoá mang lại nhiều tự do và tự chủ hơn cho chính quyền cấp dưới nhờ vào cách mạng về công nghệ thông tin. Để thu hút đầu tư và thúc đầy thương mại, chính quyền địa phương đã trực tiếp giao dịch với các chính phủ nước ngoài và các tập đoàn lớn để tạo ra nhiều công ăn việc làm cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Hơn nữa, các chương trình của của địa phương và dịch vụ được cung cấp và quản lý hiệu quả hơn qua Chính phủ điện tử.
Việc đáp ứng của nền hành chính công trước tác động của toàn cầu hoá
Tác động của toàn cầu hoá đòi hỏi những thay đổi cơ bản về xã hội, kinh tế, chính trị và hệ thống hành chính ở mọi nước trên thế giới. Tuy nhiên, tác động của toàn cầu hoá đối với quản lý công ở mỗi nước cũng có sự khác biệt, đặc biệt giữa các nước phương Tây và các nước khác, giữa nước phát triển nhiều và các nước kém phát triển, giữa các nước Thiên chúa giáo và không Thiên chúa. Bộ máy công vụ cũng có những đáp ứng khác nhau với những tác động của toàn cầu trong khi môi trường quốc tế đang gia tăng những tác động, ảnh hưởng đến nền hành chính. Có 3 xu hướng thay đổi sau đối với nền hành chính công của các nước trên thế giới.
- Loại xu hướng thứ nhất diễn ra ở nền hành chính của các nước phát triển (như các nước Tây Âu và Bắc Mỹ) mà ở đó toàn cầu hoá sẽ dẫn tới một hệ thống hành chính mạnh mẽ để phản ứng tích cực tới toàn cầu hoá.
- Xu hướng thứ hai diễn ra ở hệ thống hành chính công của các nước có các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà lãnh đạo độc tài dường như kiểm soát hầu hết các luồng thông tin thì những ảnh hưởng, tác động tích cực giữa toàn cầu hoá và nền hành chính công không có hiệu quả. Ví dụ như ở các nước đang phát triển ở châu Phi, châu á và Nam Mỹ; các nước Hồi giáo (I-ran, A-rập Xê út, Xy-ri)... Các nước này mở cửa với toàn cầu hoá nhưng vẫn cố giữ gìn nguyên vẹn bản sắc văn hoá, quy tắc, hệ thống xã hội và hệ thống chính trị, trong khi đó công nghệ, khoa học, tài chính và các hoạt động kinh tế đã ảnh hưởng và thay đổi nhanh chóng do toàn cầu hoá. Vai trò của nền hành chính công trong toàn cầu hoá ở các nước này rất hạn chế. Bộ máy hành chính ở nhiều nước đang phát triển dường như đã nỗ lực để kiểm soát và điều khiển việc cung cấp và lưu hành các thông tin Chính phủ nhằm duy trì chế độ của họ bảo đảm các lợi ích công. Sử dụng công nghệ thông tin, công dân của các nước phương Tây dường như có thể tiếp cận đến các thông tin của Chính phủ, trong khi đó công dân của các nước khác không có sự bình đẳng khi tiếp cận thông tin của Chính phủ. Hệ thống thông tin tiên tiến thường có sẵn ở các nước phát triển, trong khi đó rất nhiều nước đang phát triển hạn chế trong việc áp dụng các công nghệ thông tin tối tân cho việc quản lý công.
- Xu hướng cuối cùng đang diễn ra nhanh chóng ở nền hành chính công của các nước đang phát triển mạnh, bao gồm các nước Đông Á và các nước Đông Âu, nơi mà nền kinh tế đang bùng nổ và công nghệ thông tin đang nổi lên. Tuy nhiên, dường như có một câu hỏi vẫn tồn tại đó là liệu các nước thu được nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa có phải nhờ vào hệ thống hành chính công hay không? Các nước và vùng lãnh thổ hàng đầu kinh tế công nghiệp mới (NIEs) ở Đông Á như Hồng Kông, Xinh-ga-po, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước Đông Âu như Hung -ga-ri, Ba Lan, Bun-ga-ri và Séc đã đạt được nhiều lợi ích từ quá trình toàn cầu hoá là do có các nhà lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, kế hoạch phát triển kinh tế công nghệ và những nỗ lực của công dân hơn là việc chuyển đổi hệ thống hành chính công.
Các yếu tố nằm ngoài phạm vi nền hành chính công trong thời kỳ toàn cầu hoá
Các nước phát triển, bao gồm các nước Tây Âu và Bắc Mỹ đã đạt được các lợi ích rõ ràng nhiều hơn từ toàn cầu hoá hơn các nước khác vì bản chất của toàn cầu hoá cũng như hệ thống hành chính công mạnh mẽ. Ngược lại, rất nhiều nước đang phát triển thu được lợi ích ít hơn từ toàn cầu hoá bởi vì các nước này có những bất lợi đáng kể trong thương trường quốc tế cộng với sự yếu kém của hệ thống hành chính. Vấn đề này là bản chất của toàn cầu hoá và hệ thống thị trường toàn cầu đã vượt ra ngoài phạm vi của hệ thống hành chính công. Và những hạn chế của nền hành chính trong việc đáp ứng các nhân tố nằm ngoài phạm vi của nền hành chính. Những nhân tố này liên quan trực tiếp những lý do mà hệ thống hành chính công của các nước đang phát triển đã không hiệu quả khi ứng phó với toàn cầu hoá và cũng là lý do các nước đang phát triển đã giành được ít lợi ích hơn từ toàn cầu hoá so với các nước phát triển.
Toàn cầu hoá đã và đang trở thành nguyên nhân trước tiên, được chủ nghĩa tư bản và thị trường thúc đẩy nhanh hơn dân chủ, chính trị và hành chính công. Khi có những thay đổi từ chủ nghĩa tư bản quốc gia tới chủ nghĩa tư bản toàn cầu, logic của dòng vốn và thị trường dường như thống trị các nguyên tắc dân chủ. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản cũng tìm kiếm một Nhà nước mạnh cùng với môi trường ổn định cho sự phát triển thịnh vượng. Các thị trường toàn cầu sẽ không thực hiện chức năng của nó một cách hiệu quả nếu thiếu sự can thiệp phù hợp của mỗi nước và quốc tế vào những thất bại của thị trường và trên thực tế những khiếm khuyết này đã kìm giữ thị trường quốc gia và toàn cầu hoạt động một cách hiệu quả và công bằng. Ví dụ, trong một thị trường toàn cầu, cạnh tranh không bình đẳng, thương mại không công bằng, kiểm soát giá cả, điều khiển các luồng vốn tài chính đã có những tác động nổi bật xuyên qua biên giới các quốc gia. Một vài nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan đã từng bị khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990 do không điều hoà được các luồng vốn tài chính và ngoại hối từ các tập đoàn tài chính quốc tế. Hàng triệu người lao động ở khu vực tư và khu vực công ở các nước này đã bị mất việc làm và những quan tâm về con người cũng như xã hội đã phải hy sinh.
Nền hành chính công ở các nước này sẽ không thể đáp ứng hiệu quả trước khủng hoảng tài chính vì sự tấn công của hệ thống tài chính toàn cầu vượt ngoài phạm vi của nền hành chính công hoặc sự quản trị nhà nước. Vì thế, các nhà nước đòi hỏi phụ thuộc lẫn nhau trong việc quản lý các vấn đề trong nước và quốc tế.
Các vấn đề mới hiện nổi lên hiện nay, bao gồm việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, cuộc chiến chống khủng bố sẽ không thể kiểm soát trong biên giới một quốc gia mà sẽ là vấn đề toàn cầu và có những nền tảng chung của quốc tế.
Trên thực tế, một trong những yếu tố quan trọng là nguyên nhân gây ra và đóng góp cho quá trình toàn cầu hoá là chủ nghĩa tư bản toàn cầu, trong đó các lợi ích và việc tích trữ các giá trị thặng dư đã vượt qua các ranh giới lãnh thổ và lớn hơn là biên giới quốc gia. Tổng số tăng trưởng thương mại quốc tế trong những năm 1980 đạt tỷ lệ trung bình 4,5% và trong những năm 1990, tỷ lệ tăng trưởng này là 6,8%. Trong khi đó, việc đo lường sản xuất của thế giới từ việc bán hàng hàng năm của các tập đoàn đa quốc gia đã lớn hơn thương mại thế giới như các phương tiện chính của trao đổi kinh tế thế giới.
Các tập đoàn đa quốc gia hoặc xuyên quốc gia như GE, Nike, Coca - Cola và IBM đã kiếm được lợi nhuận qua việc sử dụng không chỉ lực lượng lao động rẻ và nguyên liệu mà còn ở địa điểm sản xuất đã giảm chi phí thấp hơn các nước phát triển. Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia đã thực sự thuê và sử dụng các ảnh hưởng của các chính khách quốc tế và trong nước như các thành viên trong Ban điều hành của họ để có thể tiếp cận đến hành pháp và lập pháp khi xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi liên quan đến lợi ích của tập đoàn. Kết quả là, chính phủ ở các nước phát triển hơn đã tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, các quy định và luật lệ phản ánh lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia từ nông nghiệp tới các sản phẩm công nghiệp. Hơn nữa, để thực hiện lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia, chính phủ của họ đã phải sử dụng ngoại giao, chủ nghĩa đơn phương, các tổ chức quốc tế xuyên quốc gia và các tổ chức phi chính phủ. Kết quả là, các hàng hoá và dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia do những giám đốc điều hành và các cổ đông chính phần lớn là người phương Tây đã thống trị thị trường mà sự chia sẻ không chỉ các nước phương Tây mà còn các nước khác còn lại.
Toàn cầu hoá đã chuyển đổi các nhà nước quốc gia truyền thống và sự chuyển đổi này có vai trò của các tổ chức xuyên quốc gia, các tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận hay có thể gọi là tổ chức phi chính phủ (NGOs). Tổng số các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới, từ các tổ chức là một nhóm những người sống cùng nhau cho đến các tổ chức lớn có số lượng lên đến hàng triệu.
Chủ quyền của các quốc gia đã bị ảnh hưởng và năng lực của các Chính phủ có thể hiểu rõ và giải quyết các vấn đề mới nảy sinh và các xung đột về kinh tế, tài chính, môi trường, sinh thái, văn hoá, lao động và các vấn đề về quyền con người. Liên quan đến việc bảo vệ môi trường, các chính phủ đang phân vân trong việc chia sẻ quyền lực, chuyển lên trên cho các tổ chức và thể chế quốc tế và chuyển xuống dưới cho các tổ chức phi chính phủ và các khu vực hợp tác. Như vậy, các chính phủ phải dựa vào các tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận cung cấp các hàng hoá và dịch vụ.
Tuy nhiên, công dân ở rất nhiều nước châu á, châu Phi và Nam Mỹ tin rằng các tổ chức xuyên quốc gia có xu hướng đại diện đơn phương cho lợi ích của các siêu quyền lực hơn là đại diện cho quyền lợi của hàng triệu người dân ở các nước đang phát triển. Ví dụ, các nước nghèo trở nên tồi tệ hơn khi gia nhập WTO do áp lực phải mở cửa các thị truờng cho các nước công nghiệp tiên tiến. Hơn nữa, rất nhiều chính sách của các tổ chức toàn cầu, xuyên quốc gia, mà các thành viên chủ chốt thường bao gồm các nước phát triển hơn đã làm tăng thêm sự phụ thuộc về chính trị, kinh tế, tài chính, quân sự, công nghệ và thông tin vào các nước này. Các nước đang phát triển thiếu các thông tin quan trọng về khoa học, công nghệ và các nguồn lực huy động, mặc dù các nước này có một trữ lượng lớn các tài nguyên thiên nhiên. Các yếu tố nằm ngoài phạm vi của hệ thống hành chính công đã làm hạn chế hành chính công của các nước đang phát triển trong thời kỳ toàn cầu hoá.
Kết luận
Toàn cầu hoá đã duy trì những thay đổi trong nền hành chính công ở các nước phương Tây cũng như các nước khác và rất dễ so sánh những điểm giống nhau giữa các nước phương Tây và các nước khác về hệ thống hành chính công và quản trị Nhà nước. Tuy nhiên, tác động của toàn cầu hoá đối với hệ thống hành chính của các nước phương Tây và các nước khác không đáng chú ý như việc phản đối các nước phương Tây và các nước phát triển. Như vậy, hệ thống hành chính công ở các nước đang phát triển đã có vai trò tiên phong và phản ứng tích cực tới toàn cầu hoá. Nền hành chính mạnh mẽ dường như có thể giúp các nước thu được nhiều lợi ích hơn từ toàn cầu hoá hơn các nước khác thay vì một thực tế rằng ở các hệ thống xã hội - chính trị đa dạng đã làm hạn chế vai trò tiên phong của hành chính công. Hành chính công của các nước Tây Âu và Bắc Mỹ đã có những cải cách quan trọng theo hướng tinh gọn hệ thống bao gồm nhân sự, ngân sách và một số các tổ chức được tư nhân hoá, thuê khoán, hợp đồng bên ngoài, phi quy chế hoá, tinh giản biên chế và chuyển đổi các chức năng của chính phủ và các dịch vụ và làm cho chúng hiệu quả, hiệu lực, năng suất, trách nhiệm và minh bạch. Những thay đổi này có thể đóng một vai trò quan trọng giúp cho các nước duy trì hệ thống kinh tế, tài chính và thương mại mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một vấn đề vẫn tồn tại ở đây là liệu các hệ thống hành chính yếu kém có thể khiến các nước sẽ thu được lợi ích ít hơn do toàn cầu hoá hơn các nước khác do hệ thống hành chính công và quản trị ở các nước đang phát triển, bao gồm các nước châu Á, châu Phi và Nam Mỹ dường như được quyết định từ cấu trúc chính trị và trạng thái không ổn định, một hệ thống kinh tế chưa phát triển, lạc hậu về công nghệ, cơ sở hạ tầng yếu kém và giáo dục kém. Các nước nghèo phải cân nhắc những bất lợi trong thị trường toàn cầu do ít nguồn lực bao gồm nhân lực có kỹ năng và công nghệ.
Tuy nhiên, có một điều thú vị là các nước Đông Á và Đông Âu, còn gọi là các nước đang phát triển nhanh đã thu được nhiều lợi ích từ toàn cầu hoá đã có những nỗ lực tinh giảm bộ máy chính quyền qua những cải cách về tư nhân hoá, phi quy chế hoá, giảm chức năng của Chính phủ, các dịch vụ cũng như áp dụng công nghệ thông tin trong nền hành chính công. Các hệ thống hành chính chuyển đổi của Xinh-ga-po, Đài Loan, Hàn Quốc, Hung-ga-ry, Ba Lan, Bun-ga-ry và Cộng hoà Séc đã có những đóng góp quan trọng để giúp các nước này đạt được lợi ích từ quá trình toàn cầu hoá./.

(Dịch và biên tập theo bài viết Public Administration in the age of globalzation của Chon -Kyun Kim, International Public Management Review, Volume 9 Issue 1-2008).

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Tổng thống Obama: "Tôi cũng đã có những sai lầm"

Tác giả: BARACK OBAMA

Con không thể nào cứ ngồi ì ra đó để chờ vận may rơi xuống đầu mình, Tổng thống Obama nhớ lại cuộc trò chuyện với mẹ ông khi còn đi học. Bà nói rằng tôi có thể vào học bất kì trường nào trên đất nước nếu tôi quyết tâm một chút.
LTS: Trong ngày tựu trường của học sinh, sinh viên Mỹ, Tổng thống Barack Obama có bài trò chuyện với học sinh trường Masterman, tại Philadelphia với nhiều nhắn nhủ và sẻ chia, kể cả việc thừa nhận sai lầm tuổi trẻ của mình.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài nói chuyện của vị Tổng thống Mỹ với học sinh, sinh viên Mỹ.


Xin chào các bạn. Thật tuyệt vời khi tôi được ở đây với các bạn! Hôm nay là ngày chào đón tất cả các bạn và toàn bộ học sinh Mĩ trở lại trường - và tôi không thể nghĩ tới một nơi nào tốt hơn ngôi trường Masterman để làm điều đó. Masterman là một trong những ngôi trường tốt nhất ở Philadelphia - một ngôi trường hàng đầu trong việc giúp học sinh thành công trong học tập.

Và chỉ mới tuần trước, Masterman đã được ghi danh trong bảng xếp hạng quốc gia Blue Ribbon; đó là phần thưởng ghi nhận thành tựu của các bạn [The National Blue Ribbon Schools Program là một chương trình của chính phủ Mĩ được xây dựng nhằm tôn vinh các trường trung học. Giải thưởng Blue Ribbon được xem là giải thưởng cao quý nhất mà một trường Trung học Mĩ có thể đạt được - chú thích của người dịch]. Đó là một sự ghi nhận dành cho mọi người ở đây - các bạn học sinh, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và lãnh đạo nhà trường. Và đó là một ví dụ tiêu biểu về thành tích mà tôi hi vọng các cộng đồng trên toàn nước Mĩ sẽ thừa nhận.

Trong vài tuần qua, Michelle và tôi đã giúp hai con của chúng tôi, Sasha và Malia sẵn sàng bước vào năm học. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều trong số các bạn đang có cùng cảm giác mà các con tôi đang có. Các bạn có chút buồn khi thấy kì hè đã trôi qua, nhưng các bạn cũng rất hào hứng về những điều sẽ đến trong một năm học mới. Những điều sẽ đến với việc xây dựng những tình bạn mới và củng cố những tình bạn cũ, với việc tham gia câu lạc bộ của nhà trường, nỗ lực cho một đội nhóm nào đó. Những điều sẽ đến với việc trở thành một học sinh giỏi hơn, một người tốt hơn, và đem lại niềm tự hào cho gia đình các bạn.

Nhưng tôi biết một số các bạn có thể cũng căng thẳng khi bắt đầu một năm học mới. Có thể các bạn đang chuyển cấp từ trường tiểu học lên trường trung học cơ sở, hoặc từ trường trung học cơ sở lên trường trung học phổ thông, và lo lắng rằng điều gì sẽ đến với mình đây, lo lắng về nơi mình sẽ đến học và liệu rằng mình có đủ sức để tiếp tục hay không.
Và vượt lên trên tất cả những mối bận tâm này, tôi biết nhiều bạn trong số chúng ta cũng đang cảm thấy sự căng thẳng của những thời đoạn khó khăn này. Các bạn biết điều gì đang diễn ra qua những bản tin và từ cuộc sống của chính gia đình các bạn. Các bạn đọc tin tức về cuộc chiến ở Afghanistan. Các bạn nghe về việc chúng ta rút quân [khỏi Iraq]. Các bạn thấy điều đó trên gương mặt của cha mẹ mình và cảm nhận được nó qua giọng nói của họ.

Rất nhiều bạn trong số chung ta đang phải hành động nhiều hơn cái lứa tuổi của mình; phải nỗ lực hơn để giúp đỡ gia đình trong khi anh chị của các bạn đang phục vụ ở nước ngoài; phải trông nom bầy em nhỏ trong khi mẹ của các bạn đang làm ca hai; phải làm một công việc ngoài giờ trong khi cha của các bạn đang thất nghiệp.

Rất nhiều việc phải làm; khối lượng công việc đó lớn hơn cả khối lượng mà bình thường các bạn có thể phải làm. Và điều đó có thể khiến bạn đôi khi băn khoăn rằng tương lai của chính mình rồi sẽ ra sao; liệu chúng ta có thể thành công trong học hành được hay không; liệu chúng ta có nên kì vọng ít đi không, và hạ thấp thang mục tiêu cho giấc mơ của mình.

Nhưng đây là điều tôi đến ngôi trường Masterman để nói với các bạn: chẳng có ai viết nên số phận cho các bạn ngoài chính các bạn. Tương lai của các bạn nằm trong tay các bạn. Cuộc sống của các bạn là cái mà các bạn tạo ra. Và chẳng có gì - hoàn toàn chẳng có gì - vượt ra ngoài tầm vươn tới của các bạn. Miễn là các bạn sẵn sàng dám mơ ước những điều lớn lao. Miễn là các bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ. Miễn là các bạn sẵn sàng tiếp tục tập trung cho nền tảng giáo dục của các bạn.

Cái điều kiện cuối cùng đó là tuyệt đối quan trọng, bởi chưa bao giờ giáo dục lại quan trọng hơn thế. Tôi đoan chắc rằng sẽ có các dịp nào đó trong các tháng tới đây khi bạn thức khuya vật lộn cho một bài kiểm tra, hay là kéo mình ra khỏi giường trong một buổi sáng mưa gió, và băn khoăn rằng liệu tất cả điều đó có ích gì không. Hãy để tôi nói với các bạn, chẳng có gì phải nghi ngờ về điều đó cả. Sẽ chẳng có gì tác động lớn lao tới thành công của các bạn trong cuộc sống hơn là nền tảng giáo dục của các bạn.

Càng quan trọng hơn nữa, các thời cơ mở ra cho các bạn sẽ được quyết định bởi tầm mức mà các bạn gặt hái được trong học tập. Nói cách khác, các bạn càng nỗ lực học tập bao nhiêu, các bạn sẽ càng tiến xa trong cuộc sống bấy nhiêu. Và vào thời điểm khi các nước khác đang ganh đua với chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi các học sinh sinh viên trên toàn thế giới đang học tập chăm chỉ hơn bao giờ hết, đang làm tốt hơn bao giờ hết, thì thành công trong học tập của các bạn sẽ giúp quyết định sự thành công của nước Mĩ trong thế kỉ 21.

Vì vậy, các bạn có bổn phận đối với chính các bạn, và nước Mĩ có bổn phận đối với các bạn trong việc giúp các bạn có một nền giáo dục tốt nhất có thể. Và việc đảm bảo rằng các bạn có được nền giáo dục đó đồng nghĩa với việc tất cả chúng ta phải cùng bắt tay làm việc với nhau.

Điều đó sẽ buộc tất cả chúng tôi trong bộ máy lãnh đạo - từ Harrisburg tới Washington - đảm đương phần việc của mình để chuẩn bị cho các học sinh sinh viên của chúng ta, tất cả học sinh sinh viên của chúng ta, gặt hái thành công trong lớp học, trong trường đại học, và trong một công việc. Điều đó cần đến một người hiệu trưởng giỏi giang và các thầy cô giáo giỏi giang như các bạn ở Masterman đây, những thầy cô giáo đang tiếp tục cố gắng hơn nữa vì các học sinh của mình. Và điều đó cần các bậc cha mẹ cam kết cho nền tảng giáo dục của các bạn.

Đó là điều mà chúng tôi phải làm cho các bạn. Đó là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Nhưng đây là nhiệm vụ của các bạn. Đến lớp đúng giờ. Chú ý nghe giảng. Làm bài tập ở nhà. Tập trung bài vở cho các buổi thi. Gạt ra khỏi các lo lắng. Rằng kỉ luật và sự nỗ lực - nghĩa là học hành chăm chỉ - có tầm quan trọng vô cùng cho sự thành công.

Tôi biết, bởi vì rằng tôi đã không thường xuyên có được điều đó. Khi tôi còn trẻ, không phải lúc nào tôi cũng là một học sinh giỏi nhất. Tôi cũng đã có những sai lầm. Thực sự, tôi vẫn có thể nhớ một lần trò chuyện giữa tôi với mẹ khi tôi đang học phổ thông, lúc đó tôi cũng tầm tuổi như một số các bạn ở đây hôm nay. Lần đó chúng tôi nói về việc điểm của tôi đang rớt như thế nào, về việc thậm chí tôi đã không bắt đầu các hồ sơ xin vào học đại học của tôi ra sao, về việc tôi đã hành động, như bà đã nói, "thiếu trách nhiệm" với tương lai của tôi như thế nào. Đó là một cuộc nói chuyện mà tôi đồ rằng nó rất quen thuộc với một số các học sinh và bậc phụ huynh ở đây hôm nay.

Và tâm thế của tôi lúc đó là cái mà tôi hình dung rằng mỗi bạn thanh thiếu niên chúng ta đều có trong một cuộc nói chuyện như vậy. Tôi đã nghĩ, đại loại rằng, tôi không cần thiết phải nghe tất cả điều này. Vì thế tôi đã bắt đầu trả lời bằng việc nói ra như vậy, và bà ngắt lời tôi ngay lập tức. Con không thể nào cứ ngồi ì ra đó - bà nói - để chờ vận may rơi xuống đầu mình. Bà nói rằng tôi có thể vào học bất kì trường nào trên đất nước nếu tôi quyết tâm một chút. Rồi bà nhìn tôi nghiêm khắc và nói thêm: "Nhớ điều đó là như thế nào chưa? Quyết tâm?"

Tôi khá là choáng váng khi nghe mẹ tôi nói điều đó. Nhưng rồi cuối cùng lời của bà cũng có được hiệu ứng như mong đợi. Tôi trở nên nghiêm túc hơn đối với chuyện học hành của mình. Tôi đã quyết tâm. Và tôi bắt đầu thấy những điểm số của tôi - và các triển vọng của tôi - tiến bộ dần. Và tôi biết rằng nếu học hành làm việc chăm chỉ có thể đem đến điều gì khác cho tôi, nó cũng có thể đem đến điều gì khác cho các bạn.

Tôi biết một số bạn có thể hoài nghi về điều đó. Các bạn có thể băn khoăn việc một số người khá hơn trong một số lĩnh vực nào đó. Và đúng là rằng mỗi chúng ta có những năng khiếu và tài năng mà chúng ta cần phát hiện và nuôi dưỡng. Nhưng bởi vì rằng bạn không phải là người giỏi nhất ở một bình diện nào đó ngày hôm nay, thì không có nghĩa là bạn không có thể đạt được điều đó trong ngày mai. Ngay cả nếu bạn không cho rằng mình là một con người của lĩnh vực toán học hay một con người của lĩnh vực khoa học, thì bạn vẫn có thể trội hơn trong các lĩnh vực khác nếu bạn sẵn sàng quyết tâm. Và bạn có thể nhận thấy bạn có những tài năng mà bạn chưa bao giờ mơ ước tới.

Các bạn thấy đó, sự vượt trội trong trường lớp hay trong cuộc sống không dựa nhiều vào việc thông minh hơn mọi người. Nó dựa vào việc làm việc chăm chỉ hơn mọi người. Đừng né tránh các thách thức - hãy tìm kiếm chúng - bước ra khỏi khu vực nhàn hạ đối với bạn, và đừng ngại yêu cầu giúp đỡ; thầy cô giáo và gia đình của các bạn luôn ở đó để hướng dẫn các bạn. Đừng cảm thấy nản lòng hoặc từ bỏ nếu bạn không thành công ở lĩnh vực nào đó - hãy cố gắng lần nữa, và học hỏi từ sai lầm của mình. Đừng cảm thấy lo sợ nếu bạn bè của các bạn đang gặt hái kết quả tốt; hãy tự hào về họ, và nhìn thấy các bài học mà bạn có thể rút ra từ những gì mà họ đang làm tốt đó.

Đó là loại hoạt động tu dưỡng để gặt hái kết quả xuất sắc mà các bạn cần đẩy mạnh ở đây nơi ngôi trường Masteman; và đó là loại kết quả xuất sắc mà chúng ta cần đẩy mạnh trên tất các các ngôi trường của nước Mĩ. Đó là lí do vì sao hôm nay, tôi đang thông báo về giải thưởng Commencement Challenge lần thứ hai của chúng ta [Commencement Challenge là giải thưởng hàng năm, được đặt ra dưới thời Tổng thống Obama trao cho các trường trung học công có thành tích cao nhất trong toàn nước Mĩ - chú thích của người dịch]. Nếu trường các bạn là người chiến thắng, nếu các bạn thể hiện được cho chúng tôi thấy các thầy cô giáo, các học sinh và các bậc cha mẹ đang làm việc cùng nhau như thế nào để chuẩn bị cho con trẻ của các bạn bước vào đại học và một nghề nghiệp trong tương lai, nếu các bạn thể hiện cho chúng tôi thấy các bạn đang cống hiến trở lại như thế nào cho cộng đồng của các bạn và cho đất nước của chúng ta - tôi sẽ đích thân chúc mừng các bạn bằng việc đến nói chuyện vào lễ tốt nghiệp của các bạn.

Nhưng sự thực là, một nền giáo dục không chỉ dừng lại ở việc được vào học ở một trường đại học tốt hay nhận được một công việc tốt khi bạn tốt nghiệp. Nó còn là việc đem đến cho mỗi chúng ta và mọi người trong số chúng ta cơ hội để thực hiện lời hứa của chúng ta; trở thành kiểu mẫu tốt nhất mà chúng ta có thể đạt tới. Và một phần làm nên điều đó là việc chúng ta đối xử với người khác theo cách thức mà chúng ta muốn được đối xử - với lòng tốt và sự chân thành.

Giờ đây, tôi biết điều đó không phải lúc nào cũng diễn ra. Đặc biệt là không ở trong trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trở thành một thanh thiếu niên thật chẳng dễ dàng gì. Đã đến lúc chúng ta đang phải vật lộn với rất nhiều việc. Khi tôi ở độ tuổi các bạn, tôi đã phải vật lộn với các vấn đề về việc tôi là ai, về ý nghĩa của việc mình là con trai của một người mẹ da trắng và một người cha da đen, và việc không có cha trong cuộc sống của mình. Ngay giờ đây một số bạn có thể đang miên man với những câu hỏi của chính mình, và đang cật vấn về cái gì khiến mình trở nên khác biệt với xung quanh.
Và tôi biết rằng rằng việc hình dung ra tất cả điều đó có thể trở nên khó khăn hơn khi bạn gặp trong lớp học những chúng bạn hay cậy thế hiếp đáp người khác, những kẻ cố gắng sử dụng các khác biệt đó để chơi xấu bạn hoặc chế giễu bạn, làm bạn cảm thấy tự ti. Ở một số nơi khác, vấn đề nghiêm trọng hơn. Có những vùng lân cận với vùng Chicago của tôi, ở đó bọn trẻ đã xúc phạm một người khác. Và điều tương tự cũng đã xảy ra ở Philly đây.

Vậy thì, điều tôi muốn nói với các bạn hôm nay - điều tôi muốn tất cả các bạn ghi nhớ từ buổi nói chuyện của tôi - là rằng cuộc sống thật đáng quý, và một phần làm nên cái đẹp của cuộc sống nằm ở sự đa dạng của nó. Chúng ta không nên lúng túng với với những cái làm cho chúng ta trở nên khác biệt. Chúng ta nên tự hào về chúng. Bởi vì rằng những cái làm cho chúng ta thành khác biệt thì đồng thời cũng là những cái làm chúng ta trở thành chúng ta. Và sức mạnh cũng như đặc trưng của đất nước này luôn luôn đến từ việc chúng ta có khả năng nhận ra chúng ta từ một cái nào khác, bất kể chúng ta là ai, hay chúng ta từ đâu tới, chúng ta trông như thế nào, hay là chúng ta có những sở trường sở đoản gì.

Tôi đã được nhắc nhở về quan điểm đó một ngày kia khi tôi đọc một lá thư của Tamerria Robinson, một nữ học sinh 11 tuổi ở Georgia. Cô bé kể cho tôi nghe cô đã làm việc chăm chỉ như thế nào, và về toàn bộ hoạt động cộng đồng mà cô đã làm cùng với anh trai cô. Và cô bé viết: "Cháu cố gắng đạt được giấc mơ của cháu và giúp đỡ người khác cũng làm được điều tương tự. Đó là cách mà thế giới nên làm."

Tôi đồng ý với Tamerria. Đó là cách mà thế giới nên làm. Vâng, chúng ta cần làm việc chăm chỉ. Vâng, chúng ta cần có trách nhiệm cho nền tảng giáo dục của chính chúng ta. Vâng, chúng ta cần có trách nhiệm cho cuộc sống của chính chúng ta. Những cái làm cho chúng ta trở thành chúng ta là ở đây, trên đất nước này, chúng ta không chỉ phấn đấu cho các giấc mơ của chúng ta, mà chúng ta còn giúp đỡ người khác cùng làm điều tương tự đó. Đây là một đất nước đem đến cho tất cả con gái con trai của chúng ta một cơ hội công bằng. Một cơ hội xây dựng nên hầu hết cuộc sống của họ. Một cơ hội để thực hiện cái tiềm năng mà Chúa đã ban cho họ.

Và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nếu tất cả các học sinh của chúng ta - ở đây, tại ngôi trường Masterman và trên toàn đất nước này - tiếp tục bền bỉ phần việc của họ, nếu các bạn không ngừng làm việc chăm chỉ và tập trung vào việc học hành của các bạn, nếu các bạn không thôi tranh đấu cho giấc mơ của các bạn, và nếu tất cả chúng tôi giúp bạn đạt tới điều đó, vậy thì không chỉ các bạn sẽ thành công trong năm học này, và trong suốt quãng đời còn lại của các bạn, mà nước Mĩ cũng sẽ thành công trong thế kỉ 21. Xin cảm ơn. Chúa ban phước lành cho các bạn, và Chúa ban phước lành cho nước Mĩ.
Lê Nguyên Long dịch từ whitehouse.gov

Báo Trung Quốc: Liệu Việt Nam có liên minh với Mỹ?

Tác giả: Xinhuanet

Gần đây báo chí nói rất nhiều và bằng rất nhiều cách liên quan đến khả năng "Việt Nam và Mỹ liên minh với nhau đối phó với Trung Quốc". Những dư luận như vậy tuy không dựa vào sự thật căn bản nhưng không phải hoàn toàn không có căn cứ. - Tân Hoa Xã viết.

LTS: Ngày 24/8, mạng Xinhuanet của Trung Quốc đăng bài viết của tác giả Lăng Đức Quyền - nguyên Trưởng phân xã Tân Hoa Xã tại Hà Nội, hiện là Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế của THX, trực tiếp nghiên cứu vấn đề Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, trong đó phân tích về quan hệ Việt - Mĩ.

Trong bài viết, tác giả đã "ưu ái" dành một đoạn viết về báo VietNamNet. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam, báo VietNamNet đăng lại bản dịch tiếng Việt của Thông tấn xã Việt Nam trên Tư liệu tham khảo đặc biệt ngày 07/9 của bài viết này.

Rước sói vào nhà?*

Những thế hệ già trẻ lưu vong trung thành với chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũ vẫn còn nuôi giấc mộng "khôi phục chế độ", "về lại quê hương". Những người này không chỉ cực đoan căm thù Đảng Cộng sản Việt Nam, căm thù Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam, những người đó đã đánh đổ chúng, mà còn ghi xương khắc cốt thù hận Trung Quốc là người bạn đã ủng hộ Việt Nam giành thắng lợi trong chiến tranh chống Mỹ. Trước sau những người này vẫn nghĩ ông chủ cũ sẽ giúp họ trở lại nắm chính quyền, "giành lại những gì đã mất trong chiến tranh". Nếu liên minh dựa vào Mỹ mà từ bỏ những thứ nói trên, liệu họ có còn hướng đi nào khác? Tuy nhiên, đám xác chết với những âm hồn tản mạn có được người Mỹ nhìn nhận trở lại như là "đồng minh" nữa hay không? Có lẽ nhiều lắm cũng chỉ được coi là những tên lính hầu tiểu tốt mà thôi.

Còn có một số người Việt Nam phản bội, bỏ chạy khỏi hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam như Bùi Tín, Phó tổng biên tập cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, điên cuồng chống Cộng, mấy hôm trước còn ra sức kêu gào Việt Nam và "tất cả các quốc gia dân chủ" như Mỹ liên minh với nhau cùng chống lại "mối đe dọa từ Trung Quốc".

Ở trong nước, Việt Nam cũng không phải không có người hoặc công khai hoặc ngấm ngầm chủ trương rước sói vào nhà. VietNamNet, một tờ báo mạng không thuộc dòng chính thống có thế mạnh ở Hà Nội từ đầu năm tới nay đã thông qua phương thức liên lạc, đối thoại với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, đến phỏng vấn một số cựu quan chức ngoại giao cao cấp, tuyên truyền khuyến khích nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ, xây dựng "quan hệ đối tác chiến lược", thậm chí thảo luận thăm dò khả năng liên kết thành "đồng minh" với Mỹ.
Tuy nhiên, những quan chức tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn quan tâm tới chính trị nói trên vừa không đại diện cho Chính phủ của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa không phản ánh được ý nguyện của quảng đại quần chúng nhân dân Việt Nam là những người đã chịu nhiều hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nhưng tại sao những người này lại ra sức cổ vũ, và lịch sử cũng như bối cảnh cá nhân của họ cũng là vấn đề rất đáng phải tìm hiểu.

Liệu Việt Nam có liên minh với Mỹ?

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam liệu có "liên minh" với Mỹ? Về lâu dài xin tạm gác lại, hãy nghe nhà lãnh đạo Việt Nam gần đây trịnh trọng tuyên bố và cam kết với thế giới:

- Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 6 tổ chức ở Xinhgapo ngày 31/5/2009, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng (Ủy viên Bộ Chính trị TW ĐCSVN), tuyên bố nguyên tắc và lập trường của Việt Nam trong ngoại giao quốc phòng như sau: "Không liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống lại nước khác, không cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, không chạy đua vũ trang, chỉ từng bước hiện đại hóa quân đội và tăng cường tiềm lực quốc phòng để phòng thủ và bảo vệ quốc gia".

- Ngày 14/8 năm này trong khi bày tỏ thái độ về những "vấn đề nóng" như sự kiện tàu chiến Mỹ tới thăm Việt Nam và quan hệ quân sự Việt - Mỹ, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chính thức làm sáng tỏ và trình bày rõ như sau: "Một số đài báo phương Tây bình luận ầm ĩ, cho rằng Việt Nam đang tăng cường quan hệ hải quân với Mỹ nhằm 'cân bằng sức mạnh' ở Biển Đông. Lối bình luận như trên không có căn cứ, thiếu hiểu biết về chính sách quốc phòng của Việt Nam. Chúng tôi trước sau luôn thực hiện chính sách quốc phòng bảo vệ tổ quốc bằng cách dựa vào sức mình là chính. Chúng tôi luôn giữ quan điểm độc lập tự chủ, không tham gia liên minh quân sự, không dựa vào nước này chống lại nước kia".

Ở Việt Nam không phải không có sự khác biệt và tranh cãi trong rất nhiều vấn đề lớn, cũng không cần phải ngạc nhiên trước những hiện tượng khác biệt và tranh cãi nói trên. Nhưng các nhà nghiên cứu và những nhà quan sát có trách nhiệm tuyệt đối không thể phóng đại vô hạn độ những thông tin mà một số người cố ý tạo ra với thái độ thiếu khách quan và không nghiêm túc, mà cần nhìn nhận những thông tin chuẩn xác và có độ tin cậy cao. Nếu nhào nặn tô vẽ, dùng tin đồn chuyển tải tin đồn, dẫn dụng phóng đại sẽ chỉ khiến công chúng hiểu sai vấn đề, gây hậu quả xấu cho toàn bộ công tác đối nội đối ngoại, mức độ tai hại sẽ rất khó lường!

Từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 năm 1986 đến nay, Việt Nam đã từng bước thay đổi đường lối đối ngoại liên minh với Liên Xô, "nghiêng hẳn" về Liên Xô mà các nhà lãnh đạo trước đó một thời thực hiện, chuyển sang đường lối ngoại giao "độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế", "làm bạn với các nước trên thế giới", "tranh thủ môi trường quốc tế hòa bình ổn định".

Năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ giữa hai đảng hai nước, năm 1955 Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập khối ASEAN, tích cực phát triển quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế trên thế giới.

Gần đây, trong bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng các bài viết đăng trên các báo lớn có uy tín ở Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh chính sách đối ngoại của Việt Nam: "Thi hành nguyên tắc độc lập, tự chủ, hòa bình và hợp tác, phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, tích cực chủ động hội nhập quốc tế; vừa là bạn đáng tin cậy vừa là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; phấn đấu cho một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh".

Trên thế giới, bất cứ quốc gia có chủ quyền nào cũng đều có quyền lựa chọn chế độ xã hội và chính sách đối nội đối ngoại của mình. Các nhà quan sát và nhà bình luận về các vấn đề quốc tế cần quan sát chính sách đối ngoại của một quốc gia một cách nghiêm túc và khách quan, nhận thức rõ đầu đuôi ngọn nguồn, phải trái trắng đen, phân biệt rõ đâu là mạch chính, đâu là mạch nhỏ, đâu là tiếng nói chủ yếu, đâu là tạp âm từ những tiếng nói khác nhau trong nội bộ một quốc gia. Đối với Việt Nam đương nhiên cũng không thể ngoại lệ.

Chính quyền và chế độ xã hội ở Việt Nam hiện nay là do Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam trải qua mấy chục năm phấn đấu gian khổ bằng xương máu mới giành lại được. "Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội" là sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam. Mọi nước trên thế giới đều phải tôn trọng sự lựa chọn đó của nhân dân Việt Nam.

Mỹ và Việt Nam từng là "kẻ thù không đội trời chung" đánh nhau suốt mười mấy năm. Dòng thác lớn của thế giới ngày nay là hòa bình, hợp tác, phát triển. Việc "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" của hai "kẻ thù cũ" nói trên không những có lợi cho nhân dân hai nước, mà còn có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực. Trên thực tế, quan hệ Trung - Mỹ từ khi Tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc năm 1972 đến nay về đại thể cũng chẳng giống như vậy đó sao?

Không thể nhìn phiến diện

Là hai láng giềng núi sông liền một dải, việc người Trung Quốc quan tâm những thay đổi trong quan hệ Việt - Mỹ, và người Việt Nam quan tâm những thay đổi trong quan hệ Trung - Mỹ đều rất đỗi tự nhiên như vậy. Mọi người chúng ta không nên nhìn nhận một số biểu tượng trong quan hệ Việt - Mỹ một cách phiến diện và đơn giản hóa.

Nhắm mắt làm ngơ trước sự thay đổi trong quan hệ Việt - Mỹ là điều ngốc nghếch, đánh giá quá mức mức độ quan hệ Việt - Mỹ cũng sẽ gây phức tạp cho chính mình.

Về mặt xử lý quan hệ song phương, Việt Nam và Mỹ có lợi ích chung nhưng mục tiêu và xuất phát điểm không giống nhau. Mọi người gần đây đã thấy một số biểu hiện nổi bật về sự "ấm lên" trong quan hệ Việt - Mỹ, nhưng thử hỏi mọi người có thấy Chính phủ Mỹ, chính khách Mỹ và các báo lớn ở Mỹ có ngừng lợi dụng "dân chủ", "nhân quyền", "tự do tôn giáo" và "tự do báo chí" để ngang ngược công kích Đảng Cộng sản Việt Nam hay Chính phủ Việt Nam hay không? Một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ gần đây còn lên tiếng ầm ĩ đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách đen với các "quốc gia đi ngược lại tự do tôn giáo" do Chính phủ Mỹ tự đặt ra!

Có một chủ đề vẫn luôn được các nhà lãnh đạo và dòng báo chí chủ lưu của Đảng, của quân đội Việt Nam tuyên truyền từ rất nhiều năm nay là đề phòng và chống lại âm mưu gây "cách mạng màu sắc", "diễn biến hòa bình và tự diễn biến hòa bình", "bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch. Những vụ án cũng như sự thực về việc can thiệp thô bạo vào các công việc nội bộ của Việt Nam được báo chí chủ lưu công khai đưa tin cũng đủ khiến người ta phải giật mình, hơn nữa đó cũng chỉ là một phần chứ hoàn toàn không phải toàn bộ.

Lôi kéo và gây sức ép luôn là phương châm cơ bản của Chính phủ Mỹ đối với Việt Nam từ 15 năm qua. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gần đây đã tổ chức hội nghị liên tịch, triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ và an ninh xã hội.

Không nên chỉ chú ý đến những lời đường mật của Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại Hà Nội hồi cuối tháng 7 vừa qua, mà còn phải thấy nước Mỹ và thế lực chính trị do Mỹ nuôi dưỡng đang ngấm ngầm muốn làm gì tại Việt Nam.

Trở lại chủ đề bài viết qua dòng tựa đề nói trên - Việt Nam liệu có liên minh với Mỹ? Người nhiều tư cách nhất có thể trả lời câu hỏi này là người lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt - Mỹ, mà các vị độc giả cũng không khó để đưa ra được những nhận định và kết luận của riêng mình./.