Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

"Cú chuyển mình dữ dội" của nền kinh tế Việt Nam đầu năm 2011

VIT - Ba tháng đầu năm 2011, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước đi mới trong chính sách tài khóa. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng.

Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt

Cuối tháng 2, Chính phủ thông qua nghị quyết về 7 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. 7 nhóm giải pháp đó là: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước; Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận; Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: tình hình hiện nay đặt ra nhiệm vụ cho cả nước phải tập trung sức bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, làm được điều này sẽ duy trì được sản xuất, được an sinh xã hội. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của cả nước ta.

Thủ tướng nêu rõ cũng yêu cầu Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương phải thực hiện được mục tiêu tăng thu ngân sách năm 2011 từ 7 đến 8%, tiết kiệm chi tiêu 10%; dứt khoát phải giảm bội chi xuống dưới 5%; coi giảm bội chi là giảm cầu, làm giảm lạm phát. Bên cạnh đó không ứng vốn ngân sách nhà nước cho các dự án kéo dài, không cấp bách để bổ sung cho các dự án ưu tiên hoàn thành trong năm 2011.

Khẳng định việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu là việc không thể không làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng và địa phương thực hiện việc bù hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo theo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Ngày 8/3/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

Như vậy, đây là lần thứ hai kể từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước tăng một số loại lãi suất điều hành. Lần trước, ngày 17/2, mức tăng lãi suất tái cấp vốn là từ 9%/năm lên 11%/năm. Đáng chú ý là trong lần điều chỉnh này, lãi suất tái chiết khấu được tăng mạnh, từ 7%/năm lên 12%/năm. Với quyết định trên, nhà điều hành tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để góp phần kiềm chế lạm phát.

Kèm theo đó, nhà nước đã bắt đầu xóa USD “chợ đen” và cấm kinh doanh vàng miếng. Những động thái trên cho thấy quyết tâm của nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế xã hội

Thế giới đánh giá cao chính sách tài khóa Việt Nam

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2011 được nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao khi Chính phủ đưa ra nhiều chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa.

Theo Financial Times, Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện sự ổn định kinh tế và tiến tới tăng trưởng ổn định. Những biện pháp mà Việt Nam thực thi gần đây như tăng lãi suất cho vay liên ngân hàng, hạ thấp mục tiêu tăng trưởng tín dụng, giảm chi tiêu công…, cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Anh HSBC vừa đưa ra những nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam và cho rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt trong năm nay.

Tờ Thời báo Tài chính của Anh vừa qua dẫn báo cáo của nhà kinh tế Sherman Chan của HSBC cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang đi đúng hướng khi sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững, đã dẫn đến tình trạng lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn và đồng nội tệ liên tục yếu đi.

Ngân hàng HSBC cũng dự đoán việc thắt chặt tiền tệ và tài khóa sẽ có ảnh hưởng nhỏ đến tăng trưởng của Việt Nam. Do đó HSBC dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam đạt 7% trong năm 2011; đạt 7,4% trong năm 2012. Mức lạm phát trung bình cả năm 2011 của Việt Nam được dự báo là 9,9%.

Bà nhận định Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện sự ổn định kinh tế và tiến tới tăng trưởng ổn định. Bà cũng cho rằng nếu chính phủ thành công trong việc giải quyết những vấn đề đó thì Việt Nam sẽ vẫn cần tiếp tục các biện pháp trên khi phải chịu tác động của mức lãi suất đi vay 20% và những ảnh hưởng do cắt giảm chi tiêu vào cuối năm nay.
TN Tin tổng hợp
Nguồn tin: Diemtin - Cafef

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét