Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

'Hai vị Vua' ở Quân cảng Cam Ranh

Đến Cam Ranh lần này, chúng tôi không có ý định tìm hiểu nhiều về lịch sử của quân cảng mệnh danh là “pháo đài bên bờ Thái Bình Dương”. Chúng tôi đến đây để "yết kiến" hai vị "vua".


Sáng mờ sương, chiếc xe loại UAZ 469 huyền thoại chở chúng tôi xuyên qua những trảng cát lúp xúp bụi cây, những đầm phá nhỏ xen giữa các triền đồi thấp. Sau chừng 20 phút chạy từ sân bay Cam Ranh, đã thấy trước mặt một vùng trời nước. Vịnh Cam Ranh tĩnh lặng như nàng tiên nằm ngủ yên lành giữa những triền núi thẳm xanh, dù phía xa kia Biển Đông không ngơi sóng gió.

Vịnh Cam Ranh - Địa thế chiến lược

Đặc trưng địa lý khu vực Đông Nam Á với thềm lục địa ngắn, dốc, biển ăn sâu vào đất liền thể hiện rất rõ nơi vùng đất này. Biển đang mênh mông, khi vào đến đây chợt gặp bán đảo Cam Ranh như cánh tay vươn dài, với núi Ao Hồ thuộc phần nam của dãy núi Đồng Bò sừng sững, cao gần 500m án ngữ, bao bọc lấy một vùng nước rộng bên trong. 

Dường như thấy rằng chừng ấy cũng chưa đủ chở che, thiên nhiên đã kiến tạo thêm một hòn đảo nằm ở đầu mút bán đảo Cam Ranh – đảo Bình Ba, án ngữ nơi cửa vịnh cùng tên. Ở phần cuối vịnh Bình Ba về hướng tây bắc, biển đột nhiên thu hẹp lại thành một eo nước nhỏ, hai bên là hai mũi đất cao – Mũi Điện và Mũi Hời. Xuyên qua eo Bé là vịnh Cam Ranh mênh mông, thẳm sâu nhưng tĩnh lặng.

Thiên nhiên đã dành cho Cam Ranh một thế núi biển ngọa hổ tàng long. Thế nên, từ lâu vùng đất hiểm trở này đã được sử dụng vào mục đích quân sự. Sau khi khởi sự công cuộc thực dân tại Đông Dương vào nửa cuối thế kỷ 19, người Pháp đã chọn Cam Ranh để xây dựng quân cảng. 

Trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật hồi đầu thế kỷ 20, khi quân Nga liên tiếp thất trận ở Thái Bình Dương, Nga hoàng Nicholas II đã lệnh cho Đô đốc Zinovy Rozhestvensky chỉ huy Hạm đội Baltic sang Thái Bình Dương tiếp viện. 

Đội tàu Baltic đã làm một chuyến hải trình từ Đại Tây Dương xuống cực nam châu Phi rồi vòng lên Ấn Độ Dương. Sau khi vào Biển Đông, vào năm 1905, Đô đốc Rozhestvensky đã chọn Cam Ranh làm nơi đồn trú trong chừng một tháng trời để chuẩn bị cho trận hải chiến tại eo biển Tushima.

Khi bóng dáng những chiến hạm của Nga vừa khuất giữa mịt mù sóng nước Biển Đông cũng là lúc người Pháp ráo riết biến Cam Ranh từ một quân cảng nho nhỏ thành căn cứ quân sự lớn, phục vụ cho các chiến dịch thực dân khắp Đông Nam Á. 




Hình vẽ minh họa hoạt động nhộn nhịp của tàu chiến Hải quân Liên Xô tại vịnh Cam Ranh.

Kể từ giờ phút đó, Cam Ranh với địa thế đắc địa hiếm hoi bên bờ Biển Đông luôn giữ vai trò là quân cảng quan trọng của Pháp. 

Sau này, người Mỹ cũng đã xây dựng Cam Ranh thành căn cứ không quân, hải quân lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Lúc cao điểm, có tới hơn 30.000 quân Mỹ và đồng minh cùng các đội tàu khu trục, hộ tống, tàu đổ bộ và máy bay tuần tra, tiêm kích, cường kích đóng ở Cam Ranh.

Sau ngày đất nước thống nhất, Cam Ranh dần trở thành một căn cứ quân sự lớn của Liên Xô, làm thế đối trọng với quân Mỹ tại căn cứ Subic ở Philippines. 

Vào thời điểm năm 1986, có tới hơn 6.000 người Nga bao gồm quân nhân, kỹ sư, công nhân đóng tại Cam Ranh, kèm theo đó là một đội tàu hùng mạnh, với khu trục hạm, tiểu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm hạt nhân và tàu cao tốc. 

Tháng 5/2002, quân nhân Nga cuối cùng rời Cam Ranh, chấm dứt thời kỳ hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài tại quân cảng này. Người Nga rời đi, nhưng Cam Ranh với thế núi chở che biển cả vẫn giữ nguyên giá trị chiến lược đặc biệt của mình.

Đến Cam Ranh lần này, chúng tôi không có ý định tìm hiểu nhiều về lịch sử của quân cảng vốn được mệnh danh là “pháo đài bên bờ Thái Bình Dương”. Chúng tôi đến đây để “yết kiến” hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Tên của hai vị hoàng đế thuộc thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc giờ đây được đặt tên cho hai chiến hạm tối tân nhất của một lực lượng Hải quân đang trên đường hiện đại hóa – hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9.

"Hai vị vua" ở Cam Ranh

Khi chiếc UAZ 469 còn ở trên triền dốc xa, chúng tôi đã thấy bóng dáng những chiếc tàu xám trên nền nước ửng hồng buổi bình minh. Có thể dễ dàng nhận ra hai chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ qua vóc dáng đồ sộ, cũng như lớp vỏ thép nhẵn nhụi vốn là đặc trưng của những tàu chiến tàng hình, nằm giữa những chiến hạm nhỏ hơn, thuộc các lớp Molniya, đậu theo đội hình gần đấy.

Tàu Gepard 3.9 được đóng tại Nhà máy Zelenodolsk ở nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Đây là loại tàu chiến hiện đại, có khả năng tàng hình và hỏa lực rất mạnh, với hệ thống vũ khí chống ngầm, chống hạm và phòng không ứng dụng các công nghệ mới nhất. Tàu được thiết kế để chịu các điều kiện đại dương khắc nghiệt nhất và có thể hoạt động liên tục trong nhiều ngày liền. Hiện nay, chỉ mới có Nga – nước sản xuất – và Việt Nam đưa vào biên chế hải quân loại tàu này.

Chiếc Gepard 3.9 đầu tiên chính thức được biên chế vào Lữ đoàn 162 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đóng tại Cam Ranh vào tháng 3/2011 và được đặt tên theo người anh hùng đã bình định 12 sứ quân để lên ngôi vua – Đinh Tiên Hoàng. 



"Hai vị vua" tuần tra bảo vệ biển đảo Việt nam.

Chiếc thứ hai được biên chế vào cùng đơn vị hồi tháng 8/2011, và mang tên vị vua dời đô Lý Thái Tổ. Như vai trò của hai vị hoàng đế thuộc thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập, hai chiến hạm Gepard 3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ đóng vai trò tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam, với ưu tiên hướng tới Hải quân và Không quân. 

Chủ trương này đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ vào ngày 3/8/2011: “Phương hướng xây dựng quân đội sẽ theo hướng cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó Hải quân, Phòng không – Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử… đi thẳng vào hiện đại để bảo vệ đất nước”.

Quân đội sẽ từng bước được hiện đại, riêng Hải quân và Không quân sẽ được hiện đại hóa nhanh chóng. Trong xu hướng đó, sắp tới đây, các chiến hạm Gepard tân tiến hơn, với các tính năng chiến đấu mạnh mẽ hơn, sẽ được bổ sung vào lực lượng Hải quân Việt Nam. Song song đó là các nỗ lực tự chế tạo tàu chiến và tên lửa đã, đang và sắp được triển khai. 

Lúc tới thăm quân cảng Cam Ranh, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến không khí hối hả trên công trường xây dựng căn cứ cho tàu ngầm lớp Kilo. Sau vài năm nữa, một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại sẽ chính thức ra mắt tại đây, như chính tuyên bố của Đại tướng Phùng Quang Thanh vào ngày 3/8/2011: “Trước mắt, trong 5, 6 năm tới, ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại”.

Huấn luyện làm chủ Gepard 3.9

Trong căn phòng nhỏ nằm giữa thân chiến hạm Lý Thái Tổ, Thượng úy Nguyễn Hải Dương dán mắt vào màn hình radar, bên tai anh, chốc chốc lại vang lên khẩu lệnh của Thuyền phó – Thiếu tá Nguyễn Đình Giảng từ phòng chỉ huy trên cao vọng về: “Mạn phải 30, góc tầm 45, mục tiêu bay vào…”. 

Trên màn hình xuất hiện tín hiệu chiếc máy bay mục tiêu lúc này đang đảo vòng trên bầu trời vịnh Cam Ranh. Chiếc máy bay lúc ẩn lúc hiện, như cố tìm cách thoát ra khỏi “vùng phủ sóng” của radar, nhưng bất kể thế nào, Dương và tổ chiến đấu của anh vẫn khóa chặt được “con mồi”. Nếu đây là thực tiễn chiến đấu, chàng sĩ quan trẻ chỉ cần nhấn nút phát hỏa là mục tiêu bị hạ.

Nguyễn Hải Dương vốn là học sinh chuyên toán ở Nghệ An. Thế rồi tình yêu biển đã thôi thúc anh gia nhập Hải quân. Sau khi ra trường, anh nhanh chóng trở thành một chuyên gia súng pháo, tên lửa cừ khôi trên các tàu tên lửa. 

Chuẩn bị cho tiến trình hiện đại hóa Hải quân nhanh chóng, Nguyễn Hải Dương cùng nhiều sĩ quan thuộc thế hệ trên dưới 30 tuổi như anh đã được chọn đào tạo bài bản để tiếp nhận loại tàu chiến hiện đại Gepard 3.9. Từ khi lên tàu mới, Dương như chú đại bàng biển mọc thêm cánh. Những kỹ năng chiến đấu của anh và đồng đội không ngừng được hoàn thiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, Dương và đồng đội đã làm chủ được con tàu.

Trong chừng hai tiếng đồng hồ, lực lượng trên hai chiến hạm Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng đã thực hành bài bắn hạ mục tiêu trên không. Mục tiêu là một chiếc tàu lượn bay rất cao, ẩn hiện giữa những quầng mây xám trên biển. Các vị trí chiến đấu từ chỉ huy tàu, sĩ quan tín hiệu, sĩ quan cao xạ, súng, pháo, radar và tên lửa đã phối hợp với nhau nhuần nhuyễn, dồn tất cả hỏa lực vào mục tiêu. 


Thuyền phó Nguyễn Đình Giảng trên buồng chỉ huy.

Thuyền phó Nguyễn Đình Giảng cho biết: “Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ thuộc thế hệ tàu chiến hiện đại, có khả năng tác chiến độc lập trên biển rất cao. Chiến thuật được áp dụng với loại tàu này cũng có nhiều khác biệt so với truyền thống.

Thế nên, việc đào tạo cho các sĩ quan chỉ huy là rất quan trọng. Anh em chúng tôi ở đây đều là những sĩ quan từng kinh qua các lớp tàu tên lửa thế hệ trước, giờ được đào tạo rất kỹ càng ở trong và ngoài nước nên làm chủ phương tiện rất nhanh. Sau hai năm đào tạo, giờ đây từ sĩ quan chỉ huy tàu tới sĩ quan các bộ phận đều đã thành thạo các kỹ năng chiến đấu”. 

Còn Thượng tá Đỗ Quốc Tuấn – Thuyền trưởng tàu Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Không chỉ tiếp thu các thao tác kỹ thuật để điều khiển tàu từ các chuyên gia Nga, anh em còn dịch thuật tài liệu, nghiên cứu các bài tập chiến thuật mới để hoàn thiện kỹ năng chiến đấu. Trên cơ sở chiến thuật của nước ngoài, chúng tôi kết hợp với chiến thuật của Việt Nam, đặc biệt là từ kinh nghiệm chiến đấu của các thế hệ cha anh, để áp dụng vào loại tàu chiến hiện đại này”.



Luyện tập bắn mục tiêu trên không.

Rời quân cảng Cam Ranh vào buổi chiều muộn, khi buổi thao luyện vừa kết thúc, chúng tôi cảm nhận được nhiệt tình và quyết tâm của các anh qua từng cái bắt tay chắc nịch. Từ những chiếc “xuồng tên lửa”, giờ đây các anh đã bước lên những chiếc tàu chiến tối tân, đại diện cho một lực lượng Hải quân Việt Nam hiện đại.

Từ chốn cỏ lau, Đinh Bộ Lĩnh đã dấy binh dẹp loạn, lên ngôi hoàng đế, đem thái bình thịnh trị khắp cõi trời nam, đặt nền móng vững chắc cho một quốc gia độc lập. Lý Thái Tổ dời đô từ chốn chật hẹp ra chỗ mênh mông, cũng với quyết tâm tạo nên một chỗ đứng vững chắc, một vị thế đĩnh đạc cho nước nhà trong bối cảnh vừa thoát khỏi sự đô hộ của phương Bắc.

Trên tinh thần đó, hai chiến hạm Gepard 3.9 ở quân cảng Cam Ranh, mang hiệu hai vị hoàng đế thuộc thời đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc, là một minh chứng cho quyết tâm không gì lay chuyển được, là biểu trưng cho ý nguyện của toàn dân Việt Nam trong việc bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc biển mà cha ông ngàn xưa để lại.


Tên vịnh Cam Ranh có nghĩa là “bến nước ngọt”, nằm ở cực Nam của tỉnh Khánh Hòa phía Nam Việt Nam, là đỉnh tột cùng nhô ra nổi bật nhất của đường bờ biển hình vòng cung phía Đông Nam Việt Nam, là vị trí yết hầu chiến lược kiểm soát cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. 

Khoảng cách từ vị trí này đến tuyến hàng hải quốc tế ở hai đại dương nói trên chỉ bằng hải trình một tiếng đồng hồ, vì thế Cam Ranh có vị trí chiến lược hết sức đắc địa, từ trước đến nay vẫn luôn là vị trí giành giật tất yếu của các nhà quân sự. 

Vịnh Cam Ranh bốn bề được bao bọc bởi một quần thể núi đá cao khoảng 400m, ăn sâu vào đất liền 17km, rộng 6km, diện tích thủy vực rộng hơn 100km2. Độ sâu trong vịnh bình quân từ 16 đến 25m, chỗ sâu nhất đến 32m, là một trong những cảng nước sâu tự nhiên có giá trị nhất thế giới. 

Trong vịnh có thể đỗ được hàng trăm tàu cỡ lớn hàng vạn tấn, kể cả tàu sân bay. Nội cảng được phân thành hai khu vực là cảng quân sự và cảng thương mại, trong đó cảng quân sự nằm ở thị trấn Cam Ranh bờ phía đông, sâu 14m, có 6 cầu tàu chính, xưởng đóng tàu có thể sửa chữa các tàu cỡ lớn và đóng tàu cỡ nhỏ, còn có kho chứa dầu, kho đạn dược và kho quân nhu đảm bảo cơ sở vật chất, hệ thống trinh sát điện tử và thông tin cũng tương đối hoàn thiện. Khu ngoại cảng hay còn gọi là đảo Bình Ba, sâu trung bình từ 10 đến 22m, tương đối thuận tiện, có đường sắt và đường bộ liền nhau.
Bài đăng trên baodatviet.vn

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Điều gì xảy ra khi Việt Nam cải tiến tên lửa X-35?


Việt Nam sản xuất được cả một con tàu chiến hiện đại như TT400TP thì việc sản xuất quả tên lửa X-35 có gì là to tát? Không phải vậy! Tuy nó nhỏ thật, nhưng ảnh hưởng của nó mang tầm chiến lược. Tuy nó nhỏ, nhưng khi có nó, bắt buộc kế hoạch tác chiến của đối phương phải thay đổi.



Điều đầu tiên, đương nhiên Việt Nam qua đó sẽ tự chủ được số lượng tên lửa. Khi có đủ tên lửa, Việt Nam chủ động triển khai thế trận phòng thủ phù hợp theo nhu cầu của chiến thuật.

Tất cả các hải đảo tiền tiêu là những bệ phóng tuyệt vời, ít tốn kém nhất và với đường lối, nghệ thuật chiến tranh nhân dân thì tên lửa diệt hạm X-35 thực sự là vũ khí tác chiến phi đối xứng hiệu quả.

Tuy nhiên, do Nga chế tạo ra tên lửa X-35 là để đáp ứng chiến thuật tác chiến nào đó trong nghệ thuật quân sự Nga nên khi xuất khẩu thì tất nhiên, sẽ tồn tại một số vấn đề chưa đáp ứng với yêu cầu chiến thuật của Việt Nam. Chẳng hạn như:

- Tầm bắn của tên lửa chưa đủ xa, do đó buộc các phương tiện bay mang tên lửa phải đi vào vùng hoạt động của hệ thống phòng không tầm xa của đối phương.

- Tốc độ bay của tên lửa tương đối thấp, do đó khả năng bị hỏa lực phòng không của tàu đối phương đánh chặn là tương đối cao.

- Hệ thống điều khiển tên lửa chưa cho phép tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu trên bờ biển và vào sâu trong đất liền.

Nhưng tên lửa diệt hạm X-35 có một đặc điểm là nó cho phép cải tiến nâng cấp không giới hạn, như có thể sử dụng nhiên liệu có hiệu năng cháy tốt hơn sẽ làm tăng tầm bắn của tên lửa…

Đây là điều mà khi hợp tác sản xuất với Nga, Việt Nam không thể không tính đến và Việt Nam cũng đã có thừa kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tên lửa chống tàu X- 35 trên bờ.
Tên lửa chống tàu X- 35 trên bờ.

Nếu những điều này khi sản xuất mà được giải quyết thì chắc chắn khả năng phòng thủ hướng biển từ xa được nâng cao.

Nội lực phòng thủ của đảo khi có sự xuất hiện của X-35 được tăng lên gấp bội. Địch không thể tiếp cận gần hơn khi tấn công trong tầm tiêu diệt của X-35, cho nên sẽ kéo theo một loạt điều bất lợi khi tác chiến.

Sự lợi hại của X-35 không chỉ ở phòng thủ mà đây là một loại vũ khí phi đối xứng phi tiêu chuẩn, vô cùng nguy hiểm, đặc biệt khi nó trong tay Việt Nam với hình thức tác chiến phi đối xứng kiểu Việt Nam.

Tác chiến phi đối xứng (TCPĐX) là sử dụng cách đánh bất ngờ, nhằm tiêu hao lực lượng sinh lực của đối phương.

Một trong những yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa quyết định là xương sống cho TCPĐX là các hệ thống vũ khí phục vụ cho TCPĐX phải đảm bảo được các yêu cầu: Hỏa lực mạnh, chi phí thấp, dễ sử dụng, tính linh hoạt cao trong bố trí tác chiến, trong vận chuyển và dễ dàng để ngụy trang nhằm tạo ra hiệu quả tác chiến tối ưu.

TCPĐX, thuật ngữ này mới xuất hiện gần đây trong cuộc đối đầu bởi lực lượng khủng bố, phiến quân với lực lượng Mỹ và NATO. Về quy mô, tổ chức nó không tầm cỡ như chiến tranh du kích mặc dù nó có lối đánh giống với lối đánh du kích.

Với Việt Nam thì TCPĐX là một thành tố trong nội hàm là chiến tranh du kích mà thôi. Bởi vậy, thay vì hình thức tác chiến phi đối xứng tồn tại biệt lập, đơn lẻ trong một cơ quan tổ chức chiến tranh lỏng lẻo thì ở Việt Nam nó được tồn tại trong một cuộc chiến tranh nhân dân có tổ chức cao (cấp Nhà nước) với nhiều hình thức tác chiến kể cả hiện đại, có sự hợp đồng tác chiến chặt chẽ với các lực lượng trên toàn chiến trường.

Tên lửa chống tàu X- 35 trên bờ
Tên lửa diệt hạm X- 35 trong thùng container 20'. Phương án tác chiến phi đối xứng trong chiến tranh du kích hiện đại trên biển là bãi lầy nguy hiểm cho bất cứ con voi xâm lược nào nếu muốn sa lầy.

Vì vậy, hậu quả mà tác chiến phi đối xứng gây ra cho đối phương cũng mang tầm vóc lớn hơn. Nó không chỉ tiêu hao sinh lực địch mà còn là một trong nhiều đòn tấn công góp phần làm thất bại một chiến dịch, một chiến lược tiến đến một cuộc chiến tranh do địch gây ra.

Với chúng ta, hình thức tác chiến phi đối xứng này được phát triển lên một tầm cao mới theo bản sắc nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây là một thách thức nguy hiểm nữa mà bất kỳ quốc gia nào lăm le tấn công xâm lược Việt Nam phải tính tới.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tên lửa diệt hạm X-35 là loại vũ khí mang đầy đủ, trọn vẹn những tiêu chí mà hình thức tác chiến phi đối xứng đặt ra.

Rõ ràng, Việt Nam có thể sản xuất ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn quả tên lửa X-35 nhưng khó có thể sản xuất được vài chiếc tàu khu trục hạm dạng Gepard 3.9, trong khi một vài quả X-35 trúng mục tiêu thì khu trục hạm hiện đại cỡ như Gepard 3.9 hay tương đương cũng sẽ phải yên nghỉ dưới đáy đại dương. Vậy thì quan tâm đến điều này chẳng có gì là ngạc nhiên.

Với loại tên lửa diệt hạm X-35 mà Việt Nam tự chủ được số lượng, cải tiến nâng cao; với các loại vũ khí mà Việt Nam đang mua sắm chuẩn bị khác nữa, liệu Việt Nam có biến hình thức tác chiến phi đối xứng thành một bí kíp kinh điển cho các nước nghèo chống xâm lược hay không?.

Qua 4 cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc tiến hành liên tục ròng rã hơn 30 năm của Việt Nam với những thế lực hùng mạnh nhất trên thế giới, chắc lẽ cũng đã có nửa câu trả lời.


Lê Ngọc Thống/phunutoday

Tên lửa X-35: Vũ khí phòng thủ siêu hạng trên biển Đông


Bài đăng trên vntime.vn

Tại sao Việt Nam lại hợp tác với Nga sản xuất loại tên lửa này? Điều gì sẽ xảy ra khi loại tên lửa này ra lò hàng loạt mang tên Made in Viet Nam?


Vũ khí của các nước trong khu vực giống nhau thì sao?Nếu như các chuyên gia quân sự nước ngoài dễ dàng đoán biết được điều này như thế nào thì để đối phó với X-35 này khó khăn còn gấp bội, nếu không nói là bế tắc.

Trong chiến tranh, sử dụng loại vũ khí trang bị nào không quan trọng. Quan trọng là sử dụng vũ khí trang bị đó như thế nào.

Thế giới hiện đại bước vào toàn cầu hóa thì ngay cả vũ khí trang bị (VKTB) cho quốc phòng cũng toàn cầu hóa. Chỉ trừ các loại vũ khí trang bị mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, các nước sản xuất ra không thể bán, còn lại là đều có thể.

Chẳng ai chẳng ngạc nhiên khi trong khu vực có rất nhiều quốc gia có vũ khí trang bị giống nhau. Chẳng hạn tàu ngầm KILO; máy bay SU-30 của Trung Quốc, Việt Nam, Indonexia vv…hoặc một số loại khác tên nhưng tính năng kỹ chiến thuật thì giống nhau về cơ bản.

Tuy thế, điều này không quan trọng, vì mỗi quốc gia có thế địa lý khác nhau, có học thuyết quân sự khác nhau, có lối đánh, nghệ thuật quân sự khác nhau và do vậy họ sẽ có cách sử dụng vũ khí trang bị khác nhau.

Chẳng hạn như Việt Nam, quân đội hoạt động với mục tiêu duy nhất là bảo vệ Tổ quốc và do vậy tất cả các vũ khí trang bị đều phục vụ cho phòng thủ đất nước. Tàu ngầm KILO hay SU-30 sử dụng cho mục đích phòng thủ sẽ rất khác về nội dung, tư tưởng chiến thuật so với sử dụng nó để tấn công xâm lược.

Tuy nhiên, sản xuất chế tạo ra một loại VKTB nào đó phải hoàn toàn phục vụ cho học thuyết quân sự của mình, thậm chí cho nhu cầu về chiến thuật. Do đó khi xuất khẩu ra nước ngoài thì vũ khí trang bị này có thể là sở trường đối với quốc gia này nhưng lại là sở đoản với quốc gia kia và ngược lại và ngay trong bản thân của một loại VKTB vẫn tồn tại điều này.

Cũng với tàu ngầm KILO: Nếu đi săn đối phương (tìm diệt) thì muốn hay không vẫn xuất hiện tiếng ồn-nguy cơ bị ăn đòn giáng trả. Nhưng nếu KILO chỉ phục kích thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Đây chính là sở trường của KILO mà hệ thống phòng thủ bờ biển nào cũng muốn khai thác và sử dụng để chống xâm lược.

Khai thác sử dụng vũ khí trang bị sáng tạo, độc đáo, cải tiến phát triển cao hơn để đáp ứng với yêu cầu của chiến trường, kết hợp với lối đánh táo bạo luôn là yếu tố bất ngờ cho địch trong chiến tranh.

Năm 1965, đối đầu với không quân Mỹ, MIG-17 của Việt Nam so với F-4 “Con ma” của Mỹ thì “một trời một vực”.

Nhưng với tư tưởng tiến công: “những gì công nghệ không thể thì chiến thuật có thể” ; với tinh thần táo bạo, sáng tạo trong cách đánh, khai thác sử dụng tối đa trang bị hiện có, kết hợp có hiệu quả giữa bộ phận dẫn đường và phi công, MiG-17 vẫn hạ gục F-4.

Năm 1972, Mỹ không nghĩ là tên lửa Liên Xô (bản gốc) viện trợ cho Việt Nam với tới B52 nhưng kết quả cuối cùng ai cũng biết.

Năm 1973, từ ngày 28/1 – 18/7, Quân đội Mỹ thực hiện “chiến dịch nhát quét cuối cùng”, đưa đơn vị tàu hùng hậu Tank Force 78 gồm: 10 tàu quét mìn, 6 tàu kéo, 9 tàu đổ bộ, 3 tàu trục vớt cứu hộ, 19 khu trục hạm và thêm đơn vị trực thăng rà phá ngư lôi CH – 53 tiến vào miền Bắc.

Nhưng kết quả thu được gần như không có gì, điều này làm cho họ ngạc nhiên và tự hỏi tại sao thả thủy lôi với mật độ dày đặc như vậy, khi vào rà phá lại không nổ, trong khi Hải quân Việt Nam lại khiến Mỹ bất ngờ. Ngay cả Trung Quốc và Liên Xô cũng không tin vào sự thật hiển nhiên đó.

Trung Quốc nghi do Liên Xô giúp Việt Nam và Liên Xô ngược lại nghi do Trung Quốc giúp nên Việt  Nam mới làm được điều mà chính Mỹ cũng bó tay.

Một nhà bình luận quân sự ở nước ngoài đã nhận thấy, rằng: “Khi một vũ khí hiện đại vào tay quân đội Việt Nam thì không ai có thể lường được hiệu quả của nó và nó không chỉ dừng ở đó”. Có vẻ như điều này không sai.

X-35: Hải quân Việt Nam như hổ mọc thêm cánh
Tên lửa diệt hạm 3M24 hay X-35 (biến thể xuất khẩu là 3M24E hay X-35E) là tên lửa chống hạm dưới âm, bay sát mặt biển do KTRV phát triển và sản xuất với các biến thể trang bị cho máy bay, trực thăng, tàu nổi (hệ thống Uran/Uran-E) và hệ thống tên lửa bờ biển Bal/Bal-E.

Tên lửa diệt hạm X-35 trong tổ hợp Uran-E - Nhu cầu tất yếu của chiến thuật.
Tên lửa diệt hạm X-35 trong tổ hợp Uran-E - Nhu cầu tất yếu của chiến thuật.

Tên lửa chống hạm dưới âm chiến thuật X-35E có tầm bắn 130 km dùng để tiêu diệt các tàu tên lửa, tàu phóng lôi, tàu pháo, tàu nổi có lượng giãn nước đến 5.000 tấn và các tàu vận tải biển. Nga đã phát triển biến thể cải tiến X35-UE có tính năng cao gấp 2-2,5 lần so với X-35E và tầm bắn 260 km, gấp đôi X-35E.

Trước hết, loại tên lửa này - X-35E hiện là loại vũ khí chống hạm chủ lực trên các tàu chiến mặt nước của Hải quân Việt Nam, kể cả các chiến hạm hiện đại nhất là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ lớp Gepard 3.9 mới được Nga chuyển giao.

Do đó trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, khi tác chiến xảy ra thì không thể thiếu loại tên lửa này.

Thứ hai là loại tên lửa này giá rẻ, nhỏ, nhẹ, nên bố trí nhiều quả trên một phương tiện (dạng tàu hộ vệ tên lửa Monliya lắp 16 quả) và không cần nhiều phương tiện cùng một lúc, rất phù hợp với chiến thuật lấy số lượng áp đảo, lấy nhỏ (nhưng nhiều) đánh lớn (nhưng ít) trong Nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Thứ ba là, do hệ thống điều khiển gọn nhẹ, tổ hợp phóng đạn có kích thước nhỏ, do đó, tên lửa X-35 trên thực tế trở thành vũ khí phi đối xứng, phi tiêu chuẩn do có thể lắp được trong các container nhỏ 20’ trên các loại tàu, thuyền chở hàng cũng như du lịch, hoặc trên các căn cứ nhỏ ven biển, hải đảo nhỏ, nhà dàn.

Điều này có nghĩa là trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ của Việt Nam và trên một bờ biển dài hơn 3000 km đều có thể tồn tại tên lửa X-35. Tên lửa diệt hạm X-35 tha hồ tung hoành, có mặt bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thần thánh.

Nếu như chiến tranh du kích hiện đại trên biển mà Hải quân Việt Nam sẽ tiến hành với sự có mặt của tên lửa X-35…thì chẳng khác nào hổ thêm cánh.

Việt Nam có nhiều loại tên lửa trong trang bị quân đội nhưng tên lửa X-35 là đặc biệt nhất. Nó không phải ở tính hiện đại, bay xa, hay công phá lớn mà đặc biệt ở chỗ nó phù hợp với những lối đánh sở trường, độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Hình ảnh tên lửa đạn đạo VN sắp phối hợp sản xuất:

Việt Nam đang hợp tác với Nga để sản xuất tên lửa chống tàu Uran X-35



Tên lửa X35 có tầm xa phạm vi 300 km. Nó có thể mang đầu đạn nặng tới 300 kg.



Tên lửa được thiết kế để áp dụng cho hoạt động quân sự tại bất kỳ thời điểm nào, trong bất kỳ thời tiết nào, có thể chống lại độ nhiễu và hỏa lực cường độ mạnh nhất của đối phương.



Thông số kĩ thuật tên lửa chống tàu X-35 (Uran 3M24): Tốc độ bay: 1100km/h; Tầm bắn xa nhất: 300km; Tầm bắn gần nhất: 5km; Trần bay trên mực nước biển: 5-10m; Trần bay tiếp cận mục tiêu (giai đoạn cuối): 3-5m; Chiều dài tên lửa:3,75m; Đường kính của tên lửa: 0,4m; Sải cánh tên lửa: 0,9m; Khối lượng đầu đạn:145 - 300kg; Tải trọng phóng: 630kg



Đầu dẫn trên tên lửa X-35 được chưng bày tại triển lãm vũ khí Max 2005.



Tên lửa Brahmos là sản phẩm hợp tác giữa công nghiệp quốc phòng của Nga và Ấn Độ, được phát triển dựa trên tên lửa chống hạm Yakhont của Nga. Hiện nay, Việt Nam cũng đang sở hữu một số tên lửa Yakhont phóng đi từ hệ thống Bastion.



Nếu lực lượng vũ trang Việt Nam được trang bị siêu tên lửa Brahmos, thì sức mạnh quân đội sẽ mạnh hơn, khả năng phòng thủ đuợc bảo đảm và linh hoạt hơn.




Tên lửa BrahMos có tầm bắn đến 290 km, có thể mang đầu đạn nặng 300 kg.




BrahMos có khối lượng toàn bộ nặng 3 tấn, bay nhanh hơn nhiều so với các loại tên lửa Cruiser phổ biến hiện nay của các nước.



Mặc dù là tên lửa không đối không nhưng BrahMos có thể bắn lên từ mặt đất, trên biển, dưới tàu ngầm, và trên máy bay.


Tên lửa Brahmos có nhiều ưu điểm như tầm bắn xa với tốc độ bay siêu âm gấp 2.8 lần tốc độ âm thanh trên toàn quỹ đạo (gấp 3 lần tốc độ của tên lửa Tomahawk của Mỹ), hiện Brahmos là loại tên lửa hành trình có tốc độ cao nhất thế giới.



Loại tên lửa X-35 này được trang bị cho tàu chiến lớp Molniya 1241.8 của Việt Nam




Hải quân Việt Nam đang sở hữu 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya (Project 1241.8).




Hộ vệ Molniya có lượng giãn nước 550 tấn, kích thước 56,1x10,2x2,65m. Tàu lắp động cơ tuốc bin khí cho phép đạt vận tốc 38 hải lý/h.



(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Những thay đổi đáng chú ý về chiến lược tàu ngầm của Trung Quốc



Tàu ngầm hạt nhân Type 095 sẽ giảm tiếng ồn tối đa, trang bị hệ thống phóng thẳng tên lửa hành trình DH-10, có thể trang bị vào năm 2015...
Tàu ngầm hạt nhân Type 095 của Hải quân Trung Quốc được dân mạng lưu truyền.
Công tác nghiên cứu chế tạo tàu ngầm hạt nhân Type 095 và hệ thống phóng thẳng tên lửa hành trình liên quan đã tiến hành được một thời gian tương đối dài. 

Hiện nay, Viện 713 đã có khả năng nghiên cứu chế tạo thiết bị phóng thẳng cho tàu chiến mặt nước (tàu nổi), trong đó thiết bị phóng thẳng HQ16 của tàu hộ tống tên lửa 054A cũng do Viện này nghiên cứu chế tạo.
Gần đây, trang mạng quân sự Trung Quốc đã tiết lộ một thông tin bất ngờ. Theo tiết lộ của tài liệu “Công lớn, đức cao: Kỷ niệm tròn 1 năm sự qua đời của Lưu Hoa Thanh”, năm 2005 chương trình tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba của Trung Quốc được xác định, sử dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba. 

Theo quan điểm này, nếu không có gì bất ngờ, tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba của Trung Quốc sẽ nhanh chóng vén ra bức màn bí ẩn.
Tờ “Bình luận Quốc phòng Kanwa” Canada (Kanwa Defense Review) có bài viết cho rằng, với việc trang bị tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093, tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ tiếp theo của Hải quân Trung Quốc – tàu Type 095 đã trở thành tiêu điểm quan tâm của dư luận.
Thông qua những động thái nghiên cứu phát triển vũ khí mới của Quân đội Trung Quốc những năm gần đây, đặc biệt là đặc điểm nghiên cứu phát triển tập trung coi trọng tên lửa hành trình và vũ khí tấn công của tàu sân bay, có thể phán đoán được ý tưởng thiết kế cơ bản của tàu ngầm hạt nhân Type 095.
Chuyên gia chiến lược Hải quân Mỹ Bill Gertz cho biết, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 của Hải quân Trung Quốc chỉ chế tạo không đến 5 chiếc, sở dĩ làm như vậy là vì, Quân đội Trung Quốc đã tập trung chú ý đến tàu ngầm hạt nhân tấn công mạnh hơn lớp mới.
Tên lửa chống hạm tầm xa YJ-62 của Trung Quốc.
Bill Gertz cho biết, có nguồn tin đáng tin cậy cho biết, công tác thiết kế tàu ngầm hạt nhân tấn công 095 kiểu mới nhất kết thúc vào tháng 3/2007, hiện đã có 3 chiếc đưa vào chế tạo. 

Trên nền tảng 093, tiếng ồn của 095 sẽ tiếp tục giảm đến mức tiếng ồn của môi trường biển (gần 90 db, hay đề-xi-ben), hơn nữa vũ khí của tàu ngầm sẽ mạnh hơn. Việc biên chế loại tàu ngầm mới này sẽ tạo ra mối đe dọa to lớn cho Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.
Phương Tây phổ biến suy đoán rằng, tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 095 sẽ áp dụng tất cả các biện pháp giảm ồn mới nhất. Xét thấy công nghệ cùng loại trên cỗ máy tinh vi của Nhà máy công cụ Thẩm Dương-Trung Quốc, ngay trên tàu ngầm lớp Tống đã bắt đầu áp dụng hệ thống đẩy chân vịt 7 chèo, cho nên tàu 095 mới nhất chắc chắn sẽ áp dụng công nghệ bơm đẩy kiểu mới hơn.
Về vũ khí trang bị, tàu 095 càng có bước nhảy vọt, ngoài trang bị tên lửa chống hạm hặng nặng siêu âm YJ-62 và tên lửa chống tàu ngầm CY-3 tiên tiến hơn, sẽ còn có hệ thống phóng thẳng đứng, có thể phóng tên lửa hành trình tấn công đối đất phóng từ tàu ngầm DH-10 phiên bản cải tiến, tầm phóng của loại tên lửa này có thể đạt 2.000 km, có thể tấn công các mục tiêu tung thâm của đối phương.
Những tranh luận có liên quan đến “tàu ngầm hạt nhân Type 095 có phải phóng thẳng tên lửa hành trình tấn công đối đất hay không” là tiêu chí tối đa phân biệt tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới của Hải quân Trung Quốc với các tàu ngầm hạt nhân tấn công trước đây.
Dựa trên kinh nghiệm trước đây, đặc điểm phát triển của tàu ngầm hạt nhân tấn công của Liên Xô cũ có thể có ảnh hưởng rất lớn đối với Trung Quốc. Nhìn vào truyền thống nghiên cứu phát triển tàu ngầm hạt nhân tấn công, tăng cường khả năng tấn công tầm xa cho tên lửa hành trình của họ là tất yếu.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula của Nga, có tiếng ồn khoảng 115-120 db.
Tư duy tàu ngầm lớp Akula và phiên bản cải tiến Akula-U của Liên Xô cũ trên thực tế gợi mở rất lớn cho Trung Quốc, trang bị tên lửa hành trình tấn công đối đất phóng ngầm SS-N-21 có tầm phóng 3.000 km, là điểm nổi bật nhất của toàn bộ tàu ngầm hạt nhân Akula-U. 

Do sự lạc hậu trong nghiên cứu chế tạo hệ thống phóng thẳng đứng, Hải quân Liên Xô cũ và Nga buộc phải sử dụng ống phóng ngư lôi để phóng tên lửa hành trình tấn công đối đất phóng ngầm SS-N-21.
Tư duy phát triển của Hải quân Mỹ cũng tương đồng, 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược lớp Ohio thậm chí được cải tiến thành tàu ngầm tấn công phóng tên lửa hành trình. Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Sea Wolf và Los Angeles đều có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk.

Điều đáng chú ý là, phương thức phóng tên lửa hành trình trong tương lai đang hướng tới công nghệ phóng thẳng đứng, đây chính là mục đích chính nghiên cứu chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Mỹ. Phía trước của vỏ tàu ngầm Virginia đã lắp đặt 8 hệ thống phóng thẳng đứng, dùng cho phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Trên nền tảng bối cảnh lịch sử này, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095 của Hải quân Trung Quốc chắc chắn không phải ngoại lệ, đó chính là lấy phóng tên lửa hành trình làm nhiệm vụ chính, hơn nữa khi cần thiết sẽ từ phóng ống ngư lôi dần dần quá độ sang phát triển hệ thống phóng thẳng đứng.

Tàu ngầm hạt nhân Ohio Mỹ trang bị tên lửa hành trình.
Viện 713 của Hải quân Trung Quốc nghiên cứu chế tạo vũ khí đồng bộ cho tàu ngầm 095
Nhìn từ góc độ phóng thẳng tên lửa hành trình tấn công đối đất, tên lửa hành trình DH-10 đã công khai trưng bày, rất nhiều dấu hiệu cho thấy, tên lửa hành trình này sẽ thông dụng trong 3 quân chủng, đây cũng là mô hình cơ bản phát triển tên lửa hành trình chiến lược của Mỹ và Liên Xô cũ.
Tên lửa hành trình DH-10 phiên bản phóng từ trên không đã xuất hiện trên máy bay ném bom chiến lược H-6K, thậm chí có tin cho biết, tên lửa hành trình DH-10 của Hải quân Trung Quốc cũng đã hoàn thành công tác cải tiến, mặc dù tin này còn chưa thể xác nhận, nhưng cuối cùng sẽ cải tiến theo phương diện này, tức giống với tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula của Nga.
Đến nay, nhìn vào các bức ảnh công khai của tàu ngầm 093, hoàn toàn không phát hiện được thiết bị phóng thẳng, công nghệ này hiện còn hơi sớm đối với Trung Quốc, vì vậy mặc dù phiên bản cải tiến 093G tương lai phát triển theo hướng này, cũng có thể sử dụng ống phóng ngư lôi 533 mm để phóng tên lửa hành trình DH-10.
Tên lửa hành trình tầm xa DH-10 được dân mạng Trung Quốc lưu truyền.
Đối với tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095, đột phá lớn nhất là ở hệ thống phóng thẳng đứng. Đối với lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc, đây sẽ là tiến bộ vạch thời đại, nhiệm vụ có ý nghĩa phi phàm này do ai đảm đương? Bài viết của Kanwa Defense Review tiết lộ, người đi đầu công nghệ hệ thống phóng thẳng của tàu chiến mặt nước Trung Quốc là Triệu Thế Bình rất có thể trở thành ứng cử viên cuối cùng.
Triệu Thế Bình hiện là thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu dự báo tên lửa chiến lược Hải quân, là thành viên nhóm chuyên gia phóng ngầm tên lửa chiến lược trang bị cho Hải quân. 

Từ lâu, Triệu Thế Bình đã tiến hành công tác thiết kế thiết bị phóng và nghiên cứu công nghệ phóng tên lửa từ tàu ngầm, trước sau đã tham gia công tác tân trang một thiết bị phóng tên lửa đạn đạo “tàu ngầm đối đất” (hay: tiềm đối đất) và nghiên cứu chế tạo một loại thiết bị mang theo tên lửa “tàu ngầm đối hạm” (tiềm đối hạm), 


hai thế hệ thiết bị phóng tên lửa đạn đạo “tiềm đối đất” của Trung Quốc, từng làm người phụ trách kỹ thuật cải tiến thiết bị phóng tên lửa “tiềm đối đất” XX-X, phó kiến trúc sư trưởng thiết bị phóng tên lửa XX-X và người phụ trách kỹ thuật nhiều chương trình trọng điểm công nghệ phóng tên lửa của tàu chiến, hiện là người phụ trách kỹ thuật hệ thống phóng tên lửa hành trình tàu XX, thiết bị phóng thẳng tên lửa hành trình tàu XX.
Hệ thống phóng thẳng của tàu hộ tống 054A Hải quân Trung Quốc.
Qua những thông tin này cho thấy, công tác nghiên cứu chế tạo tàu ngầm hạt nhân Type 095 và hệ thống phóng thẳng tên lửa hành trình có liên quan đã tiến hành được một thời gian tương đối dài. 

Hiện nay, Viện 713 đã có khả năng nghiên cứu chế tạo thiết bị phóng thẳng tàu nổi, trong đó thiết bị phóng thẳng HQ16 của tàu hộ tống tên lửa 054A cũng là do viện này nghiên cứu chế tạo.
Có thừa khả năng đối phó với tàu ngầm mới nhất của Nhật Bản?
Căn cứ vào thống kê của Hải quân Mỹ, Trung Quốc hiện có 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, 6 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công và 53 chiếc tàu ngầm diesel tấn công, tổng cộng có 62 chiếc. Dự kiến đến năm 2020 hoặc 2025, tổng số sẽ tăng tới 75 chiếc.
Cách đây không lâu, cơ quan tình báo Hải quân Mỹ đã đưa ra báo cáo “Hải quân Trung Quốc – Hải quân hiện đại đặc sắc Trung Quốc”, báo cáo cho biết, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095 mới nhất của Trung Quốc được cải thiện về tiếng ồn, nhưng vẫn lớn so với tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula của Liên Xô cũ. 

Tàu ngầm 095 có triển vọng trang bị cho Hải quân Trung Quốc vào năm 2015, mặc dù tiếng ồn vẫn rất lớn, nhưng những tàu ngầm kiểu mới này đã tốt hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Hán và lớp Thương trước đây.
Tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm - Hải quân Trung Quốc.
Mọi người đều biết, tàu ngầm tấn công được coi là “người bảo vệ của tàu sân bay”. Trong cụm chiến đấu tàu sân bay của Hải quân Mỹ, tàu ngầm hạt nhân tấn công thường đảm đương nhiệm vụ cảnh giới và phòng ngự rất quan trọng, bởi vì tàu ngầm có khả năng ẩn náu khá mạnh, có thể đầu tiên phát hiện được tàu nổi và tàu ngầm của đối phương, sau đó nhanh chóng báo động cho cụm chiến đấu tàu sân bay.

Do trong tương lai Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu tàu sân bay, lực lượng chiếm ưu thế hiện nay – lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ đảm đương nhiệm vụ to lớn.
Như phương Tây dự đoán, tàu ngầm hạt nhân Type 095 có nhiều hệ thống sona công suất lớn phức tạp so với tàu ngầm thông thường, có thể phát hiện ra địch trước, khai hỏa tấn công trước. 

Tên lửa săn ngầm CY-3 (Trường Anh-3) kiểu mới nhất, phóng từ tàu ngầm 095, có tầm phóng xa hơn 85 km so với CY-2, tên lửa CY-3 sẽ tiếp tục áp dụng thân đạn của tên lửa hành trình chống hạm YJ (Ưng Kích) và ngư lôi săn ngầm làm đầu đạn.
Đối mặt với sự tấn công của tên lửa chống hạm tầm xa, cho dù là tàu ngầm thông thường AIP kiểu mới nhất của Hải quân Nhật Bản cũng không có hy vọng sống sót quay trở về, sử dụng động cơ AIP chỉ có tốc độ 3 hải lý/giờ, tên lửa săn ngầm thực sự là một mục tiêu bất động, cho dù khi đó hoạt động hết công suất cũng khó thoát. 

Trong tương lai, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095 sẽ còn đảm đương nhiệm vụ quan trọng bảo vệ tuyến đường giao thông trên biển ở Ấn Độ Dương.

Tàu ngầm thông thường AIP của Nhật Bản.
Nhiệm vụ giảm tiếng ồn vẫn nặng nề
Mặc dù tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 mới biên chế cho Hải quân Trung Quốc về mức độ tiếng ồn đã đạt mức tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ, so với tàu ngầm lớp Virginia và Sea Wolf vẫn có khoảng cách, nhưng tàu 093 đã trang bị hệ thống sona phức tạp như tàu Sea Wolf.

Chúng gồm các hệ thống: sona kéo, sona mạn tàu, sona quanh thân tàu, có thể phóng các tên lửa chống hạm phóng ngầm YJ-83, YJ-62 và ngư lôi hạng nặng Y-6, đã áp dụng lò phản ứng hạt nhân kiểu mới, có tốc độ rất cao, đã tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với hải quân các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản.
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc từng cho biết, tính năng giảm tiếng ồn của tàu ngầm hạt nhân 093 còn chưa đạt được trình độ của tàu ngầm hạt nhân lớp Sea Wolf và tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Hải quân Mỹ, nhưng có thể tương đương tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles sau cải tiến.
Cũng có nhà phân tích dự báo, mức độ tiếng ồn của tàu ngầm hạt nhân lớp 093 Trung Quốc đã giảm đến mức tương đương tàu ngầm hạt nhân lớp Akula của Nga, rất có thể khoảng 110 db. Còn tín tiệu tiếng ồn của tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp 094 đã giảm đến khoảng 120 db.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Los Angeles - Hải quân Mỹ, có tiếng ồn 128 db.
Căn cứ vào quan điểm này, tính năng giảm tiếng ồn của tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp 094 còn chưa đạt tới trình độ tương tự tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Hải quân Mỹ, nhưng tương xứng với tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles. 

Tuy nhiên, do thiếu nhiều thông tin hơn, rất khó đánh giá nguồn gốc của những “số liệu” và tính chất có thể so sánh.
Tạp chí “Bình luận Học viện Chiến tranh Hải quân” (Naval War College Review) Mỹ từng có bài viết cho rằng, có thể tưởng tượng, Trung Quốc đã đạt được thành quả khoa học tương đối quan trọng trên phương diện hệ thống đẩy của tàu ngầm hạt nhân.
Rất nhiều nguồn thông tin của Trung Quốc đều cho biết, Trung Quốc có được thành công trên phương diện phát triển lò phản ứng hạt nhân làm mát khí đốt ở nhiệt độ cao, nhưng thiết bị này thích hợp cho sử dụng trên tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới tiếp theo. Tiến bộ này được bên ngoài mô tả là “đột phá mang tính cách mạng”.
Có chuyên gia nói rõ là: “Lò phản ứng làm mát khí đốt ở nhiệt độ cao là công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay, thể tích của nó rất nhỏ, động lực mạnh, đồng thời tiếng ồn rất thấp – đối với tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, đây là một hệ thống đẩy rất lý tưởng. Về điểm này, Mỹ và Nga đều còn chưa có đột phá”.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 của Hải quân Trung Quốc.
Một quan điểm được các chiến lược gia phương Tây phổ biến thừa nhận là, quá trình phát triển hệ thống đẩy động cơ hạt nhân của Trung Quốc có khả năng trở thành tiêu chí tốt nhất phản ánh Trung Quốc có tham vọng trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu thực sự hay không.
Không cần công khai đổi mới ắc-quy hay bổ sung nhiên liệu, nếu tính năng âm thanh tiên tiến và thao tác thích hợp, cho dù không tính tới khả năng chạy liên tục dưới nước, thì tàu ngầm động cơ hạt nhân vẫn là một loại vũ khí tác chiến lý tưởng, đặc biệt là tiến hành tác chiến liên tục ở các vùng biển rộng lớn.
Đối với Trung Quốc, lực lượng tàu ngầm hạt nhân sẽ trở thành một công cụ điều động lực lượng rất có hiệu quả, nó chắc chắn cũng sẽ được Quân đội Trung Quốc lựa chọn thực hiện nhiệm vụ này.
Theo GDVN