Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Nước Mỹ: Sau hai năm cầm quyền của Tổng thống Obama

Cập nhật trên Báo Nhân dân lúc 14:18, Thứ hai, 27/12/2010 (GMT+7)
NDĐT - Lần đầu tiên trong lịch sử chính trường Mỹ xuất hiện một Tổng thống da mầu - ông Barack Obama. Với cương lĩnh “đổi mới nước Mỹ” đã gây ấn tượng mạnh với dư luận trong và ngoài nước. Vì thế, những đánh giá, nhận định “Nước Mỹ: Sau hai năm cầm quyền của Tổng thống Obama” của giới nghiên cứu chính trị và dư luận Mỹ, quốc tế được đặc biệt quan tâm.

1. Những dấu ấn về điều hành đất nước của Tổng thống Obama

Về kinh tế, năm 2009 Mỹ đã tung ra các gói kích thích kinh tế 814 tỷ USD; năm 2010 lại đưa ra các gói 50 tỷ USD cấp tín dụng thuế, 100 tỷ USD cho nghiên cứu, triển khai doanh nghiệp và 600 tỷ USD mua trái phiếu chính phủ… Tổng giá trị của chương trình kích thích nền kinh tế năm 2010 lên tới 900 tỷ USD, sẽ hoàn thành vào quý III/2011 và tiếp tục duy trì lãi suất thấp ở mức 0,25%.

Tháng 7-2010, Mỹ đã thông qua dự luật cải cách tài chính. Theo đó: thành lập Cơ quan bảo vệ tài chính tiêu dùng; thành lập Hội đồng giám sát ổn định tài chính; tăng cường quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động ngân hàng và lĩnh vực giám sát; bảo đảm tính minh bạch và hạn chế rủi ro đối với các sản phẩm chứng khoán phái sinh... Tuy nhiên, kết quả là tỷ lệ thất nghiệp vẫn không giảm, sức mua của người dân dậm chân tại chỗ, thâm hụt ngân sách quốc gia 14% GDP. Theo thống kê mới nhất, quý III/2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,0%, tỷ lệ thất nghiệp là 9,6%.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến đạt 2,7% năm 2010, sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm 2011. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức khoảng 9,2% - 9,5% vào năm 2011. Thị trường nhà đất vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nợ công của Mỹ tiếp tục tăng ở mức báo động. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hiện rất lo lắng về hệ quả của việc FED thực hiện chương trình nới lỏng tiền tệ lần 2 nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Về y tế, năm 2010, Quốc hội Mỹ đã thông qua những thay đổi về mặt kỹ thuật đối với đạo luật cải cách y tế lịch sử trị giá 938 tỷ USD, nâng tổng số dân Mỹ được bảo hiểm lên 95% và thâm hụt ngân sách liên bang sẽ giảm được 138 tỷ USD trong 10 năm tới. Tuy nhiên, đạo luật cũng vấp phải sự chống đối quyết liệt của đảng Cộng hòa vì bị cho là tốn kém và không hiệu quả. Hiện có 38 bang đã tuyên bố sẽ khởi kiện chống lại dự luật cải cách y tế nêu trên.

Về bầu cử Quốc hội giữa kỳ, tại Hạ viện, tương quan lực lượng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ là: 239/186 trên tổng số 435 ghế. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner đã trở thành Chủ tịch Hạ viện, đồng thời phe này cũng nắm giữ cương vị chủ tịch các ủy ban và tiểu ban ở Hạ viện. Quyền kiểm soát Thượng viện vẫn nằm trong tay đảng Dân chủ với tỷ lệ sít sao: 53/47. Đảng Cộng hòa giành được 11 ghế, nâng tổng số ghế thống đốc bang lên 29 và giành lại quyền kiểm soát nghị viện tại 19 bang.

Về chính sách đối ngoại, trong một loạt các vấn đề từ kiểm soát vũ khí, hòa bình Trung Đông và mối quan hệ với thế giới Hồi giáo, chính quyền Obama mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra các định hướng, kế hoạch mới chứ chưa đạt được kết quả cụ thể nào, ngoại trừ việc Thượng viện phê chuẩn START mới tháng 12-2010.

Tỷ lệ ủng hộ Obama trong số những người Arập và Hồi giáo vẫn rất thấp. Nhiều người vẫn cho rằng Mỹ là một siêu cường ngạo mạn, ủng hộ những kẻ độc tài và chuyên quyền ở xứ Arập. Nhà tù Guantanamo vẫn hoạt động, các uỷ ban quân sự vẫn xét xử những kẻ khủng bố và những vụ bắt giữ vô thời hạn vẫn tiếp diễn. Các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan vẫn còn phức tạp, mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan vẫn tiếp diễn.

Với châu Á, chính quyền Obama tiếp tục thực hiện chính sách tái can dự một cách mạnh mẽ, toàn diện. Mỹ ngày càng đánh giá cao vai trò của ASEAN trong khu vực và đã hợp tác chặt chẽ và tích cực.

Đối với khu vực Trung Đông, chính quyền Obama đã đẩy mạnh mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình. Có vẻ như Mỹ đang gia tăng sức ép buộc Israel phải thỏa hiệp và 'ưu ái' đối với Palestine. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn đang rơi vào ngõ cụt, chưa có tiến triển khả quan nào trong tương lai gần.

Đối với Trung Quốc (TQ), thay vì cách tiếp cận “nhún nhường” như năm 2009, Mỹ đẩy mạnh mặt đấu tranh, chơi một số “con bài tủ”, như bán vũ khí cho Đài Loan, tiếp lãnh tụ lưu vong Tây Tạng, áp thuế đối với một số mặt hàng của TQ bán sang Mỹ... Quan hệ quân sự Mỹ-TQ có những giai đoạn bị “đóng băng”. Có thể nói quan hệ Mỹ-Trung đang trải qua giai đoạn thử thách lẫn nhau quyết liệt. Tuy nhiên, sau các vụ tàu Cheonan, tranh chấp Nhật-Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vụ đấu pháo trên bán đảo Triều Tiên… Mỹ đã gặt hái được một số thành công, ít nhất cũng đã khẳng định vai trò “trung gian hoà giải” của Mỹ tại khu vực với “chiến lược can dự trở lại” châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với Nga, chính quyền Obama thực hiện chính sách “khôi phục lại” quan hệ với Nga. Quan hệ song phương được cải thiện một cách tích cực, đánh dấu bằng chuyến thăm Mỹ của TT Nga Medvedev. Tuy nhiên, xét về tổng thể mặc dù quan hệ an ninh giữa hai bên đã được cải thiện qua việc ký kết Hiệp ước START mới, nhưng quan hệ hợp tác kinh tế song phương vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa có bước tiến mới nào mang tính đột phá.

Với đồng minh khu vực Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, năm 2010 quan hệ Mỹ với hai nước này trở nên gắn kết và mạnh mẽ hơn trước qua các hành động chiến lược như mở rộng phối hợp quốc phòng, tăng cường tiến hành các cuộc tập trận chung…

Với các điểm nóng: Bắc Triều Tiên, Iran, Myanmar… chính quyền Obama vẫn bế tắc và chưa tìm ra lối thoát khả quan. Cuộc chiến Afganistan sẽ còn dai dẳng gây cho Mỹ nhiều tổn thất và khó có thể rút quân theo kế hoach do chính quyền của TT Obama đề ra…

2. Dư luận Mỹ và quốc tế sau hai năm cầm quyền của TT Obama

Các cuộc thăm dò dư luận trong nước cho thấy mức độ tín nhiệm đối với cá nhân TT Obama và đảng Dân chủ cầm quyền ngày càng đi xuống. Cuộc thăm dò dư luận do AP/GfK thực hiện từ 11-16.8.2010 cho thấy uy tín của TT Obama ngày càng giảm do cách ông điều hành nền kinh tế. Chỉ có 41% số người được hỏi ủng hộ cách thức điều hành nền kinh tế của ông. Hơn 61% cho rằng nền kinh tế Mỹ dưới sự điều hành của ông Obama vẫn 'dậm chân tại chỗ', thậm chí đang xuống dốc. Có 75% số người tham gia cuộc thăm dò cũng thừa nhận sự mong đợi về một 'bước đột phá' ở nền kinh tế Mỹ trong 18 tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống đã trở thành quá 'xa vời'.

Trong khi đó, cuộc điều tra dư luận do Viện Gallup công bố ngày 1.9.2010 cho thấy trong số các cử tri được hỏi, có 51% ủng hộ đảng Cộng hòa, trong khi đảng Dân chủ chỉ là 41%. Cuộc thăm dò dư luận do CNN/Opinion Research Corporation thực hiện và công bố ngày 7-9-2010 cho biết nhiều người dân Mỹ tin rằng đảng Cộng hòa có thể giải quyết các khó khăn kinh tế hiện nay của đất nước tốt hơn đảng Dân chủ. Có 46% số người được hỏi cho rằng đảng Cộng hòa có thể xử lý tốt hơn những vấn đề ưu tiên trong nước, cao hơn 3% so với số người ủng hộ cách điều hành của đảng Dân chủ. Đối với các vấn đề khác như đối phó với chủ nghĩa khủng bố, nhập cư bất hợp pháp, cuộc chiến tại Afghanistan, đảng Cộng hòa cũng đang tạm giành được nhiều hơn sự ủng hộ. Trong khi đảng Dân chủ đang vượt lên dẫn trước trong vấn đề an sinh xã hội và y tế.

Dư luận Mỹ cũng cho rằng, khó khăn kinh tế là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Mỹ, ngân sách quốc phòng sẽ không được tăng với tỷ lệ như những năm gần đây. Trên bình diện thế giới, TQ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức vị thế siêu cường của Mỹ. Do sức mạnh kinh tế suy giảm, Mỹ sẽ phải dựa nhiều hơn vào các quan hệ đồng minh, đối tác, các nỗ lực đa phương, tập thể để bảo vệ và duy trì các lợi ích sống còn của Mỹ.

Dư luận quốc tế cho rằng trong hai năm đầu cầm quyền, đặc biệt là năm 2010, TT Obama đã ghi được những “điểm vàng” trong chính sách đối ngoại như: rút quân và kết thúc cuộc chiến tại Iraq; khởi động lại chính sách đàm phán hòa bình Trung Đông; sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á; thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, răn đe Iran, tăng cường chống khủng bố ở Afghanistan...

Theo cuộc thăm dò dư luận từ 28 quốc gia trên thế giới do BBC World Service tiến hành từ tháng 7-8-2010, có 19 nước đánh giá Mỹ tích cực, sáu nước đánh giá Mỹ tiêu cực và hai nước còn lại vẫn còn đang chia rẽ. So với năm 2009, quan điểm tích cực về Mỹ đã tăng 21% ở Đức, 18% ở Nga, 14% ở Bồ Đào Nha và 13% ở Chilê. Những đánh giá tiêu cực về Mỹ đã giảm 23% ở Tây Ban Nha, 14% ở Pháp, và 10% ở Anh. Trong khi đó, Đức và Nga nhìn chung vẫn đánh giá tiêu cực về Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, hơn 50% người dân có cái nhìn không mấy tốt đẹp về Mỹ. Xét trong 14 nước được đánh giá (trừ Mỹ), quan điểm tích cực về Mỹ đã tăng từ mức 35% năm 2009 lên 40% trong năm nay.

Các đánh giá tích cực về chính sách của TT Obama chủ yếu về cách thức xử lý vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, song cũng có các đánh giá tiêu cực về cách thức xử lý vấn đề Iran, về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Có 70-80% người ở hơn 10 quốc gia trên thế giới nói rằng Mỹ vẫn có xu hướng hành động đơn phương trong các vấn đề quốc tế và vẫn muốn giữ vai trò lãnh đạo thế giới.


Nguyễn Nhâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét