Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

KỸ NĂNG TRÌNH BÀY CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRƯỚC CỬ TRI

Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử- Ban công tác Đại biểu Quốc hội

1. Tầm quan trọng của việc trình bày chương trình hành động trước cử tri
- Việc trình bày chương trình hành động là cơ hội duy nhất để anh/chị thể hiện mình trực tiếp trước cử tri, anh/chị sẽ không có cơ hội thứ hai.
- Việc chuẩn bị chương trình hành động là công việc trình bày những kế hoạch của anh/chị trên giấy, còn việc trình bày trước cử tri là thể hiện bằng miệng những kế hoạch đó. Khi anh/chị đã xác định các nội dung trên giấy, anh/chị cần phải nói ra các nội dung đó cho cử tri hiểu và chấp nhận. Vì thế, toàn bộ chương trình hành động có thành công hay không là phụ thuộc nhiều vào cái cách mà anh/chị nói trước cử tri.
- Trình bày miệng là một cách vận động bầu cử tốt: anh/chị được trực tiếp nhìn thấy, nói chuyện với cử tri, cử tri cũng trực tiếp nhìn thấy anh/chị, nghe anh/chị nói, đặt câu hỏi và nghe anh/chị trả lời. Nếu anh/chị nói tốt, biết lắng nghe và trả lời đúng vào câu hỏi, điều này sẽ thu hút sự quan tâm của cử tri, làm cho họ hài long với ý kiến hoặc giải pháp của anh/chị.
- Khi trình bày miệng, anh/chị được sử dụng giọng nói, ngữ điệu, âm thanh, ánh mắt, khuôn mặt, cử chỉ…để làm cho bài trình bày hay hơn, được cử tri đón nhận tốt hơn.
2. Làm sao để trình bày cho tốt?
Nội dung bản chương trình hành động là yếu tố quyết định sự thành công của buổi trình bày chương trình hành động trước cử tri. Nội dung đó đã được giới thiệu thành chủ đề riêng. Bên cạnh đó, anh/chị cần chú ý đến những yếu tố sau.
a. Chuẩn bị cho buổi trình bày:
Tìm hiểu về người nghe:
Họ gồm những ai? Thành phần nào? Số lượng bao nhiêu? Từ đó anh/chị nên chọn cách nói phù hợp với đối tượng cử tri chiếm số đông ở buổi gặp mặt.
Các anh/chị chủ yếu đến từ vùng các dân tộc thiểu số, còn nhiều khó khăn hơn các cùng khác về kinh tế-xã hội, cho nên cử tri của các anh/chị cũng sẽ có những đặc điểm của những vùng này và có những mối quan tâm mà chỉ có những vùng đó mới có.
Làm đề cương:
Làm đề cương tóm tắt chương trình hành động để dễ theo dõi khi nói. Anh/chị chỉ cần tập trung vào những vấn đề gì mà cử tri ở khu vực bầu cử của anh/chị cần biết.
Đọc lại bài trình bày, nhìn vào mỗi ý trong bài và tự hỏi: Trình bày như thế này cử tri có muốn nghe không? Trình bày điều này có giúp mình giành được phiếu bầu không? Nếu anh/chị thấy không phù hợp thì hãy thay đổi, nhưng không nên thay đổi những nội dung chính mà chỉ chủ yếu thay đổi cách trình bày.
Tìm hiểu về lịch trình buổi tiếp xúc:
+ Cuộc tiếp xúc diễn ra ngày nào, trong bao lâu?
+ Có bao nhiêu ứng cử viên khác cùng tíêp xúc?
+ Anh/chị được sắp xếp trình bày thứ mấy?
+ Anh/chị có bao nhiêu thời gian để trình bày?
+ Thời gian dành cho phần trả lời các câu hỏi của cử tri?
Tìm hiểu địa điểm, các dụng cụ hỗ trợ cho trình bày:
+ Phòng họp rộng hay nhỏ? Có micro không?
+ Anh/chị được đứng trên bục cao hay ở sàn phòng họp? Có thể đứng hay ngồi để trình bày?
+ Nơi tiếp xúc cách nhà bao nhiêu? Anh/chị sẽ đến đó bằng cách nào?
+ Thời tiết hôm tiếp xúc sẽ ra sao? Ví dụ, nếu mưa to hoặc nắng quá cũng sẽ ảnh hưởng đến không khí và tâm lý của người nghe.
+ Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết cho buổi trình bày
Đoán trước những câu hỏi của cử tri:
Dựa trên bản chương trình hành động mà anh/chị đã soạn, hãy suy nghĩ và đoán trước những câu hỏi cử tri có thể hỏi anh/chị
+ Cử tri sẽ hỏi những câu liên quan chặt chẽ đến lợi ích của họ.
+ Có thể cử tri sẽ chưa tin rằng anh/chị sẽ làm được những điều đã hứa trong bản chương trình hành động, và họ sẽ hỏi kỹ anh/chị làm thế nào để đạt được kết quả.
+ Có khi cử tri hỏi để thử thách tính cách, bản lĩnh anh/chị trả lời như thế nào về những chuyện nóng bỏng hiện nay.
Ví dụ:Nếu biết ông chủ tịch xã nơi anh/chị sinh sống ăn chặn tiền cứu trợ của đồng bào, anh/chị có dám tố giác không? Nếu người khác đứng ra tố giác, anh/chị có dám bảo vệ họ không?
+ Ngoài ra cử tri còn có thể đặt nhiều câu hỏi khác về gia đình và bản thân anh/chị. Nên chuẩn bị trước để trả lời.
Tập trình bày trước để tăng tự tin
+ Nói thử một mình, nói trước bạn bè và gia đình, nhờ họ góp ý và làm theo những góp ý đó nếu thấy hợp lý.
+ Có thể nói trước gương để tự sửa về phong cách, cử chỉ, nét mặt, ánh mắt giao lưu với cử tri; xem lại cách trang phục, trang điểm của mình đã phù hợp chưa.
+ Nếu có máy ghi âm, có thể ghi âm và nghe lại để điều chỉnh tốc độ nói, âm lượng giọng nói, ngữ điệu lời nói; điều chỉnh độ dài của từng phần và toàn bộ bài phát biểu cho phù hợp với lượng thời gian cho phép.
Đến trước buổi trình bày khoảng 15-20 phút để gặp gỡ ban tổ chức, làm quen với cử tri để trấn tĩnh.
b. Trình bày chương trình hành động
Gây ấn tượng ban đầu
- Anh/chị sẽ xuất hiện trước cử tri với hình ảnh như thế nào đề họ có thiện cảm với anh/chị? Ấn tượng ban đầu đến rất nhanh. Chỉ thoáng nhìn, cử tri có thể đoán nhận về khả năng, trình độ văn hóa, tính cách, đạo đức của anh/chị. Hãy cố gắng tạo thiện cảm ban đầu. Vì vậy, những giây phút xuất hiện ban đầu vô cùng quan trọng.
- Vượt qua sự hồi hộp
Nếu thấy lo lắng, hồi hộp thì đó là điều bình thường, hãy thở sâu hoặc uống ngụm nước để trấn tĩnh và nhanh chóng bỏ qua giây phút căng thẳng ban đầu
- Hãy chú ý đến vẻ bề ngoài:
+ Quần áo: Khi lựa chọn quần áo, hãy đặt bản thân vào vị trí người nghe: họ sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy vẻ bề ngoài ăn mặc của anh/chị; tốt nhất hãy mặc tương tự như các cử tri nơi anh/chị đi tiếp xúc. Nên mặc lịch sự, phù hợp, không nên mặc cầu kỳ, không nên mặc quần áo quá chật, quá rộng hoặc mặc khác lạ so với ngày thường.
+ Giầy dép: Không đi giầy dép quá cao; không đi guốc hoặc dép lê; chọn đôi nào mình thấy thoải mái.
+ Kiểu tóc: Nên giữ kiểu tóc bình thường như mọi ngày.
- Phong thái tự nhiên, nhanh nhẹn, thoải mái, tự tin.
- Nét mặt tươi, ánh mắt nhìn thẳng và bao quát một cách chân tình, tin tưởng.
- Dáng đứng tự nhiên, thoải mái, không gò bó, không khép nép; nếu được ngồi phát biểu thì tay nên để một cách tự nhiên trên mặt bàn.
- Đầu giữ tư thế tự nhiên: Không nhìn quá cao lên trần nhà; không nhìn ra ngoài; không nhìn xuống quá thấp.
Cần lưu ý rằng, khi một người đàn ông phát biểu trước đám đông thì mọi người thường lắng nghe ngay, sau đó mới quan sát. Ngược lại, khi một phụ nữ phát biểu thì mọi người thường quan sát trước, lắng nghe sau.
Trình bày miệng trước cử tri:
- Nói theo đề cương đã chuẩn bị sẵn
+ Phần mở đầu: nói ngắn gọn, nhiệt tình nhằm thu hút người nghe
+ Phần chính: Nói kỹ các điểm quan trọng. Nói thực trạng, nguyên nhân, giải pháp. Anh/chị định giải quyết như thế nào các vấn đề mà cử tri quan tâm để họ sẽ bỏ phiếu cho mình.
+ Phần kết luận: Diễn đạt rõ dự định của mình khi sẽ trở thành đại biểu Quốc hội. Cám ơn mọi người đã lắng nghe.
- Bố trí thời gian trình bày hợp lý: thời gian nhiều nhất cho phần nội dung chính; trong đó, thời gian nhiều hơn cho nội dung nào mà cử tri quan tâm nhiều hơn.
- Dành thời gian để trả lời câu hỏi cử tri.
- Chú ý: Không nên xin nói thêm khi đã hết thời gian cho phép.
Kỹ thuật trình bày:
Nên nhớ: Anh/chị trình bày nói chứ không phải đọc bài viết sẵn. Nếu chỉ đọc bài viết sẵn, cử tri sẽ chán, làm mất tính hấp dẫn của buổi trình bày, khiến cho các dự định của anh/chị không được cử tri tiếp nhận đầy đủ. Vì vậy:
- Học thuộc những câu mở đầu để khi bắt đầu không phải nhìn vào đề cương. Nhưng sau đó, có thể thình thoảng liếc nhìn vào đề cương để trình bày, khi quên ý, hãy bình tĩnh lướt nhìn vào đề cương.
- Chú ý giao tiếp bằng ánh mặt, cử chỉ với người nghe.
Sử dụng ngôn ngữ nói:
+ Âm lượng lời nói: Hãy nói đủ to để gây ấn tượng về quyền lực và sự nhiệt tình. Nhưng không nên nói quá to, không nói quá nhỏ, nói vừa đủ để tất cả mọi người trong phòng nghe được và hiểu mình.
+ Giọng nói từ tốn, điềm đạm.
+ Tốc độ nói: Nhiều người nói quá nhanh, vì họ muốn trình bày hết bài phát biểu càng nhanh càng tốt. Đối với những người này, hãy nói chậm hơn so với hàng ngày, điều này sẽ giúp người nghe có thời gian tiếp nhận và suy nghĩ về những gì anh/chị nói. Nói chậm đi cũng giúp anh/chị có chút thời gian để suy nghĩ và để thở, thấy tự tin hơn. Tuy nhiên, nên nhớ rằng thời gian có hạn, nếu nói chậm quá anh/chị sẽ không đủ thời gian trình bày hết nội dung của bài. Bởi vậy, nên giữ tốc độ nói không nhanh quá, không chậm quá. Như đã trình bày ở phần trên, tập nói trước sẽ giúp anh chị làm quen với tốc độ nói thích hợp.
+ Ngữ điệu nói: Không nên nói đều đều làm cử tri thấy chán. Hãy thay đổi ngữ điệu nói để làm cho bài trình bày của anh/chị thêm sinh động. Ví dụ, để cử tri chú ý đến những nội dung quan trọng, hãy nói to hơn, ngừng lại một chút hoặc nhắc lại từ của nội dung đó. Khi sắp kết thúc bài trình bày vẫn phải giữ giọng nói nhiệt tình, sôi nổi. Nói những câu cuối cùng chậm lại, thật rõ ràng.
+ Dùng từ: Dùng từ cẩn thận, tránh gây hiểu lầm, gây tổn thương. Chú ý cả tình cảm chứ không chỉ lý trí. Nên dùng “chúng ta” và “của chúng ta” chứ không nên dùng “tôi” và “các quý vị” (trừ lúc giới thiệu bản thân). Chú ý cách xưng hô, dùng từ phù hợp với cử tri nơi có những sắc thái văn hóa, đặc điểm dân tộc khác nhau. Nếu được, dùng tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số đúng lúc, đúng chỗ cũng có thể gây thiện cảm của cử tri.
Sử dụng điệu bộ, cử chỉ:
+ Chú ý ánh mắt: mắt nhìn thẳng vào cử tri. Nếu anh/chị chỉ nhìn vào một nhóm người nghe thì gây cảm giác rằng anh/chị chỉ chú ý đến nhóm đó mà bỏ quên nhóm khác. Vì vậy, khi nó, hãy đưa ánh mắt bao quát toàn bộ phòng họp, không bỏ sót một góc nào.
+ Nét mặt luôn giữ tươi tắn; có thể nghiêng đầu, gật đầu lúc thích hợp.
+ Không để đôi tay một chỗ gò bó, mà hãy sử dụng tay một cách tự nhiên để nhấn mạnh ý hoặc chuyển ý.
+ Tránh những động tác, cử chỉ buồn cười: che miệng, gãi đầu…Không chống tay vào hông hoặc bỏ tay vào túi áo, không mân mê bút mực, bút chì hoặc micro trên tay. Trong lúc trình bày không cúi xuống để ghi chép hoặc sửa văn bản, không sửa tóc hoặc sửa quần áo.
Tiếp thu và trả lời câu hỏi của cử tri:
- Phần tiếp thu và trả lời câu hỏi cử tri có cái khó là anh/chị sẽ bị động, không biết cử tri sẽ hỏi cái gì. Như đã nói ở phần trên, khi chuẩn bị ở nhà, anh/chị nên dựa trên nội dung của bản chương trình hành động để đóan trước cử tri có thể sẽ hỏi về cái gì, từ đó vạch sẵn câu trả lời. Nếu câu hỏi hoàn toàn mới, không được đoán ra ở nhà, anh/chị hãy giữ bình tĩnh, nhớ lại tất cả những gì mình biết để trả lời.
- Hãy chú ý lắng nghe: tập trung suy nghĩ để nghe cử tri hỏi. Chăm chú nhìn vào người nói thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu. Có thể đôi lúc sử dụng từ đệm khi nghe câu hỏi: vâng, vâng ạ, dạ; hoặc cử chỉ: gật đầu tỏ ý hiểu, cười thông cảm…
- Thái độ tiếp thu vui vẻ, khiêm tốn, luôn giữ nét mặt tươi tắn, không tỏ ra bối rối, không lo sợ, không giận dữ trước những câu hỏi gai góc.
- Nếu không nhớ được, hãy ghi chép nhanh, đầy đủ các câu hỏi, không bỏ sót chi tiết.
- Phân loại trước các nhóm vấn đề để xếp các câu hỏi cùng một nhóm vào với nhau để lúc trả lời đỡ tốn thời gian. Ví dụ, các nhóm vấn đề: pháp luật, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, bản thân… Những câu hỏi nào cùng một nhóm thì trả lời chung một lần.
- Trước khi trả lời nên nói lời cảm ơn cử tri đã nêu ý kiến.
- Trả lời đúng vào câu hỏi, ngắn gọn, rõ rang.
- Chọn những vấn đề đã nắm vững để trả lời trước.
- Những vấn đề không thuộc chức năng, phạm vi giải quyết của mình; những vấn đề khó trả lời ngay thì xin tiếp thu, đề nghị cử tri được để lại nghiên cứu kỹ hơn trả lời sau, hoặc chuyển cho các cơ quan có trách nhiệm trả lời.
- Không nên từ chối trả lời câu hỏi. Nếu không trả lời được, hãy nói rằng: đây là một câu hỏi thiết thực, tôi cũng quan tâm và muốn biết thêm, nhưng hiện nay tôi chưa có đầy đủ thông tin, vì vậy tôi xin được tiếp thu và sẽ cố gắng tìm hiểu thêm vấn đề này.
- Không nên hứa bất cứ điều gì mà mình không thể làm được.
- Khi không còn thời gian trả lời, phải xin lỗi cử tri.
- Cuối cùng, hãy cám ơn cử tri và Ban tổ chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét