Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Trận quyết chiến chiến lược mẫu mực trên sông Bạch Đằng

QĐND - Thứ Bẩy, 23/04/2011, 22:20 (GMT+7)

QĐND- Trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng diễn ra đã trên 700 năm (9-4-1288). Nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị và là một hình mẫu chuẩn mực về nghệ thuật lập, chuyển hóa thế trận, nắm bắt thời cơ, chỉ đạo và thực hành trận quyết chiến chiến lược trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng
Nghệ thuật lập và chuyển hóa thế trận

Trước khi quân Nguyên - Mông vào xâm lược nước ta lần thứ ba, Trần Quốc Tuấn khẳng định với các Vua Trần: Năm nay đánh giặc nhàn! Thực tế lịch sử đã diễn ra đúng vậy. Để có được nhận định đó, vị tướng đã 2 lần cầm quân chiến thắng giặc Nguyên - Mông hiểu rõ về thế mạnh của ta và có quá trình theo dõi sát sao, phân tích, đánh giá chính xác tình hình địch. Về phía ta, sau khi giành chiến thắng trong 2 cuộc chiến tranh trước (1258 và 1285), nội bộ vua tôi nhà Trần trở thành một khối đoàn kết, thống nhất, uy thế của Đại Việt ngày một lớn mạnh trong khu vực khiến nước láng giềng Chiêm Thành phía Nam buộc phải giảng hòa, tướng sĩ một lòng hừng hực khí thế và đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm đánh địch. Thêm vào đó, quân ta nắm lợi thế phòng thủ chủ động, trong khi địch từ xa đến sức cùng lực kiệt, tâm lý lo sợ khi quay trở lại chiến trường đã 2 lần thất bại. Trong lần thứ 3 tiến đánh Đại Việt, đế chế Mông Cổ cũng không còn mạnh như trước do những mâu thuẫn nội bộ và hệ thống cai trị của đế chế này tại các dân tộc khác cũng đang bị lung lay bởi làn sóng nổi dậy khắp nơi.
Nhưng với tham vọng “rửa hận”, đánh nhanh, thắng nhanh, Hốt Tất Liệt vẫn huy động một đội quân hùng hậu với nhiều binh tài tướng giỏi thắng tiến Đại Việt. Biết được ý định của địch, quân ta dưới sự chỉ huy tài tình của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn không tung lực lượng chủ lực đối đầu, thay vào đó phát động chiến tranh nhân dân với các cuộc tập kích nhanh, quy mô nhỏ vào các đơn vị địch. Xét về mặt chiến lược, ngay từ đầu địch đã thất bại. Kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch bị phá sản hoàn toàn. Thêm vào đó, lực lượng của chúng bị hao tổn nặng nề do đi đến đâu cũng bị đột kích.
Không thể thắng nhanh, địch buộc phải chuyển sang tổ chức chiếm đóng một số khu vực, với đại bản doanh ban đầu ở Thăng Long, sau lui về Vạn Kiếp. Một khi buộc phải kéo dài cuộc chiến thì lương thực trở thành vấn đề cốt tử với địch. Tuyến đường biển vận chuyển quân lương đã bị ta khống chế hoàn toàn. Trước đó, đoàn thuyền lương do tướng giặc Trương Văn Hổ chỉ huy bị quân ta đốt sạch ở vùng biển Đông Kênh. Do quân ta đã thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống” từ trước, nên địch phải vơ vét lương thực của dân. Nhưng ngay cả việc cướp bóc của dân cũng không dễ dàng, chúng gặp phải sự phản kháng mãnh liệt và thường phải trả giá rất đắt. Lương thảo thiếu, thời tiết bắt đầu chuyển mùa, liên tục bị quấy đảo, trong khi hầu như chưa thấy bóng quân chủ lực của nhà Trần, quân địch số thì ốm yếu, thương vong, còn phần lớn mệt mỏi, nhụt chí.
Vậy là, sau 4 tháng trời thế trận và so sánh lực lượng trên chiến trường đã có những thay đổi căn bản. Địch từ chủ động lúc ban đầu, nay bị lâm vào thế bị động. Quân ta bằng những trận đánh nhỏ, vừa ở chính diện, vào 2 bên sườn và phía sau lưng địch cùng sự cơ động, né tránh, biến hóa tài tình vừa khiến địch tổn thất không nhỏ, vừa tăng khí thế quyết tâm diệt giặc. Nhận thấy đây là thời cơ có tính bước ngoặt của cuộc chiến, Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh đã quyết định chuyển sang phản công chiến lược để kết thúc chiến tranh.
Nghệ thuật chỉ đạo, điều hành trận quyết chiến chiến lược
Trước tình thế có thể bị tiêu diệt hoàn toàn, Chủ tướng Thoát Hoan cùng với bộ chỉ huy của y quyết định rút quân. Để tránh bị tiêu diệt chúng tổ chức thành 2 đạo quân và rút theo 2 hướng. Đạo thứ nhất theo đường bộ, do Thoát Hoan cầm đầu. Đạo thứ hai rút theo đường thủy gồm có quân kị binh và bộ binh đi hộ tống, do Ô Mã Nhi chỉ huy.
Phán đoán đúng ý đồ của địch, Trần Quốc Tuấn đã tổ chức quân ta thành 2 mặt trận đón lõng đánh địch. Trên bộ, quân ta tổ chức các trận đánh phục kích, truy kích đạo quân do Thoát Hoan chỉ huy bằng nhiều trận đánh trên suốt dọc đường chúng rút qua, gây cho địch nhiều tổn thất và khiếp đảm, buộc chúng phải rút nhanh về nước. Mặt khác, ta thực hiện chiến thuật chia cắt triệt để giữa 2 đạo quân, làm cho chúng không có sự liên lạc và cơ hội chi viện lẫn nhau. Trong khi đó trên đường thủy, Trần Quốc Tuấn cùng bộ chỉ huy của mình nghiên cứu kỹ lưỡng, bí mật chuẩn bị trận địa mai phục tại cửa sông Bạch Đằng để thực hiện trận quyết chiến chiến lược. Như vậy ông quyết định chọn thủy binh địch là đối tượng tác chiến chủ yếu với địa bàn là vùng sông nước ở phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Để cô lập địch, buộc địch phải triển khai rút quân theo kế hoạch của ta, ông cho phá cầu đường, chia cắt giao thông và phục kích dọc 2 bờ sông, khiến 2 cánh quân kị binh của Trình Bằng Phi và Đạt Truật đi hộ tống Ô Mã Nhi phải quay lại hội quân với đạo quân của Thoát Hoan. Quân ta liên tục đánh để vừa kìm giữ địch, vừa buộc đạo thủy quân của Ô Mã Nhi phải rút lui đúng vào nơi ta đã lựa chọn, chuẩn bị và đúng vào thời điểm có lợi nhất cho ta. Lợi dụng sự thiên hiểm của địa hình và do nắm được qui luật của thủy triều vùng Bạch Đằng, Trần Quốc Tuấn cho chặt và cắm cọc nhọn xuống các cửa sông Chanh, sông Kênh và sông Rút, đồng thời bố trí các toán thủy binh và bộ binh của ta đầy đủ khí giới trên những chiến thuyền nhỏ, trên thuyền chứa sẵn chất gây cháy, bí mật mai phục 2 bên bờ sông. Dùng một bộ phận thủy binh và tận dụng sự nhô ra của ghềnh Thác để tổ chức thành một chốt “chặn đầu”.
Đúng như tính toán tài tình của Trần Quốc Tuấn, sáng 9-4-1288, các chiến thuyền của giặc “tiến” vào sông Bạch Đằng. Các chiến thuyền của ta ra khiêu khích và giả thua, bỏ chạy, địch hăng hái đuổi theo. Khi các chiến thuyền của địch rơi vào trận địa mai phục, quân ta bất ngờ tiến công từ 4 phía: chặn đầu, khóa đuôi, từ 2 sườn áp sát và xé lẻ đội hình địch ra thành nhiều mảnh để tiêu diệt. Bị đánh bất ngờ và mãnh liệt, biết không cầm cự được, chúng hốt hoảng lao thuyền ra các cửa các sông Chanh, Rút và Kênh để tháo chạy. Nhưng lúc này thủy triều đã xuống, các bãi cọc nhô lên. Thuyền địch chiếc thì bị cọc đâm thủng, số khác lao xô vào nhau vỡ, gây ra cảnh hoảng loạn chưa từng có. Các thuyền bè của quân ta chứa chất đầy chất cháy và chất nổ, xuôi theo dòng nước liên tiếp lao vào đội hình tàu thuyền địch đang bị ùn tắc. Trận phục kích đường thủy và trận hỏa công đại tài của quân ta đã khiến 400 chiến thuyền lớn bị đánh đắm hoặc đốt cháy, gần 5 vạn binh sĩ của địch bị tiêu diệt hoàn toàn, Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi cùng nhiều tướng giặc bị bắt sống. Trận quyết chiến chiến lược được kết thúc hoàn hảo, chấm dứt mộng xâm lăng của đế chế Mông Cổ đối với Đại Việt.
Chiến thắng Bạch Đằng là chiến công bất hủ của quân và dân Đại Việt. Chiến thắng này gắn liền với tên tuổi của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Chiến thắng này để lại cho chúng ta một số bài học sau:
Thứ nhất, để kết thúc chiến tranh thường phải tổ chức và tiến hành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược.
Thứ hai, muốn tiến hành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược cần phải trải qua các giai đoạn của cuộc chiến tranh để tạo thế, lực và thời cơ. Phải chọn đúng đối tượng tác chiến chủ yếu. Chọn khu vực quyết chiến điểm hợp lý và tạo, lập thế trận hiểm hóc, biết tận dụng và cải tạo thiên nhiên phục vụ cho ý đồ của trận đánh, tức là phải căn cứ vào thế hình để lập thế quân. Phải có công tác chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, tính đến mọi khả năng để có phương án khắc phục.
Thứ ba, trận quyết chiến chiến lược là trận đánh lớn, là một trận tổng hội chiến. Để có được thắng lợi cuối cùng, phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn 2 loại hình chiến tranh: chiến tranh du kích và chiến tranh chính qui. Trận đánh lớn luôn đòi hỏi có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các hướng, các lực lượng, các bộ phận theo một kế hoạch chung vì vậy bộ đội cần được huấn luyện chu đáo đầy đủ theo hướng đó, ngay từ thời bình.
Thứ tư, sông nước (biển) là một trong những yếu tố của môi trường tác chiến cả trong lịch sử và trong tương lai. Vì vậy nghiên cứu những kinh nghiệm tác chiến trên sông, biển không chỉ để tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, mà còn để vận dụng trong bảo vệ biển đảo của Tổ quốc ta trong những điều kiện mới.
TS Tống Văn Bính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét