Cập nhật lúc :2:49 PM, 06/02/2012 trên ĐấtViệt
Chuyên gia phân tích Gary Li: " Tăng cường mua sắm và tự đóng mới theo thiết kế nước ngoài, Việt Nam đang thể hiện những nỗ lực để thu hẹp khoảng cách về sức mạnh quân sự".
(ĐVO) Gary Li, người đứng đầu Trung tâm phân tích và dự báo chiến lược Không quân và Hải quân có trụ sở tại London, Anh đã có bài đánh giá về quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam trong thời gian gần đây. Dưới đây là nội dung bài viết của ông về vấn đề này, được đăng tải trên Defence News. Trong đó, có nhiều thông tin chưa kiểm chứng về dự định hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan về chiến hạm Sigma:
Những bước tiến mới của Hải quân Việt Nam
Ngày 17/1 vừa qua, Việt Nam đã công bố một tàu chiến mới do công nghiệp đóng tàu trong nước tự đóng theo bản vẽ mua từ nước ngoài. Dù, con tàu không thực sự ấn tượng theo tiêu chuẩn của tàu chiến hiện đại, nhưng điều này phản ánh một nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp đóng tàu quân sự trong nước nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.
Giới quân sự phương Tây nhận định, tàu pháo TT-400TP là một nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng cách sức mạnh quân sự.
Việt Nam ở trong một khu vực đang có tranh chấp lãnh hải (biển Đông), nơi được cho là có nhiều nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ. Một số mỏ dầu lớn của Việt Nam như Bạch Hổ dự kiến sẽ khai thác hết vào năm 2020. Nhu cầu tìm kiếm các mỏ mới là cấp bách hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Trung Quốc đã chứng minh họ có thể làm gián đoạn các nỗ lực thăm dò của Việt Nam cũng như các nước khác thông qua sự kết hợp giữa lực lượng hải quân và hải giám. Trên đường phấn đấu xây dựng lực lượng hải quân nước xanh đến năm 2050, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên của mình, bước đầu đưa kế hoạch vào hiện thực. Trước sự phát triển nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc, Việt Nam đã có những khoản đầu tư đáng kể nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, đảm bảo lợi ích của mình.
Trong năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm điện-diesel Kilo cùng với máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 của Nga với giá trị lên đến 3,2 tỷ USD. Hợp đồng này được xem là lớn nhất Việt Nam và cũng là hợp đồng xuất khẩu hải quân lớn nhất của Nga. Cũng trong năm 2011, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận hai tàu hộ tống hợp Gepard-3.9, đây là hai chiếc tàu chiến hiện đại và lớn nhất Hải quân Việt Nam, ngoài ra, 2 chiếc nữa đang được đặt hàng và bắt đầu đóng mới trong năm 2012. Ngoài việc mua vũ khí từ bạn hàng truyền thống là Nga, Việt Nam còn mở rộng nguồn cung sang các nước châu Âu. Cuối năm 2011, Việt Nam và Nhà máy đóng tàu Schelde của Hà Lan đã ký hợp đồng mua 4 tàu hộ tống lớp Sigma. Theo đó, hai chiếc được đóng tại Hà Lan và 2 chiếc còn lại được đóng tại Việt Nam dưới sự giám sát của phía nhà máy đóng tàu Schelde. (Thông tin do tác giả cung cấp, chưa được kiểm chứng - ĐV). Bên cạnh việc tăng cường đội tàu chiến cho hải quân, Việt Nam còn đầu tư mạnh tay cho lực lượng cảnh sát biển. Việt Nam đã mua một số tàu tuần tra cho cảnh sát biển từ Tập đoàn Damen của Hà Lan, trong đó có một tàu tuần tra tải trọng hơn 1.000 tấn có thể mang theo trực thăng. Đây sẽ là chiếc tàu tuần tra lớn nhất của cảnh sát biển Việt Nam, một nỗ lực để tạo sự cân bằng với đội tàu tuần tra của lực lượng Hải giám Trung Quốc.
'Chuẩn bị đầy đủ'
Điều đặc biệt là hợp đồng mua sắm tàu tuần tra từ Hà Lan không hoàn toàn theo kiểu “chìa khóa trao tay”. Các tàu tuần tra nói trên sẽ được đóng tại Việt Nam theo giấy phép dưới sự trợ giúp kỹ thuật từ phía Hà Lan, ngoài ra, Hà Lan còn giúp đỡ Việt Nam thiết lập một trung tâm nghiên cứu hải quân mới, tạo thuận lợi cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp đóng tàu, đặc biệt là đóng tàu quân sự trong nước. Sự giúp đỡ này được xem là một lợi thế lớn của Việt Nam so với Trung Quốc, bởi nước này không thể nhập khẩu vũ khí từ các nước châu Âu, một phần là do lệnh cấm vận vũ khí, một phần lo ngại Trung Quốc có thể sao chép các công nghệ tiên tiến như từng làm với Nga.
Kế hoạch này là một phần trong chương trình giúp đỡ các liên minh chiến lược, đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều mà phương Tây đang làm đối với Ấn Độ. Trong tháng 9/2011, Ấn Độ cho biết sẽ bán tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos cho Việt Nam, đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên với quyết định của công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC công bố kế hoạch cùng với Việt Nam tìm kiếm và thăm dò dầu khí trên biển Đông. Ấn Độ cũng cam kết giúp đỡ Việt Nam xây dựng hạm đội tàu ngầm từ năm 2014. Tuy nhiên, Hải quân Việt Nam chưa có nhiều uy tín như lực lượng truyền thống đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến với Mỹ suốt 30 năm. Sự tăng cường sức mạnh hải quân trong thời gian qua nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia tại biển Đông cũng như đối phó với những nguy cơ đang nổi lên ở khu vực. Kinh phí dành cho hải quân ngày một tăng cao hơn. Việt Nam nắm giữ nhiều đảo và bãi đá ngầm nhất tại quần đảo Trường Sa. Không chỉ vậy, Việt Nam có sự hậu thuẫn lớn từ các lực lượng mặt đất bố trí dọc theo bờ biển, đội tàu tấn công cao tốc và tàu ngầm, máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 có trang bị tên lửa hành trình chống tàu có thể tiến hành tấn công và rút lui an toàn vào các căn cứ dọc theo bờ biển. Chiến lược xây dựng lực lượng của Việt Nam không hoàn toàn giống với Trung Quốc, thay vào đó, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng chiến lược chiến tranh phi đối xứng trên biển, nơi họ có thể kiểm soát tình hình. Đồng thời, ở thế yếu nên Việt Nam cố gắng chứng minh chủ quyền hợp pháp của mình đối với thế giới. Xây dựng chiến lược chiến tranh phi đối xứng, kết hợp với tạo ra các liên minh trên mặt trận ngoại giao tạo cho Việt Nam lợi thế lớn trước các cuộc xung đột nếu có. Tuy rằng, mọi việc vẫn có thể quyết định ở bàn hội nghị, nhưng rõ ràng Việt Nam đang chuẩn bị một cách đầy đủ nhất cả về phương diện quân sự và ngoại giao trước khi ngồi vào bàn hội nghị để thương lượng.
Quốc Việt (theo Defencenews)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét