Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Chiến lược phòng thủ chủ động của Trung Quốc (Phần 3): Chiến lược phòng thủ chủ động và chống thâm nhập của Trung Quốc

Bài đã được đăng trên Itimes.vn

Giới quan sát và các nhà chiến lược Mỹ đã khái quát hóa chiến lược phòng thủ chủ động của Trung Quốc là chiến lược chống thâm nhập và từ chối khu vực, coi đây là chiến lược bao trùm một phạm vi rộng lớn tư duy chiến lược của nước này.
Bài phát biểu của Oriana Skylar Mastro, Đại học Princeton, New Jersey


Các trụ cột chính trong Chiến lược phòng thủ chủ động của Trung Quốc

Khái niệm “phòng thủ chủ động” xuất hiện trong “Cương lĩnh quân sự quốc gia cho thời đại mới” của Trung Quốc. Về cơ bản, đây là những nguyên tắc và định hướng tổng quan phục vụ việc hoạch định và quản lý quá trình phát triển các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Phòng thủ chủ động là một quan điểm thực tiễn trong số những nguyên tắc đó, cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ tham chiến để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước mình. Dưới ánh sáng của những nguyên tắc định hướng này, Trung Quốc đang trang bị các khả năng nhằm chống lại, từ chối, phá hủy và làm chậm lại tốc độ triển khai các lực lượng Mỹ tới chiến trường khi xảy ra xung đột. Bởi vậy, giới quan sát và các nhà chiến lược Mỹ đã khái quát hóa chiến lược phòng thủ chủ động của Trung Quốc là chiến lược chống thâm nhập và từ chối khu vực. Như vậy có thể nói rằng chiến lược phòng thủ chủ động của Trung Quốc bao trùm một phạm vi rộng lớn tư duy chiến lược của nước này.

Chiến lược này được khái quát thành 4 trụ cột chính:

Thứ nhất, về mặt chính trị: Khai thác các điểm yếu hiện hữu về sự hậu thuẫn chính trị và quyết tâm của các nước đồng minh, bạn bè của Mỹ để giữ Mỹ bên ngoài vùng xung đột.

Thứ hai, về mặt địa lý: Gia tăng khoảng cách và thời gian cần thiết để Mỹ huy động lực lượng đến vùng tác chiến.

Thứ ba, về mặt quân sự: Làm suy giảm khả năng quân đội Mỹ tiếp cận vào các môi trường chống thâm nhập.

Thứ tư là tự kiềm chế: Làm cho sự dính líu phải trả một giá đắt tới mức Mỹ không tham gia vào xung đột.

Từ nhiều năm nay, các chuyên gia phân tích Mỹ thường tập trung chủ yếu vào hai khía cạnh là địa lý và quân sự của chiến lược chống thâm nhập. Về trụ cột địa lý, việc các bài viết của Trung Quốc đều tập trung vào chủ đề tấn công mạng cũng như vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh năm 2007 là những dấu hiệu ám chỉ việc tăng cường khả năng làm hạn chế thời gian các lượng Mỹ can dự.

Các nội dung của trụ cột quân sự cũng đã thay đổi trong những năm gần đây. Năm năm trước, có thể Trung Quốc chỉ tập trung áp dụng chiến lược phi đối xứng vào điểm nóng Đài Loan, nhưng dường như họ đang mở rộng logic này sang các xung đột tiềm tàng ở các vùng biển phía Nam và Đông Trung Quốc. Một sự thay đổi lớn nữa trong trụ cột quân sự là tầm với quân sự. PLA hiện đã sở hữu những hệ thống được cho là có thể can dự tới các mục tiêu đối phương nằm cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Các tên lửa của Trung Quốc hiện nay có thể tấn công các mục tiêu bên ngoài cái mà các nhà chiến lược Trung Quốc gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” và thậm chí có thể đe dọa cả “chuỗi đảo thứ hai”.

Các đề xuất giải pháp đối phó của Mỹ

Phản ứng hiện tại của Mỹ đối với những phát triển mới chủ yếu dựa vào triển khai các tên lửa chống tên lửa đạn đạo và phát triển các khái niệm hoạt động như “Tác chiến phối hợp không quân - hải quân” (AirSea Battle).

Nói chung, tôi đồng ý rằng Mỹ nên bảo vệ con người và tài sản trước các cuộc không kích bằng tên lửa nhưng tôi lo ngại chúng ta đang tập trung vào phạm vi quá hẹp là trụ cột quân sự và địa lý trong chiến lược đó của Trung Quốc. Việc tập trung này sẽ nảy sinh vấn đề khi thấy rằng trọng tâm của chiến lược nằm trong binh pháp của Tôn Tử: “Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt”. Câu nói này cho thấy một thực tế rất cơ bản: Đối phó với quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc bằng trang bị thêm máy bay, tàu chiến, vụ khí mới, thậm chí áp dụng những khái niệm tác chiến mới như tác chiến phối hợp không quân - hải quân (AirSea Battle) là cần thiết nhưng những yếu tố đó chưa đủ để giải quyết trụ cột chính trị và trụ cột tự kiềm chế trong chiến lược của Trung Quốc.

Không quá khi nói rằng đây là hai trụ cột quan trọng nhất xét tới thực tế rằng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thất bại quân sự nếu họ có thể đạt được các mục tiêu chính trị.

Chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng khi xung đột xảy ra với Trung Quốc, chúng ta sẽ không thể nào bảo vệ được hết các lực lượng Mỹ và tránh tổn thương cho họ. Các không gian toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục là một môi trường cạnh tranh khốc liệt bất chấp chúng ta có khả năng chống lại các vũ khí và phương tiện mới của Trung Quốc. Chúng ta phải xác định liệu có sẵn sàng hành động trong một môi trường có tính de dọa cao, đặc biệt trong trường hợp xảy ra khiêu khích cấp độ thấp, hay sẽ không chấp nhận rủi ro và rồi rút khỏi cuộc chơi.

Tôi đề xuất các giải pháp, được gọi là các hành động cân bằng:

Hành động cân bằng thứ nhất: Nước Mỹ cần phải học cách chấp nhận rủi ro mà không liều lĩnh. Trung Quốc quá thành thục trong việc làm giảm sút sự tín nhiệm của Mỹ thông qua chiến lược ngoại giao. Rõ ràng Trung Quốc đang mang lại rủi ro cho khu vực, những cố gắng giảm bớt nguy cơ leo thang, dù là một cố gắng cần thiết của Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ không mang lại một sự thay đổi đáng kể nào trong cách hành xử của Trung Quốc.

Hành động cân bằng thứ hai: Chấp nhận khả năng leo thang ở một mức độ nào đó trong khi thúc đẩy được sự ổn định. Để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy Mỹ không phải không tham gia một cuộc xung đột, chúng ta phải chuyển tải thông điện rằng, dưới những điều kiện nhất định, Mỹ sẵn sàng leo thang tới các cấp độ cao hơn của những cuộc xung đột. Dường như điều đó có vẻ không mấy hợp lý, tuy nhiên, khi nào nhận thấy một mối đe dọa có thể leo thang thì Mỹ sẽ ngăn không để xảy ra xung đột vũ trang trước khi nó bùng nổ, hoặc ít nhất cũng giữ ở cấp độ có thể chấp nhận được.

Nước Mỹ cần phải đảm bảo rằng các nỗ lực làm tăng khả năng sống sót của lực lượng Mỹ không nuôi dưỡng nỗ lực của Trung Quốc hạn chế quyền tiếp cận chính trị của chúng ta. Ví dụ: nếu phản ứng của chúng ta trước một môi trường bị đe dọa là bố trí binh lực và phương tiện ra xa vùng tác chiến, mặc dù hành động này có thể làm giảm trụ cột quân sự của Trung Quốc, nhưng lại khiến các nước nghi ngờ về cam kết của chúng ta với khu vực. Tuy nhiên, nếu giữ quan điểm cứng rắn, nghĩa là tăng sự hiện diện quân sự một cách rõ ràng, và như vậy tăng nguy cơ tổn thương, thì Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ bằng cách trừng phạt các đối tác và đồng minh của Mỹ, mà trong số đó nhiều nước phải phụ thuộc vào Trung Quốc như là nước đối tác thương mại hàng đầu.

Hành động cân bằng thứ ba: Can dự mà không bao vây. Các nhà chiến lược Mỹ phải xem xét lại cách thức đóng quân trong khu vực để một mặt, bảo đảm tăng cường quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh, đối tác, đủ độ tin cậy cho Mỹ khuyếch trương sức mạnh nhưng mặt khác cũng giải quyết được mối lo ngại bị kiềm chế của Trung.

Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn chống lại chiến lược phòng thủ chủ động của Trung Quốc thì cùng với các công nghệ mới, phương tiện tác chiến mới và lý luận xung đột mới, thì Mỹ cần phải chấp nhận một mức độ rủi ro mà không liều lĩnh, cho phép một khả năng leo thang nhất định trong khi vẫn giữ được ổn định và thúc đẩy sự can dự mà không bao vây. Như Herry Kissinger từng viết trên tờ Washington Post: “Tránh xung đột nghĩa là hỗ trợ các khát vọng quốc gia đạt được tầm nhìn về một trật tự toàn cầu”./.

Còn tiếp...

Anh Minh (Theo USCC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét