Bài đăng trên 24h.com.vn
Với những cao thủ bây giờ thì họ là những bậc tiền bối, công phu đã danh trấn thiên hạ bấy lâu. Sống dưới chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quãng thời gian mà tinh thần thượng võ bị triệt tiêu tới mức tối đa (phòng ngừa phản kháng), họ đã là cầu nối, đã bôn ba khắp nơi để tầm sư, rèn võ, cứu rỗi cả nền võ thuật Việt Nam trong buổi suy tàn. Dù đến giờ, đa phần đã thành người thiên cổ nhưng tài đức của họ thì vẫn là tiếng thơm để hậu bối noi theo...
Đệ nhất roi Hồ Ngạch và hai lần đánh cướp Dư Đành
Luận về võ công, không thể không nhắc đến đất võ Bình Định, cụ thể hơn là những địa danh như Thuận Truyền, An Vinh, An Thái. Những địa danh trên đã đi vào ca dao, huyền thoại bởi là nơi phát tích, “nuôi nấng” những dòng võ cũng như những võ sư danh trấn thiên hạ.
Đến giờ, tại nơi nghĩa quân Tây Sơn dấy binh đánh đuổi quân thù ấy vẫn còn truyền tụng những câu tục ngữ nói về tinh thần thượng võ của những địa danh này. “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hay “Trai An Thái, gái An Vinh”… Thôn Thuận Truyền nằm ở xã Bình Thuận, thôn An Vinh thuộc xã Bình An (quận Bình Khê), An Thái thuộc xã Nhơn Phúc huyện An Nhơn, giờ vẫn tồn tại rất nhiều những lò võ nức tiếng xa gần.
Roi Thuận Truyền không rõ sáng tổ là ai nhưng từ trước đến nay vẫn tôn vinh tên tuổi của võ sư Hồ Ngạch. Hồ Ngạch tên thật là Hồ Nhu, ông sinh năm 1891, mất năm 1976, nguyên quán thôn Háo Ngãi, xã Bình An, sinh sống tại thôn Thuận Truyền, Bình Thuận. Cha ông là Đốc Năm (Hồ Đức Phổ), một võ quan của triều đình Huế, mẹ ông bà Lê Thị Huỳnh Hà, cũng là một người nức tiếng giỏi võ trong vùng.
Cố võ sư Hồ Ngạch
Bởi thế, ngay từ nhỏ, ông đã được cha mẹ truyền dạy võ công. Lớn lên, ông được gia đình gửi vào lò võ của cao sư Ba Đề, tiếp đến là Đội Sẻ, Hồ Khiêm, toàn những người nổi tiếng. Bởi thế, từ những đường roi của các cao nhân như Ba Đề, Hồ Khiêm kết hợp với nội công học được từ thầy Đội Sẻ đã tạo ra một Hồ Ngạch với những đường công biến hoá, sâu hiểm khôn lường. Theo sự truyền tụng của giới võ lâm khi ấy, đường roi của Hồ Ngạch là tuyệt kĩ vô song. Sau hơn chục năm lăn lộn với côn, quyền tiếng tăm của Hồ Ngạch ngày một vang xa hệt như diều gặp gió.
Hồ Ngạch vốn trầm tĩnh, ít nói và đặc biệt, ông không bao giờ để lộ tài năng võ thuật của mình. Tuy thế, trong đời luyện võ của mình, ông đã để lại rất nhiều giai thoại, đó là những trận so tài với các cao thủ võ lâm có một không hai.
Có lẽ, hữu xạ tự nhiên hương, bởi danh tiếng lẫy lừng, nên Hồ Ngạch thường được những người học võ tìm đến để thi thố tài nghệ. Dân Bình Định đến giờ vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện Hồ Ngạch bị các cao thủ khiêu chiến, thậm chí cả “đánh úp” hết sức lạ lùng. Các cao nhân thử tài với Hồ Ngạch thì nhiều lắm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những trận thư hùng với lực sĩ Dư Đành.
Dư Đành là tướng cướp, về võ công thì đến cả quân lính triều đình khi nghe thấy tên cũng đã hồn xiêu phách tán. Tung hoành khắp vùng không có đối thủ, nghe tiếng Hồ Ngạch, Dư Đành nhiều lần gửi lời khiêu chiến. Chối từ mãi không được, sau cùng Hồ Ngạch cũng phải nhận lời thách đấu. Lần ấy, Dư Đành đem lũ lâu la về tận Thuận Truyền và hống hách đưa ra điều kiện, nếu Hồ Ngạch đấu thua thì phải ra nhập đảng cướp của y.
Vậy là, tại bãi vắng ngay sát thôn Thuận Truyền đêm ấy, một mình Hồ Ngạch đã đánh bại cả chục tên đệ tử của Dư Đành, vốn đều là những cao thủ võ lâm. Khi đám tay chân mỗi tên nằm một góc thì Dư Đành xuất hiện. Phải nói thêm rằng, Dư Đành có sức mạnh chẳng ai sánh kịp. Đã có lần, để diễu võ dương oai, một tay y đã cắp cả một con nghé hệt như người ta nhẹ nhàng bồng trên tay đứa trẻ. Với thanh đao sáng loáng trên tay, vừa xuất hiện là Dư Đành tung đòn tới tấp. Thế nhưng, với đường roi thượng thừa của mình, Hồ Ngạch cũng chẳng hề nao núng. Đánh mãi mà vẫn không tìm được kẽ hở để “ăn sống nuốt tươi” đối phương, Dư Đành thấy máu nóng dồn lên mặt.
Và khi ấy, Hồ Ngạch đã ra đòn tuyệt kỹ. Tránh đòn truy hồn của đối phương, ông nhẹ nhàng tung người đá văng thanh đao cắm xuống đất, đồng thời xoay người giở đòn đánh nghịch. Biết đã vào thế hiểm, tiến thoái lưỡng nan, Dư Đành đành nhắm mắt chờ đường roi sát thủ. Thế nhưng, sau khi tiếng roi vun vút cất lên, Dư Đành đã thở phào choàng tỉnh bởi đường roi vừa chạm áo thì đối thủ đã thu về không đánh nữa.
Trận thư hùng ấy, dù đã nợ Hồ Ngạch một mạng nhưng Dư Đành vẫn không chịu phục. Y rắp tâm kiếm cơ hội trả thù. Bởi thế, một chiều, đang mải mê với những chiêu thức võ thuật thì Hồ Ngạch được mọi người báo tin không biết ai đã đến nương sắn nhà mình và nhổ hết sắn đóng vào những giỏ lớn. Điều lạ lùng là tất cả số sắn đó, kẻ trộm không lấy mang đi mà vẫn để nguyên trên rẫy. Hồ Ngạch đâu biết rằng đó là một âm mưu của Dư Đành.
Ra rẫy, thấy sắn bị nhổ, chẳng còn cách nào khác, Hồ Ngạch đành phải quẩy những sọt sắn trĩu nặng ấy về. Vừa đi được một đoạn thì từ bụi cây bên đường, Dư Đành vọt ra với chiếc bắp cày trên tay. Chẳng nói chẳng rằng, y tung luôn một đường sát thủ. Nghe tiếng gió, Hồ Ngạch vội thụt xuống, đường cày vụt qua đầu, văng thẳng vào cây bồ lời làm thân cây gẫy gập.
Lợi dụng luôn cú đánh hụt ấy, Hồ Ngạch tức tốc áp sát, nhanh như chớp, chụp luôn tay Dư Đành rồi sử dụng thế lạc côn, không những hoá giải mà còn biến sức đối phương thành lực của mình, hất thẳng Dư Đành xuống bụi tre gần đó. Mắc kẹt giữa đám tre gai góc, lúc ấy, Dư Đành mới khẩn khoản xin tha và hứa từ đó không bao giờ dám về làng Thuận Truyền quậy phá nữa.
Tỉ thí võ thuật Nam Hàn vinh danh làng quyền cổ
Sáng tổ của làng quyền An Vinh là Nguyễn Ngạc, tức Hương Mục Ngạc. Theo nhiều người thì bà tổ cô của Nguyễn Ngạc chính là thầy dạy võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bởi thế, Nguyễn Ngạc xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ học.
Tiếp thu sở học của gia đình cũng như nhiều tiền nhân lúc bấy giờ, chuyên tâm nghiên cứu quyền pháp, Nguyễn Ngạc đã sáng tạo ra nhiều tuyệt kỹ điêu luyện, đặc biệt là ngón song xỉ đã nức danh khắp chốn. Quyền An Vinh thiên về đánh hiểm, đánh móc, đánh không hết tay, phản đòn nhanh, liên tục. Khi đánh, thường phải áp sát đối phương mới tìm được lợi thế cho mình. Nguyễn Ngạc có nhiều học trò, họ đều là những võ sư ưu tú, tiếng tăm lừng lẫy. Trong số ấy phải kể đến Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác, Sáu Hà, Tám Tự, Hai Tửu, Hương Kiểm Mỹ…
Bảy Lụt tên thật là Nguyễn An là con trai của Nguyễn Ngạc. Ông sáng dạ, sức khoẻ thì phi phàm, lanh lẹ tựa cọp beo. Năm 1935, Bảy Lụt cùng em mình là Chín Giác và Hương Kiểm Mỹ tham dự giải đấu võ đài toàn quốc tại Huế. Thi đấu thắng hàng loạt đối thủ, ông đã đem về cho làng quyền An Vinh huy chương vàng. Từ đây, danh tiếng về làng võ này đã được các môn sinh khắp nơi biết đến.
Thừa hưởng các bí kíp quyền pháp của cha, không để thất truyền, Bảy Lụt cũng chiêu mộ nhiều đệ tử. Trong số ấy, nổi danh nhất là võ sư Phan Thọ, người gốc Bình Nghi (Tây Sơn) người đã thừa kế di sản đồ sộ của môn phái quyền An Vinh.
Võ sư Phan Thọ sinh năm 1925, bắt đầu học võ từ năm 17 tuổi. Ông bảo, ông là người may mắn bởi được sinh ra ở cái nôi của võ thuật Tây Sơn. Mê võ, thủa thiếu niên, đã nhiều lần ông xin gia đình bán ruộng, bán bò để quyết chí theo đuổi sở thích của mình. Ông được lĩnh hội võ thuật cao siêu của rất nhiều tiền bối. Các bài quyền, roi, kiếm, đao, thương ông học từ thầy Bảy Lụt, Tàu Sáu (Diệp Trường Phát). Các môn kích, gản, phủ, lăn khiên, chuỳ… ông học từ thầy Sáu Hà (Lê Hải). Các môn côn, thước, xích, độc bút, xà mâu, đinh ba… ông lĩnh hội từ thầy Hồ Ngạch.
Tuy thế, sở trường của ông vẫn là quyền, thứ mà ông được thầy Bảy Lụt dày công dạy dỗ. Cũng giống như nhiều võ sư nổi tiếng khác, võ sư Phan Thọ cũng đã có nhiều trận thi tài mà đến giờ nhiều người khi nhắc tới đều vẫn ngả mũ thán phục tài năng.
Ngày ấy, khu vực Nam bộ, Trung Nam bộ rộ lên phong trào thi đấu võ đài theo kiểu tự do. Dù đã thượng đài rất nhiều lần nhưng Phan Thọ vẫn chưa có đối thủ. Tiếng tăm ông mỗi lúc một vang xa. Năm 1972, một võ sư taekwondo đệ ngũ đẳng huyền đai, vốn là một sĩ quan quân đội Nam Hàn đã tìm đến ông gửi lời khiêu chiến. Bị “áp đáo tại gia”, dù mến khách nhưng không có cách nào khác, ông phải nhận lời.
Trận tỉ thí diễn ra ngay trong nhà. Không khách khí, khách tung đòn trước. Đó là một cú đá có sức mạnh kinh hồn. Nhanh như sóc, Phan Thọ cúi người né tránh khiến chiếc cột giữa nhà thành… nạn nhân bất đắc dĩ. Thiết cước ấy làm cả gian nhà rung chuyển. Thủ thế đến chiêu thức thứ ba, khi đối phương vẫn hăng say tung những cú đá nhanh như chảo chớp của mình. Lựa một cú đá quét ngang mặt của đối phương, ông liền giở thế tấn mã tam chiến, một chân quét, một tay đỡ đòn, tay còn lại dương hổ trảo, hạ luôn đối thủ. Chỉ một cú đánh ấy, viên sĩ quan Nam Hàn đã nằm sõng soài ngay góc nhà.
Và, đương nhiên, anh ta chắp tay kính phục. Tuổi xưa nay hiếm nhưng lão võ sư Phan Thọ vẫn phải đứng ra nhận lời thách đấu của giới võ lâm. Khi ấy, năm 1998, một đoàn võ sĩ cũng của Hàn Quốc lại tìm đến nhà ông. Họ cho rằng, võ cổ truyền của Việt Nam chỉ là võ vườn, không có đẳng cấp như taekwondo nước họ.
Tuy đã có tuổi, chẳng còn máu hơn thua nhưng với khi đã chạm đến lòng tự hào dân tộc, lão võ sư lại sắn áo “thượng đài”. Lợi dụng sức trẻ, võ sinh Hàn Quốc ra đòn vun vút. Có cú sát thủ đến nỗi cả mang vữa tường rơi lả tả. Lão võ sư cứ nhẹ nhàng tránh né, hoá giải, chờ cơ hội. Và cơ hội ấy cũng đã đến khi đối phương tung một cú đòn lỡ chớn. Chỉ chờ có vậy, lão võ sư liền cúi người, quét luôn chân trụ. Chỉ một cú đòn ấy, đám khách không mời đã phải chắp tay: “Kung fu Tây Sơn danh bất hư truyền!”.
Long tranh hổ đấu
Năm 1924, làng võ Bình Định xuất hiện thêm một dòng võ mới đó là quyền Tàu. Người sáng lập ra dòng võ này là Tàu Sáu, tên thật là Diệp Trường Phát, sinh năm 1896 tại An Thái. Tuy là người Trung Quốc nhưng gia đình Diệp Trường Phát sinh sống ở An Thái đã được mấy đời.
Hấp thụ tinh thần thượng võ từ An Thái, 13 tuổi, Diệp Trường Phát được gia đình gửi về Trung Quốc để học võ từ các cao sức của Thiếu lâm Bắc phái. Sau 15 năm thụ giáo tại cố hương, 28 tuổi, Diệp Trường Phát trở lại An Thái mở lò dạy quyền Tàu. Đến giờ, dân làng An Thái vẫn truyền tai nhau chuyện thi tài giữa Sáu Tàu và đệ nhất roi Hồ Ngạch. Bởi đó là cuộc thí võ kết bạn nên hai bên đã giao ước không gây thương tích, chỉ dùng mực ghi dấu trên y phục đối phương.
Trước sự chứng kiến của nhiều môn đồ, hai ông giao kèo lấy một tuần nhang là một hiệp đấu. Sau hiệp đấu quyền, khán giả đếm được những vết mực trên áo hai người là như nhau, tuy thế, Hồ Ngạch vẫn chắp tay bái phục Tàu Sáu, thừa nhận mình kém hơn một bậc. Khán giả hết sức ngạc nhiên.
Khi ấy, Hồ Ngạch mới giải thích, các vết mực Tàu Sáu lưu trên y phục mình có phần nhạt hơn. Điều đó chứng tỏ rằng, đường quyền thế cước của Tàu Sáu đã ở mức thượng thừa. Bởi vậy nên ông mới có thể vận hành công lực như ý muốn nên đòn ra mới nhẹ nhàng, dấu mực mới nhạt. Nếu cũng những quyền thế ấy, thi triển hết 12 thành công lực thì sức mạnh sẽ rất kinh hoàng, có thể lấy mạng người trong chớp mắt.
Về côn, tuyệt kỹ của Hồ Ngạch, hai bên cũng quần thảo kinh hồn. Người xem chỉ thấy tiếng gậy va vào nhau chan chát còn bóng người thì lấp loá, mờ ảo. Sau tuần nhang, Tàu Sáu thấy trên người mình nhiều vết mực hơn. Trước đông đảo mọi người, ông đã chắp tay bái phục: “Đoản côn ở Thuận Truyền chỉ có Hồ Ngạch làm chủ!”.
Phiêu bạt tìm thầy
Về tinh thần thượng võ, ham học hỏi của người Việt, bây giờ, cụ Hàn Bái (Lê Bái) sáng tổ Hàn Bái đường, Thiếu lâm Hài Bái vẫn được giới võ lâm hết mực tôn thờ. Lê Bái sinh năm 1889, xuất thân từ một gia đình quyền quý.
Ngày ấy, người Pháp cho xây dựng tuyến đường sắt nối liền Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) với Hải Phòng bởi thế giao lưu đi lại đã thêm bề thuận tiện. Biết Trung Hoa là nơi có nhiều kỳ tài võ học nên Lê Bái đã xin làm Sở Hoả xa tại tỉnh Vân Nam để tìm cơ hội trau dồi võ nghệ. Sau một thời gian nghe ngóng, thấy ở Phúc Kiến có bậc cao nhân từng làm giáo đầu trong triều, Lê Bái đã xin nghỉ việc để tìm lên thọ giáo.
Vị sư phụ ấy họ Lý, tên Quân ở Trung Hoa đã danh vang tứ hải. Thấy Lê Bái khôi ngô, tinh hoa phát tiết, Lý sư phụ mừng lắm, vui vẻ thu nạp làm đệ tử. Thế nhưng, trước khi bái sư, Lý sư phụ muốn thử tài năng của cậu học trò mình. Trước thịnh tình của vị sư phụ Lê Bái cũng chẳng khách khí, xuất luôn chiêu Hắc hổ xuyên tâm, đánh thẳng vào ngực đối phương với dự tính trong đầu, nếu bị hoá giải sẽ tiếp tục dùng thức Thanh xà nhập động sở trường của mình mà tấn công đối thủ.
Thế nhưng, dự tính ấy đã bị vị quyền sư bắt bài. Ông không gạt tay đối thủ mà nhẹ nhàng tóm thẳng cổ tay, giật xuôi theo đà lao của Lê Bái, đồng thời, quét luôn chân trụ của đối phương, hất văng xa ra. Tuy đau đớn nhưng cú đánh ấy làm Lê Bái mừng rơn. Bái biết, đấy đích thị là người thầy mà bấy lâu nay mình tìm kiếm.
Ba năm luyện võ tại nhà Lý sư phụ, Lê Bái đã trưởng thành, tên tuổi cũng đã lừng danh khu Phúc Kiến. Khi ấy, Lý sư phụ đưa cho người đệ tử yêu của mình lá thư tay, nói là quay lại Vân Nam tìm thầy Triệu Quang Chảo, một cao nhân của Thiếu lâm. Theo Lý sư phụ thì tuy là bạn nhưng luận về võ công, so với Quang Chảo, ông chỉ là hậu bối.
Quay lại Côn Minh, Lê Bái tiếp tục những tháng ngày khổ luyện và đến năm 1918 thì trở về quê nhà. Sau một thời gian kỳ bạt giang hồ, dạy võ ở khắ nơi, thọ bệnh, ông mất năm 1928, khi vừa tròn 40 tuổi. Bây giờ, đệ tử của ông, tiêu biểu là đại sư Vũ Bá Oai vẫn tiếp tục sự nghiệp hiển hách, hoằng dương tinh thần thượng võ của vị sư phụ kỳ tài của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét