Tác giả: NHÀ VĂN THĂNG SẮC
Trên thực tế đã từng xẩy ra sự căng thẳng chỉ vì nghi thức lễ tân không khớp nhau do mỗi nước có luật lệ và tình huống khác nhau, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.
>>Ông Vũ Khoan nói về nghề thông ngôn
Trong cuộc trò chuyện tiếp theo giữa nhà văn Thăng Sắc và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nhà ngoại giao kỳ cựu này đã chia sẻ nhiều điều thú vị về hậu trường ngoại giao.
Sự "phá cách" của Hồ Chí Minh
Thưa ông, có ý kiến cho rằng lễ tân kỹ thuật là cần thiết nhưng nó mới chỉ là lễ tân hình thức, chưa có hồn. Theo ông, cái hồn của lễ tân ngoại giao là gì?
Ông Vũ Khoan:- Ngoại giao không chỉ là lễ tân nhưng ngoại giao không thể thiếu lễ tân. Nói nôm na thì lễ tân ngoại giao là như những nghi lễ đón tiếp khách nước ngoài; tổ chức các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo; bảo đảm các nghi thức tiến hành các cuộc tiếp xúc, hội đàm, ký kết, chiêu đãi, mít-tinh, giao lưu, tham quan và cả ma chay nữa...
Nói thì ngắn gọn vậy thôi chứ đằng sau chúng là hàng trăm, hàng nghìn đầu việc cụ thể, tỷ mỉ khác nhau.
Trên thế giới người ta đã viết rất nhiều sách về các nghi lễ ngoại giao; nó trở thành một môn học chính thống trong các trường, lớp ngoại giao. Mình không được đào tạo đến nơi đến chốn về công tác ngoại giao, kể cả công tác lễ tân nên nhiều việc biết được nhờ "học lỏm" qua thực tế và qua sự quan sát xem thiên hạ làm thế nào.
Thực ra lễ tân ngoại giao hiện đại thường tuân theo các nghi thức của phương Tây, bắt đầu từ các nghi lễ cung đình rồi dần rà được "dân chủ hóa", đơn giản hóa và địa phương hóa cho phù hợp với truyền thống của mỗi quốc gia.
Ở nước ta, lễ tân ngoại giao cũng tuân theo các quy định, thông lệ quốc tế nhưng mang nhiều sắc thái Việt Nam. Người để lại dấu ấn sâu đậm nhất về phương diện này chính là Bác Hồ. Nói một cách đơn giản nhất, cái hồn của lễ tân ngoại giao Việt Nam hay lễ tân ngoại giao Hồ Chí Minh chính là "tính nhân văn", " tính con người" (human being); loại bỏ sự quan cách, bệnh hình thức phù phiếm.
Ta đã từng được nghe nhiều về chuyện Bác Hồ mang theo quả táo từ quốc yến của Chính phủ Pháp khoản đãi để cho cháu bé nghèo ở cửa; tự Người vác trên vai tấm thảm do Tổng thống Ấn Độ tặng trên lễ đài cuộc mít tinh với hàng vạn người tham gia để chào mừng Người...
Riêng tôi đã được chứng kiến nhiều cử chỉ "phá cách", đầy tính người của Bác trong các hoạt động ngoại giao. Tôi xin kể vài chuyện mình được mục sở thị:
Mỗi khi sang thăm Liên Xô, Bác thường được bạn bố trí ở biệt thự trên đồi Lênin hoặc ở ngoại ô Moscow. Tất nhiên sự phục vụ ở những nơi đó vô cùng chu đáo và trang trọng. Thế mà Bác lại không cho các cô phục vụ bưng thức ăn cho từng người mà yêu cầu để thức ăn trên nóc tủ buyt-phê, ai muốn ăn gì tự ra lấy, ăn xong tự dọn bát đĩa bẩn vào bếp. Tôi thưa với Bác rằng, bạn rất khó xử vì không bảo đảm nghi thức lễ tân, vả lại tới ăn còn có cả các nhà lãnh đạo Liên Xô. Bác nói, cứ làm như vậy, chắc các đồng chí ấy cũng thông cảm và làm theo. Quả nhiên các nhà lãnh đạo Liên Xô đến ăn cơm với Bác rất vui vẻ làm theo.
Một lần Đoàn đại biểu Quốc hội Bulgary sang thăm Việt Nam. Dẫn đầu đoàn là ông Vưn-cô Tréc-van-cốp, nguyên là Tổng Bí thư BCH TW Đảng sau khi Đ. Đi-mi-trốp từ trần. Sau đận "chống sùng bái cá nhân" do Khơ-rút-sôp phát động, ông Tréc-van-cốp bị thất sủng và đương nhiên tâm tư không được thoải mái lắm. Hơn nữa khi đoàn đi thăm Hải Phòng lại xẩy ra một vụ việc động trời: khi đoàn xe của đoàn dừng lại ở cầu Phú Lương hay Lai Vu gì đó để chờ tầu hỏa đi qua, anh em bảo vệ ta đã lên hết đường tầu để..."giải quyết vấn đề". Tôi cùng ngồi xe với ông bà Tréc-van-cốp (bà đó là em gái Đi-mi-trốp) cùng ông Tôn Quang Phiệt, Phó Chủ tịch Quốc hội. Vừa mở cửa xe ra, thấy cảnh ấy, mặt đỏ như gấc, ông đóng sầm cửa lại và từ đó lầm lì không nói gì nữa. Về Hà Nội tôi báo cáo Bác và các đồng chí lãnh đạo; Bác đã chỉ thị thi hành kỷ luật và thay toàn bộ lực lượng bảo vệ Đoàn.
Sáng hôm sau, sáng tinh mơ tôi trực ở Nhà khách 12 Ngô Quyền được tin Bác xuống. Bác bảo tôi thông báo cho ông bà Tréc-van-côp biết. Khi tôi gõ cửa phòng ông ta thò cổ ra, mặt hầm hầm. Tôi vội thông báo Bác Hồ tới thăm và đúng lúc ấy Bác từ đầu hành lang lững thững tiến lại. Thế là ông bà vội ra đón Bác trong một tư thế vô tiền khoáng hậu về lễ tân ngoại giao: ông ấy vẫn mình trần, chỉ quấn chiếc khăn tắm, còn bà Ma-ri-a Đi-mi-trô-va mặc váy ngủ!
Bác bảo tôi lôi mấy chiếc ghế mây ra sân thượng ngồi cho mát. Yên vị ông Tréc-van-cốp băn khoăn nói: đáng ra tôi phải đến chào đồng chí trước, theo chương trình là chiều nay, sao đồng chí lại đến bất ngờ thế này, vợ chồng tôi chưa kịp chuẩn bị gì cả. Đáp lại Bác nói: ở Việt Nam có câu: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", đồng chí đã từng giảng bài ở Trường Đại học Cộng sản Mat-xcơ-va, còn tôi đã từng đến nghe giảng ở đó, như vậy đồng chí là thầy của tôi, thầy đến nhà, trò phải chào thầy trước. Vả lại em gái nuôi của tôi là cô Ma-ri-a đến thì tôi phải gặp chứ. (Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lúng túng khi phải dịch câu châm ngôn "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" Bác dùng). Sau đó ba người hàn huyên thân tình với nhau; mọi sự bực tức của ông bà đã tiêu tan hẳn.
Cái cử chỉ "phá cách lễ tân" có một không hai đó của Bác vừa thể hiện sự tinh tế đầy tính văn hóa Việt Nam rất con người, trọng tình, trọng nghĩa, không câu nệ lễ nghi, vừa là cách khéo léo trang trải mọi ưu phiền của khách.
- Có lẽ chỉ có Bác Hồ mới có thể "phá cách" như thế ?
Những chuyện "phá cách" như vậy của Bác Hồ thì còn nhiều, khi nào có dịp sẽ chia sẻ tiếp nhé!
Tôi được nghe nhiều vị khách nước ngoài nhận xét rằng, sang Việt Nam luôn cảm thấy thoải mái hơn nhiều so với các nước khác. Trong nhiều nhân tố tạo nên tâm tư đó, theo tôi, có một nhân tố nói ở trên là cách đối xử theo tình người, sự thoải mái, không quá câu nệ lễ nghi.
Tôi sang thăm Trung Quốc rất nhiều lần, trên các cương vị rất khác nhau và nhận thấy lễ tân Trung Quốc chu đáo đến tột cùng nhưng rất gò bó: ở Nhà khách Chính phủ là khu Điếu Ngư Đài thì đôi tay của anh không có việc gì để làm cả: ra cửa có người mở cửa, ra xe có người mở cửa xe, khăn ăn có người trải trên đùi, đi cắt tóc ngay nhà bên cạnh có người dẫn đi dẫn về, bơi thuyền có người đạp xe xung quanh hồ để dè chừng, bơi sông có lưới ở dưới...
Còn ở Việt Nam thì các vị khách, kể cả Hoàng gia, đều được đối xử thân tình, thoải mái, không bị chăm sóc quá mức, và điều này rất hợp với bản tính con người muốn được tự do, thoải mái.Theo dòng "lễ tân Hồ Chí Minh" đó, lễ tân của ta thường thể hiện tinh thần "gần dân".
Ngay trong những năm chiến tranh mỗi khi đoàn nước ngoài tới thăm đều tổ chức cho bạn đi thăm các nhà máy, hầm mỏ, trường học, ruộng đồng, tiếp xúc với những người dân bình thường. Nhiều nước khác cũng làm như vậy thôi song ở ta tôi cứ thấy đoàn với dân không quá xa cách.
Tôi nhớ hồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.Cô-xư-ghin lần đầu tiên sang thăm ta , Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cùng ông đi bơi thuyền ở Hồ Tây, đi thăm HTX Yên sở, ở đó Chủ nhiệm Hợp tác xã đã biếu ông ấy con cá quả rất to để "bồi dưỡng"! (tôi đã phải cố vận dụng vốn tiếng Nga của mình để lột tả nghĩa của từ "bồi dưỡng" rất dân dã đó). Về sau này, khi đã giữ cương vị lãnh đạo tôi luôn đề nghị lễ tân phát huy tính chất ấy.
Tôi xin kể ra đây ba sự kiện.
Khi ta chủ trì Hội nghị cấp cao A-Âu (ASEM), sau Lễ khai mạc, các Trưởng đoàn sẽ phải về Trung tâm Hội nghị quốc tế ở 13 Lê Hồng Phong họp. Lúc đầu lễ tân dự kiến bố trí xe bus chở khách đi nhưng việc này rất lích kích nên tôi đã quyết định tổ chức đi bộ từ Hội trường Ba đình sang, dọc đường bố trí các cháu nữ học sinh mặc áo dài, cầm cờ hoa vẫy chào. Quả nhiên tiết mục ấy đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với cả hai phía: các đoàn và dân ta. Cũng nhân việc này mà cái vườn hoa nhỏ ở Bà Huyện Thanh quan trước đó có lều quán, nhếch nhác đã được dọn sạch sẽ cho tới ngày nay.
Khi ta chủ trì Cấp cao APEC lúc đầu cũng có ý kiến để các cơ quan, trường học nghỉ cho đỡ kẹt đường. Sau khi cân nhắc, lãnh đạo ta đã quyết định cứ để mọi sinh hoạt diễn ra bình thường. Tôi đã góp phần vào quyết định này vì nhớ tới Cấp cao Thượng Hải 2001 bạn đã cho dân trong các khu phố liên quan tới Hội nghị nghỉ việc và đi nghỉ xa dài ngày do đó đi xe giữa một thành phố hiện đại nhưng có cảm giác rất lạnh lẽo, cứ như là đi trong một thành phố vừa bị dội bom nơ-trôn!
Quả nhiên việc các đoàn xe phóng trên đường phố Hà nội giữa lòng người dân vẫn sinh hoạt bình thường, vui vẻ vẫy chào khách đã gây ấn tượng rất tốt với các vị khách vốn bị cô lập ngay cả ở nước mình.
Cái cảnh Thủ tướng Australia chạy tập thể dục quanh Hồ Hoàn Kiếm giữa dòng người dân tập thể dục buổi sáng là một cảnh rất Việt Nam.
- Sợ rằng làm lễ tân "gần dân" như thế rất dễ xẩy ra sơ xuất ?
- Tất nhiên, việc phát huy phong cách "lễ tân gần dân" là điều rất tốt song cũng phải lo sao cho chu đáo, không sơ xuất điều gì. Việc này không dễ chút nào nếu tính rằng, nhiều người dân chưa tôn trọng trật tự đường phố và giao thông, kể cả vệ sinh công cộng, có khi tiểu tiện tùy tiện. Tôi cứ nhớ mãi khi mới từ Liên Xô về Bộ năm 1956, trong một cuộc họp chuẩn bị đón đoàn nước ngoài tới thăm nước ta, ông Vụ trưởng Lễ tân BNG lúc bấy giờ đã phải nhắc lãnh đạo Hà Nội chú ý tình trạng đái bậy! Về sau, khi giữ các cương vị lãnh đạo tôi cũng phải luôn nhắc nhở các ngành, các cấp chú ý chuyện này.
- Thưa ông, ngoài yêu cầu gần dân, lễ tân ngoại giao còn những yêu cầu nào khác?
Một yêu cầu nữa của công tác lễ tân là "giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc". Điều này thường được thể hiện trong 4 việc: ăn, mặc, giải trí và quà tặng.Theo yêu cầu đó, khi thết khách nhất thiết cố đãi đằng một vài món ăn dân tộc để quảng bá văn hóa ẩm thực của dân tộc mình song cũng không nên quá lạm dụng vì cần tính đến cả khẩu vị của khách. Tôi nhớ có lần chiêu đãi ông Đại sứ Xô-ma-li ở Mát-xcơ-va nhân dịp hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, ĐSQ ta cũng thết món "đầu vị" là nem Sài gòn nhưng thấy ông ta cứ ngồi, không chịu ăn. Hóa ra ông theo đạo Hồi nên không thể ăn nem nhân thịt lợn được! Phát hiện ra điều đó, ta phải thết ông ta trứng rán vậy.
Để tránh mọi trục trặc, tốt nhất là chủ động hỏi trước xem khách kiêng món gì để tránh.Một quy luật bất biến là nhất thiết không được thết những món quá "độc" như món "mộc tồn" chẳng hạn. Trên thế giới có lẽ chỉ có dân ta, dân Triều tiên (cả Bắc lẫn Nam) và một bộ phận dân Quảng Đông Trung quốc là khoái món này. Có người "tinh nghịch" ngầm thết khách ăn món thịt chó để "thử"; khi cảm nhận thấy mùi vị lạ, nhất là khi lộ tẩy thì người ta nôn ọe, oán thoán thì thật tệ hại!
Một yêu cầu thết khách nữa là chủ phải nắm được đặc điểm của món ăn đãi khách để có thể giới thiệu được thì mới có tác dụng quảng bá. Ơ Trung Quốc món nào cũng có "lai lịch" rất lý thú, nhờ vậy chủ có đề tài để giới thiệu và làm đầu câu chuyện. Ví dụ món cơm rang Triều châu xuất phát từ câu chuyện Vua Càn Long vi hành xuống Quảng đông; chiều muộn đói bụng vào một quán bên đường nhưng chủ quán cho biết hết cả thức ăn rồi; nhà Vua bèn yêu cầu vét hết mọi thứ còn lại rang lên ăn. Chủ quán đã chiều theo khách, vét hết cơm nguội và ít thức ăn còn lại rang lên và nhà Vua ăn thấy rất ngon miệng, đặt tên là cơm rang Triều Châu! Tiếc rằng ở ta hình như không có truyền thống này.Các nước còn có quốc tửu, thế nhưng ta lại chưa có, cho dù "quốc lủi" rất ngon, hoàn toàn có thể biến thành quốc tửu, còn rượu vang là đặc sản của phương Tây nên có lẽ chẳng dùng vang Đà lạt làm quốc tửu được.Đó là chuyện thết khách, trong ngoại giao còn chuyện mình nên ăn uống thế nào nữa.
Ở ta có câu: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", câu này hoàn toàn có thể trở thành phương châm của ngoại giao. Ở trong rừng ra, từ đồng ruộng lên, mình có biết cách ăn, cách uống lịch lãm theo kiểu ngoại giao, dùng dao dĩa ra sao đâu? Vậy lúc đầu chưa quen, tốt nhất là đừng áp dụng phương châm "ăn đi trước" mà hãy áp dụng câu châm ngôn trên: để ý xem người ta ăn, người ta uống thế nào rồi bắt chước làm theo thì khỏi bị hố. Đây cũng là điều Bác Hồ dậy cán bộ ngoại giao khi Bác đến thăm Bộ.
Cá nhân tôi có 2 chuyện nhớ đời về phương diện này. Năm 1951 chúng tôi được đưa sang Trung Quốc học. Vừa ở trong rừng Việt Bắc sang Nam ninh, tối hôm đó được đưa vào một hiệu Cao lâu đèn nê-ông sáng lòa, bàn trải khăn trắng phau. Người ta bầy lên bàn la liệt thức ăn, trong đó có món đậu phụ nhự (có khi ta gọi là chao) vốn là một đặc sản của Quảng Tây. Tôi gắp cả miếng cho vào miệng thì cay ơi là cay, như ngậm hòn than nóng vào miệng nhưng nuốt không trôi, nhả ra không đặng nên đành chiêu một ngụm nước rồi nuốt chửng.
Còn một lần khác, nhân Hội nghị quốc tế 81 Đảng cộng sản và công nhân ở Mát-xcơ-va năm 1961 tôi được huy động vào phục vụ Đoàn Đảng ta do Bác Hồ dẫn đầu. Mỗi bữa ăn bạn bầy trên bàn đủ sơn hào hải vị và tôi cứ hồn nhiên gắp ăn. Thấy vậy Bác Hồ nhắc: cháu ăn món nào thì ăn hết đĩa đó đi chứ mỗi đĩa gắp một chút thừa ra ai ăn? Từ đó trở đi tôi cứ nhắm món mình ưa thích giã cho hết rồi "chuyển làn" sang món khác.
Trong ngoại giao uống cũng phải rất chừng mực, không thể "dzô,dzô" hay "100%" được vì sẽ mất tư thế, thậm chí có thể để xẩy ra sơ xuất ngoại giao. Hồi mới ra làm việc tại ĐSQ nước ta ở Mát-xcơ-va, một lần ĐSQ Mông Cổ tổ chức liên hoan giữa 4 ĐSQ XHCN ở châu A là Việt Nam, Trung Quốc, Triều tiên và Mông Cổ. Một anh cán bộ ĐSQ ta ngà ngà say rồi ngủ gà ngủ gật, tay cầm cốc rượu cứ thế rót vào...đùi bà Mông Cổ ngồi bên cạnh! Giữ ý, bà ta cứ ngồi yên cho tới khi chén rượu cạn mới nhẹ nhàng đứng lên ra ngoài. Bà ấy ứng xử đúng là ngoại giao.
Về mặc thì cho tới nay ta cũng chưa định hình được quốc phục trong khi tất cả các nước trong ASEAN và nhiều nước khác đã có. Hồi anh Sáu Dân làm Thủ tướng cũng đã nêu vấn đề này, thậm chí đã cho thiết kế và trưng bầy nội bộ song không thành vì lắm ý kiến quá. Có thời Bộ Ngoại giao đã phải sáng chế ra "quốc phục" cho các đại sứ ta trình quốc thư: đó là chiếc áo hao hao như áo Tôn Trung Sơn của Trung Quốc (tức áo cổ cao, cài kín) do đó báo chí phương Tây đã bình luận rằng, ngay cả ăn mặc ta cũng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Sau ta đã phải bỏ kiểu "quốc phục" này, khi cần thì đi thuê áo đuôi tôm (smoking) vậy. Năm 2007, khi tôi sang Nhật nhận Huân chương "Mặt trời mọc" của Nhật hoàng, ĐSQ nước ta cũng đã phải thuê cho tôi một bộ như vậy.
Nước chủ nhà thường tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ để giới thiệu văn hóa nước mình, đồng thời để tỏ lòng mến khách đôi khi điểm vài tiết mục hát múa dân tộc của nước đoàn đến thăm. Vấn đề là nội dung, chất lượng và liều lượng làm sao cho thích hợp. Đương nhiên những tiết mục "đinh" phải mang đậm bản sắc dân tộc song chẳng nên tham trình diễn những tiết mục dài lê thê, khó hiểu, làm cho khách mỏi mệt mà nên xen lẫn những tiết mục hiện đại, sôi động. Còn những tiết mục cốt để "khoe" rằng ta cũng hiểu biết nền văn hóa của khách thì cũng chẳng nên lạm dụng vì làm sao ta có thể trình diễn hay hơn nghệ sỹ của họ được?
Về thời lượng buổi biểu diễn thì không nên tham lam, quá kéo dài. Sở dĩ đề cập chuyện này vì tôi đã từng vấp phải những thiên hướng như vậy mỗi khi xét duyệt các chương trình nghệ thuật. Tôi nhớ mãi Cấp cao ASEM-5: anh em Bộ Văn hóa đã chuẩn bị tiết mục các em thiếu nhi múa hát trước mặt các vị trưởng đoàn ngồi trên Đoàn Chủ tịch. Thấy cảnh các cháu mồ hôi nhễ nhại, son phấn chảy ròng ròng, các tiết mục cũng không có gì là " đặc sắc dân tộc" cả nên tôi đã đề nghị bố trí một dàn kéo violon ăn mặc lịch sự, biểu diễn một bài nhạc Việt Nam, một bài kinh điển của Betthoven vừa nhẹ nhàng, vừa lịch lãm, vừa thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông-Tây đúng với tinh thần Á-Âu.
Quà tặng trong ngoại giao cũng phải mang sắc thái dân tộc, đồng thời phải bảo đảm chất lượng cao. Mặt khác khi tặng quà cần nắm được truyền thống và luật lệ của mỗi nước. Một thời ta hay tặng đồ sơn mài, nhiều khi là hàng chợ; chất lượng nghệ thuật rất thấp đã dành, chất lượng về mặt kỹ thuật vô cùng tồi. Một lần tôi gập Thượng nghị sỹ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa M'Caine (từng bị ta bắn rơi ở hồ Trúc bạch, sau được bầu làm TNS, có lúc đã ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ); khi chia tay, ông đề nghị tôi nán lại một chút rồi đi vào phòng bên lấy ra một bức tranh sơn mài Việt Nam đã cong vênh rồi nói: các bạn nên chú ý chất lượng quà tặng, tôi hiểu Việt Nam thì không sao, nếu là người khác thì không hay! Thật tình tôi ngượng chín cả mặt, chỉ còn biết hứa sẽ để ý việc này.
Luật lệ ở một số nước rất ngặt nghèo trong việc nhận quà biếu của nước ngoài. Khi đi tiền trạm cho anh Sáu Dân sang thăm Singapore để bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, lễ tân của bạn dặn tôi rằng, các ông đừng mang theo tặng phẩm vì sau khi nhận chúng tôi phải làm thủ tục nộp hết cho Bộ Tài chính, muốn giữ lại thì phải bỏ tiền ra mua nên rất phiền toái! Đối với những nước như vậy thì cùng lắm chỉ nên tặng quyển sách tranh phong cảnh hay tranh nghệ thuật nước ta là đủ, còn đối với những nước phương Đông như Trung Quốc, Nhật hay Hàn Quốc thì lại nên có quà, chủ yếu là những đồ thủ công mỹ nghệ đẹp bền, còn đối với các nước theo đạo Hồi thì chớ tặng tranh vẽ người, động vật.
Nói chung, trong lễ tân ngoại giao, để bảo đảm cho mọi việc trôi chẩy có lẽ cần tuân thủ hai phương châm cơ bản; một là, phải có kế hoạch rất tỷ mỉ và phải kiểm tra kỹ lưỡng từng ly từng tí một, xểnh ra là "sai một ly đi một dặm", có thể để lại những hệ quả khôn lường; hai là, cố dự liệu nhiều phương án khác nhau, kể cả tình huống xấu nhất, bất ngờ nhất để có sẵn phương án xử lý.
Ba chuyện cười ra nước mắt
Nếu kể ra những chuyện cười ra nước mắt về lễ tân mà tôi đã gập phải trong đời để rút ra những phương châm ngắn gọn nói trên có lẽ phải mất hàng trăm, hàng nghìn trang giấy. Để xả hơi, tôi xin kể ra đôi ba chuyện.
Năm 1956 ở Hung-ga-ri nổ ra cuộc nổi loạn. Với sự trợ giúp của Liên Xô, một chính quyền mới được thành lập bao gồm chủ yếu là các nhà lão thành cách mạng đã từng tham gia cuộc Cách mạng năm 1918 ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga. Sau khi tình hình tạm ổn, một đoàn đại biểu cấp cao của chính quyền mới do Thủ tướng Ferenc Munich dẫn đầu đi thăm các nước bạn bè để cảm ơn, trong đó có nước ta. Lúc đó ở ta chưa có phiên dịch tiếng Hung nên phải dùng phiên dịch tiếng Nga và tôi được cử đi phục vụ đoàn. Đoàn xuống thăm Hải phòng rồi ra Quảng ninh; cùng đi có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lãnh đạo Hải phòng đã mở tiệc chiêu đãi đoàn và đương nhiên có món hải sản là cá hấp maionese. Chính món này là tác nhân làm cho cả đoàn bị...tháo tỏng, trừ ông trưởng đoàn thoát nạn vì ông không ăn cá. Tới Quảng ninh, tình hình nghiêm trọng đến nỗi không còn đủ chỗ để đi ngoài (lúc ấy Khách sạn Hạ Long chỉ có nhà xí công cộng ở đầu hồi), đành phải đặt ngửa chiếc bàn ping-pông rồi đổ tro lên để mọi người chổng mông ngồi xung quanh xả ra. Từ đó tôi rút ra kinh nghiệm là không bao giờ nên mời khách ăn những món "đặc sản", nhất là hải sản lại để trong tủ lạnh.
Năm 1973 tôi theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh qua Moscow sang Paris dự lễ ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Khi ra sân bay Vnukovo, chúng tôi ngồi mãi trên máy bay nhưng không thấy cất cánh mà bên sân bay Orly sẽ có rất nhiều quan chức, phóng viên, bà con Việt Kiều... tập hợp để đón đoàn; sang chậm có thể gây ra những sự đồn đoán bất lợi. Ông Trinh bảo tôi xuống máy bay xem có chuyện gì trục trặc; khi tôi xuống thì các ông lãnh đạo ĐSQ cứ lảng đi, một mực không muốn nói chuyện với tôi. Phải gặng hỏi mãi mới biết anh cán bộ lãnh sự của ĐSQ đi lấy hộ chiếu tại ĐSQ Pháp tới nay vẫn chưa thấy ra sân bay và không biết làm cách nào liên lạc được (lúc đó chưa có điện thoại di động). Tôi lên máy bay báo cáo ông Trinh về ngọn nguồn. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy "giận tím mặt" là thế nào!
Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Firubin trực tiếp gọi điện thoại hỏi Đại sứ Pháp thì được trả lời rằng, đã cấp visa từ sáng sớm rồi; còn ông Phó Ban thứ nhất Ban Đối ngoại TW Đảng Rakhmanin chỉ thị cho công an kiểm tra xem có xe ngoại giao nào mang số 84 là số của ĐSQ Việt Nam bị nạn không thì được trả lời là không. Ông Rakhmanin phải lên máy bay nói chuyện trên trời dưới đất với ông Trinh để ông ấy đỡ sôi me. Hàng tiếng sau mới thấy anh cán bộ lãnh sự ĐSQ hớt hải chạy ra đưa vội hộ chiếu cho đoàn. Hóa ra anh ta đi nhầm sân bay, thay vì ra sân bay Vnukovo thì anh ta đã ra sân bay quốc tế Sheremetievo cách đó hơn 100 km mà đường mùa Đông đầy tuyết phải mất hàng tiếng đồng hồ mới sửa được sự nhầm lẫn tai hại của mình!
Câu chuyện tầy đình này càng cho thấy bao giờ cũng phải nắm rất rõ địa chỉ nơi mình đến.
Trong lần đi dự Hội nghị quốc tế thông qua Định ước để bảo đảm cho Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam tôi lại gặp trục trặc với ĐSQ ta ở Moscow. Số là lúc đó sắp đến Tết ta, ông Trinh yêu cầu mang theo 5 cành đào để tặng cho 2 Đoàn cũng như cơ quan đại diện ngoại giao miền Bắc và miền Nam, bà con Việt Kiều ở Paris. Đích thân tôi mang những cành đào đó lên máy bay ở Hà Nội nhưng đến Paris chỉ còn 3 cành! Vậy đi đâu mất 2 cành, chẳng nhẽ rơi ra ngoài trời à? Tôi bèn đánh telex sang Moscow hỏi; quả nhiên ĐSQ ở đó đã tự ý lấy 2 cành cho 2 cơ quan đại diện ở Liên Xô mà không hề báo cáo Đoàn.
Lại nữa, sang tới nơi thấy mất vali của một đồng chí đại tá của ta sẽ từ Paris vào Sài Gòn để tham gia Ban liên hiệp đình chiến. Hỏi ra mới biết ĐSQ ta ở Moscow đã lấy nhầm vali của anh ta vì nghĩ rằng đó là hành lý của một anh cùng tên đi nhờ máy bay! Để kịp cho đồng chí đại tá rời Paris đành phải mua quần áo mới.
Năm 1991 sau khi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm và tôi sang thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham sang đáp lễ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc sang ta. Đương nhiên ta rất coi trọng chuyến thăm, vả lại quan hệ Việt - Trung còn đang trong quá trình bình thướng hoá trở lại sau hơn một chục năm sóng gió, do đó ta càng chuẩn bị chu đáo. Dè đâu đang hội đàm thì điện tắt phụt, Nhà khách 12 Ngô Quyền lại không chuẩn bị sẵn máy nổ nên phải dừng hội đàm mất một lúc khá lâu, chúng tôi tái cả người, không biết bạn có hiểu lầm không? Sau đận đó đành phải cách chức anh chàng phụ trách Nhà khách.
Những chuyện như vậy thì không sao có thể lường trước được; bí quyết chỉ là phải hết sức tỷ mỷ, kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần đối với mọi việc, dù là nhỏ nhất, cố hình dung và dự tính các tình huống khác nhau trong khả năng có thể; nếu xẩy ra những tình huống bất ngờ thì nhanh trí xoay xở mà thôi.
Đó là những chuyện sơ xuất của ta, còn phía bạn cũng có khi sơ xuất. Đã từng xảy ra trường hợp bạn cử quốc ca của chính quyền Sài Gòn đón đoàn miền Nam của ta chỉ vì ở xa, không có thông tin, ta lại chưa có cơ quan đại diện tại chỗ, không có đoàn tiền trạm sang.
Những nghi thức lễ tân có khi phản ánh thái độ chính trị nhưng có khi chỉ là sơ xuất kỹ thuật, vô tình hay do thông lệ của bạn khác của ta, ta chẳng nên quá câu nệ ảnh hưởng đến quan hệ ở tầm quốc gia. Trên thực tế đã từng xẩy ra sự căng thẳng chỉ vì nghi thức lễ tân không khớp nhau do mỗi nước có luật lệ và tình huống khác nhau.
Có lẽ Bộ Ngoại giao ta nên tổ chức cho anh chị em trong ngành, nhất là các đồng chí đã nghỉ hưu viết lại những mẩu chuyện "cười ra nước mắt" ấy không chỉ để cười vui mà chủ yếu để các thế hệ hiện nay và mai sau rút kinh nghiệm.
Cám ơn ông Vũ Khoan đã "bật mí" nhiều "bí kíp" của công tác lễ tân ngoại giao.
Trên thực tế đã từng xẩy ra sự căng thẳng chỉ vì nghi thức lễ tân không khớp nhau do mỗi nước có luật lệ và tình huống khác nhau, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.
>>Ông Vũ Khoan nói về nghề thông ngôn
Trong cuộc trò chuyện tiếp theo giữa nhà văn Thăng Sắc và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nhà ngoại giao kỳ cựu này đã chia sẻ nhiều điều thú vị về hậu trường ngoại giao.
Sự "phá cách" của Hồ Chí Minh
Thưa ông, có ý kiến cho rằng lễ tân kỹ thuật là cần thiết nhưng nó mới chỉ là lễ tân hình thức, chưa có hồn. Theo ông, cái hồn của lễ tân ngoại giao là gì?
Ông Vũ Khoan:- Ngoại giao không chỉ là lễ tân nhưng ngoại giao không thể thiếu lễ tân. Nói nôm na thì lễ tân ngoại giao là như những nghi lễ đón tiếp khách nước ngoài; tổ chức các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo; bảo đảm các nghi thức tiến hành các cuộc tiếp xúc, hội đàm, ký kết, chiêu đãi, mít-tinh, giao lưu, tham quan và cả ma chay nữa...
Nói thì ngắn gọn vậy thôi chứ đằng sau chúng là hàng trăm, hàng nghìn đầu việc cụ thể, tỷ mỉ khác nhau.
Trên thế giới người ta đã viết rất nhiều sách về các nghi lễ ngoại giao; nó trở thành một môn học chính thống trong các trường, lớp ngoại giao. Mình không được đào tạo đến nơi đến chốn về công tác ngoại giao, kể cả công tác lễ tân nên nhiều việc biết được nhờ "học lỏm" qua thực tế và qua sự quan sát xem thiên hạ làm thế nào.
Thực ra lễ tân ngoại giao hiện đại thường tuân theo các nghi thức của phương Tây, bắt đầu từ các nghi lễ cung đình rồi dần rà được "dân chủ hóa", đơn giản hóa và địa phương hóa cho phù hợp với truyền thống của mỗi quốc gia.
Ở nước ta, lễ tân ngoại giao cũng tuân theo các quy định, thông lệ quốc tế nhưng mang nhiều sắc thái Việt Nam. Người để lại dấu ấn sâu đậm nhất về phương diện này chính là Bác Hồ. Nói một cách đơn giản nhất, cái hồn của lễ tân ngoại giao Việt Nam hay lễ tân ngoại giao Hồ Chí Minh chính là "tính nhân văn", " tính con người" (human being); loại bỏ sự quan cách, bệnh hình thức phù phiếm.
Ta đã từng được nghe nhiều về chuyện Bác Hồ mang theo quả táo từ quốc yến của Chính phủ Pháp khoản đãi để cho cháu bé nghèo ở cửa; tự Người vác trên vai tấm thảm do Tổng thống Ấn Độ tặng trên lễ đài cuộc mít tinh với hàng vạn người tham gia để chào mừng Người...
Riêng tôi đã được chứng kiến nhiều cử chỉ "phá cách", đầy tính người của Bác trong các hoạt động ngoại giao. Tôi xin kể vài chuyện mình được mục sở thị:
Mỗi khi sang thăm Liên Xô, Bác thường được bạn bố trí ở biệt thự trên đồi Lênin hoặc ở ngoại ô Moscow. Tất nhiên sự phục vụ ở những nơi đó vô cùng chu đáo và trang trọng. Thế mà Bác lại không cho các cô phục vụ bưng thức ăn cho từng người mà yêu cầu để thức ăn trên nóc tủ buyt-phê, ai muốn ăn gì tự ra lấy, ăn xong tự dọn bát đĩa bẩn vào bếp. Tôi thưa với Bác rằng, bạn rất khó xử vì không bảo đảm nghi thức lễ tân, vả lại tới ăn còn có cả các nhà lãnh đạo Liên Xô. Bác nói, cứ làm như vậy, chắc các đồng chí ấy cũng thông cảm và làm theo. Quả nhiên các nhà lãnh đạo Liên Xô đến ăn cơm với Bác rất vui vẻ làm theo.
Một lần Đoàn đại biểu Quốc hội Bulgary sang thăm Việt Nam. Dẫn đầu đoàn là ông Vưn-cô Tréc-van-cốp, nguyên là Tổng Bí thư BCH TW Đảng sau khi Đ. Đi-mi-trốp từ trần. Sau đận "chống sùng bái cá nhân" do Khơ-rút-sôp phát động, ông Tréc-van-cốp bị thất sủng và đương nhiên tâm tư không được thoải mái lắm. Hơn nữa khi đoàn đi thăm Hải Phòng lại xẩy ra một vụ việc động trời: khi đoàn xe của đoàn dừng lại ở cầu Phú Lương hay Lai Vu gì đó để chờ tầu hỏa đi qua, anh em bảo vệ ta đã lên hết đường tầu để..."giải quyết vấn đề". Tôi cùng ngồi xe với ông bà Tréc-van-cốp (bà đó là em gái Đi-mi-trốp) cùng ông Tôn Quang Phiệt, Phó Chủ tịch Quốc hội. Vừa mở cửa xe ra, thấy cảnh ấy, mặt đỏ như gấc, ông đóng sầm cửa lại và từ đó lầm lì không nói gì nữa. Về Hà Nội tôi báo cáo Bác và các đồng chí lãnh đạo; Bác đã chỉ thị thi hành kỷ luật và thay toàn bộ lực lượng bảo vệ Đoàn.
Sáng hôm sau, sáng tinh mơ tôi trực ở Nhà khách 12 Ngô Quyền được tin Bác xuống. Bác bảo tôi thông báo cho ông bà Tréc-van-côp biết. Khi tôi gõ cửa phòng ông ta thò cổ ra, mặt hầm hầm. Tôi vội thông báo Bác Hồ tới thăm và đúng lúc ấy Bác từ đầu hành lang lững thững tiến lại. Thế là ông bà vội ra đón Bác trong một tư thế vô tiền khoáng hậu về lễ tân ngoại giao: ông ấy vẫn mình trần, chỉ quấn chiếc khăn tắm, còn bà Ma-ri-a Đi-mi-trô-va mặc váy ngủ!
Bác bảo tôi lôi mấy chiếc ghế mây ra sân thượng ngồi cho mát. Yên vị ông Tréc-van-cốp băn khoăn nói: đáng ra tôi phải đến chào đồng chí trước, theo chương trình là chiều nay, sao đồng chí lại đến bất ngờ thế này, vợ chồng tôi chưa kịp chuẩn bị gì cả. Đáp lại Bác nói: ở Việt Nam có câu: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", đồng chí đã từng giảng bài ở Trường Đại học Cộng sản Mat-xcơ-va, còn tôi đã từng đến nghe giảng ở đó, như vậy đồng chí là thầy của tôi, thầy đến nhà, trò phải chào thầy trước. Vả lại em gái nuôi của tôi là cô Ma-ri-a đến thì tôi phải gặp chứ. (Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lúng túng khi phải dịch câu châm ngôn "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" Bác dùng). Sau đó ba người hàn huyên thân tình với nhau; mọi sự bực tức của ông bà đã tiêu tan hẳn.
Cái cử chỉ "phá cách lễ tân" có một không hai đó của Bác vừa thể hiện sự tinh tế đầy tính văn hóa Việt Nam rất con người, trọng tình, trọng nghĩa, không câu nệ lễ nghi, vừa là cách khéo léo trang trải mọi ưu phiền của khách.
- Có lẽ chỉ có Bác Hồ mới có thể "phá cách" như thế ?
Những chuyện "phá cách" như vậy của Bác Hồ thì còn nhiều, khi nào có dịp sẽ chia sẻ tiếp nhé!
Tôi được nghe nhiều vị khách nước ngoài nhận xét rằng, sang Việt Nam luôn cảm thấy thoải mái hơn nhiều so với các nước khác. Trong nhiều nhân tố tạo nên tâm tư đó, theo tôi, có một nhân tố nói ở trên là cách đối xử theo tình người, sự thoải mái, không quá câu nệ lễ nghi.
Tôi sang thăm Trung Quốc rất nhiều lần, trên các cương vị rất khác nhau và nhận thấy lễ tân Trung Quốc chu đáo đến tột cùng nhưng rất gò bó: ở Nhà khách Chính phủ là khu Điếu Ngư Đài thì đôi tay của anh không có việc gì để làm cả: ra cửa có người mở cửa, ra xe có người mở cửa xe, khăn ăn có người trải trên đùi, đi cắt tóc ngay nhà bên cạnh có người dẫn đi dẫn về, bơi thuyền có người đạp xe xung quanh hồ để dè chừng, bơi sông có lưới ở dưới...
Còn ở Việt Nam thì các vị khách, kể cả Hoàng gia, đều được đối xử thân tình, thoải mái, không bị chăm sóc quá mức, và điều này rất hợp với bản tính con người muốn được tự do, thoải mái.Theo dòng "lễ tân Hồ Chí Minh" đó, lễ tân của ta thường thể hiện tinh thần "gần dân".
Ngay trong những năm chiến tranh mỗi khi đoàn nước ngoài tới thăm đều tổ chức cho bạn đi thăm các nhà máy, hầm mỏ, trường học, ruộng đồng, tiếp xúc với những người dân bình thường. Nhiều nước khác cũng làm như vậy thôi song ở ta tôi cứ thấy đoàn với dân không quá xa cách.
Tôi nhớ hồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.Cô-xư-ghin lần đầu tiên sang thăm ta , Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cùng ông đi bơi thuyền ở Hồ Tây, đi thăm HTX Yên sở, ở đó Chủ nhiệm Hợp tác xã đã biếu ông ấy con cá quả rất to để "bồi dưỡng"! (tôi đã phải cố vận dụng vốn tiếng Nga của mình để lột tả nghĩa của từ "bồi dưỡng" rất dân dã đó). Về sau này, khi đã giữ cương vị lãnh đạo tôi luôn đề nghị lễ tân phát huy tính chất ấy.
Tôi xin kể ra đây ba sự kiện.
Khi ta chủ trì Hội nghị cấp cao A-Âu (ASEM), sau Lễ khai mạc, các Trưởng đoàn sẽ phải về Trung tâm Hội nghị quốc tế ở 13 Lê Hồng Phong họp. Lúc đầu lễ tân dự kiến bố trí xe bus chở khách đi nhưng việc này rất lích kích nên tôi đã quyết định tổ chức đi bộ từ Hội trường Ba đình sang, dọc đường bố trí các cháu nữ học sinh mặc áo dài, cầm cờ hoa vẫy chào. Quả nhiên tiết mục ấy đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với cả hai phía: các đoàn và dân ta. Cũng nhân việc này mà cái vườn hoa nhỏ ở Bà Huyện Thanh quan trước đó có lều quán, nhếch nhác đã được dọn sạch sẽ cho tới ngày nay.
Khi ta chủ trì Cấp cao APEC lúc đầu cũng có ý kiến để các cơ quan, trường học nghỉ cho đỡ kẹt đường. Sau khi cân nhắc, lãnh đạo ta đã quyết định cứ để mọi sinh hoạt diễn ra bình thường. Tôi đã góp phần vào quyết định này vì nhớ tới Cấp cao Thượng Hải 2001 bạn đã cho dân trong các khu phố liên quan tới Hội nghị nghỉ việc và đi nghỉ xa dài ngày do đó đi xe giữa một thành phố hiện đại nhưng có cảm giác rất lạnh lẽo, cứ như là đi trong một thành phố vừa bị dội bom nơ-trôn!
Quả nhiên việc các đoàn xe phóng trên đường phố Hà nội giữa lòng người dân vẫn sinh hoạt bình thường, vui vẻ vẫy chào khách đã gây ấn tượng rất tốt với các vị khách vốn bị cô lập ngay cả ở nước mình.
Cái cảnh Thủ tướng Australia chạy tập thể dục quanh Hồ Hoàn Kiếm giữa dòng người dân tập thể dục buổi sáng là một cảnh rất Việt Nam.
- Sợ rằng làm lễ tân "gần dân" như thế rất dễ xẩy ra sơ xuất ?
- Tất nhiên, việc phát huy phong cách "lễ tân gần dân" là điều rất tốt song cũng phải lo sao cho chu đáo, không sơ xuất điều gì. Việc này không dễ chút nào nếu tính rằng, nhiều người dân chưa tôn trọng trật tự đường phố và giao thông, kể cả vệ sinh công cộng, có khi tiểu tiện tùy tiện. Tôi cứ nhớ mãi khi mới từ Liên Xô về Bộ năm 1956, trong một cuộc họp chuẩn bị đón đoàn nước ngoài tới thăm nước ta, ông Vụ trưởng Lễ tân BNG lúc bấy giờ đã phải nhắc lãnh đạo Hà Nội chú ý tình trạng đái bậy! Về sau, khi giữ các cương vị lãnh đạo tôi cũng phải luôn nhắc nhở các ngành, các cấp chú ý chuyện này.
- Thưa ông, ngoài yêu cầu gần dân, lễ tân ngoại giao còn những yêu cầu nào khác?
Một yêu cầu nữa của công tác lễ tân là "giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc". Điều này thường được thể hiện trong 4 việc: ăn, mặc, giải trí và quà tặng.Theo yêu cầu đó, khi thết khách nhất thiết cố đãi đằng một vài món ăn dân tộc để quảng bá văn hóa ẩm thực của dân tộc mình song cũng không nên quá lạm dụng vì cần tính đến cả khẩu vị của khách. Tôi nhớ có lần chiêu đãi ông Đại sứ Xô-ma-li ở Mát-xcơ-va nhân dịp hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, ĐSQ ta cũng thết món "đầu vị" là nem Sài gòn nhưng thấy ông ta cứ ngồi, không chịu ăn. Hóa ra ông theo đạo Hồi nên không thể ăn nem nhân thịt lợn được! Phát hiện ra điều đó, ta phải thết ông ta trứng rán vậy.
Để tránh mọi trục trặc, tốt nhất là chủ động hỏi trước xem khách kiêng món gì để tránh.Một quy luật bất biến là nhất thiết không được thết những món quá "độc" như món "mộc tồn" chẳng hạn. Trên thế giới có lẽ chỉ có dân ta, dân Triều tiên (cả Bắc lẫn Nam) và một bộ phận dân Quảng Đông Trung quốc là khoái món này. Có người "tinh nghịch" ngầm thết khách ăn món thịt chó để "thử"; khi cảm nhận thấy mùi vị lạ, nhất là khi lộ tẩy thì người ta nôn ọe, oán thoán thì thật tệ hại!
Một yêu cầu thết khách nữa là chủ phải nắm được đặc điểm của món ăn đãi khách để có thể giới thiệu được thì mới có tác dụng quảng bá. Ơ Trung Quốc món nào cũng có "lai lịch" rất lý thú, nhờ vậy chủ có đề tài để giới thiệu và làm đầu câu chuyện. Ví dụ món cơm rang Triều châu xuất phát từ câu chuyện Vua Càn Long vi hành xuống Quảng đông; chiều muộn đói bụng vào một quán bên đường nhưng chủ quán cho biết hết cả thức ăn rồi; nhà Vua bèn yêu cầu vét hết mọi thứ còn lại rang lên ăn. Chủ quán đã chiều theo khách, vét hết cơm nguội và ít thức ăn còn lại rang lên và nhà Vua ăn thấy rất ngon miệng, đặt tên là cơm rang Triều Châu! Tiếc rằng ở ta hình như không có truyền thống này.Các nước còn có quốc tửu, thế nhưng ta lại chưa có, cho dù "quốc lủi" rất ngon, hoàn toàn có thể biến thành quốc tửu, còn rượu vang là đặc sản của phương Tây nên có lẽ chẳng dùng vang Đà lạt làm quốc tửu được.Đó là chuyện thết khách, trong ngoại giao còn chuyện mình nên ăn uống thế nào nữa.
Ở ta có câu: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", câu này hoàn toàn có thể trở thành phương châm của ngoại giao. Ở trong rừng ra, từ đồng ruộng lên, mình có biết cách ăn, cách uống lịch lãm theo kiểu ngoại giao, dùng dao dĩa ra sao đâu? Vậy lúc đầu chưa quen, tốt nhất là đừng áp dụng phương châm "ăn đi trước" mà hãy áp dụng câu châm ngôn trên: để ý xem người ta ăn, người ta uống thế nào rồi bắt chước làm theo thì khỏi bị hố. Đây cũng là điều Bác Hồ dậy cán bộ ngoại giao khi Bác đến thăm Bộ.
Cá nhân tôi có 2 chuyện nhớ đời về phương diện này. Năm 1951 chúng tôi được đưa sang Trung Quốc học. Vừa ở trong rừng Việt Bắc sang Nam ninh, tối hôm đó được đưa vào một hiệu Cao lâu đèn nê-ông sáng lòa, bàn trải khăn trắng phau. Người ta bầy lên bàn la liệt thức ăn, trong đó có món đậu phụ nhự (có khi ta gọi là chao) vốn là một đặc sản của Quảng Tây. Tôi gắp cả miếng cho vào miệng thì cay ơi là cay, như ngậm hòn than nóng vào miệng nhưng nuốt không trôi, nhả ra không đặng nên đành chiêu một ngụm nước rồi nuốt chửng.
Còn một lần khác, nhân Hội nghị quốc tế 81 Đảng cộng sản và công nhân ở Mát-xcơ-va năm 1961 tôi được huy động vào phục vụ Đoàn Đảng ta do Bác Hồ dẫn đầu. Mỗi bữa ăn bạn bầy trên bàn đủ sơn hào hải vị và tôi cứ hồn nhiên gắp ăn. Thấy vậy Bác Hồ nhắc: cháu ăn món nào thì ăn hết đĩa đó đi chứ mỗi đĩa gắp một chút thừa ra ai ăn? Từ đó trở đi tôi cứ nhắm món mình ưa thích giã cho hết rồi "chuyển làn" sang món khác.
Trong ngoại giao uống cũng phải rất chừng mực, không thể "dzô,dzô" hay "100%" được vì sẽ mất tư thế, thậm chí có thể để xẩy ra sơ xuất ngoại giao. Hồi mới ra làm việc tại ĐSQ nước ta ở Mát-xcơ-va, một lần ĐSQ Mông Cổ tổ chức liên hoan giữa 4 ĐSQ XHCN ở châu A là Việt Nam, Trung Quốc, Triều tiên và Mông Cổ. Một anh cán bộ ĐSQ ta ngà ngà say rồi ngủ gà ngủ gật, tay cầm cốc rượu cứ thế rót vào...đùi bà Mông Cổ ngồi bên cạnh! Giữ ý, bà ta cứ ngồi yên cho tới khi chén rượu cạn mới nhẹ nhàng đứng lên ra ngoài. Bà ấy ứng xử đúng là ngoại giao.
Về mặc thì cho tới nay ta cũng chưa định hình được quốc phục trong khi tất cả các nước trong ASEAN và nhiều nước khác đã có. Hồi anh Sáu Dân làm Thủ tướng cũng đã nêu vấn đề này, thậm chí đã cho thiết kế và trưng bầy nội bộ song không thành vì lắm ý kiến quá. Có thời Bộ Ngoại giao đã phải sáng chế ra "quốc phục" cho các đại sứ ta trình quốc thư: đó là chiếc áo hao hao như áo Tôn Trung Sơn của Trung Quốc (tức áo cổ cao, cài kín) do đó báo chí phương Tây đã bình luận rằng, ngay cả ăn mặc ta cũng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Sau ta đã phải bỏ kiểu "quốc phục" này, khi cần thì đi thuê áo đuôi tôm (smoking) vậy. Năm 2007, khi tôi sang Nhật nhận Huân chương "Mặt trời mọc" của Nhật hoàng, ĐSQ nước ta cũng đã phải thuê cho tôi một bộ như vậy.
Nước chủ nhà thường tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ để giới thiệu văn hóa nước mình, đồng thời để tỏ lòng mến khách đôi khi điểm vài tiết mục hát múa dân tộc của nước đoàn đến thăm. Vấn đề là nội dung, chất lượng và liều lượng làm sao cho thích hợp. Đương nhiên những tiết mục "đinh" phải mang đậm bản sắc dân tộc song chẳng nên tham trình diễn những tiết mục dài lê thê, khó hiểu, làm cho khách mỏi mệt mà nên xen lẫn những tiết mục hiện đại, sôi động. Còn những tiết mục cốt để "khoe" rằng ta cũng hiểu biết nền văn hóa của khách thì cũng chẳng nên lạm dụng vì làm sao ta có thể trình diễn hay hơn nghệ sỹ của họ được?
Về thời lượng buổi biểu diễn thì không nên tham lam, quá kéo dài. Sở dĩ đề cập chuyện này vì tôi đã từng vấp phải những thiên hướng như vậy mỗi khi xét duyệt các chương trình nghệ thuật. Tôi nhớ mãi Cấp cao ASEM-5: anh em Bộ Văn hóa đã chuẩn bị tiết mục các em thiếu nhi múa hát trước mặt các vị trưởng đoàn ngồi trên Đoàn Chủ tịch. Thấy cảnh các cháu mồ hôi nhễ nhại, son phấn chảy ròng ròng, các tiết mục cũng không có gì là " đặc sắc dân tộc" cả nên tôi đã đề nghị bố trí một dàn kéo violon ăn mặc lịch sự, biểu diễn một bài nhạc Việt Nam, một bài kinh điển của Betthoven vừa nhẹ nhàng, vừa lịch lãm, vừa thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông-Tây đúng với tinh thần Á-Âu.
Quà tặng trong ngoại giao cũng phải mang sắc thái dân tộc, đồng thời phải bảo đảm chất lượng cao. Mặt khác khi tặng quà cần nắm được truyền thống và luật lệ của mỗi nước. Một thời ta hay tặng đồ sơn mài, nhiều khi là hàng chợ; chất lượng nghệ thuật rất thấp đã dành, chất lượng về mặt kỹ thuật vô cùng tồi. Một lần tôi gập Thượng nghị sỹ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa M'Caine (từng bị ta bắn rơi ở hồ Trúc bạch, sau được bầu làm TNS, có lúc đã ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ); khi chia tay, ông đề nghị tôi nán lại một chút rồi đi vào phòng bên lấy ra một bức tranh sơn mài Việt Nam đã cong vênh rồi nói: các bạn nên chú ý chất lượng quà tặng, tôi hiểu Việt Nam thì không sao, nếu là người khác thì không hay! Thật tình tôi ngượng chín cả mặt, chỉ còn biết hứa sẽ để ý việc này.
Luật lệ ở một số nước rất ngặt nghèo trong việc nhận quà biếu của nước ngoài. Khi đi tiền trạm cho anh Sáu Dân sang thăm Singapore để bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, lễ tân của bạn dặn tôi rằng, các ông đừng mang theo tặng phẩm vì sau khi nhận chúng tôi phải làm thủ tục nộp hết cho Bộ Tài chính, muốn giữ lại thì phải bỏ tiền ra mua nên rất phiền toái! Đối với những nước như vậy thì cùng lắm chỉ nên tặng quyển sách tranh phong cảnh hay tranh nghệ thuật nước ta là đủ, còn đối với những nước phương Đông như Trung Quốc, Nhật hay Hàn Quốc thì lại nên có quà, chủ yếu là những đồ thủ công mỹ nghệ đẹp bền, còn đối với các nước theo đạo Hồi thì chớ tặng tranh vẽ người, động vật.
Nói chung, trong lễ tân ngoại giao, để bảo đảm cho mọi việc trôi chẩy có lẽ cần tuân thủ hai phương châm cơ bản; một là, phải có kế hoạch rất tỷ mỉ và phải kiểm tra kỹ lưỡng từng ly từng tí một, xểnh ra là "sai một ly đi một dặm", có thể để lại những hệ quả khôn lường; hai là, cố dự liệu nhiều phương án khác nhau, kể cả tình huống xấu nhất, bất ngờ nhất để có sẵn phương án xử lý.
Ba chuyện cười ra nước mắt
Nếu kể ra những chuyện cười ra nước mắt về lễ tân mà tôi đã gập phải trong đời để rút ra những phương châm ngắn gọn nói trên có lẽ phải mất hàng trăm, hàng nghìn trang giấy. Để xả hơi, tôi xin kể ra đôi ba chuyện.
Năm 1956 ở Hung-ga-ri nổ ra cuộc nổi loạn. Với sự trợ giúp của Liên Xô, một chính quyền mới được thành lập bao gồm chủ yếu là các nhà lão thành cách mạng đã từng tham gia cuộc Cách mạng năm 1918 ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga. Sau khi tình hình tạm ổn, một đoàn đại biểu cấp cao của chính quyền mới do Thủ tướng Ferenc Munich dẫn đầu đi thăm các nước bạn bè để cảm ơn, trong đó có nước ta. Lúc đó ở ta chưa có phiên dịch tiếng Hung nên phải dùng phiên dịch tiếng Nga và tôi được cử đi phục vụ đoàn. Đoàn xuống thăm Hải phòng rồi ra Quảng ninh; cùng đi có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lãnh đạo Hải phòng đã mở tiệc chiêu đãi đoàn và đương nhiên có món hải sản là cá hấp maionese. Chính món này là tác nhân làm cho cả đoàn bị...tháo tỏng, trừ ông trưởng đoàn thoát nạn vì ông không ăn cá. Tới Quảng ninh, tình hình nghiêm trọng đến nỗi không còn đủ chỗ để đi ngoài (lúc ấy Khách sạn Hạ Long chỉ có nhà xí công cộng ở đầu hồi), đành phải đặt ngửa chiếc bàn ping-pông rồi đổ tro lên để mọi người chổng mông ngồi xung quanh xả ra. Từ đó tôi rút ra kinh nghiệm là không bao giờ nên mời khách ăn những món "đặc sản", nhất là hải sản lại để trong tủ lạnh.
Năm 1973 tôi theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh qua Moscow sang Paris dự lễ ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Khi ra sân bay Vnukovo, chúng tôi ngồi mãi trên máy bay nhưng không thấy cất cánh mà bên sân bay Orly sẽ có rất nhiều quan chức, phóng viên, bà con Việt Kiều... tập hợp để đón đoàn; sang chậm có thể gây ra những sự đồn đoán bất lợi. Ông Trinh bảo tôi xuống máy bay xem có chuyện gì trục trặc; khi tôi xuống thì các ông lãnh đạo ĐSQ cứ lảng đi, một mực không muốn nói chuyện với tôi. Phải gặng hỏi mãi mới biết anh cán bộ lãnh sự của ĐSQ đi lấy hộ chiếu tại ĐSQ Pháp tới nay vẫn chưa thấy ra sân bay và không biết làm cách nào liên lạc được (lúc đó chưa có điện thoại di động). Tôi lên máy bay báo cáo ông Trinh về ngọn nguồn. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy "giận tím mặt" là thế nào!
Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Firubin trực tiếp gọi điện thoại hỏi Đại sứ Pháp thì được trả lời rằng, đã cấp visa từ sáng sớm rồi; còn ông Phó Ban thứ nhất Ban Đối ngoại TW Đảng Rakhmanin chỉ thị cho công an kiểm tra xem có xe ngoại giao nào mang số 84 là số của ĐSQ Việt Nam bị nạn không thì được trả lời là không. Ông Rakhmanin phải lên máy bay nói chuyện trên trời dưới đất với ông Trinh để ông ấy đỡ sôi me. Hàng tiếng sau mới thấy anh cán bộ lãnh sự ĐSQ hớt hải chạy ra đưa vội hộ chiếu cho đoàn. Hóa ra anh ta đi nhầm sân bay, thay vì ra sân bay Vnukovo thì anh ta đã ra sân bay quốc tế Sheremetievo cách đó hơn 100 km mà đường mùa Đông đầy tuyết phải mất hàng tiếng đồng hồ mới sửa được sự nhầm lẫn tai hại của mình!
Câu chuyện tầy đình này càng cho thấy bao giờ cũng phải nắm rất rõ địa chỉ nơi mình đến.
Trong lần đi dự Hội nghị quốc tế thông qua Định ước để bảo đảm cho Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam tôi lại gặp trục trặc với ĐSQ ta ở Moscow. Số là lúc đó sắp đến Tết ta, ông Trinh yêu cầu mang theo 5 cành đào để tặng cho 2 Đoàn cũng như cơ quan đại diện ngoại giao miền Bắc và miền Nam, bà con Việt Kiều ở Paris. Đích thân tôi mang những cành đào đó lên máy bay ở Hà Nội nhưng đến Paris chỉ còn 3 cành! Vậy đi đâu mất 2 cành, chẳng nhẽ rơi ra ngoài trời à? Tôi bèn đánh telex sang Moscow hỏi; quả nhiên ĐSQ ở đó đã tự ý lấy 2 cành cho 2 cơ quan đại diện ở Liên Xô mà không hề báo cáo Đoàn.
Lại nữa, sang tới nơi thấy mất vali của một đồng chí đại tá của ta sẽ từ Paris vào Sài Gòn để tham gia Ban liên hiệp đình chiến. Hỏi ra mới biết ĐSQ ta ở Moscow đã lấy nhầm vali của anh ta vì nghĩ rằng đó là hành lý của một anh cùng tên đi nhờ máy bay! Để kịp cho đồng chí đại tá rời Paris đành phải mua quần áo mới.
Năm 1991 sau khi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm và tôi sang thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham sang đáp lễ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc sang ta. Đương nhiên ta rất coi trọng chuyến thăm, vả lại quan hệ Việt - Trung còn đang trong quá trình bình thướng hoá trở lại sau hơn một chục năm sóng gió, do đó ta càng chuẩn bị chu đáo. Dè đâu đang hội đàm thì điện tắt phụt, Nhà khách 12 Ngô Quyền lại không chuẩn bị sẵn máy nổ nên phải dừng hội đàm mất một lúc khá lâu, chúng tôi tái cả người, không biết bạn có hiểu lầm không? Sau đận đó đành phải cách chức anh chàng phụ trách Nhà khách.
Những chuyện như vậy thì không sao có thể lường trước được; bí quyết chỉ là phải hết sức tỷ mỷ, kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần đối với mọi việc, dù là nhỏ nhất, cố hình dung và dự tính các tình huống khác nhau trong khả năng có thể; nếu xẩy ra những tình huống bất ngờ thì nhanh trí xoay xở mà thôi.
Đó là những chuyện sơ xuất của ta, còn phía bạn cũng có khi sơ xuất. Đã từng xảy ra trường hợp bạn cử quốc ca của chính quyền Sài Gòn đón đoàn miền Nam của ta chỉ vì ở xa, không có thông tin, ta lại chưa có cơ quan đại diện tại chỗ, không có đoàn tiền trạm sang.
Những nghi thức lễ tân có khi phản ánh thái độ chính trị nhưng có khi chỉ là sơ xuất kỹ thuật, vô tình hay do thông lệ của bạn khác của ta, ta chẳng nên quá câu nệ ảnh hưởng đến quan hệ ở tầm quốc gia. Trên thực tế đã từng xẩy ra sự căng thẳng chỉ vì nghi thức lễ tân không khớp nhau do mỗi nước có luật lệ và tình huống khác nhau.
Có lẽ Bộ Ngoại giao ta nên tổ chức cho anh chị em trong ngành, nhất là các đồng chí đã nghỉ hưu viết lại những mẩu chuyện "cười ra nước mắt" ấy không chỉ để cười vui mà chủ yếu để các thế hệ hiện nay và mai sau rút kinh nghiệm.
Cám ơn ông Vũ Khoan đã "bật mí" nhiều "bí kíp" của công tác lễ tân ngoại giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét