Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Lời tự tình dân tộc


Tình yêu quê hương luôn là ngọn lửa cháy sáng trong tim mỗi người.

Tác giả: Nguyễn Quốc Tín

Bài đã được xuất bản.: 3 giờ trước, trên Vietnamnet


Cách đây gần 6 thập kỷ, nhạc sĩ Phạm Duy hoàn thành nhạc phẩm"Tình ca". Đương nhiên là một khúc hát ca ngợi Tình yêu. Nhưng khác với lẽ thường, ca khúc này không dành cho tình yêu nam nữ mà một thứ tình yêu cao cả hơn nhiều - thứ tình yêu mà mỗi người cần có, phải có- tình yêu quê hương.

Tôi yêu tiếng nước tôi...

Tình yêu quê hương có điểm xuất phát khác nhau ở mỗi người. Nó có thể là hình ảnh bà mẹ tần tảo nuôi ta khôn lớn, một mái tranh nghèo đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, một cánh cò bạt gió chiều đông phù hợp với tâm trạng, một lũ chuồn chuồn khiêng nắng qua dòng sông hiền hoà, đôi mắt vời vợi của ngưòi thiếu nữ thay lời muốn nói.

Song có lẽ đối với rất nhiều người, cũng giống như tác giả, tình yêu quê hương bắt nguồn từ những lời ru của mẹ: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi, tiếng ru muôn đời".

Tiếng ru, thứ tiếng ngọt ngào đằm thắm của người mẹ đến với ta khi ta vừa ngỡ ngàng mở mắt chào đời chính là tiếng Việt, một gia tài vô giá, có lịch sử lâu đời gắn liền với bao nhiêu biến cố thăng trầm của quá trình dựng nước và giữ nước: «Tiếng nước tôi/ Bốn nghìn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi...

Tiếng nói, vốn là phương tiện để giao tiếp giữa người và người trong một nước đã trở thành phương tiện để hình thành một dân tộc và thống nhất một quốc gia. Song với chúng ta, do hòan cảnh đặc biệt của đất nước, tiêng Việt còn trở thành một sợi chỉ vô hình ràng buộc hàng triệu người Việt tha hương trên khắp thề giới.

Đã biết bao nhiêu lần nước mất, nhà tan, kẻ xâm lược tìm trăm phương nghìn kế để đồng hoá nhưng tiếng Việt vẫn mãi còn để viết lại những trang sử hào hùng, để làm nên những tác phẩm văn chương bất hủ.

Từ điểm xuất phát là tình yêu sâu đậm đối với "tiếng nước tôi", tình yêu ấy mở rộng thành tình yêu đất nước. Vẫn dòng nhạc mượt mà và trữ tình, lời ca vẽ ra môt đất nước thanh bình: "Nằm phơi phới bên bờ biển xanh", với sự hùng vĩ của "dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn", với cội nguồn dân tộc "núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng"...

Yêu tiếng Việt, đất nước Việt chính là yêu con người Việt qua hình ảnh rất đỗi yêu thương là người nông dân mà cách đây sáu thập kỷ, đó là "những bác nông phu", người: "Đội sương nắng bên bờ ruộng sâu. Vài nghìn năm đứng trên đất nghèo. Mình đồng da sắt không phai màu". Những người ấy đã là những người dân tộc sẽ ngàn đời biết ơn vì công lao mở nước, với tấm áo nâu bạc phếch và thấm đẫm mồ hôi. Họ cũng chính là: "Những anh hùng của thời xa xưa. Những anh hùng của một ngày mai".

Giai điệu tuyệt vời của "Tình ca" hay hồn sông núi

Có lẽ nên nghe Tình ca dưới hình thức nhạc không lời để cảm nhận hết giai điệu tuyệt vời mà không lo bị ca từ sự mê hoặc. Phạm Duy chia sẻ quá trình sáng tác bản Tình ca như thế này:

Sau khi tung ra Tình Hoài Hương, tôi có ngay bài Tình Ca xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam. Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời...

Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi. Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản Tình Ca này.

Trong quá khứ, các bậc tiền bối chưa kịp làm công việc đó vì đã có lúc chúng ta có một cuộc nội chiến khá dài. Đó là 200 năm phân tranh giữa hai miền Đàng Ngoài - Đàng Trong. Trong khoảng từ những năm 1600 cho tới 1800, người trong nước khó có được sự đồng nhất quốc gia.

Đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà không có thời gian và phương tiện để tìm hiểu bờ cõi giang sơn mỗi ngày một thêm bành trướng với cuộc Nam Tiến. Đàng Trong, sĩ phu bận bịu với những lo toan kiến thiết ở địa phương. Miền nào kẻ sĩ phải phục vụ vua quan của miền đó. Tuy là một nước nhưng có hai bộ máy chính trị và văn hoá. Do đó, chưa hề có tác phẩm nào nói lên được một ý thức quốc gia toàn diện.

Tới khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà và đất nước mở rộng hơn nữa về phía Nam, trong khoảng 50 năm ngắn ngủi, các nhà nho của triều Nguyễn chưa kịp đưa ra một hình ảnh quốc gia trọn vẹn nhất thể, nhất tề, nhất trí thì người Pháp tới xâm lăng Việt Nam.

Trong 80 năm nô lệ sau đó, bản sắc quốc gia trong văn học nghệ thuật Việt Nam chưa kịp hình thành thì bị xé nát bởi chính sách chia để trị của Pháp, cố tình đề cao sự khác biệt giữa ba miền và giữa những người dân trong một nước, khiến ta mất đi ý niệm quốc gia đồng nhất. Khi có những phong trào phục quốc như Cần Vương, Văn Thân... ý thức quốc gia vẫn còn mang ý niệm bảo hoàng, phong kiến.

Định mệnh khiến cho tôi, một cá nhân tầm thường, qua một bản Tình ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.

Bài Tình Ca được mọi người yêu thích ngay. Nó nói tới quê hương đất nước nhưng cũng nói luôn tới tiếng nói và con người nữa. Là bài hát tình ca quê hương nhưng nó còn là bài hát tình tự dân tộc.

"Tình ca đã lặng lẽ chiếm trọn tâm hồn tôi"

Một Việt kiều đã đứng tuổi tâm sự: "Tôi vốn không chú ý âm nhạc. Khi ở trong nước, tôi đã nghe đôi lần Tình ca của Phạm Duy nhưng cũng không mấy xúc động. Đến khi đưa chân ra định cư ở hải ngoại, nghe một lần rồi hai lần... Tình ca đã lặng lẽ chiếm trọn tâm hồn tôi, nói giùm tôi nỗi nhớ day dứt về nơi chôn rau cắt rốn của mình, nhắc nhở hòai niệm về cội nguồn của dân tộc".

Nghe Tình ca, chúng tôi cứ ngồi yên lặng mà lòng nao nao đến quặn thắt. Vì sinh kế, chúng tôi phải sống xa nhau. Chúng tôi thèm được gặp nhau để nói đôi ba câu tiếng Việt cho đỡ nhớ nhà. Hơn thế nữa, nó là tiếng thao thiết của người mẹ Tổ Quốc nhắn nhủ, thủ thỉ, tâm tình với những đứa con xa quê.

Tình ca, với nội dung súc tích trở thành một biểu tượng của hoà giải yêu thương vì sự thống nhất trong ngôn ngữ, trong lịch sử hào hùng của đất nước và trong sự thương yêu những con người chân lấm tay bùn, máu mủ ruột rà.

Và tôi chợt nhớ một khổ thơ của Lưu Quang Vũ: "Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển. Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya. Ai ở phía bên kia cầm súng khác. Cùng tôi trong tiếng Việt quay về".

Việt Nam không thể mập mờ trong chính sách Biển Đông



Tác giả: Phương Loan
Bài đã được xuất bản.3 giờ trước, trên Vietnamnet

Theo ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ, điều cần nhất lúc này là Việt Nam có sự minh bạch chính sách, có tiếng nói riêng để giải quyết vấn đề.

Dấu hiệu đáng mừng

- Tại ARF vừa rồi, 12 quốc gia đã cùng lên tiếng về vấn đề an ninh Biển Đông và mong muốn thúc đẩy cơ chế hợp tác đa phương để giải quyết vấn đề này. Ông lí giải như thế nào về động thái mới này?

Đây là dấu hiệu tốt đẹp, là sự kiện có ý nghĩa không chỉ về mặt chính trị mà còn có giá trị thực tiễn về mặt pháp lý quốc tế. Bởi vì:

Nó thể hiện nguyện vọng, ý chí không những của các Quốc gia tham gia diễn đàn ARF mà còn là ý chí nguyện vọng của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh trong khu vực Biển Đông.

Điều này càng có ý nghĩa khi thời gian gần đây, có nước đã có các hoạt động vi phạm các thỏa thuận đã đạt được khiến cộng đồng quốc tế thấy tình hình có khả năng bất ổn mới, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực Biển Đông.

Việc ủng hộ cơ chế đa phương cũng hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. Trong việc giải quyết các tranh chấp này, các nguyên tắc và thực tiễn quốc tế đã có nhiều phương pháp, cách thức thỏa thuận. Một trong những cách thức thực tiễn quốc tế là áp dụng cơ chế hợp tác đa phương, bởi nó liên quan đến lợi ích không những của các quốc gia có yêu sách chủ quyền lãnh thổ và phạm vi các vùng biển và thềm lục địa mà còn liên quan đến lợi ích của các quốc gia khác trên thế giới có nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng này.

Hợp tác đa phương để giải quyết nghĩa là các nước có thể thông qua các tổ chức quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế, hội nghị hội thảo, cả chính trị ngoại giao...
Sự lên tiếng của 12 quốc gia là dấu hiệu đáng mừng, bởi nhiều nước cùng lên tiếng là cơ hội tốt cho các nước có liên quan trong khu vực giải quyết vấn đề tranh chấp, đóng góp cho ổn định khu vực và thế giới, hòa bình và ổn định, đảm bảo lợi ích chung.

Linh hoạt các phương thức song phương, đa phương...

- Mặc dù đã hợp tác đa phương với ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông, với tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông DOC năm 2002, thế nhưng, trong phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nói, không phải vì Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với một vài nước ASEAN mà Biển Đông trở thành vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Và ASEAN không phải cơ chế thích hợp để giải quyết. Quan điểm của ông thế nào?

Thực ra, các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, phải phân loại thành mấy dạng tranh chấp: tranh chấp chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; tranh chấp ở vùng chồng lấn các vùng biển và thềm lục địa giữa các quốc gia liền kề hoặc đối diện nhau qua Biển Đông. Có những tranh chấp chỉ liên quan đến hai nước: tranh chấp chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa chỉ là giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong khi đó, tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa là tranh chấp 5 nước 6 bên. Với những vấn đề gắn với nhiều bên, phải giải quyết bằng cơ chế đa phương, không thể chỉ theo phương thức 1+1 như Trung Quốc nói.

Về các vùng nước và thềm lục địa của các nước gần nhau và đối diện nhau, cũng có vùng tranh chấp giữa hai nước, như vùng Vịnh Bắc Bộ mà hai nước Việt Nam và Trung Quốc về cơ bản đã giải quyết xong. Thế nhưng, cũng có những vùng liên quan đến ba nước như vùng Vịnh Thái Lan, và có vùng liên quan đến nhiều nước.

Lại có những tranh chấp không trực tiếp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, ranh giới trên biển mà liên quan đến quyền tự do hàng hải, đi lại trên biển, trong vùng biển cả, gắn với rất nhiều quốc gia.


Tùy vào từng tranh chấp, ở từng vùng, với tính chất và phạm vi cụ thể... để xem xét mức độ tranh chấp và cách thức giải quyết song phương và đa phương.
Việc tuyên bố ASEAN không phải là cơ chế thích hợp giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, theo tôi là không phù hợp với thực tế, thiếu tính khách quan.

Tại sao tôi có thể nói như vậy? Như mọi người đều biết, Biển Đông là một khu vực biển có liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích của hầu hết các nước ASEAN. Trung Quốc đã đưa ra đường ranh giới trên biển bao trọn 80% diện tích Biển Đông rõ ràng đã đụng chạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước ven Biển Đông, đụng chạm đến quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng biển cả. Vì vậy, các quốc gia có liên quan phải có quyền và có cả nghĩa vụ tham gia giải quyết vì lợi ích chính đáng cua mình.

Nước lớn luôn đóng vai trò

- Những động thái của các nước lớn liên quan đến vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình Biển Đông và tới quá trình tìm giải pháp cho vấn đề này, thưa ông?

Rõ ràng, sự quan tâm của các quốc gia, dù lớn, bé, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến Biển Đông, các nước cần hoan nghênh và đón mừng, nếu sự quan tâm ấy là muốn đóng góp, tác động có ích, giúp các bên có tranh chấp giải quyết vấn đề nhanh chóng, dứt điểm, tạo sự ổn định, hòa bình, an ninh bền vững của khu vực, theo cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Các nước nhất là nước lớn, quan tâm đến, muốn thể hiện vai trò nước lớn trong giúp giải quyết vấn đề, vì an ninh chung của khu vực, thế giới là đáng hoan nghênh. Các bên tranh chấp đều cần hết sức tranh thủ.

Thực ra, với các vấn đề liên quan đến vận mệnh hòa bình quốc tế, nước lớn luôn có vai trò. Nếu họ tham gia để có tiếng nói ủng hộ, tìm ra chân lý, sự thật vấn đề, giải pháp thỏa đáng, các bên đều chấp nhận được là điều hay.

Tuy nhiên, một khi nước nào đó quan tâm và can dự với động cơ đi ngược lại ý chí, nguyện vọng của cộng đồng quốc tế: vì hòa bình và ổn định, cộng đồng sẽ nhận biết và tìm mọi cách để ngăn chặn.

Dù là nước nào chăng nữa, chúng ta cũng không để họ có hành động, vì động cơ không vì hòa bình, ổn định, phát triển chung.

- Mới đây, lần đầu tiên, Indonesia, nước không có tranh chấp chủ quyền, đã gửi công hàm lên LHQ chính thức phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và các nước trực tiếp có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông?

Indonesia là quốc gia nằm ngoài khu vực tranh chấp chủ quyền nóng bỏng, có tính nhạy cảm trên Biển Đông. Họ gửi công hàm phản đối, cho thấy, đường ranh giới trên biển mà Trung Quốc tuyên bố đã lạm vào phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Indonesia. Vì vậy họ lên tiếng phản đối là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

Hơn nữa, là nước quan trọng trong ASEAN, Indonesia không thể không có tiếng nói bảo vệ công lý, chống lại các yêu sách và hoạt động trái với luật pháp, thực tiễn quốc tế, đặc biệt là trái với các thỏa thuận, cam kết đã đạt được trong khu vực giữa các nước có liên quan trong thời gian qua.

Minh bạch để tạo đồng thuận

- Theo ông, đâu là lựa chọn chính sách cho Việt Nam vào thời điểm này? Đâu là vấn đề nguyên tắc mà Việt Nam phải theo đuổi?

Tình hình hiện nay khá phức tạp, nhạy cảm, không chỉ về tranh chấp chủ quyền, ranh giới biển, mà cả vấn đề chiến lược trong cán cân quốc tế, hoạt động chính trị, pháp lý, quân sự trong khu vực, quốc tế.

Sự phức tạp của tình hình đòi hỏi chính trị gia cân nhắc cẩn trọng, có sự xử đúng, bảo vệ lợi ích chủ quyền của mình, đóng góp cùng các nước duy trì sự ổn định trong khu vực, đảm bảo an ninh qua cơ chế có được.

Với Việt Nam, trước hết, ta cần có tiếng nói giải quyết vấn đề, có sự minh bạch, rõ ràng về chính sách, không mập mờ.

Việt Nam cần hết sức tranh thủ, tận dụng và phát huy tất cả các kênh giải quyết tranh chấp hiện có, cả song phương và đa phương.

Bất kì phương thức nào, dù song phương hay đa phương nếu có lợi, Việt Nam cần hết sức tận dụng, gia công xây dựng, nghiên cứu áp dụng.

Việt Nam cần áp dụng linh hoạt các phương cách, vì thực tiễn quốc tế cho phép áp dụng nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề, miễn là giải quyết nhanh chóng, ổn định. Đó là cách tiếp cận đúng đắn của mình.

Việt Nam cùng ASEAN và Trung Quốc đã có tuyên bố về nguyên tắc về ứng xử trên Biển Đông, cần đẩy nhanh việc cụ thể hóa bằng văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc. Chỉ dừng ở nguyên tắc, chúng ta sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề.

Hơn nữa, giải quyết vấn đề Biển Đông không thể theo ý chí chủ quan, không có nghiên cứu kĩ lưỡng. Phải tìm hiểu, lắng nghe ý kiến khác nhau của nhiều bên, tranh thủ tiếng nói của cộng đồng quốc tế để có cơ sở khách quan, khoa học giúp cho việc đưa ra được các giải pháp hữu hiệu nhất.

Nếu chỉ chủ quan với những thông tin hiện có, thì tất yếu tạo ra tình trạng bất ổn, không thể giải quyết tranh chấp cơ bản và nhanh chóng được.

Thêm nữa, phải làm sao đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục cho nhân dân, cán bộ, hiểu sâu về vấn đề Biển Đông, tạo tiếng nói ủng hộ, đồng thuận trong khi tìm và thỏa thuận các giải pháp, dù là tạm thời hoặc cơ bản.

Giải quyết vấn đề lớn, đụng chạm lợi ích to lớn, chủ quyền thiêng liêng, không thể không có đồng thuận. Muốn đồng thuận phảp có thông tin, phải có tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức đúng đắn, khách quan.

Vả lại, bất kì nước nào đụng đến an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ, cần tạo sức mạnh cho mình: sức mạnh trong kiểm tra, kiểm soát, tuần tra, ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra đụng đến lợi ích của mình. Không đầu tư thích đáng tạo sức mạnh trong điều kiện cho phép, Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Bởi vì trong thực tiễn để bảo vệ cho lợi ích chính đáng của mình, các quốc gia không thể không quan tâm đến tiềm lực của mình.

Trung Quốc! - Có tật giật mình?

VIT - Các phương tiện truyền thông và một số học giả Trung Quốc đang cố tình gắn kết sự kiện tập trận hải quân chung Mỹ-Hàn và việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông với suy đoán "Mỹ đang thiết lập một NATO ở châu Á" để kiềm chế Trung Quốc.Mặc dù mục đích của cuộc tập trận mà Mỹ đã nêu là để cảnh báo Bắc Triều Tiên sau vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc. Nhưng, rõ ràng những động thái này của Mỹ là đã can thiệp vào các vấn đề ở châu Á, đồng thời nhấn mạnh tới những kế hoạch ý đồ nhằm thách thức Trung Quốc trước sự hiện diện ngày càng gia tăng của Mỹ trong khu vực châu Á, nguồn tin dẫn các báo cáo của Trung Quốc.

Sự suy đoán này càng được khẳng định sau khi bà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề xuất nhiều điểm quan trọng, bao gồm cả việc đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông vào giải quyết theo cơ chế của luật pháp quốc tế và bà Clinton tuyên bố một cách rõ ràng rằng Mỹ sẽ can dự trong vùng biển tranh chấp này.

Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết, sự trợ giúp của Mỹ đối với Việt Nam về vấn đề quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có nghĩa là sẽ đe dọa lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và xây dựng một liên minh chiến lược lớn xung quanh Trung Quốc (nếu không muốn nói là xây dựng một liên minh chiến lược lớn để bao vây Trung Quốc).

Hiện, Mỹ đang lợi dụng những mâu thuẫn giữa các nước Đông Á để hình thành một mặt trận chống lại Trung Quốc, Shih Yongming, học giả Trung Quốc nghiên cứu về vấn đề quốc tế, phát biểu.

Việc tăng cường liên minh quân sự ở châu Á của Mỹ là để phản ứng lại sức mạnh trong khu vực đang gia tăng, Shen Dingli, học giả nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, phát biểu.

Học giả Shen Dingli phân tích, Mỹ sẽ tận dụng sự cố Cheonan là cơ hội để tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản vì Trung Quốc luôn kiên định “sự phát triển hòa bình” thì không liên quan gì tới Mỹ.

Ông Shen nói thêm rằng Trung Quốc nên duy trì chính sách phát triển hoà bình và quan hệ bền vững với các quốc gia láng giềng. Cuối cùng, học giả Shen nhắc nhở, Mỹ khó có thể đưa tất cả các nước châu Á vào kế hoạch đối đầu với Trung Quốc của mình.
Thành Long (Theo etaiwannews)Tin dịchNguồn tin: Etaiwannews

Người đi tìm hình của nước

Những lúc căng thẳng, mệt mỏi vì áp lực của công việc, của cuộc sống, bạn nên đọc lại những bài thơ như thế này, ta sẽ cảm thấy tâm hồn mình thanh thản, nhẹ nhàng hơn!

- Chế Lan Viên -


Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

Trǎm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối,
Cho cuộc đời giật dây

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.

Hiểu sao hết Người đi tìm hình của Nước
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương, nửa đời quen thuộc,
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi…

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vinh hoa cho hai mươi lǎm triệu con người.

Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba Lê?
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi,
Những đất tự do, những trời nô lệ,
Những con đường cách mạng đang tìm đi.

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?
Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu.

Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông.

Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười,

Bác thấy:
Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt
Ruộng theo trâu về lại với người cày
Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, biển bạc…
Không còn người bỏ xác bên đường ray.

Giặc đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trǎng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tǎm tối cần lao nay hóa những anh hùng.

Nước Việt Nam nghìn năm Đinh, Lý, Trần, Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che.

Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc
Tuyết Matxcơva sáng ấy lạnh trăm lần
Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
Lênin mất rồi! Nhưng Bác chẳng dừng chân.

Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa Bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.

Nhớ con sông quê hương

Thơ: Tế Hanh


Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Toả nắng xuống dòng sông ấm áp


Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng

Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi

Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi

Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ


Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy


Bạn bè tôi túm năm tụm bảy

Bầy chim non bay lượn trên sông

Tôi dang tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ


Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả

Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến


Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển

Vẫn trở về lưu luyến bên sông

Nhớ mãi cô em có đôi má ửng hồng

Thuyền anh đậu trong lòng em mãi mãi


Em có nhớ những buổi chiều êm ái

Nắng vàng loang trên mặt nước long lanh

Gió thổi lồng xáo trộn bóng em anh

Tiếng sóng vỗ, tiếng ta cười nhịp điệu


Nước chảy đời trôi anh vẫn níu

Những sắc ngày tươi thắm của hôm qua

Một mùa thu thơm ngát hương hoa

Hôm nay sống trong lòng miền Bắc


Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc

Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng miền Nam

Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng

Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc


Tôi nhớ cả những người không quen biết

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

Hình ảnh con sông quê mát rượi


Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới

Quê hương ơi, lòng tôi cũng như sông

Tình Bắc Nam chung chảy một dòng

Không ghềnh thác nào ngăn cản được


Tôi sẽ đến nơi tôi hằng mong ước

Tôi sẽ về sông nước của quê hương

Tôi sẽ về sông nước của tình thương.

Tế Hanh

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Việt Nam phát triển hải quân đối kháng Trung Quốc

TXVN (Hồng Công 14/1 ) - Mạng Sina ngày 13/1 đăng bài "Hải quân Việt Nam: năm 2015 sẽ xây dựng khả năng tác chiến viễn dương đối kháng với Trung Quốc", viết:

Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, VN luôn thực hiện phương châm chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, nhấn mạnh phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng là hai nhiệm vụ chiến lược lớn, kinh tế tăng trưởng sẽ cung cấp động lực mạnh mẽ cho việc hiện đại hóa quốc phòng. Vì vậy trong qúa trình phát triển kinh tế, VN dần dần mở rộng tỷ trọng đầu tư vào xây dựng quốc phòng; căn cứ vào tiến trình phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa, dần dần nâng cao trình độ hiện đại hóa quân đội.

Năm 1976, khi VN vừa thống nhất, quân đội VN đã phát triển trở thành đội quân lớn với hơn 1 triệu quân. Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, cùng sự thay đổi của cục diện đối đầu hai cực và nhu cầu xây dựng trong nước của VN, cộng thêm việc khó có thể duy trì chi phí quân sự lớn và tiếp tục thực hiện chính sách mở rộng quân bị như trước, nên tháng 9/1986 VN đề xuất tinh giản biên chế quân đội, xây dựng một đội quân với số lượng tương đối, chất lượng cao, phù hợp với thực lực kinh tế quốc gia.

Bước vào thế kỷ 21, căn cứ vào tình hình an ninh quốc gia và cuộc chiến tranh tin học trong tương lai, VN đã xác lập chiến lược quân sự "phòng ngự tích cực". Nhấn mạnh trong kết cấu sức mạnh quân sự, kết hợp giữa 3 lực lượng vũ trang là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong quy mô chiến tranh kết hợp giữa tiến công với quy mô vừa và nhỏ và tiến công địch rộng khắp, nhấn mạnh đến tác dụng chống lại kẻ thù một cách toàn diện:

Trước hết, VN thúc đẩy mạnh mẽ thể chế lực lượng vũ trang "3 kết hợp". Trong đường lối phát triển quân đội nhấn mạnh đến việc cùng với sự điều chỉnh chiến lược quốc gia, việc xây dựng quân đội phải chuyển từ trạng thái thời chiến sang trạng thái thời bình, coi việc xây dựng đội quân chính quy với số lượng thích đáng, trang bị tiên tiến, cơ động linh hoạt, sức chiến đấu mạnh, chất lượng cao, ngày càng hiện đại hóa làm mục tiêu cơ bản.

Thứ hai, nhấn mạnh đến việc điều hoà và phát triển có trọng điểm các quân chủng và binh chủng. Mấy năm gần đây, quân đội VN rất nhấn mạnh đến việc điều chỉnh một cách hợp lý tỷ lệ giữa các quân chủng và binh chủng; ưu tiên phát triển hải quân và không quân, khống chế quy mô lục quân, trọng điểm tăng cường xây dựng binh chủng kỹ thuật.
Thứ ba, ưu hoá thể chế quân dự bị và động viên nhanh. Tiếp tục tăng cường xây dựng lực lượng dân quân tự vệ cả về số lượng và chất lượng.

Ngoài ra kết hợp với đặc điểm tình hình đất nước, VN luôn nhấn mạnh đến tư tưởng "quốc phòng toàn dân". Cùng với việc thực hiện cải cách quân sự, phát triển hơn nữa thể chế quốc phòng toàn dân. Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng chiến lược quốc phòng toàn dân, VN tăng cường mạnh mẽ việc xây dựng lực lượng bộ đội dự bị và dân quân tự vệ. Lực lượng bộ đội dự bị có khoảng 50 vạn quân. Số lượng dân quân tự vệ lên tới 2,5 triệu người. Một khi chiến tranh đòi hỏi, lực lượng bán quân sự này chỉ cần được trang bị vũ khí cần thiết là có thể tham gia tác chiến.

Căn cứ vào tư tưởng chiến lược quân sự "phòng ngự tích cực" và "quốc phòng toàn dân", mấy năm gần đây VN quán triệt phương châm xây dựng chất lượng quân đội, coi hải quân và không quân là hai quân chủng ưu tiên phát triển, với phương hướng "tiến sâu vào đại dương", đã tăng nhanh tốc độ xây dựng hải quân và không quân và các quân cảng.

Quân đội VN thấy rằng việc coi trọng xây dựng hải quân không chỉ liên quan đến việc củng cố quốc phòng và sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ lãnh hải, mà còn liên quan đến việc phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là kinh tế biển. Để tăng cường xây dựng hải quân hiện đại hóa, ngay từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, VN đã chế định "Kế hoạch phát triển hải quân 10 năm", cấp riêng ngân sách cho việc nghiên cứu chế tạo và mua tàu chiến mới và các trang thiết bị khác của hải quân, xây dựng và mở rộng một số quân cảng quan trọng ở miền Trung và miền Nam.

Bước sang thế kỷ 21, để thích ứng với nhu cầu tác chiến trong tương lai và xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, VN lại đưa ra quy hoạch phát triển hải quân trung hạn và dài hạn. Dự định đến trước năm 2010, cố gắng tăng số lượng tàu chiến mới, dần dần thải loại các tàu chiến cũ, phát triển lực lượng tàu ngầm và lực lượng không quân thuộc hải quân; đến trước năm 2050, sẽ hình thành khả năng tác chiến độc lập, viễn dương và lập thể, thực hiện toàn diện việc chính quy hoá và hiện đại hoá hải quân.
Để xây dựng lực lượng hải quân ven bờ thành hải quân viễn dương và hiện đại hóa, VN sẽ chi những khoản đầu tư lớn. Không những mua của Nga những trang bị tiên tiến cỡ lớn như tàu chiến trang bị tên lửa "Nhện độc", còn tự nghiên cứu chế tạo tàu hộ tống và tàu chiến trang bị tên lửa. Ngoài ra còn đầu tư 3,8 tỷ USD để xây dựng một quân cảng rộng 3000 hécta có thể sử dụng cho tàu chiến cỡ 4 vạn tấn ở vùng Đông Bắc VN. Dự tính, một khi quân cảng này xây xong, không chỉ giảm bớt khó khăn tàu chiến Việt Nam chỉ có thể neo đậu ở cảng Cam Ranh, mà còn tăng cường mạnh mẽ việc xây dưng cơ sở hạ tầng của hải quân VN, nâng cao khả năng đảm bảo tác chiến của hải quân VN lên trình độ mới.

Các sĩ quan quân đội VN đã từng nói: "VN dự định đến trước năm 2015 sẽ xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại hóa, đến lúc này khả năng bảo vệ tuyến đường vận chuyển viễn dương và khả năng tác chiến trên biển sẽ đạt nhu cầu của hải quân hiện đại hoá. Theo tư duy của quân đội VN hiện nay, dải ven biển hình chữ "S" và những đảo nhỏ mà VN xâm chiếm ở Trường Sa sẽ tạo nên một hệ thống phòng vệ tương đối hoàn chỉnh, hải quân VN có thể "lấy điểm khống chế diện", lấy ưu thế địa lý phát huy tác dụng của các tàu chiến cỡ nhỏ, từ đó có thể đối kháng được với lực lượng hải quân mạnh của các nước khác trong khu vực.

Giống như hải quân, không quân VN thành lập năm 1956, đã có bước phát triển mạnh cùng với tiến trình cải cách đổi mới của đất nước. Hiện nay không quân VN có 12 nghìn quân, biên chế thành 4 sư đoàn,6 trung đoàn tiêm kích, 3 trung đoàn vận tải, 1 sư đoàn máy bay lên thẳng. Hiện được trang bị 394 máy bay chiến đấu, 47 máy bay trực thăng. Có tin cho biết VN có thể trong vòng 15 năm sẽ tiến hành hiện đại hóa lực lượng không quân với quy mô lớn. Trong vài năm tới VN trọng điểm cải tiến và đổi các loại máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không.

Trong một thời gian dài, quân đội VN có xu thế "nhất biên đảo", hoàn toàn dựa vào Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga do kinh tế khó khăn không còn quan tâm đến VN. Hiện nay cùng với việc thực hiện chính sách cải cách mở cửa về kinh tế, VN cũng ý thức được rằng lợi ích quốc gia là hạt nhân trong quan hệ đối ngoại của VN, vì vậy trong khi thúc đẩy hợp tác quân sự đối ngoại đã vứt bỏ một phần mâu thuẫn về ý thức hệ, chú trọng lợi ích quốc gia với mức độ lớn nhất.

Một mặt VN kiên trì kết hợp quốc phòng với ngoại giao, nhấn mạnh thực hiện đường lối ngoại giao hoà bình thực dụng "thêm bạn, bớt thù"; chủ trương thông qua hoà bình hiệp thương giải quyết tranh chấp, kiên trì việc phát triển quan hệ hữu hảo, với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước xung quanh, tạo ra môi trường an ninh bên ngoài tốt đẹp cho việc xây dựng quốc phòng.

VN với tư cách là nước có thực lực quân sự mạnh nhất khu vực ĐNÁ, năm 1995 đã tham gia vào khối ASEAN, khiến sức mạnh quân sự của VN càng phát triển mà lại không khiến các nước ASEAN khác lo ngại. Mấy năm gần đây, cùng với việc vết thương do chiến tranh VN gây nên cho quan hệ Việt-Mỹ dần dần được lành, quan hệ VN và Mỹ cũng dần dần bình thường hóa. Năm 2006, chuyến thăm VN của Rumsfeld đã mở ra kênh mới cho việc mở rộng hơn nữa sự hợp tác quân sự Việt-Mỹ. Khi đó Bộ trưởng Quốc phòng VN đã công khai nói :"Chúng tôi hoan nghênh họ (người Mỹ) giúp quân đội nhân dân hiện đại hóa. Hiện nay VN đang hợp tác quân sự với Mỹ, Nga và ấn Độ. VN cũng đang tích cực mở rộng nguồn cung cấp vũ khí; hiện nay ngoài Nga và Ấn Độ ra, Pháp, Ba Lan, Ucraina cũng đều trở thành kênh cung ứng trang bị vũ khí cho VN; Ixraen, Bỉ, Đức, HQ, Anh cũng bắt đầu nhòm ngó vào thị trường vũ khí VN.

Có thể dự đoán, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế VN, quân đội VN sẽ trở thành quân đội không thể xem thường ở khu vực ĐNÁ.
1.VN sẽ phấn đấu thành quốc gia có nền kinh tế Biển
2.Kinh tế Biển sẽ đóng góp 55% GDP vào năm 2020.Hiện nay Kinh tế biển chỉ đóng góp 15% vào GDP.
3.Xây dựng,hoàn thiện Học Thuyết Hải quân Việt.Xây dựng lực lượng Hải quân hùng mạnh ,đủ sức mạnh bảo vệ các quyền lợi kinh tế của Việt Nam trên khu vực Biển Đông, góp phần giữ gìn an ninh trật tự khu vực ASEAN.

Mổ xẻ 'lá chắn biển' Bastion



Hệ thống tên lửa Bastion là giải pháp chống đỡ bất đối xứng giúp các quốc gia duyên hải bảo vệ tốt lãnh hải của mình.

Hệ thống Bastion, NATO đặt tên là SSC-X-5, là hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối hải hiện đại của Nga được nhiều quốc gia để mắt và đặt mua. Đây là "vũ khí" giúp hầu hết các quốc gia có bờ biển dài và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào biển nhưng không có khả năng tài chính, trình độ khoa học để xây dựng một hạm đội mạnh cho riêng mình.

Tổng quan về hệ thống Bastion.

Trái tim của hệ thống tên lửa đất đối hải này chính là tên lửa đối hải P-800 Yakhont (NATO đặt tên SS-N-26). Loại tên lửa này được thiết kế vào năm 1985, tại cục thiết kế NPO Mashinostroyeniye, là một trong những thế hệ tên lửa đối hạm hiện đại phát triển từ các thiết kế cũ hơn như P-120 Malakhit, P-270 Moskit và P-700 Granit.

Tên lửa Yakhont có chiều dài 8,9 m, đường kính 0,71 m, với tổng khối lượng 3.000 kg. Nó được thiết kế bốn cánh delta ở giữa thân và bốn cánh nhỏ hơn ở đuôi để kiểm soát đường bay.

Khi mới ra mắt năm 1993, Yakhont lập tức thỏa mãn tất cả những yêu cầu đề ra của quân đội Nga về một loại tên lửa chống hạm mới: tấn công chính xác, có tốc độ siêu âm ở mọi trạng thái hành trình, có thể phóng từ hầu hết bệ phóng: từ máy bay, tầu, tầu ngầm, xe phóng trên đất liền...

Đặc biệt, đây là loại tên lửa có trí tuệ, người dùng chỉ cần “bắn rồi quên”, nghĩa là sau khi bấm nút khởi động, tên lửa sẽ tự động đi tìm mục tiêu để tiêu diệt.

Sau khi được phóng từ bệ phóng, ở khoảng cách từ 60 đến 80 km, Yakhont sẽ bật radar của nó để tìm kiếm mục tiêu. Khi tên lửa phát hiện mục tiêu và lại gần ở khoảng cách từ 25 đến 30 km, tên lửa tắt mọi liên lạc với hệ thống và chỉ sử dụng radar ở trạng thái bị động. Lúc này, một tên lửa trong cả nhóm Yakhont được phóng đi (thường là ba tên lửa) sẽ bay lên cao và bật radar của mình dẫn đường cho các tên lửa bay thấp còn lại tấn công mục tiêu.

Được thiết kế với một động cơ ramjet nhiên liệu lỏng cực mạnh cùng với một tầng đẩy phụ trội hoạt động bằng nhiên liệu rắn, Yakhont có thể tăng tốc lên đến 2,6 lần tốc độ âm thanh (3.200 km mỗi giờ). Cùng với tốc độ cao, khả năng bay thấp (cách mặt biển từ 5 m đến 15 m), không một loại radar hay hệ thống phòng thủ nào của tầu chiến hiện nay có thể chặn được Yakhont.

Không những thế, Yakhont còn được làm bằng vật liệu hấp thụ sóng radar, giảm tối đa bị phát hiện bởi radar tầu chiến; thậm chí nó còn được trang bị hệ thống cảnh báo radar cùng với máy tính cực mạnh có thể giúp tên lửa tự “ứng phó” với hệ thống phòng không.

Cuối cùng, với đầu đạn 200 kg, Yakhont có thể vô hiệu hóa hầu hết tầu chiến trên thế giới hiện nay chỉ với một phát bắn.

Trong hệ thống Bastion, tên lửa Yakhont được phóng trên hệ thống phóng K340P SPU là loại xe dựa trên khung xe tải MZKT-7930. Mỗi xe K340P có trọng tải 41 tấn và có thể mang theo hai tên lửa.

Tên lửa sẽ được phóng thẳng đứng với thời gian ngắn nhất giữa hai lần phóng là 2,5 giây. Xe tiếp đạn K342 TZM cũng dựa trên khung xe trên, được trang bị cần cẩu có trọng tải 5,9 tấn dùng để tiếp đạn cho xe K340P.

Ngoài ra, toàn bộ hệ thống còn kèm theo một xe chỉ huy K380 MBU trọng tải 25 tấn trên khung xe MZKT- 65273 có thể chuẩn bị chiến đấu chỉ trong vòng 3 đến 4 phút. Toàn bộ hệ thống Bastion có thể hoạt động kết hợp với radar từ tàu biển hoặc từ máy bay trực thăng trinh sát.

Hiện nay có nhiều nước đã đăng ký mua hệ thống phòng thủ này của Nga, trong đó, riêng Ấn Độ đã hợp tác với Nga để sản xuất phiên bản Yakhont riêng của mình với tên Brahmos.

An Thái

Việt Nam trong thế tương quan lực lượng trên Biển Đông

HÀ TƯỜNG CÁT

Trong vùng Biển Đông, Việt Nam và Philippines có những va chạm trực tiếp và nhiều mối quan tâm lo ngại hơn mọi nước Đông Nam Á khác về ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Hải quân Việt Nam đã hai lần đụng độ với hải quân Trung Quốc ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988, kết quả đều là Trung Quốc lấn chiếm thêm một số đảo.

Philippines cũng đã có tranh chấp với Trung Quốc ở Mischief Reef trong quần đảo Trường Sa năm 1995. Để đương đầu hiệu quả, không thể dựa vào sức mạnh, vì lực lượng quân sự của cả hai nước đều kém Trung Quốc rất xa, nhưng cũng không thể hoàn toàn bằng chính trị ngoại giao nếu thiếu khả năng tối thiểu để tự vệ.

Chưa cần tăng viện từ hai hạm đội Bắc Hải và Đông Hải, hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã sẵn có những chiến hạm cơ hữu mạnh và nhiều hơn gấp bội: 11 khu trục hạm, 14 hộ tống hạm gắn hỏa tiễn và gần 20 tiềm thủy đĩnh. Máy bay chiến đấu và oanh tạc của hải quân cũng như không quân Trung Quốc từ căn cứ trên đất liền và đảo Hải Nam có tầm hoạt động xa tới vùng quần đảo Trường Sa. Trong một trận hải chiến lớn, Trung Quốc hoàn toàn có ưu thế về lực lượng và hỏa lực, như vậy chiến thuật đối phó hiệu quả của Việt Nam chỉ có thể theo kiểu đột kích và du kích chiến trên biển.

Trong chiều hướng ấy người ta có thể nhận thấy rõ là kế hoạch phát triển lực lượng hải quân của Việt Nam ngày nay tập trung trên hai điểm: củng cố khả năng phòng vệ duyên hải và tạo tiềm lực ngăn trở không để cho hải quân Trung Quốc tự do hành động. Thể hiện rõ nét nhất của chiến lược này là việc Việt nam mới đặt mua của Nga 6 tàu ngầm loại Kilo, sẽ được giao trong năm 2010. Còn trên mặt biển dù chỉ có một ít chiến hạm nổi, khoảng 8 hộ tống hạm trung bình có đủ tầm hoạt động viễn dương, nhưng chú trọng tăng cường thêm nhiều tiểu đĩnh phóng hỏa tiễn, phóng lôi hay tạc đạn chống tàu ngầm, phối hợp cùng các giàn trọng pháo phòng duyên và hỏa tiễn địa - hải.

Chiến lược này không khác Trung Quốc trước kia đã áp dụng để phòng chống Đài Loan và hải quân Hoa Kỳ. Vấn đề khó khăn của Việt Nam là không thể có đủ ngân khoản mua chiến cụ nước ngoài và kỹ nghệ chưa đạt tới trình độ tự cung ứng. Những loại vũ khí mới nhất cho đến bây giờ đều mua của Nga, lý do chính không phải vì tốt hơn nhưng vì giá rẻ và nhiều điều kiện dễ dàng hơn là từ Tây phương.

Kilo là tên do NATO đặt cho loại tàu ngầm do Liên Sô sản xuất từ những năm 1980, đã qua nhiều cải tiến và đến nay Nga không còn chế tạo nữa để chuyển sang một thế hệ mới. Tuy nhiên tàu ngầm Kilo đợt Project 636 vẫn còn có nhiều ưu điểm và thích hợp với nhu cầu của Việt Nam. Đây là loại tàu ngầm sử dụng được cho cả hai mục tiêu chống tàu nổi và tàu ngầm địch, cũng như tuần phòng canh giữ duyên hải ở những vùng biển không sâu.

Tàu ngầm Kilo chiều dài 70 mét, trọng lượng rẽ nước 2,300 tấn khi nổi và 3,500 tấn lúc lặn; và tầm hoạt động tối đa 7,500 hải lý trong 45 ngày, lặn sâu được 300 mét và di chuyển dưới mặt nước xa 400 hải lý. Tàu có 6 khoang và khi một hoặc hai khoang bị lủng vẫn còn có thể chạy được, Vũ khí trang bị bao gồm một ống phóng cho 8 hỏa tiễn hải - không Strela-3 tầm bắn 6 km, hoặc 4 hỏa tiễn bình phi chống tàu nổi tầm bắn xa 220 km, đầu nổ 450kg, tất cả đều có thể bắn đi khi đang lặn. Ngoài ra còn có 6 ống phóng cho 18 ngư lôi (torpedo) 533 mm hoặc 24 thủy lôi (mìn). Tàu Kilo Project 636 là loại êm nhất trong các tàu ngầm diesel/điện, nghĩa là khó bị phát hiện dưới nước bởi máy dò sonar.

Trước kia Việt Nam đã có 2 tàu ngầm tí hon loại Yugo do Bắc Hàn sản xuất, những tàu ngầm này chỉ có hiệu lực phòng thủ bờ biển hay đưa người nhái đột kích, hai tàu này đã cũ và sẽ bị phế thải. Số tàu ngầm Kilo mới, dù là ít, có thể là mối đe dọa đáng kể cho hải quân Trung Quốc trong vịnh Bắc Việt hay vùng biển xa như Trường Sa. Tuy nhiên Trung Quốc cũng đã sử dụng tàu ngầm loại Kilo từ lâu, thoạt đầu mua 2 chiếc của Nga rồi sau theo mẫu tự chế tạo lấy. Do đó có thể hải quân Trung Quốc đã hiểu rõ tính năng và phương cách đối phó.

Một số quan sát viên thuộc cơ quan nghiên cứu Global Security ở Anh nhận xét nếu Việt Nam dùng loại tàu ngầm Scorpène của Âu Châu, nhỏ hơn chút ít nhưng nhiều khả năng tân tiến thì có thể hiệu quả hơn. Tàu ngầm Scorpène mỗi chiếc trị giá $400 triệu, còn Kilo chỉ có $300 triệu và Việt Nam có thể thanh toán bằng dầu lửa, có lẽ đó là lý do chính khiến đến nay Việt Nam vẫn mua vũ khí từ Nga.

Chiến hạm trên mặt biển của Việt Nam cũng là những hộ tống hạm mua của Nga, kể cả các loại mới như Gepard, Petaya III vũ trang pháo 127 mm , hỏa tiễn hải – không hay hải – hải, ngư lôi và tạc đạn chống tàu ngầm. Những tàu này có thể hoạt động xa bờ, nhưng chủ lực phòng thủ có lẽ là khoảng 30 khinh tốc đĩnh trong số có kiểu Project 12418 Molniya đủ khả năng chiến đấu với những chiến hạm lớn. Molniya thế hệ mới, trọng tải 550 tấn vũ trang súng 76mm, hỏa tiễn hải – hải có tầm bắn xa tới 500 km, radar và kỹ thuật chiến tranh điện tử.

Không quân Việt Nam đã có một số máy bay chiến đấu phản lực MiG-21 và F-5E, đến nay được coi là lỗi thời đã quá cũ. Loại máy bay chiến đấu phản lực mới hơn bao gồm 36 chiếc MiG-23ML/UB, 36 chiếc Sukhoi Su-27SK/UB và mới nhất là 12 Sukhoi Su-30MK2V cùng 24 chiếc khác đã đặt hàng của Nga. Su-30MK2V dùng cho hải quân, vũ trang hỏa tiễn không - không và không – hải, với tầm hoạt động 3,000 km được coi là đủ khả năng tác chiến trên vùng Biển Đông.

Với những lực lượng này, Việt Nam gây khó dễ không ít cho Trung Quốc trong ý đồ bá chủ trên Biển Đông. Tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất về cán cân lực lượng ở đây do chỗ Biển Đông là một đường hàng hải quốc tế quá quan trọng, các cường quốc hải quân bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Anh và cả Ấn Độ sẽ không để Trung Quốc tự do khống chế khu vực Đông Nam Á.

Trong thập niên 1980, Nga rút khỏi căn cứ Cam Ranh và Hoa Kỳ cũng triệt thoái khỏi Subic Bay ở Philippines, Biển Đông trở thành vùng bỏ trống đúng vào thời gian Đặng Tiểu Bình đang thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc trong đó có kế hoạch phát triển hải quân từ một lực lượng phòng thủ bờ biển thành một lực lượng hải quân viễn dương. Cùng lúc với nhận định về tầm quan trọng của nguồn hải sản và tài nguyên dầu khí dưới lòng biển, tranh chấp chủ quyền thềm lục địa và các hải đảo trở nên gay gắt giữa 5 nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia.

Từ 1995, Việt Nam nhận rõ sự kết hợp cần thiết của các quốc gia trong vùng và đã trở thành một rong những thành viên hoạt động tích cực nhất của khối ASEAN. Tuy vậy, Bắc Kinh hiểu rõ là ASEAN sẽ chỉ phản đối sự bành trướng tới Trường Sa bằng miệng ngoại trừ Việt Nam là có thể chống lại bằng vũ lực. Tháng 11 năm 2002, Tuyên ngôn về ứng xử của các bên tại Biển Đông được ký kết giữa 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm làm giảm căng thẳng tại các đảo tranh chấp với mong ước của các nước liên quan giải quyết vấn đề chủ quyền 'mà không sử dụng vũ lực thêm nữa '. Nhưng Bộ luật ứng xử trên Biển Đông không mang tính bắt buộc và nhiều vi phạm hay va chạm khác vẫn thỉnh thoảng xảy ra trên biển.

Ngoài Việt Nam trực tiếp phải đương đầu với Trung Quốc, lực lượng hải quân các quốc gia Đông Nam Á khác chú trọng đến việc phòng thủ bờ duyên hải hơn là mở rộng hoạt động ra vùng biển xa. Hải quân Hoàng gia Thái Lan là duy nhất trong vùng có những chiến hạm đủ khả năng hoạt động viễn dương, kể cả một hàng không mẫu hạm HTMS Chakri Naruebet. Nhưng quốc gia này chỉ quan tâm đến vịnh Thái Lan và bờ biển Ấn Độ Dương, không đóng góp nhiều cho nền an ninh chung trong Biển Đông.

Đầu thế kỷ 21, Việt Nam đã mong mỏi hải quân Ấn Độ mở rộng tầm hoạt động đến Biển Đông, thể hiện qua sự thăm viếng Việt Nam của chiến hạm Ấn Độ và dự án tổ chức một cuộc thao diễn hỗn hợp giữa hai nước. Gần đây, Ấn Độ tỏ rõ đường lối phát triển hải quân với dự án tự đóng ít nhất là 2 hàng không mẫu hạm và hợp tác với Nga sản xuất máy bay chiến đấu. Nhưng hơn bất cứ tác động nào khác, sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ mới có kết quả quân bình cán cân lực lượng tại vùng biển nhiều tranh chấp này. Điều mà người ta chờ đợi là những dấu hiệu cụ thể, chẳng hạn như lời Ngoại trưởng Hillary Cinton vừa tuyên bố ở hội nghị ASEAN là “Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á”, thì mới có thể dự đoán tương lai ổn định của Biển Đông sẽ diễn biến theo chiều hướng nào. (HC)

Đêm nhạc đặc biệt cho ca sĩ Y Moan


TP - Chương trình ca nhạc đặc biệt mang tên “Ngọn lửa Cao nguyên” dành riêng cho ca sĩ hàng đầu Tây Nguyên Y Moan Enuol sẽ diễn ra tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Hà Nội, dự kiến vào đêm 6-8-2010.

Hiện nay mọi việc chuẩn bị đã xong với lực lượng hùng hậu: Tổng đạo diễn chương trình NSƯT Nguyễn Quang Vinh, tổng biên tập chương trình là nhạc sĩ Nguyễn Cường, chịu trách nhiệm chương trình: Y Vôl Enuol.

Cùng tham gia trình diễn có 2 ca sĩ con trai của Y Moan là Y Vôl và Y Garia, các ca sĩ Phương Thanh, Mỹ Linh, Siu Black, Minh Anh, Minh Ánh, Y Jăk, các nhạc sĩ Y Phôl, Văn Mậu, Lê Minh Sơn, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Đỗ Bảo cùng ban nhạc Đồng Đội.

Tất cả nghệ sĩ tham gia chương trình đều với tinh thần phi thương mại, tôn vinh nghề nghiệp. Toàn bộ nguồn thu sẽ được công bố ngay trong đêm diễn, là món quà để giúp gia đình ca sĩ Y Moan điều trị căn bệnh hiểm nghèo.

Y Moan khẳng định: Dù sức khỏe dần suy kiệt nhưng anh vẫn sẽ đứng vững trên sân khấu với giọng hát thật và phong cách trình diễn sống động của mình.

Hoàng Thiên Nga

Trẻ được yêu thương dễ trở thành người bản lĩnh

Mức độ yêu thương của mẹ dành cho trẻ càng lớn thì khả năng đối phó với áp lực trong cuộc sống của các em càng tăng ở giai đoạn trưởng thành.

BBC cho biết, tiến sĩ tâm lý Joanna Maselko của Đại học Temple, Mỹ theo dõi gần 500 người trong bang Rhode Island để tìm hiểu mối quan hệ giữa tình yêu của người mẹ với khả năng đối phó với các trạng thái tiêu cực của những đứa con.

Maselko đánh giá mức độ tương tác giữa mẹ và con khi 500 đối tượng nghiên cứu mới được 8 tháng tuổi. Căn cứ vào số lần người mẹ thực hiện hành động ôm ấp, hôn, vuốt ve và thốt ra những lời nói nựng, Maselko đánh giá mức độ yêu thương của họ bằng một thang điểm.

30 năm sau, Maselko cùng các đồng nghiệp gặp lại những đứa trẻ ngày xưa. Nhóm chuyên gia mời họ tham gia vào một cuộc thăm dò ý kiến để khảo sát về mức độ hạnh phúc và tình cảm của họ.

Kết quả cho thấy những trẻ nhận được yêu thương nhiều nhất cũng là những người đối phó với mọi dạng vấn đề thần kinh hiệu quả nhất. Mức độ biểu hiện tình yêu thương của mẹ càng lớn thì đứa con càng hiếm khi rơi vào những trạng thái tình cảm tiêu cực như trầm uất, căng thẳng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, phát hiện của họ cung cấp thêm bằng chứng về việc sự chăm sóc của người mẹ ở tuổi ấu thơ tác động tới bản lĩnh của con người khi trưởng thành. Tuy nhiên, tác động của tính cách, quá trình nuôi nấng và môi trường giáo dục và nhiều yếu tố khác cũng nên được xem xét.

Trong bài viết trên tạp chí Journal of Epidemiology and Community Health, nhóm nghiên cứu cho rằng các bà mẹ nên biết điểm dừng khi thể hiện tình yêu thương với con. Sự cưng chiều quá mức của người mẹ có thể tạo nên nhiều vấn đề tiêu cực cho con khi chúng lớn. Một nghiên cứu gần đây chứng minh con dễ loạn thần kinh nếu cha mẹ quan tâm thái quá.

Minh Long

Sử liệu mới về chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Tác giả: André Menras (Hồ Cương Quyết)
Bài đã được xuất bản.: 8 giờ trước, trên Vietnamnet
"Khi đọc bài viết của báo công giáo La Croix ngày 15/3/1934 mà người bạn sử gia Alain Ruscio vừa mới gửi đến, thêm một lần nữa, tôi tin rằng quần đảo Hoàng Sa (Paracels) hiển nhiên thuộc về Việt Nam"- André Menras quả quyết.

LTS: André Menras, một người Pháp đã có hộ chiếu và chứng minh thư Việt Nam với cái tên Hồ Cương Quyết. Hơn 40 năm trước, chàng thanh niên Pháp ấy cùng người bạn đã đến Sài Gòn theo chương trình "Thanh niên Pháp đi làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế", đã leo lên đầu tượng lính thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn phất cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, rải truyền đơn kêu gọi hòa bình. André Menras và người bạn bị bắt, giam giữ 3 năm cho đến đầu 1973, ông cùng người bạn mới được thả và trục xuất về Pháp. Ngay sau đó, ông đã viết cuốn "Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo", được dịch ra nhiều ngôn ngữ.


Mới đây, qua người bạn Sử gia, ông tiếp cận được một tư liệu khẳng định quần đảo Hoàng Sa (Paracels) hiển nhiên thuộc về Việt Nam, André Menras đã gửi tới Tuần Việt Nam một bài viết và bản dịch của sử liệu này như một minh chứng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Xin giới thiệu cùng độc giả.

Một lần nữa, có một sự trớ trêu của lịch sử là thực dân Pháp, trong vòng hơn một thế kỷ đã lấy mất đi của nhân dân Việt Nam cả tài nguyên, lãnh thổ và lãnh hải. Và, với ý nghĩ là họ sẽ tồn tại vĩnh viễn trên vùng đất xâm chiếm, các cấp hành chánh, giới báo chí, những nhân vật chính trị và quân sự thời Pháp thuộc đã soạn ra nhiều tài liệu, chứng cứ để hôm nay Việt Nam có thể căn cứ trên những sử liệu đó mà xác nhận, bảo vệ, và thậm chí giành lại chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa.

Khi đọc bài viết của báo công giáo La Croix ngày 15/3/1934 mà người bạn sử gia Alain Ruscio vừa mới gửi đến, thêm một lần nữa, tôi tin rằng quần đảo Hoàng Sa (Paracels) hiển nhiên thuộc về Việt Nam. Và người ta cũng nhận thấy rõ rằng thực dân Pháp năm xưa đã có cái nhìn sâu sắc và thực tế về tầm quan trọng chiến lược của vùng hải đảo này. Tuy nhiên, họ lại tỏ ra xem nhẹ tính tối quan trọng về mặt kinh tế mà vùng hải đảo này có thể mang lại cho Việt nam trong những thế kỷ tiếp theo.

Tài liệu này còn cho một tia sáng thú vị về cả một quá trình liên tục trong lịch sử về tham vọng và sự quan tâm của Trung Quốc lục địa với đảo Hải Nam. Một lần nữa, tài liệu này chỉ rõ dã tâm của những người lãnh đạo Trung quốc, và khuyến cáo với họ rằng, trên vùng biển của vùng Đông Nam Á, không hề có tương lai cho những lâu đài trên cát và trong những vùng xoáy nguy hiểm mà họ đang cố xây dựng.

Mặc cho những chủ trương với nhiều gam màu, từ quân sự đến giả dạng khảo cổ, giả dạng du lịch, giả dạng bảo vệ môi trường, kể cả giả dạng an ninh, họ vẫn không thể nào hợp pháp hóa được sự xâm chiếm này của họ. Sử liệu này, cũng như tất cả những tài liệu sẽ lần lượt xuất hiện từ những tư liệu lịch sử, chứng minh cả cho những người đồng lõa với họ, những kẻ hoặc muốn bình thường hóa, hoặc muốn che dấu, hoặc chấp nhận hành động ăn cướp này rằng Lịch Sử là điều không thể chối cãi được. Sớm hay muộn rồi Lịch Sử cũng sẽ lần lượt đưa ra từng chứng cứ một để vạch mặt chỉ tên những kẻ cố tình đi ngược lại lịch sử hoặc muốn viết sai lệch lịch sử!.
Để có thể xác định đúng tính lịch sử của tư liệu này, tôi xin nhắc lại một số sự việc sau:

Ngay từ năm 1925, khi Toàn quyền Đông Dương tuyên bố rằng Hoàng Sa và Trường Sa là đất của Pháp thì Nhà nước thực dân Pháp đã khẳng định, kéo dài và củng cố một cách chắc chắn chủ quyền mà họ đã tước đoạt từ Vương triều An Nam đối với lãnh thổ và lãnh hải của xứ này.

Năm 1931 - 1932, Nhà nước Pháp cũng đã lên tiếng phản đối một cách chính thức về việc khai thác guano bỏ thầu cho Trung Quốc trên các quần đảo này. Lúc ấy, Nhà nước Pháp đã nêu ra những quá trình lịch sử và những bằng chứng về chủ quyền của An Nam rồi sau đó của Pháp trên vùng lãnh hải này.

Từ năm 1937 - 1939, Nhà nước Pháp đã cử một đội quân bảo vệ dân sự thực dân để xây dựng trên đảo Pattle một tượng đài với dòng chữ "Cộng hòa Pháp - Vương triều An Nam - quần đảo Hoàng Sa- 1816- đảo Pattle 1938" và dựng lên một ngọn hải đăng, một đài khí tượng và một cơ sở viễn thông...

Và đây là sử liệu này, trong đó còn có một vài lỗi chính tả về một số địa danh. Tôi đã để nguyên để giữ nguyên tính chân thực của sử liệu này:


Trên Biển Đông

Đã nhiều lần chúng ta bàn cãi về việc nhập các quần đảo Paracels (Hoàng Sa) vào Đông Dương.

Nằm ngay trên con đường nối liền mũi Padaron của Hong Kong, các hòn đảo nhỏ này buộc tất cả các tàu thuyền đi qua lại những vùng này của biển Đông phải đi đến gần sát hoặc về phía Tây - giữa Hoàng Sa và đảo Hải Nam , hoặc về phía Đông, giữa Paracels (Hoàng Sa) và vỉa đá Macclesneid.

Mặt khác, các hòn đảo này lại nằm ở một khoảng cách gần như ngang nhau giữa Hải Nam và Tourane (Đà Nẵng), chúng gần như giữ vai trò chỉ huy cửa ngõ vào Vịnh Tonkin (Vịnh Bắc Bộ), và do vậy, kiểm soát cửa ngõ của một vùng quan trọng về phương diện kinh tế, vì Hải Nam trong tình hình bình thường chỉ là một cửa ngõ không thuận tiện cho việc neo đậu các tàu lớn và có thể là một ngõ cụt, nếu có một sự bất đồng nào đó.

Một đại úy hải quân Pháp tên là Olivier de Saix, thuộc cơ quan Địa lý, gần đây đã trình bày những lý do vì sao cần phải nhập quần đảo Paracels và xem như nó gắn với đất liền. Vấn đề chủ quyền của nước Pháp đối với Paracels từ lâu đã là một vấn đề tranh cãi. Cách đây vài năm, sau những cuộc tìm kiếm trong các sử liệu của vương triều An Nam, bán báo cáo này đã đi đến kết luận như sau: quần đảo Paracels hoang vắng và cằn cỗi không khác gì một mê cung của các hòn đảo san hô, đá ngầm và những dải cát mà những người đi biển rất e ngại, hình như là một vùng res nullius (đất hoang, cả về mặt pháp quyền) cho tới đầu thế kỷ vừa rồi.

Đức Giám mục vùng Isauropotis tên là Jean Louis Taberd, đứng đầu giáo phận Trung Kỳ, Cambodge và Champa, trong một công trình nghiên cứu về địa lý về Trung Kỳ, đã có nhắc tới sự chiếm đóng quần đảo Paracels trong năm 1816 của Hoàng đế Gia Long - người đã trịnh trọng kéo cao lá cờ của Nam Kỳ trên quần đảo này. Một đơn vị gồm 70 người chọn lọc từ dân làng Vin - An (Vĩnh An ) đã ra đóng giữ tại đây.

Ít lâu sau, nhiều phái đoàn chính thức được cử đến thám hiểm quần đảo. Một trong những đoàn ấy đã phát hiện ra một ngôi chùa cổ xưa có khắc chữ An Nam. Để giữ kỷ niệm về chuyến thám hiểm đó, người ta đã chuyển ra đảo vật liệu và những người thợ để xây dựng một ngôi chùa và một tượng đài. Trong quá trình đào móng để xây chùa, người ta phát hiện thêm 2.000 cân nhiều loại vật dụng bằng đồng lá, sắt, thau ... những chứng cứ của một cuộc chiếm đóng từ trước đó ở trên đảo .

Hình như cho đến thời điểm này, nước An Nam không có một liên hệ nào với quần đảo Paracels. Đa số các ngư dân, hoặc chủ thuyền dọc bờ biển sống trong một sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về các hòn đảo đó, và không có ai tiếp tục đặt chân tới đó.

Tuy nhiên, Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huế đã khẳng định vào năm 1925: "Những hòn đảo nhỏ đó đã luôn luôn thuộc về nước An Nam và không hề có một ý kiến trái ngược nào về vấn đề này." Trong các yêu sách đưa ra cho Trung Quốc vào năm 1909, nước Pháp lúc đó đã chiếm đóng An Nam, về phương diện đối ngoại, và căn cứ vào các hiệp ước bảo hộ, đã phải khẳng định chủ quyền của quốc gia bảo hộ đối với các hòn đảo này.

Mặt khác, hai quốc gia lớn, do các đặc trưng về chiến lược là chính, có thể mong muốn chiếm đóng quần đảo này nhất là nước Anh và Nhật Bản cũng chưa bao giờ có ý định này. Quần đảo Paracels ở vị trí tiền tiêu của Đông Dương, nên người ta có thể xây dựng ở đây một căn cứ tàu ngầm, hoặc một căn cứ thủy phi cơ.

Nhưng, cho dù chúng ta không sử dụng trực tiếp các đảo thì việc chiếm giữ chúng sẽ ngăn cản bất kỳ một nước nào khác dòm ngó đến Đông Dương, hoặc có ý đến xây dựng những thứ mà chúng ta không tự mình làm cho đến giờ này. Trong trường hợp có những xung đột, việc chiếm đóng các hòn đảo bởi một nước ngoại bang sẽ là một mối đe dọa lớn cho việc bảo vệ và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Đông Dương.

Thật vậy, quần đảo Paracels tạo thành một sự nối dài của đảo Hải Nam. Một đối thủ có thể tìm thấy ở đó một căn cứ thủy quân mạnh mẽ, bởi lưu lượng nước và nhờ những khu vực có thể thả neo tuyệt vời, cũng như tình trạng tự nhiên của nó, để không ai có thể đuổi ngược ra. Một đội tàu ngầm lấy quần đảo này làm chổ dựa, không những có thể chốt chặn hoàn toàn cảng Tourane, cảng quan trọng nhất của An Nam, mà còn có thể cô lập cả Bắc Kỳ bằng cách cấm vận đường biển.

Một lý do khác để sát nhập Paracels là việc xây thêm ít nhất là một ngọn hải đăng về phía tây của các đảo, nhằm tránh cho các tàu thuyền phải đi vòng như từ trước tới bây giờ để tránh những luồng nước thường xuyên thay đổi mỗi khi tàu đi ngang đảo vào ban đêm, hoặc khi thời tiết xấu.

Việc xây dựng trên một trong các hòn đảo nhỏ ấy một đài khí tượng có kèm theo một cơ sở viễn thông cũng đã được nghiên cứu. Đông Dương đã có một hệ thống khí tượng rất tốt có thể chuyển thông tin quan sát nhiều lần trong ngày tại Thu Lien, từ nơi đó, các thông tin được phân tích và người ta rút ra những dự báo. Nhưng tất cả các đài khí tượng đó tại Đông Dương, hiện vẫn chỉ ở trong đất liền, hoặc tại vùng ven biển.

Về phía đông của Đông Dương, không có một cơ sở nào khác có liên lạc với trung tâm quan sát của chúng ta ngoài cơ sở Hồng Kông, Pratas hoặc Manille (Philippines) - những cơ sở ở cách rất xa chúng ta. Ngay tại đảo Hải Nam là nơi nhiều người Trung Quốc khả nghi sinh sống cũng không hề có một cơ sở nào. Giữa Manille và bờ biển An Nam, có nghĩa là trong một khoảng cách chừng 800 dặm, cũng không có gì ngoài những thông tin thất thường mà các tàu tự chuyển cho nhau. Đài quan sát trên Paracels, ở cách bờ biển An Nam chừng 300 km,sẽ giúp bổ sung những thiếu sót này.

Những quyền lợi về kinh tế mà quần đảo Hoàng Sa có thể mang lại, nhìn bề ngoài dường như không mấy quan trọng. Một nghiên cứu khoa học về vùng đất này đã được tiến hành một cách đầy đủ. Người ta đã thực hiện nhiều cuộc thăm dò, đã xác định tình trạng thiên nhiên và cấu trúc đáy biển, cũng như đã nghiên cứu một cách chính xác về các tầng địa chất của các hòn đảo nhỏ.

Vài năm trước, người ta đã phát hiện nhiều mỏ phốt phát rất đẹp trên nhiều hòn đảo, đặc biệt là trên đảo Boisée và đảo Roberts, nhưng những người Nhật, trong một chuyến thám hiểm, đã dựng trên hòn đảo này một đường tàu sắt và một cầu tàu bằng sắt dài 300m, cũng như đã tiến hành khai thác một cách có hệ thống vùng này. Nếu như họ đã không khai thác hoàn toàn các mỏ phốt phát, thì họ cũng đã làm nó cạn kiệt đến mức là vùng này không còn có thể khai thác được gì hơn.

Hoàng Sa rất giàu về cá, nhưng san hô tràn trên mặt biển đã ngăn cản tất cả các loại thuyền bè. Những chiếc thuyền nhỏ đánh bắt cá ở vùng này thuộc về các ngư dân hàng năm đến đây theo mùa mưa trên đường từ Hải Nam đến Singapore, và trong những thời gian gió bão không thể đi lại được thì họ lại đi đánh bắt cá ven các hòn đảo xa xôi này.

Hòn đảo lớn Hải Nam, nằm giữa biển Đông và vịnh Tonkin rất ít dân cư. Phía trong của đảo có một vùng đồi núi, nơi có một số ít dân cư gần như độc lập sinh sống, đó là dân tộc LI. Mặc dù Trung Quốc đã thống trị vùng đất này từ nhiều thế kỷ và đã thiết lập tại đây một cơ sở hành chính và thủ phủ của nó, và cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát của tỉnh Quảng đông, nhưng ảnh hưởng của nó thực sự chỉ mạnh ở khu vực duyên hải.

Trong vùng Tây-Nam của tỉnh Quảng Đông, tức là vùng giáp ranh với Bắc Kỳ và vùng thuộc địa Pháp Quảng Châu Wan, có một tổ chức được thành lập để khắc phục những thiệt hại bởi nạn đói, và tổ chức này được gọi là Văn phòng Tái Thiết miền Nam. Chính tổ chức này được giao cho thực hiện chương trình gom dân của vùng trung tâm các núi des Cinq Doigts (năm ngón tay). Vùng kiểm soát của tổ chức Tái Thiết này rất rộng lớn và nằm dài theo bờ biển.

Việc thông tin liên lạc rất khó khăn kể cả bằng đường bộ lẫn đường biển. Mọi liên hệ giữa Trung Quốc và đảo phụ thuộc hoàn toàn vào các tàu thủy nước ngoài chạy giữa Hải Phòng và Hongkong. Nhưng những chuyến đi ấy không được thực hiện theo lịch trình nhất định, và trong trường hợp có gió lớn hoặc có bão, những chuyến tàu ấy thường bị chậm có khi đến hơn 10 ngày.

Với ý định khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên của đảo Hải Nam, đồng thời xác lập lại quyền đi lại dọc bờ biển, chủ tịch Tổ chức Tái Thiết miền Nam đã đưa ra một chương trình bao gồm việc kêu gọi những người Trung Quốc sống ở nước ngoài quyên tiền đủ để đóng hai chiếc tàu trọng tải ít nhất là 20 ngàn tấn, nhằm giúp cho việc liên lạc giữa đảo Hải Nam và Trung Hoa lục địa được dễ dàng hơn.

Biển Đông: Hòa bình song phương? Đa phương? Quốc tế hóa?

Tác giả: NGUYễN TRUNG
Bài đã được xuất bản.: 7 giờ trước, trên Vietnamnet
Tạm gạt tính chất cứng rắn gần như là thịnh nộ trong phát biểu của Bộ trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì sang một bên, để tìm hiểu một cách tỉnh táo mọi vấn đề nằm trong ý kiến ông Dương nêu lên, chúng ta sẽ thấy gì?
Sau họp diễn đàn ARF 17 tại Hà Nội, trong một thông cáo đăng trên mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/7, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói: "Nếu Biển Đông trở thành một vấn đề quốc tế hoặc đa phương, sẽ chỉ khiến cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn và giải pháp sẽ khó khăn hơn... ...Thực tiễn quốc tế cho thấy cách tốt nhất để giải quyết các bất đồng, tranh chấp đó là các bên liên quan đàm phán song phương trực tiếp". Trong thông cáo này, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì còn nhấn mạnh, đại ý: Những đòi hỏi có vẻ vô tư về tầm quan trọng và sự khẩn thiết phải duy trì tự do lưu thông hàng hải, về phản đối việc gây áp lực và việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông... chỉ là nhằm "tấn công" vào Trung Quốc, tạo cho cộng đồng quốc tế một ấn tượng sai lầm rằng tình hình trên Biển Đông là một nguyên cớ khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng...
Nói ngắn gọn, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, với lập luận "chống quốc tế hóa hay đa phương hóa vấn đề Biển Đông", ông dứt khoát bác bỏ đàm phán đa phương, và chỉ thừa nhận đàm phán song phương giữa Trung Quốc với từng bên các nước thành viên ASEAN cho việc tìm kiếm giải quyết tranh chấp cho các vấn đề trong khu vực biển này.

Hãy tạm gạt tính chất cứng rắn gần như là thịnh nộ trong phát biểu của ông Dương sang một bên, để tìm hiểu một cách tỉnh táo mọi vấn đề nằm trong ý kiến ông Dương nêu lên, chúng ta sẽ thấy gì?
Song phương không thể giải quyết ổn thỏa vấn đề Biển Đông
Trước hết, Biển Đông có 3 vấn đề chính là: tranh chấp chủ quyền về biển - đảo, tự do lưu thông hàng hải quốc tế, hợp tác hòa bình trong khu vực. Do đặc thù của chúng, cả 3 loại vấn đề này không có một vấn đề nào có thể giải quyết ổn thỏa trên cơ sở song phương.
Lấy ví dụ, thực tiễn đàm phán về giải quyết tranh chấp chủ quyền biển - đảo trong Biển Đông cho thấy một thỏa thuận, dù loại gì, giả thử đạt được giữa một bên là Trung Quốc với một bên là một nước ASEAN "A" nào đó, sẽ thường xuyên đặt ra tình huống gây nên những nghi kỵ, hoặc thậm chí sự phản đối của các nước ASEAN "B", "C", "D"... Cách làm song phương như vậy dứt khoát dẫn đến mầm mống những tranh chấp mới trong nội bộ cộng đồng ASEAN và chung cuộc thậm chí có thể hủy hoại cộng đồng ASEAN.
Thực tiễn này không phải là sự tưởng tượng ra từ không khí, mà đã xảy ra trong thực tế, khi Trung Quốc năm 2004 ký thỏa thuận với Philippnes tiến hành thăm dò địa chấn khu vực đảo Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Ký kết tay đôi này đã bị Việt Nam phản đối, được giải quyết một cách vớt vát là sau đó cả Trung Quốc và Philippnes đều đồng ý để Việt Nam cùng tham gia. Nhưng hậu quả không thể khắc phục được là ký kết thăm dò địa chấn này đã làm giảm sút đáng kể (gần như là vô hiệu hóa trên thực tế - de facto) Tuyên bố của các bên về Nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002 giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Ký kết thăm dò địa chấn này đã gây chia rẽ nội bộ ASEAN, sau đó còn gây chia rẽ sâu sắc nội bộ quốc gia Philippines. Phe đối lập chống Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đặt vấn đề nghi vấn có sự tham nhũng lớn cho ký kết này trích từ những khoản viện trợ và đầu tư rất lớn lên đến hàng tỷ đô-la trong chuyến đi thăm Philippines của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào năm 2005[1]. Phía Trung Quốc ca ngợi chuyến đi thăm này mở ra một thời kỳ hoàng kim quan hệ song phương Trung Quốc - Philippines...
Chỉ một ví dụ này đủ cho thấy việc củng cố sự bền vững của cộng đồng ASEAN nhạy cảm và khó khăn như thế nào. Mà trong thực tiễn tồn tại của cộng đồng ASEAN cho đến nay có vô vàn ví dụ như thế.

Kết luận có thể rút ra: Bất kể một ký kết tay đôi nào giữa một bên là Trung Quốc và một bên là một nước thành viên ASEAN về những vấn đề có liên quan đến Biển Đông đều có nguy cơ gây nghi kỵ giữa các nước ASEAN với nhau và làm suy yếu cộng đồng này, điều này đồng nghĩa làm tăng thêm nguy cơ gây mất hòa bình và ổn định trong khu vực. Lẽ đơn giản là vấn đề chủ quyền về biển đảo cực kỳ nhậy cảm đối với toàn khu vực và thường xẩy ra tranh chấp giữa ba nước với nhau trở lên.
Đấy là chưa nói đến chuyện dứt dây động rừng, đến rất nhiều vấn đề khác hệ trọng ở Biển Đông chỉ có thể giải quyết được trên cơ sở hợp tác đa phương giữa toàn thể các nước trong khu vực.
Khỏi phải bàn tuyến hàng hải Malacca đi qua Biển Đông chiếm khoảng gần 1/3 vận tải biển của thương mại thế giới, phần lớn các hợp tác kinh tế trên Biển Đông là những hợp tác song phương hoặc đa phương giữa một nước thành viên ASEAN với một hay nhiều nước bên thứ ba khác ngoài khu vực. Biển Đông là một biển mở ra Thái Bình Dương, nếu nhìn theo khía cạnh hòa bình và an ninh khu vực liên quan mật thiết với hòa bình và an ninh thế giới, sẽ càng rõ bất kể một giải pháp song phương nào cho bất kỳ một vấn đề gì giữa một bên là Trung Quốc và một bên là một nước thành viên ASEAN đều không thể đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống đặt ra.
Lời nói và việc làm
Hai là: Không có cách gì có thể biện minh cho lập luận của Ngoại trưởng Dương: Những đòi hỏi có vẻ vô tư về tầm quan trọng và sự khẩn thiết phải duy trì tự do lưu thông hàng hải, về phản đối việc gây áp lực và việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông... chỉ là nhằm "tấn công" vào Trung Quốc.
Thực tế trên Biển Đông cho đến nay chưa hề xảy ra một cuộc tấn công nào từ các nước ASEAN dù bằng lời nói hay bằng hành động nhằm vào Trung Quốc. Ví dụ, kể cả những lúc một nước ASEAN nào đó phải có lời nói phản ứng gay gắt nhất với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, thì hầu như chỉ có một nội dung là phản đối Trung Quốc dùng vũ lực lấn chiếm vùng mới trên Biển Đông, hay uy hiếp các hoạt động kinh tế trên Biển Đông chống lại một nước ASEAN nào đó. Tiếc rằng phía Trung Quốc là nguyên nhân duy nhất làm cho những lời phản đối này gần đây ngày càng nhiều.
Cũng chưa có một cuộc tấn công nào bằng hành động của một nước ASEAN thành viên nào chống lại Trung Quốc trên Biển Đông, mà chỉ có này lúc khác - ví dụ đối với Việt Nam là trường hợp năm 1988 - một nước thành viên ASEAN nào đó phải dùng vũ lực chống trả sự lấn chiếm mới của Trung Quốc, và phải thừa nhận rằng thua trận và mất thêm vùng mới thường thuộc về các nước thành viên ASEAN.
Ngoài ra, hàng năm còn biết bao nhiêu sự kiện trên Biển Đông như Trung Quốc tuyên bố vùng và thời hạn cấm đánh bắt cá, đuổi bắt ngư dân, có năm con số ngư dân bị bắt lên đến hàng trăm người, đòi tiền chuộc, đánh đắm nhiều tầu cá của họ, gây sức ép không cho nước bên thứ ba hợp tác kinh tế với các nước ASEAN trên Biển Đông - nổi bật nhất là vụ cưỡng bức 2 tập đoàn BP và Exxon phải hủy hợp đồng hợp tác với Việt Nam, cho tầu chiến quấy rối và uy hiếp trên Biển Đông, tuyên bố và có những hoạt động coi "vùng lưỡi bò" chiếm khoảng trên 80% diện tích Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc, vân... vân...
Gần đây, hầu hết các nước thành viên ASEAN rất lo ngại trước sự uy hiếp trực tiếp của lực lượng hải quân Trung Quốc đang mạnh lên một cách áp đảo trên Biển Đông - chẳng khác gì như Trung Quốc mang đá chọi với trứng! Dẫn chứng cụ thể là nhiều nước ASEAN tuy nghèo, nhưng quá lo, nên vẫn phải tăng thêm tiền mua sắm vũ khí để tự vệ.
Cả lời nói, cả việc làm, Trung Quốc đang gây ra cho các nước ASEAN nhiều mối lo lớn thật sự, bất chấp các lời tuyên bố thiện chí của Trung Quốc - đối với Việt Nam là 16 chữ.
Trong tình hình thực tế như vậy, làm sao có thể giải thích cho lập luận trên đây của Ngoại trưởng Dương? Trong tình hình như vậy, duy trì hòa bình, duy trì lưu thông hàng hải, loại bỏ đe dọa sử dụng bạo lực hay loại bỏ sử dụng bạo lực trên Biển Đông chẳng lẽ không đáng mong muốn hay sao?
Ba là: Lịch sử quan hệ quốc tế, dù là trong chiến tranh giữa các nước lớn, dù là trong các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa, dù là trong các tranh chấp tập hợp ngoại bang hay chư hầu để củng cố thế lực của mình, chia để trị, bẻ từng chiếc đũa trong cả bó đũa... là những thủ đoạn cổ xưa nhưng vẫn đắc dụng cho đến tận bây giờ.
Trung Quốc hiển nhiên rất mạnh, mạnh áp đảo so với từng nước và so với tất cả các nước trong khu vực Biển Đông cộng lại. Nếu Trung Quốc cũng theo đuổi các mục tiêu hòa bình, hợp tác, hữu nghị, lại trong tình hình hầu như không một nước nào trong cộng đồng ASEAN có mưu đồ hay có khả năng thôn tính hay lật đổ Trung Quốc, không có một nước nào trong cộng đồng này có khả năng riêng lẻ từng nước hay co cụm lại với nhau để tranh giành bất cứ vấn đề gì với Trung Quốc, vậy nguyên do gì khiến Trung Quốc cứ phải khăng khăng giải pháp song phương "Trung Quốc + 1 ASEAN" trong tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề của Biển Đông?
Khỏi phải nói dài dòng: thỏa thuận song phương giữa mạnh và yếu, bao giờ thua thiệt cũng thuộc về yếu. Cũng khỏi phải chứng minh: chia để trị bao giờ cũng rất khả dụng cho nước mạnh theo đuổi những mưu đồ lớn.
Hợp tác đa phương phải gắn với minh bạch
Nói đi cũng phải nói lại: Hợp tác và giải pháp đa phương không thôi thật ra cũng chưa đủ. Điều quyết định là hợp tác và giải pháp đa phương này phải công khai minh bạch, và phải theo đuổi những mục đích hòa bình, hữu nghị, hợp tác rất công khai minh bạch cho Biển Đông, không thể nói một đằng làm một nẻo được. Nếu có sự công khai minh bạch như vậy, thì có gì phải chống giải pháp đa phương trong những vấn đề của Biển Đông?
Đấy là chưa nói hợp tác và giải pháp đa phương và "quốc tế hóa" là hai vấn đề khác nhau. "Quốc tế hóa" hay "không quốc tế hóa" còn thuộc về chủ quyền và quyền quyết định của từng nước hữu quan trong Biển Đông. Tuy nhiên tự dưng đem vấn đề "quốc tế hóa" ra để làm lý do chối bỏ hợp tác và giải pháp đa phương cho những vấn đề của Biển Đông câu chuyện lại có ý đồ và nội dung khác.
Lẽ phải cần được tôn trọng, còn câu chuyện đang nóng lên hiện nay trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là chuyện của hai nước với nhau, không thể lấy chuyện của hai nước áp lên những vấn đề sống còn của các nước trong khu vực Biển Đông.
Nội dung và mức độ thịnh nộ trong câu nói của Ngoại trưởng Dương sau cuộc họp ARF 17 đăng trên mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26-07-2010 tự nó làm rõ ra nhiều điều./.
Tài liệu tham khảo:
1. "China and the Philippines: Moving Beyond the South China Sea Dispute", China Brief, volume 6, Isue 17, May 9 -2007.
2. Direct bilateral dialogue 'best way to solve disputes" - MFA China 26-07-2010.

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Nợ công của Việt Nam có trong giới hạn an toàn?

Cập nhật lúc: 26/7/2010 10:04:25 AM (GMT+7), Đăng trên Vietnamnet

Nợ quốc gia, gần đây, trở thành đề tài chú ý của dư luận khi cuộc khủng hoảng nợ công đang là “bóng ma” bao trùm nhiều quốc gia, nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tiêu chí để đánh giá khi nào khoản nợ đó trở nên mất an toàn và khả năng trả nợ của một quốc gia nên căn cứ vào đâu còn chưa được làm rõ.

VNR500 giới thiệu với bạn đọc bài viết của hai nhà nghiên cứu kinh tế về vấn đề này như một “lời đề dẫn” cho cuộc luận bàn về chủ đề này.

Theo thông báo mới đây của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam tính đến cuối năm 2009 xấp xỉ 28 tỷ USD. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình minh bạch chính sách của Nhà nước qua việc công khai những thông tin xưa nay ít được biết.

Trong lần công bố này, ông Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Nguyễn Thành Đô, viện dẫn tiêu chí của WB, cho rằng “nợ nước ngoài quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn” khi mới chỉ ở mức 39% chứ chưa đạt ngưỡng 50% GDP.

Khi đọc lập luận trong bài viết của ông Đô, cứ ngỡ ông có lý lẽ thuyết phục từ những phân tích thực trạng của nền kinh tế Việt nam, thì người ta lại giật mình khi Ông lại viện dẫn rằng đó là Ngân hàng thế giới WB bảo thế (khuyến nghị). Điều này chẳng khác nào tình trạng một gia đình khi gặp khó khăn về kinh tế thì một ông hàng xóm tốt bụng bảo rằng “không sao, vẫn ổn mà”!.

Nhưng lời nói của ông bạn hàng xóm không thể làm thay đổi bản chất của tình trạng khó khăn, cũng không thể giúp gia đình kia bớt khó khăn, hay con cái của họ sẽ có được ổn định hơn trong cuộc sống. Nói rộng ra, việc chăm lo cho tương lai của con dân trăm họ, lo cho cả quốc gia, trước hết và chủ yếu phải dựa vào nội lực, mà không nên chủ yếu chỉ dựa vào lời nói hay của một bên nước ngoài nào đó, dù đó là của bộ phận Việt Nam thuộc Ngân hàng thế giới WB đầy uy tín.

Do đó, chúng tôi muốn được góp thêm một phân tích khác, mà có lẽ có thể phù hợp hơn với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, một nước đang phát triển mạnh mẽ trong đổi mới, có nhiều thuận lợi không thể phủ nhận, nhưng hiện cũng đang gặp không ít khó khăn, thách đố trong hội nhập kinh tế quốc tế, khi tiến hành mở cửa trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.

So sánh nợ quốc gia với GDP và vai trò của ngân sách.

Cần chú ý là GDP không phải là chỉ tiêu duy nhất phản ánh năng lực thực sự của nền kinh tế. Do đó, khi sử dụng GDP hay bất kỳ chỉ tiêu thống kê kinh tế nào cũng cần rất thận trọng.

Thực vậy, trong GDP có rất nhiều khoản phải chi trả cho chủ sở hữu. Chẳng hạn, khi tính chỉ tiêu GDP thì toàn bộ giá trị gia tăng của hoạt động dầu khí đã được đưa vào cả GDP, nhưng thực tế xấp xỉ 50% giá trị này đã phải chi trả cho bên nước ngoài. Tương tự, các doanh nghiệp FDI khác cũng giữ lại một phần thặng dư để tái đầu tư, thì đó cũng không thể có nghĩa là Việt Nam có thể dùng phần GDP này để có thể trả nợ chẳng hạn. GDP sau khi đã trừ đi phần chi trả sở hữu và cộng với phần thu nhập từ sở hữu được gọi là Tổng thu nhập Quốc gia (Gross National Income - GNI) đây mới là khoản mà một quốc gia có thể nhận được trong quá trình sản xuất và sở hữu.

Vậy khoản GNI này theo Hệ thống các tài khoản Quốc gia (System of National Accounts - SNA) được sử dụng vào những việc gì? GNI sau khi được cộng thêm các khoản thu nhập từ chuyển nhượng như kiều hối, các khoản viện trợ không hoàn lại…và được trừ đi các khoản chi chuyển nhượng, lúc đó khoản còn lại mới là Thu nhập Quốc gia khả dụng (National Disposable Income - NDI). Đó là khoản tiền mà quốc gia có thể sử dụng thực tế sau khi đã bù trừ các giao dịch quốc tế qua lại.

Như vậy có thể thấy việc so sánh nợ công chỉ với GDP có thể gây ngộ nhận , khi sự khác biệt GDP và GNI ở Việt Nam hiện đã tăng từ 1,4% năm 2000 đã tăng lên 5,5% hiện nay , dễ trở thành nguyên cớ để tự huyễn hoặc mình. Nên chăng bên cạnh cách tính toán “truyền thống”, nợ công cần được so sánh cả với Thu nhập Quốc gia khả dụng (NDI) hoặc với thu nhập Quốc gia (GNI) của Việt Nam sau khi đã trừ đi phần thặng dư của nước ngoài thụ hưởng. Phần còn lại này sau khi đã khấu trừ mới có thể coi là của nước mình, tùy sử dụng cho trả nợ, tiêu dung cuối cùng và đầu tư phát triển.

Vẫn biết rằng khu vực vốn FDI đã là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, có đóng góp quan trọng, năm 2009 là hơn 18,3%GDP. Nhưng khi nói về trả nợ công thì dù là GDP hay GNI hoặc NDI thì phần thực đóng góp và thu nhập của khu vực FDI không thể dùng để Chính Phủ trả nợ. Với GDP của các thành phần kinh tế trong nước cũng không thể sử dụng toàn bộ để Chính phủ tiêu dùng , kể cả trả nợ.

Việc so sánh với GDP thể hiện năng lực sản xuất trong nước với số nợ của Chính phủ cũng phần nào tỏ ra “khập khiễng” khi GDP là phần giá trị gia tăng do mọi thành phần kinh tế làm ra, còn nợ Chính phủ hoặc kể cả phần Chính phủ bảo lãnh, cũng chưa bao quát hết phần nợ của các doanh nghiệp FDI và khu vực ngoài Nhà nước nói chung (không được Chính phủ bảo lãnh). Như vậy, khi nói về năng lực trả nợ nước ngoài của Chính Phủ, nên chăng phải dựa vào thực lực của Chính phủ thông qua nguồn thu ngân sách ổn định lâu dài. Số này hiện chỉ chiếm khoảng 1/4GDP mà thôi.

Trên thực tế, nói doanh nghiệp tự vay tự trả, nhưng khi đổ vỡ sẽ gây hệ lụy cho cả quốc gia. Như vậy, khi dùng con số về GDP/GNI hay NDI thì nên so sánh với tổng số nợ của mọi thành phần kinh tế, cả trong và ngoài nước, còn nợ Chính phủ/Chính phủ bảo lãnh thì nên được so sánh với ngân sách Nhà nước thực có trong tay Chính Phủ. Đó là chỉ tiêu bảo đảm độ an toàn của việc vay trả nợ Chính Phủ.

Để dành và trả nợ cũng là các quan hệ cần quan tâm

Thu Quốc gia nhập khả dụng được sử dụng cho chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và chi thường xuyên của Chính phủ, phần còn lại là để dành (saving). Để dành của một Quốc gia thường là nguồn cơ bản để tái đầu tư (Gross Capital Formation) cho sản xuất. Đây là nguồn tiền còn lại của một Quốc gia sau khi đã được sử dụng cho nhu cầu thiết yếu là tiêu dùng cuối cùng của cá nhân và Chính phủ.

Khoản để dành của một Quốc gia phụ thuộc vào năng lực sản xuất, vào sự chi trả sở hữu và chuyển nhượng ra nước ngoài và vào tiêu dùng cuối cùng. Do đó, toàn bộ nợ quốc gia cũng nên so sánh với Để dành của Quốc gia; thậm chí để cho thực sự an toàn, nợ quốc gia cần được so sánh với Để dành thuần

Thêm vào đó, việc chi trả sở hữu khác ở Việt nam ngày càng nhiều dẫn đến năng lực nội tại thông qua tỷ lệ Để dành (là nguồn tạo ra đầu tư) trên vốn đầu tư ngày càng nhỏ đi. Nếu năm 2006 để dành chiếm trong tổng vốn đầu tư khoảng 87,35% thì đến năm 2009 tỷ lệ này chỉ còn là 67,86%. Phần thiếu hụt ấy lại phải đi vay, và rồi mai sau cũng phải trả cả gốc và lãi.

Để dành/ VDT
87.35%
72.48%
77.16%
67.86%

Để dành/ GDP
36.29%
33.72%
31.90%
29.23%

VDT/GDP
41.54%
46.52%
41.34%
43.08%

GNI/GDP
97.66%
96.94%
97.24%
95.26%


Nguồn:http://sgtt.vn/Goc-nhin/125706/Tich-luy-tu-noi-bo-nen-kinh-te-dang-gia%CC%89m.html

Một điều hết sức đáng lo ngại nữa là nguồn nội lực (để dành) để tạo thành đầu tư trong GDP ngày càng nhỏ đi (từ 36,29% trong năm 2006 còn 29,23% trong năm 2009) trong khi vốn đầu tư chiếm trong GDP lại ngày càng tăng lên. Điều này cũng có nghĩa là năng lực nội tại của Việt Nam không đủ để tạo ra đầu tư mà phải phụ thuộc vào nguồn bổ xung từ bên ngoài ngày càng nhiều.

Nếu lấy hệ số ICOR là một thước đo, gần đây tác giả Phạm Lê Hoa viết trong Thời báo kinh tế Sài gòn dựa vào nguồn số liệu Thống kê về “vốn đầu tư” và GDP theo giá so sánh cho thấy thời kỳ từ 2003-2008 hệ số này là 8,36 và nếu tính riêng cho từng năm thì năm 2007 là 8,59, năm 2008 là 11,44 và năm 2009 là 14,22.

Đây là hiệu quả sử dụng vốn rất đáng lo ngại. Với tỷ lệ để dành trên vốn đầu tư ngày càng nhỏ, hiệu quả sử dụng vốn yếu kém như hiện nay để vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng GDP thì việc vay nợ sẽ vẫn phải tiếp diễn và và nhìn nhân vấn đề nợ công là vẫn trong giới hạn an toàn phải rất thận trọng.

Điều này đã được Ông Lê Bộ Linh, Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN của Quốc hội nhận định “năng suất thấp thì tích lũy nội địa thấp, dẫn đến tỷ lệ vay mượn tăng cùng với việc phải tiếp tục bơm vốn để duy trì tăng trưởng. Một vòng xoáy như vậy quả là đáng lo ngại và cần được dự báo ngưỡng an toàn trong thời kỳ 5 năm tới”.

Xuất khẩu và trả nợ

Cũng theo “thông lệ” người ta tính DSR như là tỷ lệ của dịch vụ trả nợ so với xuất khẩu hằng năm. Nhưng cũng cần xem xét lại, cụ thể với Việt Nam. Vì sao?

Trả nợ được tính bao gồm phần trả nợ gốc và lãi. Nợ đối với quốc gia không nên chỉ xét phần nghĩa vụ mà Chính phủ phải trả, mà cần xét cả nợ và nghĩa vụ trả nợ của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế. Như vậy mới làm rõ độ an toàn của vay và trả nợ.

Đồng thời khi so sánh con số nợ và nghĩa vụ trả nợ với xuất khẩu thể hiện như năng lực có ngoại tệ để trả nợ cũng nên rất thận trọng, bởi dễ rơi vào một ngộ nhận khác về thực chất của phần tạo ra cho quốc gia từ xuất khẩu.

Thực vậy, giá trị xuất khẩu của Việt Nam là tính theo giá FOB tại các cửa khẩu xuất hàng, nhưng là thể hiện tổng giá trị xuất, mà không thể hiện phần thực thu về cho quốc gia Việt Nam nhờ hoạt động xuất khẩu (Ngân sách còn có một phần từ thu khác từ thuế nhập khẩu).

Các phân tích kinh tế mấy năm gần đây đã cảnh báo, do tỷ lệ tiêu hao vật chất ngày càng tăng (mà phần quan trọng lại phụ thuộc nhập khẩu) là do cơ cấu kinh tế có phần bị phát triển nặng về các ngành nghề tiêu hao vật chất lơn, tỷ lệ giá trị gia tăng của các ngành này và do đó của toàn bộ nền kinh tế ngày càng thấp (nhiều ngành chỉ có giá trị gia tăng VA khoảng 20-30% so với tổng sản lượng GO), làm cho tỷ lệ gia tăng ngành công nghiệp so giá trị sản lượng VA/GO từ mức trên 40% trong thời kỳ 10-15 năm trước khi đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa đã giảm xuống còn dưới 30% hiện nay.

Thành ra, tuy xuất khẩu tăng nhưng vẫn cần nhập thêm cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, hệ quả là đã làm cho nhập siêu ngày càng lớn . Cuối cùng nguồn dự trữ ngoại tệ ngày càng thâm hụt (dù đã có lượng kiều hối và chuyển vốn vào từ bên ngoài) để bù vào thiếu hụt của xuất nhập khẩu và vay trả nợ, cân bằng vốn ngày càng khó.

TQ phản đối Mỹ quốc tế hóa Biển Đông

Bắc Kinh nói tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton về Biển Đông là "tấn công" nhằm vào Trung Quốc và cảnh báo không nên quốc tế hóa chủ đề này.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa đưa ra cảnh báo trên trong một thông cáo đăng trên website của bộ ngoại giao, hai ngày sau khi bà Clinton nói giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là điều "tối quan trọng" cho ổn định trong khu vực.

Thông cáo của ông Dương có đoạn viết: "Quốc tế hóa chủ đề này thì liệu mang lại được kết quả gì hay chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn và khó giải quyết hơn mà thôi?"

Ông bộ trưởng nhấn mạnh: "Thực tế cho thấy cách thức tốt nhất để giải quyết các tranh chấp dạng này là thông qua thảo luận trực tiếp song phương giữa các nước liên quan".

Việt Nam, nước chủ nhà Diễn đàn An ninh khu vực ARF lần thứ 17 vừa rồi, thì lâu nay lại chủ trương quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Cũng tại ARF 17, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: "Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc tự do lưu thông hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển châu Á và việc tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông".

Tuy Hoa Kỳ vẫn tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở khu vực này, Bắc Kinh vẫn cho rằng thái độ của Washington, thông qua các bình luận của bà Clinton, là nhằm vào Trung Quốc.

'Thắng lợi của Việt Nam'

Thông cáo của ông Dương Khiết Trì nói các tuyên bố "tưởng là công bằng" của bà ngoại trưởng chính là để "tấn công" vào Trung Quốc.

Ông Dương cho rằng Biển Đông tới nay vẫn là một khu vực hòa bình và Asean không phải diễn đàn thích hợp để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Ông nói thêm: "Trung Quốc và một số nước Asean có bất đồng về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải vì chúng tôi là láng giềng. Không phải vì các nước đó là thành viên Asean mà có thể nói đây là bất đồng giữa Trung Quốc và Asean."

Quan hệ quốc phòng trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang căng thẳng sau việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hồi đầu năm.

Trung Quốc cũng từng khẳng định rằng Biển Đông, cùng với Đài Loan và Tây Tạng, là một "quan tâm chủ đạo" của mình.

Trong khi đó, giới quan sát nhận định rằng thái độ mạnh mẽ và dứt khoát của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông tại ARF lần này là một "thắng lợi" của nước chủ nhà Việt Nam.

Báo New York Times nhận xét tuyên bố của bà Clinton đã đặt Trung Quốc vào một tình thế bối rối, nhất là khi 12 trong số 27 quốc gia có mặt tại diễn đàn an ninh tỏ ra ủng hộ tìm một cách tiếp cận mới về Biển Đông.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng xuất bản tại Hong Kong thì nói các tuyên bố mới rồi cho thấy ý định thiết lập quan hệ an ninh mới của Mỹ với các nước Đông Nam Á trong lúc Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự.

Báo này nhận định có lẽ Trung Quốc sẽ coi các tuyên bố của bà ngoại trưởng là một động thái "khiêu khích".

Tại sao Hillary Clinton quan tâm tới tranh chấp Biển Đông?



Cập nhật lúc 06:05, Thứ Hai, 26/07/2010 (GMT+7), Bài đang trên Vietnamnet

Nhà báo Jonathan Adams của AOL News đánh giá quan hệ Mỹ - Việt đang ấm dần. Ảnh: Lê Anh Dũng

Các nhà báo, chuyên gia Mỹ nhìn nhận về phát biểu tuần trước ở Hà Nội của Ngoại trưởng Hillary Clinton rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình.

>> Ngoại trưởng Mỹ phản đối sử dụng vũ lực ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa Mỹ vào cuộc tranh chấp quốc tế phức tạp về một chuỗi đảo ở Biển Đông. Trung Quốc và các nước châu Á lân cận từ lâu đã có những cạnh tranh xung quanh tuyên bố rằng ai là người kiểm soát các hòn đảo có vị trí chiến lược này.

Phát biểu trong một cuộc họp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Hà Nội, Việt Nam, bà Clinton khẳng định, Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Hãy xem các nhà báo, chuyên gia nhìn nhận những gì đang xảy ra, tầm quan trọng của vấn đề và những gì có thể tiếp diễn.

Chương trình nghị sự gây hấn của Trung Quốc: "Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã “đấu khẩu” với những quốc gia Đông Nam Á về việc kiểm soát hơn 200 đảo nhỏ, đá và các mũi cát nhô lên trong vùng biển này”, Mark Landler của New York Times giải thích.

"Tham vọng hàng hải của Trung Quốc đã được mở rộng cùng với sức mạnh kinh tế và quân sự nước này. Họ từ lâu tuyên bố chủ quyền với các đảo ở Biển Đông vì đó là những khu vực giàu trầm tích dầu mỏ và khí tự nhiên. Trung Quốc cũng “thẳng thắn” tuyên bố với các quan chức Mỹ là sẽ không chấp thuận sự can thiệp của nước ngoài vào vùng biển mà họ cọi là “lợi ích cốt lõi” của chủ quyền”.


Ngoại trưởng Hillary Clinton: Mỹ ủng hộ một tiến trình ngoại giao chung của tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền mà không có sự ép buộc nào.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền nhưng Trung Quốc vẫn tức giận. Cara Anna của hãng AP viết rằng: Mỹ không ủng hộ bất kỳ nước nào trong chuyện tuyên bố chủ quyền, nhưng bình luận của bà Clinton sẽ vẫn làm Trung Quốc tức giận. Nước này luôn duy trì khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và khăng khăng yêu cầu giải quyết tranh chấp trực tiếp với các nước tuyên bố chủ quyền khác tại Biển Đông nhưng tránh xa vũ đài quốc tế.

Xây dựng hợp tác khu vực tại Thái Bình Dương. Jay Solomon của Wall Street Journal giải thích về chương trình nghị sự của Mỹ. "Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đang nỗ lực làm việc để thiết lập một cơ chế quốc tế nhằm giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia châu Á về chủ quyền Biển Đông”, ông bình luận.

“Mỹ với vai trò là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và là một cường quốc thương mại, đang ngày càng quan ngại về cuộc cạnh tranh tuyên bố chủ quyền…Những tranh chấp làm phát sinh mối lo lắng rằng, Trung Quốc với sức mạnh quân sự ngày một gia tăng có thể tìm kiếm vị trí bá chủ tại vùng biển châu Á".

Chiến lược tăng cường hải quân trong lâu dài của Trung Quốc. Robert Kaplan viết trên Foreign Affairs về mục tiêu trong thế kỷ 21 của Trung Quốc là sử dụng sức mạnh hải quân và ảnh hưởng của nó để mở rộng tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài Đông Á.

"Trung Quốc sẽ hướng tới việc trình diễn sức mạnh ở nước ngoài thông qua lực lượng hải quân… Trung Quốc sở hữu bờ biển dài khoảng 9.000 dặm với các hải cảng tự nhiên thuận lợi, là một cường quốc trên biển cũng như trên đất liền. Tầm với thực sự của Trung Quốc vươn từ Trung Á - với sự giàu có về khoáng sản và hydrocarbon, tới những tuyến vận chuyển hàng hải chủ chốt của Thái Bình Dương”.

Hâm nóng quan hệ Mỹ - Việt. Nhà báo Jonathan Adams của AOL News đánh giá kết quả từ động thái của Ngoại trưởng Mỹ: "Quan hệ giữa hai nước đang ấm dần. Hai nước có mối quan ngại chung về chiến lược mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cùng chung mục tiêu là tăng cường thương mại và đầu tư”.

Diệu Thúy dịch

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Bất thường Biển Đông trong nghị trình ASEAN

Tác giả: Carlyle A. Thayer
Bài đã được xuất bản.: 26/07/2010 00:00 GMT+7 Trên Vietnamnet

Các cuộc họp liên quan đến ASEAN năm nay vừa kết thúc tuần qua tại Hà Nội là sự kết hợp của các công việc thông thường và cả những công việc bất thường. - GS Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Australia viết cho Tuần Việt Nam.

Đó là một tuần bất thường tại Hà Nội. Việt Nam, trên tư cách Chủ tịch ASEAN đã chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 43, hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng với 10 nước đối tác, các cuộc gặp riêng rẽ giữa ASEAN và từng nước đối tác đối thoại, Hội nghị Hội đồng An ninh - Chính trị ASEAN lần 4, Hội nghị ASEAN + 3 cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hội nghị cấp Bộ trưởng của Diễn đàn An ninh khu vực lần thứ 17 (bao gồm các phiên họp kín và toàn thể) và một loạt các hoạt động quan trọng khác.

Các cuộc họp liên quan đến ASEAN năm nay là sự kết hợp của các công việc thông thường và cả những công việc bất thường.

Bất thường Biển Đông

Trong suốt 8 năm cầm quyền của chính quyền Bush, Trung Quốc đã chủ yếu xâm nhập vào Đông Nam Á thông qua khái niệm mới về an ninh. Trung Quốc tìm cách xoa dịu những lo ngại về "mối đe dọa Trung Quốc" và khá thành công trong mục tiêu này. Trung Quốc đã trở thành đối tác chiến lược của ASEAN.

Trung Quốc và ASEAN đã đàm phán một Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông DOC để giảm bớt va chạm về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuyên bố này đã chứng tỏ là một công cụ yếu khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán, thậm chí chính thức trình lên Ủy ban LHQ về tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực.

Nhưng Trung Quốc đã với quá sức khi tìm cách gây áp lực lên các công ty Mỹ đang hợp tác với Việt Nam để khai thác các nguồn lực trên Biển Đông và gây phiền nhiễu cho các tàu hải quân Mỹ.

Diễn đàn khu vực ASEAN 17 chứng kiến sự can thiệp bất thường của 12 quốc gia, khi họ nêu vấn đề an ninh biển bao gồm cả Biển Đông. Nước đầu tiên phải kể đến chính là Mỹ. Ngoại trưởng Hillary R. Clinton tuyên bố Biển Đông là "lợi ích quốc gia" của Mỹ. Bà tuyên bố sự sẵn sàng của Mỹ trong việc can thiệp ngoại giao và kêu gọi đẩy nhanh quá trình thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã sửng sốt và tuyên bố rằng những lời chỉ trích đối với Trung Quốc đã được Hoa Kỳ dàn dựng.

Hội nghị ARF lần thứ 17 chứng kiến một cuộc chảy ngược dòng. Chính quyền Obama đã hướng mũi nhọn vào Trung Quốc với việc tái can dự vào Đông Nam Á trên cơ sở đa phương. Mỹ đang tìm kiếm vai trò thành viên trong Hội nghị Cấp cao Đông Á và nếu được chấp thuận, có vẻ như Tổng thống Obama sẽ đến dự Cấp cao Đông Á năm tới tại Jakarta.

Hai ví dụ về những bất thường lần này cho thấy nhiệm vụ của Việt Nam trên tư cách Chủ tịch ASEAN sẽ gặp khó khăn hơn trong cuộc gặp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Dự kiến, hội nghị này sẽ diễn ra vào 12/10 tới. Hội nghị ADMM+ sẽ là lí tưởng nếu có thể đưa tất cả Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Nga cùng tới bàn đối thoại.

Trước Hội nghị Bộ trưởng ASEAN 43 và các hội nghị liên quan, Trung Quốc đã lặng lẽ đe dọa sẽ hạ cấp người đại diện của nước này nếu như vấn đề hàng hải, bao gồm Biển Đông được đưa vào chương trình nghị sự. Dưới ánh sáng của ARF 17, Trung Quốc sẽ phải xét lại chỗ đứng của mình. Nếu Trung Quốc phản ứng tiêu cực, nước này sẽ đối mặt với nguy cơ bản thân bị cô lập về mặt ngoại giao. Nói một cách khác, chiếc giày từng được chính quyền Bush xỏ này hiện đang nằm dưới chân Trung Quốc.

Sự bất thường mang tên Bắc Triều Tiên

Sự cạnh tranh và va chạm quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ đã phủ những đám mây xám xịt lên toàn bộ quá trình hội nghị. Quan hệ Trung Quốc vốn đã căng thẳng kể từ khi Trung Quốc hủy tất cả các mối liên hệ quân sự với Mỹ nhằm trả đũa quyết định của Chính quyền Obama tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Gần đây nhất, Trung Quốc và Mỹ đã có tranh cãi ngoại giao về việc quy trách nhiệm đối với vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc. Một nhóm các chuyên gia quốc tế đã tiến hành điều tra và đưa ra kết luận CHDCND Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho vụ chìm tàu. Trung Quốc không đồng tình với kết luận này.
Trung Quốc không thực sự tranh chấp về thực tế vụ việc mà nước này phản ứng với kết quả tính toán sai của CHDCND Triều Tiên. Vụ chìm tàu Cheonan làm giảm sự khác biệt giữa Seoul và Washington trong việc đối phó với Bình Nhưỡng. Hành động của CHDCND Triều Tiên đưa Hàn Quốc và Mỹ đến gần nhau hơn và củng cố liên minh giữa họ.

Hệ quả của việc này là việc Mỹ và Hàn Quốc quyết định tiến hành đồng thời các cuộc diễn tập hải quân ở biển Nhật Bản ngoài khơi bờ biển phía đông của Triều Tiên và trong biển Hoàng Hải nằm ngoài khơi bờ biển phía tây của Triều Tiên. Những cuộc diễn tập hải quân này là màn trình diễn sức mạnh quân sự lớn của Mỹ ngay trước ngưỡng cửa của Trung Quốc. Trung Quốc tức giận và lên án việc tập trận chung này.

Sự va chạm quyền lực giữa các nước lớn đối với vấn đề Bắc Triều Tiên xâm nhập vào trong tất cả các cuộc họp cấp Bộ trưởng của ASEAN và các hội nghị liên quan. Phản ứng của ASEAN khá lãnh đạm. ASEAN tìm nơi trú ẩn dưới ô Nghị quyết của HĐBA Liên hiệp quốc về việc lên án vụ chìm tàu Cheonan nhưng không truy trách nhiệm cho bên nào.

Tất cả những gì mà các Bộ trưởng ASEAN có thể làm là đưa ra lời chia buồn với Hàn Quốc về cái chết của 46 thủy thủ và kêu gọi tất cả các bên kìm chế và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.

Vị thế của ASEAN ngay lập tức bị suy giảm khi CHDCND Triều Tiên đe dọa sử dụng hành động quân sự đáp trả lại việc tập trận chung.
Vấn đề nêu lên do vụ chìm tàu Cheonan chứng minh các giới hạn thực sự của "phương cách ASEAN" trong việc duy trì "hòa bình, hợp tác và phát triển" ở khu vực. Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng đòi hỏi việc răn đe quân sự đối với lời đe dọa sử dụng vũ lực của Bình Nhưỡng.

Chỉ mạng lưới các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á có thể đưa ra sự răn đe đối với các hành động mang tính khiêu khích của CHDCND Triều Tiên. Lời chia buồn của ASEAN không đủ để duy trì hòa bình.

Và thông thường

Các hội nghị Bộ trưởng ASEAN là một sự kiện được lên kế hoạch kĩ lưỡng. Chương trình nghị sự đã được đưa ra rất tốt và quá trình thảo luận suôn sẻ. Năm nay không phải là ngoại lệ và Việt Nam đáng được ghi nhận vì điều đó.

Các Bộ trưởng ASEAN đã kín đáo chỉ trích Myanmar. Tổng thư kí ASEAN nói rằng họ đã khiến Bộ trưởng Myanmar phải nhận "đầy tai" những chỉ trích trong buổi tiệc tối không chính thức trước AMM.

Myanmar đã thông báo sơ bộ cho Hội nghị về kế hoạch bầu cử. Đổi lại, các Bộ trưởng ASEAN công khai kêu gọi một cuộc bầu cử tự do và công bằng, sự hòa hợp dân tộc và sự tham gia của tất cả các đảng phái vào tiến trình bầu cử ở Myanmar. Không có điểm gì mới trong tuyên bố này.
Việt Nam, trên tư cách Chủ tịch ASEAN, có thể tự hào vì đã dẫn dắt ASEAN thông qua một loạt văn kiện nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

ARF cũng đạt được bước tiến khi thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội để triển khai Tuyên bố Tầm nhìn ARF và thông qua danh sách 17 biện pháp hợp tác an ninh. ARF đã thông qua ba kế hoạch: cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, và an ninh hàng hải.

Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông mà Việt Nam theo đuổi được xác định như một mục tiêu trong tương lai.

Các Bộ trưởng ASEAN đã tranh cãi về việc ASEAN cần đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề an ninh khu vực. Nhưng sự bất lực của họ trong việc đưa ra một phản ứng cứng rắn đối với vấn đề ở Triều Tiên cho thấy sự yếu kém của ASEAN trong việc xử lý hiệu quả các vấn đề an ninh bên ngoài Đông Nam Á.

ARF thiếu một cơ quan điều hành và chỉ hoạt động trên tư cách một diễn đàn để đối thoại. Nhưng sự can thiệp của các nước lớn trong vấn đề Biển Đông có thể khiến Cấp cao Đông Á nổi lên như một cấu trúc an ninh trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN có thể là trung tâm của Cấp cao Đông Á nhưng trong tương lai, khối này phải hợp tác cùng các đối tác đối thoại để đưa ra kết quả thực tế nhằm hạn chế các quốc gia trong khu vực sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.