Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Biển Đông: Hòa bình song phương? Đa phương? Quốc tế hóa?

Tác giả: NGUYễN TRUNG
Bài đã được xuất bản.: 7 giờ trước, trên Vietnamnet
Tạm gạt tính chất cứng rắn gần như là thịnh nộ trong phát biểu của Bộ trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì sang một bên, để tìm hiểu một cách tỉnh táo mọi vấn đề nằm trong ý kiến ông Dương nêu lên, chúng ta sẽ thấy gì?
Sau họp diễn đàn ARF 17 tại Hà Nội, trong một thông cáo đăng trên mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/7, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói: "Nếu Biển Đông trở thành một vấn đề quốc tế hoặc đa phương, sẽ chỉ khiến cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn và giải pháp sẽ khó khăn hơn... ...Thực tiễn quốc tế cho thấy cách tốt nhất để giải quyết các bất đồng, tranh chấp đó là các bên liên quan đàm phán song phương trực tiếp". Trong thông cáo này, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì còn nhấn mạnh, đại ý: Những đòi hỏi có vẻ vô tư về tầm quan trọng và sự khẩn thiết phải duy trì tự do lưu thông hàng hải, về phản đối việc gây áp lực và việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông... chỉ là nhằm "tấn công" vào Trung Quốc, tạo cho cộng đồng quốc tế một ấn tượng sai lầm rằng tình hình trên Biển Đông là một nguyên cớ khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng...
Nói ngắn gọn, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, với lập luận "chống quốc tế hóa hay đa phương hóa vấn đề Biển Đông", ông dứt khoát bác bỏ đàm phán đa phương, và chỉ thừa nhận đàm phán song phương giữa Trung Quốc với từng bên các nước thành viên ASEAN cho việc tìm kiếm giải quyết tranh chấp cho các vấn đề trong khu vực biển này.

Hãy tạm gạt tính chất cứng rắn gần như là thịnh nộ trong phát biểu của ông Dương sang một bên, để tìm hiểu một cách tỉnh táo mọi vấn đề nằm trong ý kiến ông Dương nêu lên, chúng ta sẽ thấy gì?
Song phương không thể giải quyết ổn thỏa vấn đề Biển Đông
Trước hết, Biển Đông có 3 vấn đề chính là: tranh chấp chủ quyền về biển - đảo, tự do lưu thông hàng hải quốc tế, hợp tác hòa bình trong khu vực. Do đặc thù của chúng, cả 3 loại vấn đề này không có một vấn đề nào có thể giải quyết ổn thỏa trên cơ sở song phương.
Lấy ví dụ, thực tiễn đàm phán về giải quyết tranh chấp chủ quyền biển - đảo trong Biển Đông cho thấy một thỏa thuận, dù loại gì, giả thử đạt được giữa một bên là Trung Quốc với một bên là một nước ASEAN "A" nào đó, sẽ thường xuyên đặt ra tình huống gây nên những nghi kỵ, hoặc thậm chí sự phản đối của các nước ASEAN "B", "C", "D"... Cách làm song phương như vậy dứt khoát dẫn đến mầm mống những tranh chấp mới trong nội bộ cộng đồng ASEAN và chung cuộc thậm chí có thể hủy hoại cộng đồng ASEAN.
Thực tiễn này không phải là sự tưởng tượng ra từ không khí, mà đã xảy ra trong thực tế, khi Trung Quốc năm 2004 ký thỏa thuận với Philippnes tiến hành thăm dò địa chấn khu vực đảo Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Ký kết tay đôi này đã bị Việt Nam phản đối, được giải quyết một cách vớt vát là sau đó cả Trung Quốc và Philippnes đều đồng ý để Việt Nam cùng tham gia. Nhưng hậu quả không thể khắc phục được là ký kết thăm dò địa chấn này đã làm giảm sút đáng kể (gần như là vô hiệu hóa trên thực tế - de facto) Tuyên bố của các bên về Nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002 giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Ký kết thăm dò địa chấn này đã gây chia rẽ nội bộ ASEAN, sau đó còn gây chia rẽ sâu sắc nội bộ quốc gia Philippines. Phe đối lập chống Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đặt vấn đề nghi vấn có sự tham nhũng lớn cho ký kết này trích từ những khoản viện trợ và đầu tư rất lớn lên đến hàng tỷ đô-la trong chuyến đi thăm Philippines của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào năm 2005[1]. Phía Trung Quốc ca ngợi chuyến đi thăm này mở ra một thời kỳ hoàng kim quan hệ song phương Trung Quốc - Philippines...
Chỉ một ví dụ này đủ cho thấy việc củng cố sự bền vững của cộng đồng ASEAN nhạy cảm và khó khăn như thế nào. Mà trong thực tiễn tồn tại của cộng đồng ASEAN cho đến nay có vô vàn ví dụ như thế.

Kết luận có thể rút ra: Bất kể một ký kết tay đôi nào giữa một bên là Trung Quốc và một bên là một nước thành viên ASEAN về những vấn đề có liên quan đến Biển Đông đều có nguy cơ gây nghi kỵ giữa các nước ASEAN với nhau và làm suy yếu cộng đồng này, điều này đồng nghĩa làm tăng thêm nguy cơ gây mất hòa bình và ổn định trong khu vực. Lẽ đơn giản là vấn đề chủ quyền về biển đảo cực kỳ nhậy cảm đối với toàn khu vực và thường xẩy ra tranh chấp giữa ba nước với nhau trở lên.
Đấy là chưa nói đến chuyện dứt dây động rừng, đến rất nhiều vấn đề khác hệ trọng ở Biển Đông chỉ có thể giải quyết được trên cơ sở hợp tác đa phương giữa toàn thể các nước trong khu vực.
Khỏi phải bàn tuyến hàng hải Malacca đi qua Biển Đông chiếm khoảng gần 1/3 vận tải biển của thương mại thế giới, phần lớn các hợp tác kinh tế trên Biển Đông là những hợp tác song phương hoặc đa phương giữa một nước thành viên ASEAN với một hay nhiều nước bên thứ ba khác ngoài khu vực. Biển Đông là một biển mở ra Thái Bình Dương, nếu nhìn theo khía cạnh hòa bình và an ninh khu vực liên quan mật thiết với hòa bình và an ninh thế giới, sẽ càng rõ bất kể một giải pháp song phương nào cho bất kỳ một vấn đề gì giữa một bên là Trung Quốc và một bên là một nước thành viên ASEAN đều không thể đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống đặt ra.
Lời nói và việc làm
Hai là: Không có cách gì có thể biện minh cho lập luận của Ngoại trưởng Dương: Những đòi hỏi có vẻ vô tư về tầm quan trọng và sự khẩn thiết phải duy trì tự do lưu thông hàng hải, về phản đối việc gây áp lực và việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông... chỉ là nhằm "tấn công" vào Trung Quốc.
Thực tế trên Biển Đông cho đến nay chưa hề xảy ra một cuộc tấn công nào từ các nước ASEAN dù bằng lời nói hay bằng hành động nhằm vào Trung Quốc. Ví dụ, kể cả những lúc một nước ASEAN nào đó phải có lời nói phản ứng gay gắt nhất với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, thì hầu như chỉ có một nội dung là phản đối Trung Quốc dùng vũ lực lấn chiếm vùng mới trên Biển Đông, hay uy hiếp các hoạt động kinh tế trên Biển Đông chống lại một nước ASEAN nào đó. Tiếc rằng phía Trung Quốc là nguyên nhân duy nhất làm cho những lời phản đối này gần đây ngày càng nhiều.
Cũng chưa có một cuộc tấn công nào bằng hành động của một nước ASEAN thành viên nào chống lại Trung Quốc trên Biển Đông, mà chỉ có này lúc khác - ví dụ đối với Việt Nam là trường hợp năm 1988 - một nước thành viên ASEAN nào đó phải dùng vũ lực chống trả sự lấn chiếm mới của Trung Quốc, và phải thừa nhận rằng thua trận và mất thêm vùng mới thường thuộc về các nước thành viên ASEAN.
Ngoài ra, hàng năm còn biết bao nhiêu sự kiện trên Biển Đông như Trung Quốc tuyên bố vùng và thời hạn cấm đánh bắt cá, đuổi bắt ngư dân, có năm con số ngư dân bị bắt lên đến hàng trăm người, đòi tiền chuộc, đánh đắm nhiều tầu cá của họ, gây sức ép không cho nước bên thứ ba hợp tác kinh tế với các nước ASEAN trên Biển Đông - nổi bật nhất là vụ cưỡng bức 2 tập đoàn BP và Exxon phải hủy hợp đồng hợp tác với Việt Nam, cho tầu chiến quấy rối và uy hiếp trên Biển Đông, tuyên bố và có những hoạt động coi "vùng lưỡi bò" chiếm khoảng trên 80% diện tích Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc, vân... vân...
Gần đây, hầu hết các nước thành viên ASEAN rất lo ngại trước sự uy hiếp trực tiếp của lực lượng hải quân Trung Quốc đang mạnh lên một cách áp đảo trên Biển Đông - chẳng khác gì như Trung Quốc mang đá chọi với trứng! Dẫn chứng cụ thể là nhiều nước ASEAN tuy nghèo, nhưng quá lo, nên vẫn phải tăng thêm tiền mua sắm vũ khí để tự vệ.
Cả lời nói, cả việc làm, Trung Quốc đang gây ra cho các nước ASEAN nhiều mối lo lớn thật sự, bất chấp các lời tuyên bố thiện chí của Trung Quốc - đối với Việt Nam là 16 chữ.
Trong tình hình thực tế như vậy, làm sao có thể giải thích cho lập luận trên đây của Ngoại trưởng Dương? Trong tình hình như vậy, duy trì hòa bình, duy trì lưu thông hàng hải, loại bỏ đe dọa sử dụng bạo lực hay loại bỏ sử dụng bạo lực trên Biển Đông chẳng lẽ không đáng mong muốn hay sao?
Ba là: Lịch sử quan hệ quốc tế, dù là trong chiến tranh giữa các nước lớn, dù là trong các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa, dù là trong các tranh chấp tập hợp ngoại bang hay chư hầu để củng cố thế lực của mình, chia để trị, bẻ từng chiếc đũa trong cả bó đũa... là những thủ đoạn cổ xưa nhưng vẫn đắc dụng cho đến tận bây giờ.
Trung Quốc hiển nhiên rất mạnh, mạnh áp đảo so với từng nước và so với tất cả các nước trong khu vực Biển Đông cộng lại. Nếu Trung Quốc cũng theo đuổi các mục tiêu hòa bình, hợp tác, hữu nghị, lại trong tình hình hầu như không một nước nào trong cộng đồng ASEAN có mưu đồ hay có khả năng thôn tính hay lật đổ Trung Quốc, không có một nước nào trong cộng đồng này có khả năng riêng lẻ từng nước hay co cụm lại với nhau để tranh giành bất cứ vấn đề gì với Trung Quốc, vậy nguyên do gì khiến Trung Quốc cứ phải khăng khăng giải pháp song phương "Trung Quốc + 1 ASEAN" trong tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề của Biển Đông?
Khỏi phải nói dài dòng: thỏa thuận song phương giữa mạnh và yếu, bao giờ thua thiệt cũng thuộc về yếu. Cũng khỏi phải chứng minh: chia để trị bao giờ cũng rất khả dụng cho nước mạnh theo đuổi những mưu đồ lớn.
Hợp tác đa phương phải gắn với minh bạch
Nói đi cũng phải nói lại: Hợp tác và giải pháp đa phương không thôi thật ra cũng chưa đủ. Điều quyết định là hợp tác và giải pháp đa phương này phải công khai minh bạch, và phải theo đuổi những mục đích hòa bình, hữu nghị, hợp tác rất công khai minh bạch cho Biển Đông, không thể nói một đằng làm một nẻo được. Nếu có sự công khai minh bạch như vậy, thì có gì phải chống giải pháp đa phương trong những vấn đề của Biển Đông?
Đấy là chưa nói hợp tác và giải pháp đa phương và "quốc tế hóa" là hai vấn đề khác nhau. "Quốc tế hóa" hay "không quốc tế hóa" còn thuộc về chủ quyền và quyền quyết định của từng nước hữu quan trong Biển Đông. Tuy nhiên tự dưng đem vấn đề "quốc tế hóa" ra để làm lý do chối bỏ hợp tác và giải pháp đa phương cho những vấn đề của Biển Đông câu chuyện lại có ý đồ và nội dung khác.
Lẽ phải cần được tôn trọng, còn câu chuyện đang nóng lên hiện nay trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là chuyện của hai nước với nhau, không thể lấy chuyện của hai nước áp lên những vấn đề sống còn của các nước trong khu vực Biển Đông.
Nội dung và mức độ thịnh nộ trong câu nói của Ngoại trưởng Dương sau cuộc họp ARF 17 đăng trên mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26-07-2010 tự nó làm rõ ra nhiều điều./.
Tài liệu tham khảo:
1. "China and the Philippines: Moving Beyond the South China Sea Dispute", China Brief, volume 6, Isue 17, May 9 -2007.
2. Direct bilateral dialogue 'best way to solve disputes" - MFA China 26-07-2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét