Hệ thống tên lửa Bastion là giải pháp chống đỡ bất đối xứng giúp các quốc gia duyên hải bảo vệ tốt lãnh hải của mình.
Hệ thống Bastion, NATO đặt tên là SSC-X-5, là hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối hải hiện đại của Nga được nhiều quốc gia để mắt và đặt mua. Đây là "vũ khí" giúp hầu hết các quốc gia có bờ biển dài và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào biển nhưng không có khả năng tài chính, trình độ khoa học để xây dựng một hạm đội mạnh cho riêng mình.
Tổng quan về hệ thống Bastion.
Trái tim của hệ thống tên lửa đất đối hải này chính là tên lửa đối hải P-800 Yakhont (NATO đặt tên SS-N-26). Loại tên lửa này được thiết kế vào năm 1985, tại cục thiết kế NPO Mashinostroyeniye, là một trong những thế hệ tên lửa đối hạm hiện đại phát triển từ các thiết kế cũ hơn như P-120 Malakhit, P-270 Moskit và P-700 Granit.
Tên lửa Yakhont có chiều dài 8,9 m, đường kính 0,71 m, với tổng khối lượng 3.000 kg. Nó được thiết kế bốn cánh delta ở giữa thân và bốn cánh nhỏ hơn ở đuôi để kiểm soát đường bay.
Khi mới ra mắt năm 1993, Yakhont lập tức thỏa mãn tất cả những yêu cầu đề ra của quân đội Nga về một loại tên lửa chống hạm mới: tấn công chính xác, có tốc độ siêu âm ở mọi trạng thái hành trình, có thể phóng từ hầu hết bệ phóng: từ máy bay, tầu, tầu ngầm, xe phóng trên đất liền...
Đặc biệt, đây là loại tên lửa có trí tuệ, người dùng chỉ cần “bắn rồi quên”, nghĩa là sau khi bấm nút khởi động, tên lửa sẽ tự động đi tìm mục tiêu để tiêu diệt.
Sau khi được phóng từ bệ phóng, ở khoảng cách từ 60 đến 80 km, Yakhont sẽ bật radar của nó để tìm kiếm mục tiêu. Khi tên lửa phát hiện mục tiêu và lại gần ở khoảng cách từ 25 đến 30 km, tên lửa tắt mọi liên lạc với hệ thống và chỉ sử dụng radar ở trạng thái bị động. Lúc này, một tên lửa trong cả nhóm Yakhont được phóng đi (thường là ba tên lửa) sẽ bay lên cao và bật radar của mình dẫn đường cho các tên lửa bay thấp còn lại tấn công mục tiêu.
Được thiết kế với một động cơ ramjet nhiên liệu lỏng cực mạnh cùng với một tầng đẩy phụ trội hoạt động bằng nhiên liệu rắn, Yakhont có thể tăng tốc lên đến 2,6 lần tốc độ âm thanh (3.200 km mỗi giờ). Cùng với tốc độ cao, khả năng bay thấp (cách mặt biển từ 5 m đến 15 m), không một loại radar hay hệ thống phòng thủ nào của tầu chiến hiện nay có thể chặn được Yakhont.
Không những thế, Yakhont còn được làm bằng vật liệu hấp thụ sóng radar, giảm tối đa bị phát hiện bởi radar tầu chiến; thậm chí nó còn được trang bị hệ thống cảnh báo radar cùng với máy tính cực mạnh có thể giúp tên lửa tự “ứng phó” với hệ thống phòng không.
Cuối cùng, với đầu đạn 200 kg, Yakhont có thể vô hiệu hóa hầu hết tầu chiến trên thế giới hiện nay chỉ với một phát bắn.
Trong hệ thống Bastion, tên lửa Yakhont được phóng trên hệ thống phóng K340P SPU là loại xe dựa trên khung xe tải MZKT-7930. Mỗi xe K340P có trọng tải 41 tấn và có thể mang theo hai tên lửa.
Tên lửa sẽ được phóng thẳng đứng với thời gian ngắn nhất giữa hai lần phóng là 2,5 giây. Xe tiếp đạn K342 TZM cũng dựa trên khung xe trên, được trang bị cần cẩu có trọng tải 5,9 tấn dùng để tiếp đạn cho xe K340P.
Ngoài ra, toàn bộ hệ thống còn kèm theo một xe chỉ huy K380 MBU trọng tải 25 tấn trên khung xe MZKT- 65273 có thể chuẩn bị chiến đấu chỉ trong vòng 3 đến 4 phút. Toàn bộ hệ thống Bastion có thể hoạt động kết hợp với radar từ tàu biển hoặc từ máy bay trực thăng trinh sát.
Hiện nay có nhiều nước đã đăng ký mua hệ thống phòng thủ này của Nga, trong đó, riêng Ấn Độ đã hợp tác với Nga để sản xuất phiên bản Yakhont riêng của mình với tên Brahmos.
An Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét