Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Bất thường Biển Đông trong nghị trình ASEAN

Tác giả: Carlyle A. Thayer
Bài đã được xuất bản.: 26/07/2010 00:00 GMT+7 Trên Vietnamnet

Các cuộc họp liên quan đến ASEAN năm nay vừa kết thúc tuần qua tại Hà Nội là sự kết hợp của các công việc thông thường và cả những công việc bất thường. - GS Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Australia viết cho Tuần Việt Nam.

Đó là một tuần bất thường tại Hà Nội. Việt Nam, trên tư cách Chủ tịch ASEAN đã chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 43, hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng với 10 nước đối tác, các cuộc gặp riêng rẽ giữa ASEAN và từng nước đối tác đối thoại, Hội nghị Hội đồng An ninh - Chính trị ASEAN lần 4, Hội nghị ASEAN + 3 cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hội nghị cấp Bộ trưởng của Diễn đàn An ninh khu vực lần thứ 17 (bao gồm các phiên họp kín và toàn thể) và một loạt các hoạt động quan trọng khác.

Các cuộc họp liên quan đến ASEAN năm nay là sự kết hợp của các công việc thông thường và cả những công việc bất thường.

Bất thường Biển Đông

Trong suốt 8 năm cầm quyền của chính quyền Bush, Trung Quốc đã chủ yếu xâm nhập vào Đông Nam Á thông qua khái niệm mới về an ninh. Trung Quốc tìm cách xoa dịu những lo ngại về "mối đe dọa Trung Quốc" và khá thành công trong mục tiêu này. Trung Quốc đã trở thành đối tác chiến lược của ASEAN.

Trung Quốc và ASEAN đã đàm phán một Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông DOC để giảm bớt va chạm về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuyên bố này đã chứng tỏ là một công cụ yếu khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán, thậm chí chính thức trình lên Ủy ban LHQ về tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực.

Nhưng Trung Quốc đã với quá sức khi tìm cách gây áp lực lên các công ty Mỹ đang hợp tác với Việt Nam để khai thác các nguồn lực trên Biển Đông và gây phiền nhiễu cho các tàu hải quân Mỹ.

Diễn đàn khu vực ASEAN 17 chứng kiến sự can thiệp bất thường của 12 quốc gia, khi họ nêu vấn đề an ninh biển bao gồm cả Biển Đông. Nước đầu tiên phải kể đến chính là Mỹ. Ngoại trưởng Hillary R. Clinton tuyên bố Biển Đông là "lợi ích quốc gia" của Mỹ. Bà tuyên bố sự sẵn sàng của Mỹ trong việc can thiệp ngoại giao và kêu gọi đẩy nhanh quá trình thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã sửng sốt và tuyên bố rằng những lời chỉ trích đối với Trung Quốc đã được Hoa Kỳ dàn dựng.

Hội nghị ARF lần thứ 17 chứng kiến một cuộc chảy ngược dòng. Chính quyền Obama đã hướng mũi nhọn vào Trung Quốc với việc tái can dự vào Đông Nam Á trên cơ sở đa phương. Mỹ đang tìm kiếm vai trò thành viên trong Hội nghị Cấp cao Đông Á và nếu được chấp thuận, có vẻ như Tổng thống Obama sẽ đến dự Cấp cao Đông Á năm tới tại Jakarta.

Hai ví dụ về những bất thường lần này cho thấy nhiệm vụ của Việt Nam trên tư cách Chủ tịch ASEAN sẽ gặp khó khăn hơn trong cuộc gặp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Dự kiến, hội nghị này sẽ diễn ra vào 12/10 tới. Hội nghị ADMM+ sẽ là lí tưởng nếu có thể đưa tất cả Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Nga cùng tới bàn đối thoại.

Trước Hội nghị Bộ trưởng ASEAN 43 và các hội nghị liên quan, Trung Quốc đã lặng lẽ đe dọa sẽ hạ cấp người đại diện của nước này nếu như vấn đề hàng hải, bao gồm Biển Đông được đưa vào chương trình nghị sự. Dưới ánh sáng của ARF 17, Trung Quốc sẽ phải xét lại chỗ đứng của mình. Nếu Trung Quốc phản ứng tiêu cực, nước này sẽ đối mặt với nguy cơ bản thân bị cô lập về mặt ngoại giao. Nói một cách khác, chiếc giày từng được chính quyền Bush xỏ này hiện đang nằm dưới chân Trung Quốc.

Sự bất thường mang tên Bắc Triều Tiên

Sự cạnh tranh và va chạm quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ đã phủ những đám mây xám xịt lên toàn bộ quá trình hội nghị. Quan hệ Trung Quốc vốn đã căng thẳng kể từ khi Trung Quốc hủy tất cả các mối liên hệ quân sự với Mỹ nhằm trả đũa quyết định của Chính quyền Obama tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Gần đây nhất, Trung Quốc và Mỹ đã có tranh cãi ngoại giao về việc quy trách nhiệm đối với vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc. Một nhóm các chuyên gia quốc tế đã tiến hành điều tra và đưa ra kết luận CHDCND Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho vụ chìm tàu. Trung Quốc không đồng tình với kết luận này.
Trung Quốc không thực sự tranh chấp về thực tế vụ việc mà nước này phản ứng với kết quả tính toán sai của CHDCND Triều Tiên. Vụ chìm tàu Cheonan làm giảm sự khác biệt giữa Seoul và Washington trong việc đối phó với Bình Nhưỡng. Hành động của CHDCND Triều Tiên đưa Hàn Quốc và Mỹ đến gần nhau hơn và củng cố liên minh giữa họ.

Hệ quả của việc này là việc Mỹ và Hàn Quốc quyết định tiến hành đồng thời các cuộc diễn tập hải quân ở biển Nhật Bản ngoài khơi bờ biển phía đông của Triều Tiên và trong biển Hoàng Hải nằm ngoài khơi bờ biển phía tây của Triều Tiên. Những cuộc diễn tập hải quân này là màn trình diễn sức mạnh quân sự lớn của Mỹ ngay trước ngưỡng cửa của Trung Quốc. Trung Quốc tức giận và lên án việc tập trận chung này.

Sự va chạm quyền lực giữa các nước lớn đối với vấn đề Bắc Triều Tiên xâm nhập vào trong tất cả các cuộc họp cấp Bộ trưởng của ASEAN và các hội nghị liên quan. Phản ứng của ASEAN khá lãnh đạm. ASEAN tìm nơi trú ẩn dưới ô Nghị quyết của HĐBA Liên hiệp quốc về việc lên án vụ chìm tàu Cheonan nhưng không truy trách nhiệm cho bên nào.

Tất cả những gì mà các Bộ trưởng ASEAN có thể làm là đưa ra lời chia buồn với Hàn Quốc về cái chết của 46 thủy thủ và kêu gọi tất cả các bên kìm chế và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.

Vị thế của ASEAN ngay lập tức bị suy giảm khi CHDCND Triều Tiên đe dọa sử dụng hành động quân sự đáp trả lại việc tập trận chung.
Vấn đề nêu lên do vụ chìm tàu Cheonan chứng minh các giới hạn thực sự của "phương cách ASEAN" trong việc duy trì "hòa bình, hợp tác và phát triển" ở khu vực. Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng đòi hỏi việc răn đe quân sự đối với lời đe dọa sử dụng vũ lực của Bình Nhưỡng.

Chỉ mạng lưới các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á có thể đưa ra sự răn đe đối với các hành động mang tính khiêu khích của CHDCND Triều Tiên. Lời chia buồn của ASEAN không đủ để duy trì hòa bình.

Và thông thường

Các hội nghị Bộ trưởng ASEAN là một sự kiện được lên kế hoạch kĩ lưỡng. Chương trình nghị sự đã được đưa ra rất tốt và quá trình thảo luận suôn sẻ. Năm nay không phải là ngoại lệ và Việt Nam đáng được ghi nhận vì điều đó.

Các Bộ trưởng ASEAN đã kín đáo chỉ trích Myanmar. Tổng thư kí ASEAN nói rằng họ đã khiến Bộ trưởng Myanmar phải nhận "đầy tai" những chỉ trích trong buổi tiệc tối không chính thức trước AMM.

Myanmar đã thông báo sơ bộ cho Hội nghị về kế hoạch bầu cử. Đổi lại, các Bộ trưởng ASEAN công khai kêu gọi một cuộc bầu cử tự do và công bằng, sự hòa hợp dân tộc và sự tham gia của tất cả các đảng phái vào tiến trình bầu cử ở Myanmar. Không có điểm gì mới trong tuyên bố này.
Việt Nam, trên tư cách Chủ tịch ASEAN, có thể tự hào vì đã dẫn dắt ASEAN thông qua một loạt văn kiện nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

ARF cũng đạt được bước tiến khi thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội để triển khai Tuyên bố Tầm nhìn ARF và thông qua danh sách 17 biện pháp hợp tác an ninh. ARF đã thông qua ba kế hoạch: cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, và an ninh hàng hải.

Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông mà Việt Nam theo đuổi được xác định như một mục tiêu trong tương lai.

Các Bộ trưởng ASEAN đã tranh cãi về việc ASEAN cần đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề an ninh khu vực. Nhưng sự bất lực của họ trong việc đưa ra một phản ứng cứng rắn đối với vấn đề ở Triều Tiên cho thấy sự yếu kém của ASEAN trong việc xử lý hiệu quả các vấn đề an ninh bên ngoài Đông Nam Á.

ARF thiếu một cơ quan điều hành và chỉ hoạt động trên tư cách một diễn đàn để đối thoại. Nhưng sự can thiệp của các nước lớn trong vấn đề Biển Đông có thể khiến Cấp cao Đông Á nổi lên như một cấu trúc an ninh trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN có thể là trung tâm của Cấp cao Đông Á nhưng trong tương lai, khối này phải hợp tác cùng các đối tác đối thoại để đưa ra kết quả thực tế nhằm hạn chế các quốc gia trong khu vực sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét