Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Nghĩ về nền giáo dục đào tạo của Việt Nam

Nghĩ về nền giáo dục đào tạo của Việt Nam
Lao Động Cuối tuần số 24 Ngày 14/06/2009 Cập nhật: Chủ Nhật, 14/06/2009 - 3:31 AM

Phải đào tạo cho được các thế hệ người lao động có ba yếu tố: kỹ năng tri thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng văn hoá doanh nghiệp.
(LĐCT) - Ước mong của người viết là nhắn gửi một thông điệp đến các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục Việt Nam kể cả những ai quan tâm đến tiền đồ giáo dục của đất nước rằng, muốn đạt được mục tiêu cao nhất trong giáo dục đào tạo, chúng ta phải đào tạo cho được các thế hệ người lao động có ba yếu tố.
Đó là kỹ năng tri thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng văn hoá doanh nghiệp nhào quyện trong người đi học phải được đào tạo trước khi họ rời khỏi ghế nhà trường.

Trước hết, bất cứ người lao động ở nước nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. Thế mạnh của lao động người Việt ở nước ngoài được thừa nhận là thân thiện, nhanh nhẹn, chịu khó, cần cù, ít tranh cãi với chủ lao động, có khuynh hướng không muốn thay đổi chỗ làm thường xuyên.

So với người lao động đến từ các nước khác, người lao động Việt Nam thường bộc lộ những yếu kém như thiếu kỷ luật trong lao động, thiếu tự giác, ít sáng kiến, ít nghĩ đến lợi ích chung của cơ quan, ít trật tự ngăn nắp trên công trường, ít để ý đến các bản hướng dẫn kỹ thuật mang tính nguyên tắc, chưa quan tâm đúng mức đối với an toàn lao động, chưa quen với tác phong công nghiệp, ít thích hội nhập với các cộng đồng chung quanh và người bản xứ. Nói chung, người Việt đi lao động ở nước ngoài chưa xây dựng được một thương hiệu lao động nổi bật đáng được giới sử dụng lao động quý trọng.

Tại sao người lao động của chúng ta chưa được đánh giá cao? Tìm hiểu cho cặn kẽ, chúng ta sẽ thấy rằng chương trình giáo dục đào tạo của Việt Nam chỉ mới trang bị cho học viên một phần kỹ năng lao động mà chưa trang bị cho người đi học các kỹ năng lao động cần thiết (employability skills).

Kỹ năng lao động cần thiết gồm có ba yếu tố bện chặt vào nhau. Đó là kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp gọi chung là kỹ năng nghề nghiệp (professional skills) hay kỹ năng cứng (hard skills) và kỹ năng văn hoá doanh nghiệp (industrial culture skills) hay kỹ năng mềm (soft skills).

Mỗi loại nghề nghiệp có một mã số riêng và có một loại kỹ năng cứng cụ thể. Còn các kỹ năng văn hoá doanh nghiệp hay kỹ năng mềm thì có thể sử dụng chung cho mọi loại danh mục nghề nghiệp. Nhiều tổ chức lao động trên thế giới cho biết muốn nắm vững các kỹ năng văn hoá doanh nghiệp, người học viên cần phải nắm vững khoảng gần 40 phạm trù kiến thức khác nhau qua mọi hình thức học tập.

Tại Việt Nam, phần lớn chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục đào tạo (gồm các trường trung cấp nghề, trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp nằm trong các trường đại học và các trường đại học cả công lập lẫn tư thục) phần lớn chỉ chú trọng đến riêng lý thuyết, hoặc riêng thực hành, nếu có cả hai thì chỉ qua loa, chưa có chiều sâu, chưa đủ để giúp cho người tốt nghiệp có được sự tự tin khi tham gia lực lượng lao động. Còn các môn học nhằm trang bị cho người đi học nắm được văn hoá doanh nghiệp thì hầu như chưa có.

Thể hiện rõ nhất của sự bất cập này là chương trình học trong một nghề đào tạo hiện nay có hai loại giáo viên: giáo viên lý thuyết và giáo viên thực hành. Ở bậc đại học giáo viên đứng lớp là những vị có bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà chưa hề có kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp.

Kinh nghiệm tuyển dụng giáo viên tại các trường đại học trong các nước phát triển khác hẵn với tập quán tuyển chọn giáo viên của Việt Nam. Kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp, khả năng nghiên cứu, có các tác phẩm đã được in ấn và có các kỹ năng văn hoá doanh nghiệp sẽ là những tiêu chí để được tuyển chọn. Các trường đại học thường tuyển giáo viên qua các công ty tuyển dụng nhân sự, qua các tạp chí chuyên ngành, tuyển quốc tế.

Quan niệm về học tập và nghề nghiệp của người dân tại các nước công nghiệp phát triển phương Tây cũng khác Việt Nam. Lúc đến 18 tuổi, thanh niên trở thành người tự lập. Đa số họ không muốn nhờ vào bố mẹ. Họ có nhiều sự lựa chọn. Họ có thể vừa đi học vừa đi làm. Họ có thể đi du lịch vài năm và đến đâu kiếm việc làm bán thời gian đến đó, hoặc kiếm một việc làm toàn thời gian rồi hai ba năm sau trở lại đi học. Họ có thể vay tiền nhà nước hoặc bố mẹ (nếu bố mẹ có tiền) để đi học rồi khi ra trường trả lại dần.

Sau khi có văn bằng cử nhân hay kỹ sư, họ kiếm việc làm tốt hơn trong các doanh nghiệp (những người năng động và tự tin thường kiếm việc làm trong các doanh nghiệp tư). Năm bảy năm sau khi đời sống đã ổn định, để theo đuổi một mục tiêu nào đó, họ tiếp tục đi học bán thời gian để có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ.

Với văn bằng này họ có thể nộp đơn xin làm việc trong các chức vụ quản lý (tất nhiên là họ phải qua các vòng phỏng vấn rất nghiêm ngặt), hoặc nộp đơn xin làm giáo viên trong các trường đại học bất cứ đâu trên thế giới họ muốn nếu được tuyển chọn và từ đó dần dần họ trở thành giáo sư, nhà nghiên cứu, vừa đi dạy vừa viết sách, in ấn các công trình nghiên cứu của mình. Như vậy ít có ai học xong bậc phổ thông có thể học một mạch lên thạc sĩ, tiến sĩ, trừ một số rất ít thanh niên cực kỳ xuất sắc có học bổng.

Tập quán học tập và làm việc trên đây cũng không phải là mẫu mực. Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử mấy nghìn năm đã nuôi dưỡng những giá trị và tập quán văn hoá riêng của mình.

Dấu ấn của nền văn hoá dựa trên nông nghiệp ấy ngày nay vẫn còn, đậm nhạt tuỳ mỗi địa phương, mỗi vùng. Vấn đề mấu chốt ở đây là các nhà giáo dục và các nhà tư tưởng Việt Nam ngày nay phải thẩm định lại những chuẩn mực văn hoá ấy để tìm ra cho được một mô hình giáo dục đào tạo có chất lượng cao mang tính thực học và thực làm.

Công việc không phải dễ dàng! Nhưng có một điều chắc chắn rằng một đất nước không thể công nghiệp hoá và hiện đại hoá bằng một nền giáo dục trọng bằng cấp như trước đây và bị thương mại hoá một cách cuồng nhiệt như những năm gần đây.

Chỉ chừng nào chúng ta có một nền giáo dục thực học, thực làm, tức là một nền giáo dục có kỹ năng tri thức và kỹ năng thực hành hoà trộn nhuần nhuyễn với kỹ năng văn hoá doanh nghiệp, đất nước chúng ta lúc ấy mới thực sự tiến bộ và người Việt lao động ở nước ngoài mới xây dựng được thương hiệu "Lao động Việt Nam" trên thế giới.

GS Nguyễn Xuân Thu (Australia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét